Marko Nikolic, 32 tuổi là một thanh niên Pháp gốc Serbia, một quốc gia từng trực thuộc Nam Tư cộng sản. Sang Việt Nam làm việc từ năm 2014 và rồi dạy Anh ngữ, Marko đã học và sử dụng thành thạo tiếng Việt. Anh vừa phát hành cuốn tiểu thuyết Phố Nhà Thờ được viết bằng tiếng Việt. Nhận trả lời phỏng vấn của chuyên mục qua e-mail, Marko đã gởi bản hỏi-đáp được chuẩn bị bằng tiếng Việt thay cho các câu hỏi tương tự hay riêng biệt. Mời các bạn cùng đọc vài trả lời của chàng Tây viết tiếng Việt này.

ĐYT: Chào Marko! Marko có thể giới thiệu đôi nét về mình được không?

Marko Nikolic (MN): – Marko sinh năm 1987 tại Serbia, có quốc tịch Pháp, đã tốt nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy từ Ðại học Belgrade, Serbia và Ðại học Latvia, biết sử dụng bốn ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Việt. Marko đã đặt chân đến khoảng 70 nước trên thế giới. Marko đến và dạy tiếng Anh ở Việt Nam từ năm 2014, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Marko viết sách từ năm 14 tuổi và đã từng ra mắt hai cuốn sách tại Châu Âu. Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ là cuốn sách thứ ba, được viết bằng tiếng Việt.

ĐYT: Điều gì đã đưa Marko đến với văn chương?

MN: – Ðây là một khao khát, một nhu cầu tinh thần không cưỡng lại được. Có lẽ tôi viết vì cảm thấy mình chưa trọn vẹn, mình có một vết thương gì đó trong lòng, và viết lách là cách để xoa dịu nỗi đau, để hàn gắn vết thương đó. Có lẽ tôi viết để mở lòng với thế giới bên ngoài, để chia sẻ những gì nằm trong thâm tâm, những gì tôi chưa dám hoặc chưa biết cách để nói ra. Về bản chất, tôi là một người hướng nội và kín đáo, tôi gặp khó khăn trong việc chia sẻ với thế giới bên ngoài. Chính vì thế mà tôi bắt đầu viết văn tại thời trung học khi cảm thấy mình rất cô đơn, rất cô lập. Viết lách trở nên một cách để tâm sự với độc giả không tên thường biết thông cảm với tác giả. Có lẽ tôi viết vì tôi suy nghĩ nhiều. Và tôi suy nghĩ nhiều vì luôn cố gắng tìm ra ý nghĩa, hiểu ra cuộc sống này. Vai trò của tác giả không chỉ là đặt ra cho độc giả những câu hỏi sâu sắc về cuộc sống mà còn đề nghị hay ám chỉ những giải pháp. Tôi cố gắng tìm ra mục đích trong đời này. Không có mục đích, cuộc sống ta vô nghĩa và vô vọng, chúng ta chỉ tồn tại để ăn uống, đi làm, ngủ và chờ đợi cái chết. Cái mục đích trong đời sống mang cho ta ý nghĩa và sức lực, truyền cho ta cảm hứng và năng lượng. Ðộng lực chính của tất cả mà tôi từng viết trong suốt mười lăm năm qua, thông điệp và ý nghĩa lớn nhất của mọi truyện, cuốn sách mà tôi từng viết là tìm ra mục đích đó. Và theo tôi, mục đích cuộc sống là – phấn đấu. Phấn đấu cho đến cuối cuộc đời, không bao giờ bỏ cuộc, dù hoàn cảnh của ta như thế nào đi nữa. Ý nghĩa của từ ”phấn đấu” có thể thay đổi theo người phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và các khó khăn của từng người: có lẽ bạn phải đấu tranh với các khó khăn tài chính hay với các vấn đề trong gia đình, xã hội, hay với khuyết điểm của chính mình. Ai cũng gặp khó khăn, ai cũng phải đấu tranh. Và đấu tranh với chính mình có lẽ là trận khó khăn, xứng đáng, quan trọng nhất. Có rất nhiều vấn đề trong đời xuất phát từ chính ta, do lỗi sai của ta trong cách suy nghĩ, cách cư xử với người khác, cách đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, do các khuyết điểm trong tính cách mà chúng ta không đủ sức và lòng can đảm để xử lý. Ðấu tranh không phải là thay đổi thế giới mà thay đổi chính mình. Chúng ta thường không thể thay đổi hoàn cảnh sống, chúng ta không có khả năng chọn gia đình, quê hương của mình, thậm chí không thể chọn gen di truyền và thể chất khi ra đời, tuy nhiên chúng ta có khả năng tạo ra chí khí, uốn nắn tính nết, sửa chữa các khuyết điểm trong cách suy nghĩ và hành vi hằng ngày…

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

ĐYT: – Tại sao Marko quyết định học tiếng Việt?

MN: – Từ trước đến nay tôi rất tò mò về ngoại ngữ và đã từng học hơn mười ngôn ngữ. Một ngôn ngữ mở ra nhiều cánh cửa cho ta như thể mỗi ngôn ngữ chứa đựng một thực tế riêng. Khi tôi nói chuyện hay đọc sách bằng tiếng Việt, cảm giác mà tôi có khác hẳn khi tôi nói chuyện hay đọc sách bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Việc học tiếng Việt mang lại cho tôi một trải nghiệm chưa từng có. Khi học một ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, tôi đồng thời thích thú bước vào một thực tại mới, khám phá cách suy nghĩ và cách nhìn mới mẻ. Biết ngôn ngữ giúp tôi tìm hiểu sâu sắc hơn về đất nước này, hiểu biết văn hoá, phong tục, tính cách dân tộc. Và càng thấu hiểu đất nước này, tôi càng có thể đồng cảm, gắn bó với nó. Học một ngôn ngữ khó như tiếng Việt đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực, thời gian. Tuy nhiên, tôi có thể nói chắc rằng kết quả rất xứng đáng. Biết được tiếng Việt mang cho tôi rất nhiều thứ tốt đẹp, nó giúp tôi yêu Việt Nam một cách sâu đậm hơn. Bây giờ tôi có thể giao tiếp với người dân bằng tiếng của họ, tôi có thể xem tivi, đọc sách báo, theo dõi các diễn biến trong nước, kể cả hiểu khi hai người trên phố nói chuyện phiếm về “ông Tây” (là tôi). Và thêm vào đó, việc biết tiếng Việt giúp tôi rất nhiều trong công việc, khi dạy tiếng  Anh ở Việt Nam vì bây giờ tôi hiểu rõ hơn về các sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và về các khó khăn mà học sinh Việt thường gặp khi học tiếng Anh.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

ĐYT: – Phố Nhà Thờ ra đời từ điều gì?

MN: – Tôi quyết định viết Phố Nhà Thờ vì hai lý do và có hai nguồn cảm hứng. Thứ nhất, tôi muốn viết và kể sự thật về cuộc sống của người nước ngoài tại thủ đô Hà Nội. Tôi miêu tả cộng đồng người phương Tây một cách trung thực và thực tế, chia sẻ những gì người Việt chưa biết hay nghĩ sai về chúng tôi. Ðộc giả Việt có thể khám phá thế giới ”khuất” của người Tây và hiểu rõ hơn góc nhìn của chúng tôi về đất nước này. Trên thực tế chúng tôi như thế nào? Chúng tôi thích gì và ghét gì ở Việt Nam? Chúng tôi cư xử như thế nào? Tôi luôn kể sự thật và không ngại chỉ trích hành vi của người nước ngoài nếu nó không đúng đắn, không tốt đẹp. Thứ hai, tôi quyết định viết Phố Nhà Thờ để chia sẻ cảm xúc và nội tâm của mình với độc giả. Tôi muốn chia sẻ những cảm tưởng sâu thẳm của mình, những nỗi sợ hãi và phấn đấu, chia sẻ tất cả nằm sâu trong lòng tôi mà tôi ít khi dám nói thành lời. Tôi không giấu giếm gì khi viết về những thử thách, về tình yêu, về lòng ích kỷ… Tôi viết vì muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất trong đời sống, vì muốn hiểu tại sao chúng ta thất bại, tại sao chúng ta chưa hạnh phúc, trọn vẹn… Tôi viết để tìm ra những giải pháp và chia sẻ chúng với độc giả. Tôi tin rằng chúng ta rất giống nhau, và các thử thách mà ta gặp trong đời không khác nhau bất luận ta đến từ đâu, là người nước nào. Rất nhiều vấn đề trong đời xuất phát từ tâm lý và tư duy con người, từ cách chúng ta suy nghĩ và nhận thức thực tế. Tôi viết để tự giúp mình giải đáp các thắc mắc của chính tôi về tâm lý và tư duy. Và qua việc đó, câu chuyện của tôi có thể giúp đỡ nhiều người khác tìm ra các câu trả lời tương tự.

ĐYT: – Marko đã gặp khó khăn gì trong quá trình xuất bản tiểu thuyết tại Việt Nam?

MN: – Quá trình xuất bản cuốn sách này đã dạy tôi một bài học lớn về cuộc sống. Kinh nghiệm này đã dạy cho tôi rằng nhiều khi, một câu chuyện thành công xuất phát từ một thất bại. Và cách chúng ta xử lý thất bại đó là điều cốt yếu. Việc viết một tiểu thuyết bằng ngoại ngữ (mà tôi bắt đầu học chỉ ba bốn năm trước) là một dự án không lồ, một thành tích lớn khiến tôi rất hãnh diện. Viết xong, tôi quyết định liên lạc với một trong những nhà xuất bản tốt nhất và uy tín nhất Việt Nam là Nhã Nam. Tôi gửi bản thảo và chờ câu trả lời của họ trong tâm trạng khá tự tin. Tuy nhiên, tôi đã không biết rằng Nhã Nam khá kén chọn và chủ yếu in sách dịch của tác giả nổi tiếng thế giới và ít khi xuất bản những tác giả trong nước. Thế mà câu trả lời của họ tát thẳng vào mặt tôi và phá hủy hết sự tự tin khi TỪ CHỐI. Bản thảo chưa đủ tốt, nhiều đoạn vẫn sơ sài, thiếu điểm nhấn. Một email dài liệt kê những điểm yếu của Phố Nhà Thờ. Tôi đã buồn nản và thất vọng đến mức mất ngủ mất ăn. Tôi biết rằng ở Việt Nam có hàng trăm nhà xuất bản và thuyết phục một NXB khác in Phố Nhà Thờ sẽ là điều dễ dàng bởi chủ đề của nó hấp dẫn và tác giả là người nước ngoài. Ðiều mà tôi chỉ cần làm là liên lạc với các đối thủ lớn của Nhã Nam. Tuy nhiên, tôi đã không làm thế. Thay vì làm ngơ trước thất bại này, tôi quyết định xử lý, phân tích nó đến tận gốc rễ của vấn đề. Tôi tự đặt cho mình hai câu hỏi: Tại sao tôi đã thất bại? Và làm thế nào để giải quyết những điều đã dẫn đến thất bại? Nói cách khác, tôi quyết định sửa lại bản thảo và cố gắng thuyết phục Nhã Nam một lần nữa. Thứ nhất, tôi thu thập feedback chân thật, tường tận của một vài bạn để xác định các điểm đáng sửa lại. Thứ hai, tôi tranh thủ nghi lễ Tết và trốn thành phố với một bạn thân để tìm sự im lặng của núi non. Tôi dành ba ngày trên núi để suy ngẫm thật kỹ lưỡng, thấu đáo về bản chất của tiểu thuyết, và để tìm ra cách giải quyết các điểm yếu của nó. Thứ ba, tôi dành hơn hai tháng để sửa chữa bản thảo, bỏ ra hai ba tiếng mỗi ngày, hy sinh toàn bộ thời gian rảnh rỗi để cải thiện tiểu thuyết, viết thêm cảm nghĩ, phát triển thêm tâm lý của các nhân vật, sửa lối viết… Tôi thậm chí xoá cả một phần ba của cuốn sách (khoảng một trăm trang) và viết lại từ đầu… Tôi muốn viết một câu chuyện mà người đọc sẽ thích thú và nhớ chính vì câu chuyện đó thú vị và cảm động, chứ không phải vì tác giả là người nước ngoài. Và ước mơ đó dành cho tôi động lực và tạo sức mạnh để hoàn thành công việc này. Ba tháng sau, tôi gửi lại bản thảo cho Nhã Nam, và họ hoan nghênh nó, công bố tiểu thuyết Phố Nhà Thờ đã đủ chất lượng và đã được các biên tập viên của Nhã Nam chấp nhận. Và tôi đã ký được hợp đồng.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

ĐYT: – Chúc mừng và cảm ơn Marko đã cung cấp các câu trả lời.

ĐYT th