Hồi tuần trước, người thưởng ngoạn lại một lần nữa chia tay cùng một tài danh của tân nhạc Việt Nam, ca sĩ Lệ Thu đã qua đời tại Nam California, hưởng thọ 78 tuổi.

Nguồn nguoiviet    

Tin bà vào bịnh viện vài tuần trước trong tình trạng nguy cấp vì bị nhiễm Covid đã làm người mến mộ bà quan tâm và cầu nguyện nhưng rồi mọi chuyện đã xảy ra bất ngờ. Nếu xem bà xuất hiện trong thời gian gần đây, sự trẻ trung và khỏe mạnh so với độ tuổi thì có lẽ bà sẽ còn rất nhiều lần gặp gỡ khán giả.

Cuối thập niên 50, giọng ca Lệ Thu đã chinh phục được khán giả nhiều thế hệ. Cùng với danh ca Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly được xem là những giọng ca hàng đầu, đầy riêng biệt và xuất sắc nhất trong nền tân nhạc Việt Nam.

Là thế hệ đàn chị, lớn hơn Lệ Thu và Khánh Ly trên dưới 10 tuổi, nếu giọng hát điêu luyện được mệnh danh “vượt thời gian” của Thái Thanh thánh thót, cao vút và kén chọn người nghe thì giọng ca của Lệ Thu và Khánh Ly đều là giọng nữ trung trầm, sâu lắng và gần gũi hơn với người thưởng ngoạn. Nên mỗi ca sĩ đã định hình với một phong cách riêng, dù Lệ Thu và Khánh Ly ít nhiều đi chung giòng nhạc.

Trong cuốn băng “Như Cánh Vạc Bay” do trung tâm Làng Văn phát hành tại hải ngoại khá lâu, có một sự kết hợp đặc biệt và hiếm hoi của hai giọng ca “Song Lệ” – Lệ Thu và Lệ Mai, tên thật của ca sĩ Khánh Ly. Nó đặc biệt hơn khi do chính nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm để đưa hai giọng ca tuyệt đỉnh này thể hiện tài tình những bản nhạc bất hủ như Tiếng Sáo Thiên Thai, Giọt Mưa Trên Lá, Hoa Rụng Ven Sông, Như Cánh Vạc Bay…

Nguồn blogradio

Ðiều đáng nhắc về ba danh ca hàng đầu này là khi xuất hiện trên sân khấu, hầu như khán giả chỉ bắt gặp họ trong tà áo dài Việt Nam và chinh phục khán giả bằng chính giọng ca của mình. Không có những diễn tả kịch nghệ, không có những động tác thừa thãi, không có những gắng gượng nức nở. Chỉ giọng hát điêu luyện và phong cách điềm tĩnh, quý phái của mình. Hát như hơi thở tự nhiên, như từ trong tâm hồn mình tuôn ra. Ðể xứng danh là những giọng hát hàng đầu, không chỉ về thanh nhạc mà cả phong cách trình diễn. Ðó là điều nếu nhắc riêng về Lệ Thu.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Sinh năm 1943 tại Hải Phòng, cái tên thật Bùi Thị Oanh của bà đã trở thành Lệ Thu khi bước vào con đường nghệ thuật, mà theo bà là để giấu gia đình không muốn bà bước vào đường ca hát.

Trong âm nhạc Việt Nam có những sự kết hợp đặc biệt, khi một số ca sĩ gắn liền với một nhạc sĩ hay bản nhạc nào đó. Nhắc đến người nhạc sĩ hay bản nhạc là nhắc đến ca sĩ và ngược lại. Như Thái Thanh với Phạm Duy, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, Sơn Ca, Họa Mi cùng Hoàng Thi Thơ, Lê Uyên trong Lê Uyên Phương… Còn các ca sĩ khác thì hầu hết cũng định hình danh tiếng và gắn vào một hay đôi bản nhạc nào đó. Như Chế Linh với Thành Phố Buồn của Lam Phương, Phương Dung với Nỗi Buồn Gác Trọ của Hoài Linh-Mạnh Phát hay Elvis Phương với Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang của Ngọc Chánh-Phạm Duy… Có thể kể thêm nhiều tên tuổi và bản nhạc như vậy.

Chỉ có danh ca Lệ Thu là một trong những ngoại lệ hiếm hoi. Ðầy ưu ái. Bởi nhắc đến Nước Mắt Mùa Thu hay Mùa Thu Chết của Phạm Duy là nhắc đến bà. Nhắc đến Hoài Cảm của Cung Tiến không thể quên bà. Nhắc đến Thu Hát Cho Người của Vũ Ðức Sao Biển thì còn ai khác bà. Nhắc đến Lệ Ðá của Trần Trịnh-Hà Huyền Chi cũng là tên bà. Ca sĩ Lệ Thu.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Không những vậy, Lệ Thu còn trình bày thành công những bản nhạc được ca sĩ khác “cầu chứng” tên mình vào bản nhạc. Như Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn, như “Dạ Khúc cho tình nhân” của Lê Uyên Phương, như “Bài Không Tên số Bảy” của Vũ Thành An, như “Dạ Khúc – Serenade” của Phạm Duy chuyển lời. Giọng ca riêng biệt của bà đã cho chúng một cái hồn, một hơi thở khác thường để gắn tên mình thêm vào những bản nhạc này.

Khánh Ly và Lệ Thu – nguồn youtube

Nhưng chắc chắn, và không phải cuối cùng, phải kể đến tình khúc “Xin Còn gọi tên nhau” cùng những ca khúc khác của nhạc sĩ Trường Sa. Ðiều mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng nhận xét rằng, tiếng hát của Lệ Thu vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn đã giúp cho tên tuổi cùng những bản nhạc của nhạc sĩ Trường Sa bay cao theo tiếng hát của bà. Bởi không ai khác hơn, bà là ca sĩ đã trình bày trọn vẹn các tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa.

Ðó là một điều hiếm hoi ngược, vì hầu hết các ca sĩ thành danh từ một bài hát nào đó của những nhạc sĩ hơn là giúp họ được nổi tiếng. Nhưng cũng không ngạc nhiên vì theo như Lệ Thu từng kể trên Thúy Nga Paris, không ít nhạc sĩ mới ra nghề hay thành danh muốn mời bà ca nhạc phẩm của mình.

Không dễ có mấy ca sĩ được như ca sĩ Lệ Thu. Họ thành danh, nổi tiếng, ca nhiều bài hát, một hay nhiều thể loại của nhiều nhạc sĩ, “may mắn” thì cũng có được một hay đôi  bài hát “iconic” mang tính biểu tượng. Còn với Lệ Thu,  bà đã có khá nhiều bài hát “iconic”, nhiều hơn những bài đã kể trên.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Dăm người trong nghề thường khiêm cung bảo là “tổ đãi” khi cảm tạ sự thành công của mình. Người thưởng ngoạn xem đó là tài năng, là sự cống hiến cho nghệ thuật. Ðể cảm ơn những người như bà, đem tiếng hát dâng tặng cho đời, cho người. Bởi nghệ thuật, hay âm nhạc nói riêng là điều cần thiết vô bờ cho tâm hồn mỗi người, nhắc nhở chúng ta rằng, ai cũng có một góc nhỏ để lưu giữ những hoài niệm về dăm câu thơ, tản văn hay những bản nhạc đặc biệt đã ở lại cùng mình theo năm tháng. Ðể lưu giữ những bản nhạc, giọng hát như Lệ Thu.

Ba giọng ca vàng một thời: Khánh Ly, Lệ Thu và Thái Thanh

Không chỉ những người thế hệ đồng thời tiếc nuối giọng ca của bà, những thế hệ đi sau, trẻ hay không còn trẻ như tôi vẫn yêu quý vô cùng giọng ca ấy. Bởi như lời họa sĩ Ðinh Trường Chinh, thứ nam của họa sĩ Ðinh Cường viết rằng,  tiếng hát của bà là tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng và hơi thở của nhiều thế hệ.

Như những bản nhạc của các nhạc sĩ tài hoa trong nền âm nhạc Việt Nam, như những tiếng hát chuyên chở tâm tình thế hệ như ca sĩ Lệ Thu, họ không thể mất đi theo cái mất của thể phách, của vật thể.  Nên tôi tin rằng, nó sẽ còn đó trong rất nhiều năm nữa.

“Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng

Chiều đong đưa những bước chân đau mòn

Chợt nghe mùa Thu bay trên trời không

Còn ai giữa mênh mông đời mình…”

(Xin còn gọi tên nhau -Trường Sa)

Chiều Ðông nhìn ra phố vắng với hàng cây trụi lá, nghe lại dăm bài hát cũ của bà mà lòng bâng khuâng. Và đó cũng chính là tiếng hát bâng khuâng không bi lụy mà chỉ man mác, hoài cảm của Lệ Thu. Ðã đến, đã đi và để lại. Cho bạn, cho tôi và cho chúng ta.

Dallas, TX

ĐYT