Cả tháng qua, những cuộc xuống đường tại Iran đã thu hút sự chú ý và lên tiếng của cả thế giới. Phong trào này được xem là một trong những phong trào phản kháng mạnh mẽ nhất của người dân quốc gia này, phần lớn từ giới trẻ, trong hàng chục năm qua. Những thanh niên, sinh viên học sinh Iran bảo rằng họ không biểu tình mà họ đang tham gia vào một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng về điều gì?

Một tấm poster được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. (Ảnh: Twitter / @@ SharOBalaa)    

Ấp ủ những ngọn lửa phản kháng, các phong trào xuống đường tại nhiều quốc gia trên thế giới thường bị châm ngòi bởi một sự việc nào đó. Với Iran là cái chết của một thiếu nữ 22 tuổi trong đồn cảnh sát.

Hồi giữa tháng Chín, Mahsa Amini, một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp và được bạn bè, người thân xem là rất hiền lành, đã cùng anh trai mình lên thủ đô Tehran của Iran từ một thị trấn nhỏ vùng núi Kurdistan. Mahsa bị nhóm cảnh sát chuyên về việc giám sát cách trang phục theo luật Hồi Giáo của Iran chặn lại vì mang khăn choàng đầu hijab sái cách.

Những nhân chứng kể rằng cô đã bị nhóm cảnh sát này đánh đập, đưa lên xe chở đi trong sự khẩn cầu và tuyệt vọng của cô và anh trai. Và rồi ba ngày sau, tin từ cảnh sát đưa ra là Mahsa đã bị đột tử vì bị “nhồi máu cơ tim”. Một thiếu nữ 22 tuổi, trẻ trung và khoẻ mạnh không thể chết dễ dàng như vậy, gia đình đòi giấy xét nghiệm tử thi và chứng minh sự đột tử của Mahsa nhưng những kết quả đưa ra không thỏa đáng.

Một thông điệp phổ biến trên twitter- nguồn twitter

Cơn phẫn nộ của người dân Iran xảy ra chỉ vài giờ sau khi tin cô gái qua đời. Bắt đầu từ ngay bịnh viện mà cảnh sát chở cô vào, đến thị trấn cùng các thành phố lân cận khu vực cô ở, rồi lan đến Tehran cùng khắp các thành phố khác của Iran. “Phụ nữ, mạng sống, tự do”, hàng ngàn thanh niên nam nữ, sinh viên các đại học bắt đầu xuống đường phản đối chính sách và cách hành xử khắc nghiệt này.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Nhiều thiếu nữ đã tỏ thái độ phản đối bằng cách lột bỏ hay đốt khăn hijab, cắt tóc mình trong đám đông biểu tình. Phong trào cắt tóc lan ra khắp thế giới hiện nay, có cả những nữ tài tử nổi tiếng, nhất là các nữ ca sĩ, tài tử gốc Hồi Giáo đang sống tại phương Tây cũng đã cùng tham gia cắt tóc mình như sự ủng hộ đến phụ nữ Iran hiện nay.

Trước khi tiếp tục câu chuyện về những cuộc xuống đường của giới trẻ Iran, ắt cũng nên nhắc sơ về hijab. Hijab là gì và tại sao nó quan trọng trong thế giới Hồi Giáo?

Một nữ cảnh sát Iran (trái) cảnh báo một phụ nữ về quần áo và đầu tóc của cô ấy trong cuộc đàn áp nhằm thực thi quy định về trang phục của người Hồi giáo tại Tehran, Iran. [ảnh Majid Saeedi / Getty]

Hijab là chiếc khăn choàng đầu, phủ xuống vai người phụ nữ Hồi Giáo, vẫn thường thấy trong cộng đồng người Hồi Giáo tại các quốc gia phương Tây, không riêng tại quốc gia của họ. Theo diễn giải từ kinh Qur’an của người Hồi Giáo, người đạo Hồi cần ăn vận khiêm cung và khăn hijab mà phụ nữ Hồi Giáo đội nhằm giữ sự khiêm cung và kín đáo trước những người đàn ông xa lạ. Một số quốc gia Hồi giáo còn nghiêm ngặt hơn khi định nghĩa “khiêm cung và kín đáo” là áo choàng che phủ toàn bộ cơ thể, chỉ chừa khuôn mặt và đôi mắt.

Xem thêm:   Ham & hố

Các giáo sĩ Hồi giáo giải thích rằng, hijab nhằm bảo vệ người phụ nữ Hồi giáo trước những cám dỗ nhục thể của đàn ông và của chính họ. Nó bảo vệ những giá trị gia đình và giúp cho xã hội đánh giá người phụ nữ dựa trên tính cách, khả năng của họ hơn là ngoại hình để bào chữa trước sự chỉ trích và nhìn nhận của phương Tây về hijab là một sự vi phạm đến nữ quyền và sự tự do cá nhân.

Những khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử là điều khó tránh khỏi như vậy. Tuy nhiên việc đưa thành luật cưỡng bách quả là điều khó chấp nhận trong xã hội đương thời.

Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Iran lên án cái chết của một phụ nữ trẻ, Mahsa Amini, dưới bàn tay của cảnh sát đạo đức. Người Iran đang đòi tự do và chấm dứt sự đàn áp của chính phủ – nguồn twitter

Ảnh hưởng phần nào từ phương Tây và phong trào nữ quyền phát triển mạnh mẽ hơn tại nhiều quốc gia Hồi Giáo, một số luật lệ Hồi Giáo khắt khe đã bắt đầu được tháo bỏ trong những năm gần đây, dù các trang phục phụ nữ vẫn bị buộc phải “đoan trang và tề chỉnh”. Tuy nhiên Iran và Afghanistan vẫn còn luật buộc các em gái và phụ nữ choàng khăn hijab. Và phải choàng đúng cách. Chính xác việc Mahsa bị bắt bởi vì cô mang khăn choàng đầu hijab còn lộ tóc ra ngoài.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Những người tham gia biểu tình hiện nay phần lớn là phụ nữ và sinh viên học sinh ngoài tuổi đôi mươi. Họ không chỉ biểu tình nhằm phản đối cái chết vô lý của Mahsa Amini mà còn đòi hỏi dẹp bỏ luật buộc mang hijab cưỡng bách, lên án sự tàn bạo của cảnh sát và chính quyền độc tài, tranh đấu cả cho nữ quyền và quyền tự do của người dân nói chung. Giới giáo chức, các giáo sư đại học và trí thức cũng lên tiếng ủng hộ phong trào.

Trong khi nhà cầm quyền Iran khăng khăng cho rằng cái chết của Mahsa chỉ là “tai nạn” và “đáng tiếc”, họ không hề nhân nhượng với người biểu tình. Những cuộc đụng độ giữa hai bên đã làm cả trăm người chết cho đến nay, trong đó có cả vài em gái vị thành niên bị cảnh sát đánh chết, càng đổ dầu vào người biểu tình.

Người Iran tại Tampa, Florida tuần hành ủng hộ phong trào tại Iran Ảnh Đinh Yên Thảo/trẻ

Internet, mạng xã hội bị cắt. Giới ký giả chụp hình, đưa tin bị bắt trong đêm. Hàng ngàn người khác bị bắt, trong đó có cả những công dân nước ngoài đang sống tại Tehran. Giới lãnh đạo Iran tuyên bố cuộc biểu tình của giới trẻ là những cuộc “bạo loạn” và do Do Thái và Mỹ “giật dây” (!?). Luận điệu của những thể chế độc tài xem ra không khác nhau.

Câu chuyện đột tử  trong đồn cảnh sát dường như không xa lạ với những chế độ độc tài, còn lại là phản ứng của người dân trong chế độ đó ra sao. Họ có đủ dũng khí để lên tiếng? Giới trẻ Iran hiện nay đã khác xa với những cuộc cách mạng từng xảy ra tại Iran trước đây. Những khẩu hiệu đó đây được hô to, “Kẻ thù ngay tại nơi đây, ngay chính trên đất nước này”. Nó không phải “Satan” mà nhà cầm quyền ám chỉ hay đổ lỗi trực tiếp cho Mỹ và Do Thái.

Không điều gì khác hơn, chính nhà cầm quyền đã châm ngòi cho phong trào xuống đường của người dân Iran. Và cái chết của Mahsa Amini không chỉ như một mồi lửa, mà chính sự khao khát sự tự do và nhân phẩm của phụ nữ, của giới trẻ và của người dân Iran đã là nguyên nhân chính cho cuộc cách mạng hiện nay tại Iran.

Cuộc cách mạng hijab, lột bỏ những giáo điều cổ hủ đã đè nặng lên người phụ nữ Hồi Giáo từ hàng ngàn năm qua.

ĐYT