30 năm trước, đêm ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Bá Linh (Berlin Wall) chia cách ý thức hệ giữa Tây và Đông Đức cộng sản đã sụp đổ sau 38 năm, ghi dấu một cột mốc lịch sử của nước Đức thống nhất. 30 năm trôi qua, trong khi vẫn còn một sự chia cắt vô hình giữa người dân của hai bờ Đông-Tây, người dân hậu Đông Đức cộng sản xem ra đã có đời sống tốt đẹp hơn. Chuyên mục xin tổng lược câu chuyện lịch sử cùng hiện trạng nước Đức nhân 50 năm ngày sụp đổ bức tường Bá Linh hồi tuần qua.

Bức tường Berlin bị phá hủy gần Quảng trường Potsdamer, ngày 11/11/1989. (AFP: Gerard Malie)    

Mùa Xuân năm 1945, vài tháng trước khi Ðệ Nhị Thế Chiến kết thúc, Hồng Quân Liên Xô đã tiến về Ðông Bá Linh trong khi mũi tiến công của phe đồng minh bọc sườn hướng Tây. Hitler nổ súng tự tử khi nhận thấy ngày tàn đã đến, để lại cho Ðô Ðốc Karl Donitz, người thay quyền Hitler ban lịnh đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt một nước Ðức Nazi với chủ nghĩa quốc xã vào tháng Năm năm 1945.

Hội nghị Potsdam theo sau hội nghị Yalta trước đó giữa phe đồng minh  và Liên Xô đã quyết định chia vùng lãnh thổ Ðức thành bốn khu vực, kể cả Bá Linh. Họ chia nước Ðức bại trận thành bốn vùng cai quản giữa phe chiến thắng. Phần phía đông của nước Ðức thuộc về quyền kiểm soát của Liên Xô, trong khi phần phía Tây thuộc về Mỹ, Anh và Pháp bắt đầu từ tháng 6 năm 1945, sau khi Ðức đầu hàng. Trật tự lưỡng cực Yalta đã hình thành nên hai hệ thống xã hội đối lập, phe Chủ Nghĩa Tư Bản của phương Tây và phe Chủ Nghĩa Xã Hội do Liên Xô đứng đầu, cũng như phân chia nước Ðức hậu chiến thành Cộng Hòa Liên Bang Ðức, tức Tây Ðức và Cộng Hòa Dân Chủ Ðức, tức Ðông Ðức cộng sản nói riêng.

Bản đồ nước Đức sau Thế Chiến Thứ 2 – nguồn rohatynjewishheritage.org

Từ đồng minh trong chiến tranh, sự bất đồng trong việc tái thiết lập trật tự thế giới cùng cuộc chiến ý thức hệ giữa hai phe quốc-cộng thế giới ngày càng sâu đậm hơn. Cuộc phong tỏa Bá Linh (Berlin Blockade) vào năm 1948 do Liên Xô thực hiện là cuộc khủng hoảng thế giới đầu tiên và chính yếu trong giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô. Ðể phản ứng việc Hoa Kỳ và đồng minh thực hiện việc cải cách tiền tệ tại Tây Ðức và Tây Bá Linh trong vùng chiếm đóng theo sau các cuộc đổi tiền của hai bên, Liên Xô đã phong tỏa đường bộ và đường thủy vào Tây Bá Linh, buộc phe đồng minh phải thiết lập cầu không vận để cung cấp thực phẩm, thuốc men, hàng thiết yếu… kéo dài gần một năm trời, với hơn hai trăm ngàn phi vụ vào Tây Bá Linh cho đến khi Liên Xô buộc bỏ lịnh phong tỏa vào tháng Năm 1949.

Kể từ sau cuộc phong toả, làn sóng người di cư và vượt biên từ Ðông Ðức sang Tây Ðức vẫn liên tục gia tăng, đặc biệt giới trí thức và chuyên gia. Năm 1961, Ðông Ðức đã quyết định đóng đường biên giới vĩnh viễn để ngăn chận làn sóng di tản. Bức tường Bá Linh mà người dân Tây Ðức gọi là “Bức Tường Ô Nhục” ra đời, khởi đầu là những hàng rào kẽm gai rồi xây thành tường bê-tông chính thức chia đôi Bá Linh. Theo thời gian, bức tường được xây cao và được kiểm soát nghiêm phòng hơn để khó lòng thực hiện việc leo tường vượt biên giới, dù vẫn có những vụ vượt biên và tử nạn xảy ra trong thời gian nó tồn tại.

Xây dựng bức tường Bá Linh – nguồn wikimedia common

Bức tường Bá Linh tồn tại đến năm 1989, một năm quan trọng trong lịch sử thế giới khi làn sóng dân chủ với hiệu ứng domino đã làm sụp đổ thành trì chủ nghĩa cộng sản tại Ðông Âu, trong đó là những cuộc cách mạng đáng kể tại Ba Lan, Ðức và Tiệp Khắc. Sau những cuộc di tản quy mô và biểu tình tại các thành phố lớn tại Ðông Ðức mà Mikhail Gorbachev, Tổng Bí Thư Liên Xô lúc bấy giờ ra lịnh cho quân đội không can dự vào nội tình giữa chính phủ và người dân Ðông Ðức, đêm ngày 9 tháng 11, rạng sáng ngày 10, bức tường Bá Linh mở cửa. Người dân Ðông Ðức tràn qua biên giới và được dân Tây Ðức đón chào. Tường Bá Linh xem như chính thức sụp đổ sau hơn 28 năm chia cắt, dẫn đến việc thống nhất nước Ðức vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, gần một năm sau khi tường Bá Linh sụp đổ, bắt đầu sự ra đời của Cộng Hoà Liên Bang Ðức cho đến nay.

Theo như một phóng sự trên CNN, sau 30 năm thống nhất đất nước, nước Ðức hiện nay vẫn hiện hữu một bức tường vô hình giữa suy nghĩ, ý thức hệ của người dân hai miền dù cách biệt về kinh tế đã được thu hẹp. Nếu năm 1991, GDP của Ðông Ðức chỉ bằng khoảng 41% thì hiện nay đã lên khoảng 75% so với Tây Ðức, nếu tính theo địa lý hành chính. Nhưng vấn đề nhìn nhận về lịch sử, về mối quan hệ người dân và chính phủ, truyền thông, cùng mối quan hệ với nước Nga xem ra cũng còn nhiều khác biệt. Xu hướng chính trị qua các cuộc bỏ phiếu cũng mang cách biệt Ðông-Tây.

Một vụ vượt bức tường Bá Linh: Ông Willy Finder, thả đứa con xuống lưới của người Tây Bá linh, rồi nhảy theo, năm 1961.. (AFP)

Ðiều này xảy ra nặng nề hơn với những người dân Ðông Ðức cũ, với khoảng 12.5 triệu người so với 66 triệu người thuộc Tây Ðức trước kia, không kể dân số Bá Linh. Trên thực tế thì hầu như giới giàu có và những tập đoàn hùng mạnh của Ðức vẫn nằm tại khu vực Tây Ðức, khi 500 hãng hàng đầu của Ðức thì chỉ có 36 hãng nằm tại Ðông Ðức, cũng như giới nắm giữ kinh tế vùng Ðông Ðức vẫn xuất phát từ Tây Ðức. Vật giá và mức thu nhập của các cư dân vùng Ðông Ðức trước đây cũng thấp hơn Tây Ðức.

Xét về giới tính thì phụ nữ Ðông Ðức vượt trội đàn ông Ðông Ðức trong cuộc hội nhập sau ngày thống nhất. Họ kết hôn với người Tây Ðức, học hành và thành công trong nhiều lãnh vực, trong khi đàn ông Ðông Ðức quay lại những vùng xưa của mình. Trong số 200 cấp quản trị 30 hãng cổ phần lớn nhất của Ðức thì chỉ có bốn người thuộc Ðông Ðức cũ, trong đó phụ nữ chiếm đến ba người. Thủ tướng Ðức đương nhiệm Angela Merkel là một ví dụ cho sự thành công của phụ nữ Ðông Ðức khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Ðức từ năm 2005 đến nay.

Bức tường Bá Linh không ngăn được tình yêu đôi lứa – AFP: Gunter Bratke/DPA

Nước Ðức đang cố gắng thu hẹp những khoảng cách và bức tường tâm lý thua thiệt của những người dân Ðông Ðức qua những chương trình phát triển về kết cấu hạ tầng, vấn đề y tế, phát triển đô thị và nông thôn… Nhưng ở mặt nào đó vẫn chưa làm người dân cựu Ðông Ðức cảm thấy một sự bình đẳng hoàn toàn. Theo những cuộc khảo sát, thì những người dân Ðông Ðức, đến 57% vẫn xem mình như những “công dân hạng hai” của một nước Ðức hiện nay.

Nhưng dù sao thì theo thăm dò của hãng nghiên cứu chính trị Infratest Dimap nhân kỷ niệm 30 năm sụp đổ tường Bá Linh, có đến khoảng 60% người dân Ðông Ðức cho hay họ hài lòng và đời sống khá hơn kể từ sau thống nhất đất nước. Họ được hít thở không khí tự do và dân chủ thật sự. Nó vẫn tốt hơn bội phần so với Việt Nam. Bởi nếu có một cuộc khảo sát tương tự thì chắc hẳn chẳng có người miền Nam nào muốn một cuộc “thống nhất đất nước” đã xảy ra năm 1975.

ĐYT