Bên cạnh vấn đề bầu cử, điều thu hút mối quan tâm của công luận trong những ngày này là việc tân thẩm phán sẽ được bầu vào Tối Cao Pháp Viện (TCPV) thay thế cho nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. Đây là một việc hệ trọng trên chính trường và đời sống người dân khi các quyết định từ TCPV sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xã hội, dân sinh, y tế, giáo dục… hàng thế hệ từ các phán quyết của TCPV đưa ra. Nhân việc này, mời các bạn cùng tìm hiểu về tiến trình đề cử và bổ nhiệm các tân thẩm phán tại Mỹ ra sao.

  1. Đề cử từ Tổng Thống đương nhiệm

Tổng Thống cùng ban cố vấn nội các sẽ lên danh sách, phỏng vấn và chọn lọc ứng viên xứng đáng và phù hợp với trọng trách này dựa theo quan điểm chính trị phù hợp với quan điểm đảng phái và tổng thống cùng nội các chính phủ. Cần ghi nhận là vai trò các luật sư cùng cố vấn pháp lý của tổng thống và sự tham khảo từ các chính khách chung đảng phái đóng vai trò khá quan trọng trong việc đề nghị danh sách lên tổng thống.

  1. Kiểm tra nhân thân

Các ứng viên sẽ được kiểm tra nhân thân cả hai mặt nghề nghiệp và đời sống cá nhân kỹ càng trước khi được chọn. Chúng bao gồm xem xét toàn bộ sự nghiệp pháp lý và phục vụ dân sự hay trong hệ thống tư pháp của chính phủ, các phán xét, quan điểm thể hiện qua các vụ án từng thụ án, đồng thời về đời sống cá nhân, các hồ sơ nhân thân, tài chính do cơ quan an ninh quốc gia thực hiện.

  1. Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện duyệt xét
Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Tùy theo đảng phái đang nắm quyền đa số tại Thượng Viện, đảng này hay đảng kia sẽ có số Thượng Nghị Sĩ khác nhau và người đứng đầu Ủy ban này. Hiện nay bao gồm 12 TNS Cộng Hòa và 10 TNS Dân Chủ sẽ cùng nghiên cứu sâu và chi tiết hơn về hồ sơ của ứng viên cùng các báo cáo từ cơ quan an ninh. Ủy ban sẽ lập ra bản câu hỏi, có thể đến hàng trăm trang như đã từng xảy ra với các ứng viên trước kia, để các ứng viên trả lời.

  1. Gặp gỡ, làm quen các Thượng Nghị Sĩ

Ứng viên sẽ đến quốc hội để gặp gỡ, tự giới thiệu về mình với các thượng nghị sĩ, những người sẽ bỏ phiếu chuẩn thuận tương lai và có thể chưa hề biết hay gặp mặt người ứng viên trước đây. Ðây là cuộc gặp gỡ xã giao, thân thiện, tạo cơ hội tìm hiểu về nhau, không mang thủ tục hành chính.

  1. Đánh giá từ Hiệp Hội Luật Sư

Ðây là một tiến trình không chính thức nhưng được xảy ra từ hơn nửa thế kỷ qua khi Hiệp Hội Luật Sư (American Bar Association – ABA) cùng dự phần đánh giá và đưa ra nhận xét về khả năng của ứng viên như sự chính trực, năng lực, tính cách pháp lý… và đệ trình lên Ủy Ban Tư Pháp. Tuy nhiên quá trình bổ nhiệm các tân thẩm phán từ nội các hiện nay thì vai trò của ABA đã bị loại bỏ.

Dân chúng tưởng niệm Thẩm Phán Ginsburg.photo Eric Baradat/AFP via Getty Images

  1. Điều trần chính trị với chuyên gia pháp luật
Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Ứng viên sẽ đối chất với một nhóm các luật sư và luật gia, các chuyên gia pháp lý trong nhiều lãnh vực trong hay ngoài chính phủ trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện. Các câu hỏi, tranh luận pháp lý của ứng viên với nhóm chuyên gia pháp lý này cho phép Ủy Ban Tư Pháp nhìn nhận rõ hơn về kiến thức và khả năng pháp lý của ứng viên trên góc cạnh luật pháp và học thuật.

  1. Điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp

Ðây là bước quan trọng với ứng viên khi chính thức điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, khi cuộc điều trần sẽ diễn ra từ 3 đến 5 ngày sau khi Ủy ban đã đọc hồ sơ cá nhân,  các báo cáo an ninh và nghe các tranh luận pháp lý. Ðây là cuộc điều trần khá thử thách cho các ứng viên khi có thể đối diện với bất cứ câu hỏi nào từ Ủy ban với thái độ không thân thiện, nghi ngờ hay chỉ trích, tấn công từ các thượng nghị sĩ đảng đối lập.

  1. Đề nghị từ Ủy Ban

Sau cuộc điều trần này, Ủy Ban Tư Pháp sẽ đưa ra một trong ba quyết định: chấp nhận, từ chối hay không đề cử. Không đề cử tức không có ý kiến đồng thuận hay phủ quyết mà chỉ không đề cử. Dựa trên kết quả này, nếu đồng thuận thì Ủy ban sẽ chuyển sang Thượng Viện để bỏ phiếu bầu cuối cùng.

  1. Thượng Viện chuẩn thuận
Xem thêm:   Cấm TikTok

Thượng Viện sẽ thăm dò việc chuẩn thuận ứng viên sẽ được tiến hành và đưa ra nghị viện để chính thức bỏ phiếu hay không. Thông luật xưa nay là các ứng viên cần có đủ tối thiểu là 60 phiếu ủng hộ từ các thượng nghị sĩ của lưỡng đảng để được chuẩn thuận. Khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện đã thay đổi luật này năm 2017 để hiện nay chỉ cần phiếu đa số, tức 51 phiếu. Nếu tỉ lệ 50-50 xảy ra thì Phó Tổng Thống đương nhiệm, tức Chủ Tịch Thượng Viện sẽ bỏ lá phiếu quyết định.

  1. Tuyên thệ nhậm chức

Kết quả chuẩn thuận từ Thượng Viện sẽ được chuyển sang tổng thống ký thành văn bản bổ nhiệm. Tân thẩm phán sẽ được tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức và phục vụ trọn đời, trở thành một trong chín thẩm phán của tòa án Tối Cao Pháp Viện. Việc bãi nhiệm hay truất phế thẩm phán tòa Tối Cao có thể xảy ra khi một thẩm phán bị cáo buộc đã có hành động vi hiến hay phạm pháp, một điều rất hiếm xảy ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, ngày 26/09/2020. REUTERS/Carlos Barria

ĐYT

(Source: Congrestional Research Service)