Phố núi Pleiku nổi tiếng trong thơ, nhất là vào thời chiến tranh. Đây là thành phố lính, với màu bụi đỏ và áo trận. Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Mai Thảo… từng ghé qua. Nơi đây quy tụ nhiều nhà văn nhà thơ mang hồn lính: Diên Nghị, Kim Tuấn, Lâm Hảo Dũng, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn… Sử thi còn ghi lại những bài thơ đẹp với cảm xúc đầy bi tráng. SAO KHUÊ

VŨ HỮU ĐỊNH

còn một chút gì

để nhớ

 

phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

 

phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

 

em Pleiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

da em mềm như mây chiều trong

 

xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc bên đồi biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên

 

NGUYỄN BẮC SƠN

Hoa quỳ vàng lạnh Pleiku

(trích đoạn)

 

Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn

Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm

Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm

Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ

 

Xem thêm:   Khế Iêm

Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ

Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa

 

Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh

Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao

Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau

Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn

 

Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ

Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang.

 

KIM TUẤN

Buổi chiều ở Pleiku

 

Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù

tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng

anh còn phút nào để nói yêu em

buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời

chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi

những đứa bạn về từ mặt trận xa

những đứa bạn đi áo đường bụi đỏ

những ngày mưa nghe bỗng lìa nhà

những ngày mưa âm thầm nhỏ giọt

những ngày mưa âm thầm đi qua

 

Buổi chiều ở Pleiku có bữa cơm ăn vội

có tập họp 7 giờ

có cắm trại, cấm quân hằng tháng

có quân cảnh ngoài đường

có thầy đội thầy cai hoạnh hoẹ

anh còn phút nào để ghé thăm em

 

Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn

có đêm, có ngày, có quan, có lính

có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm

có vui, có buồn, có mây, có núi

có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua

 

buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền

có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt

Buổi chiều ở Pleiku có gì hỡi em

có nỗi cô đơn trong khói sương mù

có phố buồn hiu, có đêm giấu mặt

có giấc sầu dài trong cõi thiên thu

có bức tường vôi ghi dấu đạn thù

có cuộc đời ta chìm trong khói lửa

kiếp người sao đã lãng du

buổi chiều ở Pleiku, buổi chiều nghe mưa bay trên đầu núi

buổi chiều như mọi buổi chiều

tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng

anh còn tiếng nào để nói yêu em

 

Xem thêm:   Lữ Quỳnh

NGUYỄN XUÂN THIỆP

Pleiku. tháng 3. 1974

 

cầm bút viết. tháng ba rực cháy

hàng dầu cao. trong bình minh

cơn sốt của trái chin. và cánh đồng

trận gió hung. trưa ngày ấy

 

cầm bút viết. đồi hoa quỳ vàng

tháng ba xuống khu rừng. bóng quạ

rung những nhánh cây. màu tàn lửa

tiếng thét hư không. chiều rượt qua ngàn

 

tháng ba. rực trời nắng gió

bụi bay. hợp âm qua hàng thông

em đốt đời em trên sắc lá

lãng quên. ngọn lửa dưới chân tường

 

tháng ba. chân trời chớp tía

những chuyến xe lên đường. cơn mưa chợt đến

rào qua mái nhà. bàng hoàng. mưa ngưng bật

đêm. những căn nhà gỗ sáng đèn

 

tháng ba. trên đồi vông nở

anh trở về thị trấn. tháng ba

những sợi dây trời. cắt đau trí nhớ

cườm tay em. rỏ máu. hè xưa

 

em đứng đó. như ánh đèn đêm bão

cành phù dung. run rẩy. trong mưa

kể lại đời em đầy tiếng động

dội về. từ khúc ca hư

như trái chín. chỉ còn một nửa

rượu rã. duới trời nắng tháng ba

em là mùa thu. trong hạ úa

 

vò nát chiếc khăn. và đừng khóc

chiều nay. chớp bể mưa nguồn

chia tay nhau. sương phụ

người đi. râu bám bụi đường

 

tháng ba. em. những căn nhà gỗ

ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa

đừng tiếc. chiếc khăn tay ngày ấy

sẽ bay trong lửa hoàng hôn

tháng ba. cơn giông rền mặt đất