Cuộc đời Cung Tiến gắn liền với âm nhạc và thơ. Từ buổi thiếu niên, ông đã viết Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa… Những ca khúc đẫm chất thơ này đã đi vào hồn những người trẻ. Tiếp theo, Cung Tiến đã phổ nhạc nhiều thơ của các thi sĩ, như Thanh Tâm Tuyền, Quang Dũng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên… Có thể nói Cung Tiến là người ca thơ và nguồn cảm xúc trong sáng tác của ông đã trở thành hơi thở của thời đại. Ông là một nghệ sĩ toàn bích mất đi để lại nhiều thương tiếc. Sau đây là một số bài thơ tưởng niệm ông.

SAO KHUÊ

Phan Tấn Hải

trong khuôn nhạc cung tiến

Để chia buồn với bạn Cung Nhật Thành và tang quyến

 

Tôi tập làm thơ từ những ngày mới lớn

trong những khuôn nhạc anh mang tới cho đời

trong những buổi chiều rực rỡ thu vàng

trong những khung trời thơm ngát hương xưa

trong những đêm khuya mùa trăng úa

trong những trận mưa nhạc của anh suốt một thời tuổi nhỏ.

 

Anh đã hiện ra như mặt trời

đã đưa những trận mưa nhạc hạnh phúc tới thế gian

vì cõi này là Khổ Đế, anh viết nhạc để mang tới bình an

vì cõi này vô thường, anh viết nhạc để chỉ vào bất tử

vì cõi này đầy những hung hăng, anh viết nhạc để tịch lặng lòng người

vì cõi này đầy những ngã mạn, anh viết nhạc để mang tới khiêm cung từ ái

vì cõi này đầy những xấu xa bất tịnh, anh viết nhạc để làm đẹp miên viễn mùa xuân.

 

Tôi đã học từ nhạc của anh để ghi xuống dòng thơ của mình

có phải chữ này mang tới bình an, để giúp người lìa xa Khổ Đế

có phải chữ này chỉ vào bất tử, để giúp người thuận pháp vô thường

có phải chữ này làm tâm tịch lặng, để giúp người lìa cõi hung hăng

có phải chữ này khiêm cung từ ái, để giúp người nhận ra vô ngã, lìa xa ngã mạn

có phải chữ này làm đẹp miên viễn mùa xuân, để cúng dường vô lượng cõi Phật.

 

Anh đã sống một đời lặng lẽ, trong khi nhạc anh hát khắp phương trời

anh đã ẩn dật những nơi rất vắng, trong khi nhạc anh trở thành dưỡng khí cho đời

anh đã sống như không từ đâu và đã sống như không về đâu

anh đã sống như không thấy gì là ta với người

anh đã sống như một tảng mây bay, không vương chút gì nơi cõi này

 

rồi nhạc của anh đã trở thành mưa hòa gió thuận

để dập tắt những trận lửa trùng vây ba cõi

để làm cõi này rừng núi xanh hơn

để phụng hiến cho người vô lượng niềm vui

để dạy cho người biết lắng nghe bên kia bờ

 

để dạy lắng nghe bên kia bờ

để dạy lắng nghe

bên kia tiếng nhạc

khi anh buông tay đàn

mỉm cười, nằm xuống, ngủ yên. 

PTH

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

 

Nguyễn Thị Khánh Minh

một linh hồn trong suốt đang bay

Tưởng nhớ Cố Nhạc Sĩ Cung Tiến

 

Chim vẫn hót. Thềm vẫn vang bước nắng

Tôi ngồi nghe lá gió xôn xao

Ngày đi qua báo tin xuân bằn bặt

 

Người đi qua. Bóng ngân thinh lặng

Nhịp thời gian. Rơi động lá khô

Giật mình hương xưa. Mùa thu vắng

 

Người đi qua. Mùa xuân rưng rức ở

Lệ đá nào để dấu xanh ghi

Bước tài hoa đau lòng thiên cổ

 

Người đi qua. Cõi bụi hồng tư lự

Kia nghìn thu rớt lại một âm xưa

Vàng phổ độ bao trời lữ thứ

 

Người đi qua. Đàn gây lên cung nhớ

Đêm dài đâu. Để giấc hay mơ

Theo người về hát đời huyễn mộng

 

Thương bóng đa hẹn hò. Khóc nắng

Thương mùa thu vàng bao nhiêu là hương

Theo người đi. Dặm trường mây trắng

NTKM – Upland, 6.7.2022

* Linh hồn trong suốt: chữ của nhà văn Khuất Đẩu

Lê Chiều Giang

nguyệt cầm

Tưởng niệm nhạc sĩ Cung Tiến

 

Hương xưa. Vàng

Trăng cũ

Khúc hát bay theo người

Lệ nào xanh như đá

Đêm tàn.

Vương hương rơi

 

Tiếng đàn đêm nguyệt tận

Xa tắp.

Cuối chân trời

Thoáng như ngàn tiếng gọi

Tiếc nuối một đời vui

 

Trăng không mơ màng sáng.

Trăng đỏ. Như

máu tươi.

LCG

 

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

hương xưa,

còn đó,

hay không? 

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

Cảm xúc có từ nhạc phẩm “Hương Xưa” của Nhạc Sĩ Cung Tiến

 

Người xa, để lại hương đời

Giấc mơ chốn cũ hồn vời vợi trông

Bóng đa, cánh bướm, dòng sông

Mở trang nhạc cũ, ngút lòng ca dao

Tiếng ru của mẹ ngọt ngào

Nuôi ta khôn lớn, biết bao là tình!

Quê hương một thuở thanh bình

Cành tre ngọn lúa bỗng thành gươm đao

Câu thơ, cung nhạc thời nào

Trái tim ôm ấp dạt dào yêu thương

Cám ơn Người, dệt tơ vương

Cho hoa kết một quê hương trong lòng

Hương xưa, còn đó, hay không?

 

CLNTMT