Nguyễn Đức Sơn sinh ngày 18/11/1937 tại làng Dư Khánh, huyện Thanh Hải tỉnh Ninh Thuận, quê gốc ở Thừa Thiên Huế. Ông bắt đầu làm thơ rất sớm với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông được coi là một người có cá tính đặc biệt. Từ khi tuổi trẻ thơ ông đã chớm hoài nghi, đã thắc mắc về những câu hỏi đầy tính siêu hình. Nguyễn Đức Sơn cùng với Bùi Giáng và Phạm Công Thiện được coi là ba kỳ nhân nổi danh về tài năng và sự quái dị trong làng văn nghệ miền Nam trước 1975. Ông cũng được xem là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam, ba người còn lại là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên.

Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Thủ Dầu Một – Bình Dương, Blao – Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học ngoại ngữ.

Năm 1967 Nguyễn Đức Sơn lấy bà Nguyễn Thị Phượng. Đám cưới được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một – Bình Dương. Ông bà sinh được 9 người con. Năm 1979, ông đưa gia đình rời bỏ chốn phồn hoa đô thị chuyển lên ngọn núi Phương Bối, Lâm Đồng để sống một cuộc sống thanh tịnh. Đến nay gia đình ông vẫn sống ở đó.

Nguyễn Đức Sơn nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông do ông đã trồng tới hàng vạn cây thông trên ngọn đồi Phương Bối rộng tới hàng chục hec-ta. Nay ông sắp từ biệt để ra đi.

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đức Sơn:

Bọt nước (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1965)

Hoa cô độc (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1965)

Lời ru (Thơ, Mặt Đất xuất bản, Sài Gòn 1966)

Đêm nguyệt động (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1967)

Cát bụi mệt mỏi (Truyện ngắn, 1968)

Cái chuồng khỉ (Truyện ngắn, 1969)

Xóm chuồng ngựa (Truyện ngắn, 1971)

Vọng (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1971)

Tịnh Khẩu (Thơ, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1973)

Thơ Nguyễn Đức Sơn vừa thơ mộng vừa quái dị.  Ông vừa đùa cợt với đời sống vừa lắng sâu trong cảm xúc siêu hình. Ngôn ngữ thơ đôi chỗ rất đời thường và nhiều khi rất lạ, khiến người đọc không bao giờ chán. Sau đây là một vài bài tiêu biểu. SAO KHUÊ

Cây bông

 

Ðụ mẹ

Cây bông

Hắn không

Lao động

Ai trồng

Chật chỗ

Mày nhổ

Xem sao

Máu trào

Thiên cổ

 

Tôi thấy mây rừng

 

Một ngày đau khổ chín trong tôi

Tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi

Cây thả trái sầu trên nước lắng

Mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

Thôi nhé ngàn năm em đi qua

Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà

Trời sinh ra để chiều hôm đó

Tôi thấy mây rừng bay rất xa

 

Vũng nước thánh

 

anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước

miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi

ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người

em chưa đái mà hồn anh đã ướt

 

Mang mang

 

Mang mang trời đất tôi đi

Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu

Tôi về lắng cả buổi chiều

Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh

Còn một mình hỏi một mình

Có chăng hồn với dáng hình là hai

Từng trưa nằm nghĩ đất dài

Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên

Mù sương âm vọng tiếng huyền

Có con dơi lạ bay trên cõi đời

Sau xưa mắt đã ngợp rồi

Tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không

Bà Nguyễn Thị Phượng và Nguyễn Đức Sơn

 

Mai kia

 

Mai kia tan biến hận thù

Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông

Cha về ôm cả biển sông

Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời

Cho con cha hứa một lời

Ðuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày

Thu nào tóc bạc oà bay

Có con chỉ trỏ mới hay cái già

Cúi hôn trời đất đậm đà

Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên

 

Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi

 

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

 

Một mình

nằm thở đủ kiểu trên bờ biển

 

Ðầu tiên tôi thở cái phào

Bao nhiêu phiền não như trào ra theo

Nín hơi tôi thở cái phèo

Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không

Sướng nên tôi thở phập phồng

Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm

Mai sau này chỗ tôi nằm

Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru.