Ngô Nguyên Dũng sinh tại Sài Gòn. Du học và định cư ở Đức từ 1970. Cộng tác với Làng Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Gió Văn… Thơ Ngô Nguyên Dũng như những khúc ca của người du mục, với thời gian và những nơi chốn đi qua. Hôm nay một ngày cuối Thu gợi nhớ, xin cùng với nhà thơ trở lại với những khúc phố ngày xưa và hình bóng của kỷ niệm ấu thời.

SAO KHUÊ

mưa trên

thành phố vàng mã

(trích đoạn)

mưa đêm tháng mười che phủ mặt

thành phố tôi trở lại.

ngõ hẹp co ro

đèn vàng. phòng trọ một giường

tôi ôm ghì bóng tối cuồn cuộn thốc lên

những cột khói ký thác.

mưa thao thức

giấc ngủ hai mươi năm nội chiến.

những oan hồn chưa siêu thoát hiện về

cùng tôi chuyện vãn

thâu đêm.

tôi hỏi thăm những hàng me tự do

địa chỉ quán cà phê vỉa hè

đã mất hương vị của mùa màng

năm cũ. tiếng sáo trương chi vọng lại

khắc khoải một trưa nắng

chết đuối trong tách trà im gió.

con mèo già nằm ngủ say

bên ụ rác. bà hành khất

thản nhiên trật áo

cho con bú.

 

tôi thăm lại ngôi nhà có cây trứng cá

đã đổi chủ.

tới khấn vái tro cốt những người thân.

quá khứ càng lúc càng bề bộn trong

chánh điện ngôi chùa.

hào quang đèn màu càng lúc

càng diêm dúa. con thằn lằn từ kẽ tối

bò ra ngẩng cổ

lim dim. mùi nhang khói cúng dường

thời quá vãng.

…. 

trở lại thành phố

tôi châm lửa đốt những căn nhà

những con đường những cây cầu những hàng cây

những trang sử sách và văn chương vàng mã.

tôi bay lên cùng khói

tức tưởi rải tro lên trí nhớ héo mòn

trong nắng cháy

ngày âm phủ.

 

Xem thêm:   Thiên lý độc hành

bài ai điếu cho cái chết của hàng cây cổ thụ ở đường Cường Để

 

tìm lại con đường cũ

có hàng cổ thụ

đã bị đốn tận gốc

tôi chợt nghe đâu đây oan hồn cây than vãn

trong tiếng mưa trái mùa

gõ lên mặt đường nhăn nhúm

vỉa hè mấp mô rễ già

nằm chết lõa lồ

không bóng mát che thân

 

đi chưa hết mùa nắng

nẻo đường khoá mù câm

cây qua đời lặng lẽ

hưởng dương chỉ trăm năm

 

dừng chân quán cóc ven đường

tôi vào trú mưa

gọi ly cà phê nóng

không đường không sữa không trí nhớ

nuốt xuống cơn đau những vết chém chưa kéo da non

và tưởng niệm cái chết của hàng cây không người vuốt mắt

ánh nắng ngày chợt tắt

thớ xương gỗ vừa nhú lên một chồi lá

kiêu hãnh thách thức

tính man rợ của loài người

 

“nói, chắc bác không tin”, cụ già bán quán tâm sự.

“tối tối những hồn ma cổ thụ

lại ghé ngang quán, gọi thức uống

và thầm thì hỏi thăm những người bán hàng rong.

uống xong, họ trả tiền sòng phẳng

bằng giấy bạc vàng mã, rồi lẳng lặng

kéo nhau về hướng sông,

tan biến trong sương khói.”

 

tôi chép vội vào sổ

lời ai điếu trong ngày

con đường và thành phố

để tang những hàng cây

 

khuya ấy

tôi chiêm bao thấy

bóng ma cây hiện về kể chuyện

từng mẫu từng mẫu hàng trăm mẫu

rừng hoang ngút ngàn đại thụ

chỉ sau một ngày

bị lũ lâm tặc đốn sạch cưa khúc

cùm xiềng quấn xích chất lên xe tải

chở đi biệt tăm

 

“ôi! còn đâu những cánh rừng hai mùa rực rỡ

thuở cầm thú và côn trùng nhiệt đới

núi đồi và thung lũng

ghềnh thác cùng mưa nắng

hợp xướng réo rắt những đêm trăng

san sớt nhau mỗi hạnh phúc huy hoàng

mỗi khổ đau tang thương

mỗi bất trắc tai ương

thời chiến tranh và thiên tai

xin ngỏ lời ai điếu

nguyện cầu hương linh cây sớm về nơi an nghỉ

sau cùng.”

 

giấc mộng tôi vá víu

chim sẻ rủ bướm về

cùng ve sầu tụng niệm

khăn sô vấn lê thê

 

kể từ dạo ấy

tôi mất ngủ

và vướng phải hội chứng năng động

suốt ngày đêm

tôi xé vụn ngôn ngữ

đắp vá lại khu rừng mưa

đã có lần bị lũ người quỷ ám huỷ diệt

tôi hối hả tái tạo một địa đàng

chỗ muông thú cùng côn trùng và gió ngàn cất tiếng hát

chỗ mặt đất đầm đìa cỏ lá

chỗ tôi hứng ánh sáng những bình minh những hoàng hôn

và những đêm trăng tròn

cất vào ngàn trang bản thảo

tôi đem về thành phố

rưới chữ lên những nấm mộ cây

đường Cường Ðể

 

thốt nhiên

từ rãnh nứt những gốc cổ thụ

túa ra ngàn cánh bướm

chấp chới tản mác

vào quá khứ

biệt tăm

(10.2020)