Gần đây đọc trên Facebook Thận Nhiên thấy nhắc tới Lê Thánh Thư, nhà thơ/họa sĩ mà tôi yêu mến.
Lê Thánh Thư sinh 1956, tại Quy Nhơn; là con trai trưởng trong gia đình thuần nông, có 5 anh chị em.
12 tuổi, được gửi vào trường Dòng (Séminary) tại Quy Nhơn. Năm 1975, Lê Thánh Thư rời nhà dòng để ra đời (xuất tu ra đời), lập gia đình tại Sài Gòn và có một cô con gái.
Ông vốn là nhà thơ, đã có nhiều thơ in trên các tạp chí trong nước. Đến với hội họa từ năm 1982 bằng con đường tự học, ông rất kiên trì và khiêm cung trong việc tiếp cận lãnh vực mới này cũng như khao khát đổi mới chính mình trong mỗi góc nhìn giữa thơ và hội họa. Vốn là một nhà thơ, tranh của Thư đầy chất thơ ngay cả với những bức tranh mang tính thời sự nhất. Một cách nhất quán, thơ và tranh của Thư thơ mộng đến mơ màng, đồng thời quằn quại nỗi đau nhân thế. Anh đã từng tự sự: “Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa.”
Lê Thánh Thư mất ngày 16 tháng 7. 2021 tại Sài Gòn, chúng ta mất một họa sĩ mang hồn thơ và vẻ đẹp của cuộc đời. Sau đây,xin cùng nhau đọc lại một vài bài thơ của Lê Thánh Thư để tưởng niệm một tài năng đã ra đi. SAO KHUÊ
bếp lửa quê nhà
Bếp lửa quê nhà
quạnh quẽ
mùi lá khô cây khô cỏ khô da khô máu khô thôi thúc cháy
chữ nghĩa cong khô vặn vẹo nằm phơi nắng cả
bút mực cũ càng chỏng chơ bụi bặm góc nhà
thân phận lưng cơm
chén cháo
trầy trật lưng người
đủng đỉnh
chiều chim hót
đủng đỉnh
đêm chó tru
đủng đỉnh
mọi giấc mơ hẩm hút xâu thành chuỗi gác trên chái bếp
mọi chữ nghĩa vo tròn rạc rời ném vào lửa cháy thành tro
Bếp lửa nằm co
kẻ về người đi
bí ẩn bờ ao nẻo đường rập rình ngọn đèn ám hiệu
giấu lửa chuyền tay hẻm tối quán vắng
năm tháng phận bạc
ao tù
mọi giấc mơ đành mượn gió đi rong
mọi chữ nghĩa đành tẩm quất phận mình
ngày tháng khan khan
tiếng nói khàn khàn
nằm nghe
đứng nghe
đi nghe
ngồi nghe
chạy nghe
rình nghe
nấp nghe
im nghe
lặng nghe
người ngây quần quật điêu đứng…
sài gòn,
bờ kè nước đen
*Riêng ĐHTường, NTHằng
Nơi đây, lửa không tàn âm ỉ dưới kinh nước đen
Nơi đây, tiếng hát người mù róc rách bờ đêm nước lạnh
Ðâm đẫm mùi người
Mặt lạnh gió lạnh
Người tụ nhau về
Bờ kè đặc quánh mùi cống rãnh
Chó theo chó chạy rông
Người tìm người gặm nhấm
Dưới ánh đèn nê ông
Gió lồng lộng
Người quây người
Bàn thấp ghế thấp
Nhấm nháp đầm lầy
Nhấm nháp ao buồn.
Nơi đây, người bé mọn lâng lâng
Người buồn nôn âm nhạc kẹo kéo
Người la đà tiếng ghita người mù hát bài hát cũ
Ðêm bờ kè sâu thẳm
Nhớ những ngày biển xanh bến gió
Nhớ những ngày neo đậu sóng ngầm.
Nơi đây, gió vẽ mặt người bông hoa không hương không sắc
Tiếng người rách toạc đường khuya
Tiếng cười đau đáu mặt nước đen
Người như cành củi mục
Về từ miền ngược miền xuôi
Gọi nhau giãi bày lên men
Bằn bặt bờ kè kinh nước đen
Người đơn độc
Bấu vào nhau…
nha trang, ghi
Tôi thấy mình vô sự khi bước ra khỏi sân ga quê nhà
nồng khai mùi nước đái
thành phố vẫn đắm chìm trong nỗi buồn không mỏi mệt
và hiểm nguy say đắm
tôi soi mình trong tấm gương vỡ
cái nhìn bị che phủ bởi những đoàn tàu bụi bặm và già cỗi
không thấy gì ngoài những giấc mơ bé mọn mê cuồng
không biết giấu vào đâu
mùi hoang vu tẩm quất chốn này.
Nơi đây
những móng vuốt diều hâu của mặt trời đang cấu xé ngấu nghiến
những thân phận người lề trái bất động
mùi vỉa hè mỏi mệt
mùi lặng im chán chường
biển quê bốc mùi cống rãnh
không ai chờ đợi tôi nơi này
năm tháng già cả em
năm tháng chầm chậm & nhạt nhẽo.
Tôi theo đám côn trùng & mùa hè về sớm
tiếng cười chìm khuất đá lạnh
tiếng nói lao nhao buồn nôn cô đọng
tiếng sóng rạc rời
tôi xa lạ & bất động
biển tù đọng nhìn mây xám phiêu dạt
buổi trái gió trở trời
lặng im
nhắn người vượt qua.