Nhà thơ Khánh Phương nhận định về Langston Hughes như sau trên Văn Việt: Langston Hughes (1901-1967) là tên tuổi sáng chói của “Harlem Renaissance,” khuynh hướng khám phá đời sống và tuyên dương vẻ đẹp văn hóa của người Mỹ gốc Phi (African-American) trong thi ca và nghệ thuật Mỹ, đặc biệt trong thập niên 1920. Khuynh hướng này khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo mãnh liệt của các nhà văn, nhà tư tưởng và nghệ sĩ da đen và da màu. Từng có những tư tưởng chính trị cực đoan, gần gũi với chủ thuyết cộng sản, Hughes bị FBI liệt vào danh sách nguy hiểm về an ninh cho đến năm 1959. Ngôn ngữ thơ của ông tối giản nhưng bất ngờ với “trò chơi ngôn ngữ” và tính tượng trưng cao, hướng tới cảm hứng sử thi và tình yêu nước lớn lao thông qua trực giác cá nhân.

Tuyển tập The Norton Anthology American Literature, 9th Ed. nhận xét, “Trong vòng ảnh hưởng của những khả thể nghệ thuật mở cho các nhà văn của Harlem Renaissance, dựa trên những hình thức (nghệ thuật) dân gian thôn dã của người Mỹ gốc Phi, trên những truyền thống và thể thức du nhập vào nước Mỹ từ châu Âu và Anh quốc; hoặc là trên những thể thức văn hóa mới của người da đen tại các đô thị Mỹ- Hughes chọn nhắm công việc của ông tới đời sống hiện đại, thành thị của người da đen. Ông tạo lập cấu trúc khổ thơ của ông dựa trên nhịp điệu ngẫu hứng của Jazz và tiếp nhận vốn từ trong ngôn ngữ đời thường của người da đen vào thơ.”

Xem thêm:   Chinh Yên

Sau đây là một số bài thơ tiêu biểu của Langston Hughes được nhà thơ Pháp Hoan chuyển dịch.

SAO KHUÊ

 

anh chàng da đen

 

Tôi là Anh Chàng Da Ðen:

Tôi đen như đêm tối

Ðen như châu Phi sâu thẳm của tôi.

Tôi từng là nô lệ:

Caesar bảo tôi phải giữ cho bậc thềm sạch sẽ

Tôi đã đánh bóng những đôi giày của Washington.

 

Tôi từng là thợ xây:

Dưới đôi tay tôi những kim tự tháp hiển bày

Tôi đã trộn vữa cho toà nhà Woolworth hùng vĩ.

 

Tôi từng là ca sĩ:

Từ châu Phi đến Georgia

Tôi đã mang những ca khúc buồn bã đi xa

Tôi đã làm ra dòng nhạc ragtime huyền thoại.

 

Tôi từng là nạn nhân của đồng loại:

Người Bỉ đã chặt đứt tay tôi ở Congo

Và ở Mississippi họ mang tôi đi treo cổ.

 

Tôi là Anh Chàng Da Ðen:

Tôi đen như đêm tối

Ðen như châu Phi sâu thẳm của tôi.

giấc mơ

 

Giữ lấy giấc mơ bên cạnh

Bởi nếu giấc mơ đi rồi

Ðời là con chim gãy cánh

Không thể tung bay lên trời

Giữ lấy giấc mơ bên cạnh

Bởi nếu giấc mơ đi rồi

Ðời là đồng hoang hiu quạnh

Chìm trong tuyết trắng mà thôi.

 

anh chàng da đen nói về những dòng sông

 

Tôi biết những dòng sông:

Những dòng sông cổ xưa như thế giới

và lâu đời hơn những gì đang chảy

trong mạch máu con người.

 

Như những dòng sông của cuộc đời

linh hồn tôi đã trở nên diệu vợi.

Tôi đã tắm trên dòng Euphrates khi bình minh còn chưa già cỗi

Tôi đã dựng những lều trại và chìm vào giấc ngủ bên dòng Congo

Tôi đã đưa mắt nhìn dòng sông Nile huyền thoại và xây lên những Kim tự tháp ở bên bờ

Tôi đã nghe những khúc hát của dòng Mississippi ở New Orleans khi Abe Lincoln đi xuống

Tôi đã thấy mặt nước đẫm màu bùn của nó dần trở nên vàng óng

trong buổi hoàng hôn.

 

Tôi đã biết những dòng sông:

cổ xưa và u tối.

Linh hồn tôi đã trở nên diệu vợi

như những dòng sông.

 

Xem thêm:   Thơ Thắp Tạ

điệu blues

hoài hương

 

Chiếc cầu xe lửa

là khúc ca buồn vang giữa không trung

chiếc cầu xe lửa

là khúc ca buồn vang giữa không trung

mỗi khi những đoàn tàu đi qua

là tôi mơ ước được viễn du

 

Tôi đến sân ga

với trái tim ngậm trong miệng

tôi đến sân ga

với trái tim ngậm trong miệng

điệu blues hoài hương, Chúa ơi

thật là kinh khủng

Ðể ngăn mình khỏi khóc

Tôi há miệng cười

 

harlem

 

Ðiều gì sẽ xảy ra

khi giấc mơ bị trì hoãn?

 

Nó sẽ héo mòn theo năm tháng

như trái nho phơi dưới nắng mặt trời?

Hay nó sẽ rỉ chảy khắp nơi –

như vết thương lâu ngày mưng mủ?

Nó sẽ bốc mùi thối rữa

như miếng thịt bị bỏ lại trên bàn?

Hay nó sẽ đóng vảy hoàn toàn -phủ một lớp đường và sẽ như bánh kẹo?

 

Có lẽ như gánh hàng nặng trĩu

nó sẽ chỉ uốn cong.

 

Hay nó sẽ như bom phát nổ?