Thơ Tình Thời Chiến Tranh

KHOA HỮU, tên thật NGÔ ĐÌNH KHOA, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1938 tại Bắc phần. Đào thoát vào Nam tháng 3 năm 1953. Tốt nghiệp Bách Khoa hệ Cao đẳng 4 năm. Bị tù chính trị oan, mất sở làm. Sau đó đi dạy tư 4 năm. Đi lính tác chiến 10 năm, bị thương 2 lần. Đã đăng thơ và truyện ngắn trên vài tạp chí văn học tại Sài Gòn. Đến tháng 4 năm 1975 giải giáp. Trong thời gian tại thế, ông vẫn âm thầm sáng tác, không hợp tác với bất cứ tạp chí, tổ chức văn nghệ nào của chế độ hiện hành. Khoa Hữu từ trần ngày 5 tháng 4. 2012 tại Sài Gòn.

Đã xuất bản sau năm 1975:

1/ Tập thơ LỤC BÁT do nhà xuất bản TRÌNH BÀY và nhà thơ DIỄM CHÂU ấn hành tại PHÁP năm 1994.

2/ Tập thơ THƠ KHOA HỮU do tạp chí VĂN HỌC phát hành tại MỸ.

3/ NỬA KHUÔN MẶT, tập thơ lục bát do Thư Ấn Quán Hoa Kỳ xuất bản 2010. Tập thơ này được sự bảo trợ tài chính của nhà thơ Nguyễn Thanh Châu.

Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư đã ra một số đặc biệt về Khoa Hữu (số 52- 2012) ‘Sự Im Lặng Của Cát Bụi’ để tưởng niệm nhà thơ. Theo Trần Doãn Nho, thơ Khoa Hữu nói chung, mang một phong cách và tâm cảnh khá đặc thù, tạo nên một chất thơ riêng biệt, rất khó nhầm lẫn… Trong một số bài, chúng mang âm hưởng của “Mùa Hạn,” “Tàu Đêm” hay “Ta Về” của Tô Thùy Yên. Nhưng khác với thơ Tô Thùy Yên, ngoài tính cách bi phẫn, thơ Khoa Hữu phảng phất nét u hoài, man mác rất cổ điển, cứ như đọc một bài cổ thi hay một bài văn thời xa xưa nào mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong lời tựa cho tập thơ Khoa Hữu, gọi là bàng bạc “không khí thơ biên tái.”

Xem thêm:   Đỗ Nghê

Sau đây Trang Văn Học xin gởi đến các bạn một vài bài thơ tình của Khoa Hữu viết trong thời chiến.

SAO KHUÊ

nghi lễ

 

Cầu hôn em nhận – đời ta

mắt chưa gian dối tóc chưa bạc tình

ngực còn hơi thở chưa tanh

áo xanh trời đất còn xanh quê người.

Cầu hôn ta tuyệt tình ơi

nắm tay chưa mở thốt lời chưa điên

đứng đi ngồi vẫn chưa hiền

bán ta mấy thuở chưa đền đáp nhau.

Cầu hôn trước cưới em sau

bài thơ giao ước môi sầu đính hôn

lễ đưa có quả linh hồn

có hoa tiền kiếp trong vườn mai sau.

Em về đất khách làm dâu

trăm năm trăng ngủ nhớ đâu luân hồi.

 

hoa hồng trắng (1)

 

Bịt mắt, trói tay bức tranh vẽ

viên đạn, mũi dao bản án truyền

ngày mưa lạ đồng không thành bể

đêm mỏi nhừ tiếng cú kêu khan.

Tiếng bước động trên từng ngọn cỏ

đất đen như đất đã đổi mầu

ngọn đèn thức, em chừng chưa ngủ

ngóng ta về như thủa còn nhau.

Uyên ơi Uyên sống như tra khảo

tội trăm năm, tội đã theo người

tà áo khuyết vạt trăng thay áo

xõa ngàn năm một mái tóc phơi.

Em chết trẻ, ta già vội thế

tiếc hồng nhan gió đến quạt mồ

xấp thơ xếp bìa bong niên kỷ

tấm da này ta thuộc, đã dư.

Hạ chớp bể Ðông lùa gió bấc

lá Thu phong Xuân trắng biên thùy

em có đủ bốn mùa hôn ước

cõi vuông tròn một lễ vu quy.

Ngôi mộ khống, tình yêu ta thắp

làm khói hương buổi ấy ta về

ta không khóc nghĩa là chưa khóc

quê người xa tận cánh đồng mê.

 

(1) Giữa năm 1966 tại Ngã tư Xoài Đôi có một quán bia và café. Chủ quán là cô gái trẻ, đẹp tên Thảo.Thảo làm giao liên lấy tin tức từ SQ B2, B3 của Tiểu Đoàn. Ám hiệu báo tin là ngọn đèn dầu để trên bệ cao hướng ra đồng trống, có lính để hé ra, không lính kéo khuất vào.

Xem thêm:   Ngu Yên

Một đêm kích, Thảo từ bưng trở về khi đi ngang lính nổ súng, tôi kịp đẩy mũi súng lên, nghĩ chắc là Thảo, cô chạy loạng choạng để rớt lại chiếc khăn tay thêu chữ UYÊN. Một lần nghỉ quân Thảo mang đến một chai bia “Trung úy mời trung sĩ đấy”. Tôi buột miệng cám ơn UYÊN. Cô giật mình.Vậy là cô biết người lính không giết cô đêm ấy và một tình cảm xót xa bắt đầu. Sau này TĐ giao lại cho Địa phương quân, đi chiến trường khác, ra Vạn Kiếp, sang Campuchia. Và trong một lần về thăm muộn màng, tôi biết tin cô đã bị giết vì tội phản bội. Quê nhà cô ở đâu? Nấm mộ đất ở đâu?

Tôi viết bài thơ này tưởng nhớ UYÊN, một số phận.

 

trâm cỏ-thi (1)

 

Cỏ xưa đất cũ tìm trâm

cỏ thi trăm búi trâm cầm trên tay

trâm xưa đâu phải cỏ này

tình như trâm nhánh cỏ gầy sắt son

còn xanh cỏ bóng hồng nhan

còn xanh trâm ấy áo lam xanh trời

tìm trong cỏ chiếc trâm rơi

cỏ trâm tuyệt tích nhớ người tìm đâu

tủi nhân gian mấy giọt châu

buồn như thơ chuyện bể dâu cõi lòng.

 

(1)Vào năm 1968, đơn vị hành quân và liên tục chạm súng trên đất Cầu nổi, Gò Công. Vào đêm trung thu lại có mưa nhỏ, đóng quân trên một đồi cao có cây lớn. Nửa đêm tôi gõ cửa một ngôi nhà cổ kính xin nước mưa, gặp Sương, cô là sinh viên Đại Học Văn Khoa về thăm bà nội bệnh nặng. Ba cô là đại tá ở bộ TTM. Cô cho nước, bánh trung thu và một chút tình cảm ấm áp.

Xem thêm:   Chinh Yên

Ba tháng sau hành quân trở lại, biết tin Sương bị giết, chẳng biết cô đã phạm tội gì?

 

tuyết thơ*

 

Em yêu, hãy tựa vai nghe

tay anh ngón chải cơn mê trên đầu

tay anh tìm giấc mơ đau

tóc em trăm sợi bạc màu phế hưng

nắng se môi báo tin mừng

gió quanh hơi thở chưa ngừng chân mây

thơ – như chưa đủ giãi bày

đời chưa giải hết hạn này sao đi?

Hỏi xuân xanh cưới xuân thì

sầu đong ngoài cõi chia ly đã tràn.

 

*Chúc mừng bạn đời sinh nhật thứ 60. 

Nguồn: Trang Facebook của Nguyễn  Thanh Châu