JOSEPH BRODSKY sinh năm 1940 tại Petersburg. Năm 1970, ông sang định cư ở Mỹ và dạy học tại Đại học Columbia. Ông làm thơ bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Năm 1987 ông đoạt giải Nobel văn chương.

Thuở nhỏ Brodsky mơ ước trở thành bác sĩ nhưng 15 tuổi đã phải nghỉ học vì mưu sinh. Sau đó, ông tự học tiếng Anh, tiếng Ba Lan, nghiên cứu truyền thuyết, tôn giáo và triết học. Ông bắt đầu làm thơ lúc 16 tuổi; khi 17 tuổi ông hoàn thành tập thơ nổi tiếng Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau… và được công nhận là một nhà thơ, một dịch giả tài năng. Tuy nhiên cuộc sống của ông gặp nhiều khó khăn: Năm 1963 Brodsky bị kết tội “ăn bám xã hội” và gửi đi cải tạo 5 năm ở miền bắc Nga. Song nhờ phản ứng của giới văn học ông được tha về Năm 1972, ông lại bị trục xuất, phải sang Viên, London và cuối cùng là Hoa Kỳ. Từ đây, Brodsky sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh.

Brodsky sáng tạo nên một thế giới thơ ca độc đáo có tính siêu thực và nghệ thuật hậu hiện đại. Các nhà phê bình coi ông “là người tổng kết thơ ca thế kỷ 20”. Joseph Brodsky qua đời ngày 28/1/1996 tại Mỹ. Bản dịch thơ Brodsky giới thiệu sau đây là của Hoàng Ngọc Biên trích từ website Tiền Vệ và Tạp Chí Tiếng Sông Hương.

Xem thêm:   Thơ bằng hữu

SAO KHUÊ

chiều hôm

 

Tuyết lọt qua những khe nứt

và rắc nhẹ trên cỏ khô.

Khi ta tung những cọng mềm

ta nhìn thấy một con bướm ngọ nguậy.

Bướm nhỏ ơi, ơi con bướm nhỏ!

Mày đã nương mình trên gác mái này,

mà thoát khỏi cái chết:

đã ngủ đông, sống sót ở đây.

 

Con bướm sống để nhìn thấy ra sao

ngọn đèn[1] ta cầm tay vẽ những vệt khói,

và như thế nào đèn chiếu sáng

những vách ván trên tường nhà.

Khi ta nhặt bướm đưa lên gần

ta thấy rõ những sợi râu tơ —

thấy rõ hơn cả ánh lửa

rõ hơn chính hai bàn tay ta khum lại.

 

Bướm và ta hoàn toàn một mình

trong cảnh chiều ảm đạm.

Và những ngón tay ta ấm lại

như những ngày tháng Sáu đã mất.

1965 

[1] Chữ letuchaya mysh trong nguyên tác

(có nghĩa là “con dơi”), ở đây nói đến một cây đèn

cầm tay hình dáng giống một cái hộp, có bốn mặt kính che một cây nến để bên trong.

 

những người

hành hương

 

Trước sân vận động và đền miếu,

trước nhà thờ và quán rượu,

trước những nghĩa địa tao nhã

trước những dãy chợ lớn,

trước sự bất hạnh và sự thanh thản,

trước Rome và trước La Mecque,

cháy bỏng dưới nắng xanh mặt trời,

họ đi khắp cùng thế giới

những người hành hương.

 

Họ là những người què cụt, lưng gù,

là những người đói khát, rách rưới,

trong đôi mắt hoàng hôn say ngủ,

trong trái tim lạc lõng buổi bình minh.

Phía sau họ những sa mạc ca hát,

và những ánh chớp lóe sáng,

trên đường đi của họ những ngôi sao run rẩy

và chim chóc thét vào tai họ

rằng thế giới sẽ không thay đổi.

Không. Nó sẽ không thay đổi.

Tuyết sáng rỡ

dịu dàng mà vô định,

thế giới sẽ không ngừng nói dối,

bất động trong vĩnh cửu của mình

dễ hiểu có lẽ

nhưng tuyệt đối vô hạn.

 

Xem thêm:   Thơ Tháng Tư

Vậy thì tại sao tin ở mình?

Tại sao tin ở Thượng đế?

Với con người đó chỉ là sự phỉnh phờ

Chúng ta chỉ còn mỗi

phiêu lưu và ảo tưởng.

Và những hoàng hôn nổi lên mặt đất,

và những bình minh đăng quang mặt đất.

Mặt đất được tưới bằng máu của người lính,

kích động bởi tiếng thét của nhà thơ.

 

café trieste:

san francisco

 

Tôi đã trở lại góc phố Vallejo

và Grant như một tiếng dội

trở lại với đôi môi giờ đây

thích nụ hôn hơn chữ nghĩa.

 

Ở đây chẳng có gì thay đổi.

Kể cả bàn ghế kể cả thời tiết.

Mọi thứ, khi vắng bóng một người, vẫn

thường trực còn đó, từng vết từng vết bẩn.

 

Lạnh lẽo, qua các cửa sổ rộng mờ hơi nước

tôi ngắm những con người điệu bộ kỳ dị,

những chú cá tráp húp híp bơi trong

bể cá chúng đang sưởi ấm.

Này cái bờm ngựa óng ả! Bí ẩn của em!

Cái váy hoa cà, hai mắt cá

mảnh mai! Tai nghe rõ

chữ “độc giả” lại hiểu ra là “thân ái”.[*]

 

Dưới nền nhợt nhạt nào của mây trời

giờ đây đập rộn ràng lá cờ ba màu

tương lai, quá khứ và hiện tại

của em, làm lắc lư cả cột buồm?

 

Trên mặt sông lụa lanh nào

em gan dạ trôi giạt về

những bến bờ mới, tay lần tràng hạt

để đáp ứng những nhu cầu thô lỗ?

 

Xem thêm:   Phan Xuân Sinh

Tuy nhiên, nếu tội lỗi được tha thứ,

nghĩa là, nếu linh hồn hoà thuận

với thân xác một nơi nào khác, thì góc phố kia,

chính nó cũng sẽ được hưởng chung

 

như chốn khuê phòng của kiếp sống sau

là nơi, trong cảnh nghèo ám khói,

các vị thánh và không thánh đều dừng chân đôi phút,

là nơi tôi vẫn là kẻ tới trước.

 

1980

*Khó có thể tìm ra hai từ tiếng Việt tương đương với từ reader và dear trong nguyên tác tiếng Anh