Thời tiết ít khi dưới 30oC (86oF), Sài Gòn khó lòng mà không “ấm áp”. Nhưng sự ấm áp của Sài Gòn không chỉ từ nhiệt độ, mà còn từ sự tử tế mà người ta dành cho nhau.

“Đại gia” nơi góc chợ – Facebook Lê Chánh Can    

“- Bán con dĩa cơm không với một miếng trứng chiên thôi nha cô.

– Nè cho thêm con gái miếng thịt kho, về ăn rồi đi học, đừng có tiết kiệm rồi bày đặt giảm cân này nọ, ăn thêm miếng không có chết đâu…”

Một người bạn nhỏ quê ở Miền Trung kể lại câu chuyện “nhớ đời” của mình cho tôi nghe – khi bạn vừa “lên Sài Gòn” học cách đây nhiều năm. Khi đó, bạn gần hết sạch tiền, ba má chưa gửi “cứu trợ” lên kịp vì vụ mùa thất bát, không xin được việc làm thêm – nên mấy bữa liền bạn đành ra quán lề đường ăn cơm không với trứng chiên cho rẻ. Cô bán cơm nhanh chóng cảm nhận được sự “đói rách” của bạn mà “tài trợ” một cục thịt kho/con cá chiên/miếng rau xào mỗi bữa ăn cho tới khi ba má bạn gửi “tiền tháng” lên. Sau khi có tiền, bạn năn nỉ cô tính tiền thịt kho để trả nợ, nhưng cô cương quyết từ chối, cô nói khi nào ra trường, có việc làm ổn định, giàu có rồi hẳn tính chuyện cám ơn. Vậy mà bạn chưa kịp giàu, cả nhà cô đã qua Mỹ định cư, mở tiệm cơm bự chà bá ở bển.

“Nhờ có con bị bệnh, mà anh mới cảm thấy biết ơn cuộc đời và thấy mình nợ Sài Gòn rất nhiều.” –  Hôm rồi, một người bạn già (gốc Bắc) rơm rớm lệ tâm sự với tôi chuyện anh nhận ra lòng tốt của nhân loài qua các câu chuyện nhỏ mà hàng ngày anh gặp được khi chở người con đi dạo (Con anh hơn 20 tuổi nhưng từ khi sanh ra đã bị tật, tâm trí và hành động luôn ở tuổi lên 3.) Anh kể là liên tục được xe lớn/xe nhỏ nhường đường, được người đi đường nhắc nhở ở phía sau con anh đang trườn ra ngoài ghế phụ của xe, con anh được tặng bánh/đồ ăn, được… khen đẹp trai giống anh (dầu anh không đẹp trai lắm). Mấy bữa trước (khi xăng cả nước “khan hiếm”, các cây xăng đùng đùng đóng cửa, có tiền cũng khó mà đổ được xăng), khi anh hì hục đẩy bộ cái xe (kèm đứa con ngồi sau xe) để tìm cây xăng, nhưng chỗ thì đóng cửa, chỗ thì chen không lọt giữa biển người. Cứ tưởng phen này hai cha con phải phơi nắng đừ người, không ngờ được, có tới bốn/năm người đi đường cùng ngừng lại chia sớt mỗi người một ít xăng cho anh. Bình thường, khi xăng không khó mua, việc người Sài Gòn tặng xăng cho người “lỡ đường” đã là chuyện quý, tuy không hiếm gặp. Nhưng ngay lúc khó khăn này, hành động tặng xăng cho người xa lạ càng quý, vì những người chia sớt cho anh phần xăng kia có thể sẽ khó khăn trong việc đổ xăng sắp tới.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Lâu nay đọc toàn tin tức không vui ở Việt Nam/thế giới làm tâm hồn và túi tiền của tôi tổn thương quá trời. May mà có những câu chuyện đời thực dễ thương như trên, tôi thấy cũng đỡ. Thì ra, (ngoài tôi ra) vẫn còn nhiều người tốt, cũng còn nhiều người ghi nhớ chuyện tốt, biết ơn người tốt và lan truyền cái tốt tới người khác, nhất là tại Sài Gòn – quê tôi. Nhiều khi khen Sài Gòn quá thì người ta lại nghĩ tôi “nổ”, nên hôm nay, tôi tiếp tục “khoe” quê mình bằng những câu chuyện có thật được người từ nơi khác tới đây sống, cảm nhận và kể. Hy vọng làm lan tỏa một chút “ấm áp” của Sài Gòn tới mọi người, dầu bạn có “lạnh” hay không:

  1. “Đại gia” Sài Gòn

– Từ Facebook Lê Chánh Can

Bà già ngồi góc chợ bán đậu phộng luộc, bận áo bà ba màu cổ trầu, trên áo, mảnh vá nhiều hơn khung cửa sổ của bất kỳ tòa chung cư nào, điếu thuốc cháy dở trên tay, ngầu quá ngầu.

Cô bán vé số đi ngang ghé lại: “Nay bán được không già.”

– Già cả mà ăn uống gì bao nhiêu. Tao đại gia mà mậy.

– Tui kêu bà qua bán vé số đi có ăn hơn.

– Thôi già rồi tính toán tiền bạc mệt lắm.

Cô bán mắm nói chen: “Kêu bả lên sạp ngồi với tao mà bả không chịu á chứ.”

Bà già không còn răng bặm bợ cười hiền: “Thôi…”

Cuộc hàn huyên chợ xôm tụ. Cô vé số than bán ế, sáng giờ mới bán được hai tờ cũng mua ủng hộ bà già lon đậu.

Bà già: “Thôi mày cũng ế mà, khá gì hơn tao đâu. Bữa nào trả tao cũng được.”

Thằng nhỏ bán cá chạy lại, nói bà bán con một lon. Bà kêu trả năm ngàn đồng được rồi. Thằng nhỏ dúi cho mười lăm ngàn. Bà nhìn rồi chớp mắt lia lịa: “Thôi mày cho tao, thì tao cũng cho mày thêm một nắm. Rồi dứt khoát nghen. Nè nè, mày hút thuốc không, tao cho…”

– Dạ con cám ơn…

Sài Gòn của tôi là thế, người ta nói “thà cho vàng chứ không ai chỉ đàng đi buôn”. Không, người Sài Gòn cho nhau hơn cả vàng. Cô bán vé số không khá hơn cô bán mắm, cô bán mắm không khá hơn bà già bán đậu và thằng nhỏ bán cá không khá gì hơn ai cả. Cô bán vé số cho bà già “cái đàng đi buôn”, cô bán mắm chia cho bà già một góc nhỏ cần lao, bà già cho thằng nhỏ cách làm người – có qua có lại. Và ngày ngày người Sài Gòn vẫn cầm vàng mà cho nhau.

Xe quần áo 0 đồng của người Sài Gòn

  1. Công thức hủ tiếu gõ
Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

– Từ Facebook Hoàng Diễm My

Hồi còn ở Việt Nam, mình từng được dẫn đi ăn hủ tiếu gõ vài lần. Lúc đó nhà mình ở quận 1, gần đó có xe hủ tiếu gõ ngon ơi là ngon. Tô hủ tiếu đầy đủ luôn chỉ có 15 ngàn mà thôi. Sau khi qua Úc thì mình thèm hủ tiếu gõ da diết, khổ nỗi bên đây không chỗ nào bán đúng vị hủ tiếu gõ như ở Sài Gòn.

Cách đây nửa tháng ba mình có đi công tác ở Việt Nam, thế là ba mình ghé hỏi chú bán hủ tiếu cách nấu sao cho ngon. Sau một hồi năn nỉ là học về nấu cho con gái ở nước ngoài chứ không phải nấu bán, thì chú cũng chỉ cho ba mình, khổ cái là chú nói nhanh quá ba mình ghi lại không kịp. Chú còn nhấn mạnh là phải cắt thịt cho thật mỏng mới giống hủ tiếu gõ, ba mình hỏi 1cm được không? Thì chú kêu “Ai rảnh mà đo, phân nửa cũng được.”

Thấy ba mình có chí học hỏi nên chú tặng luôn cho ba mình cái muỗng để có cảm giác ăn hủ tiếu ở Việt Nam. Nhìn cái muỗng cong cong mình vừa xúc động vừa buồn cười. Sài Gòn đẹp ghê ha, người Sài Gòn dễ thương hết biết, nhớ Sài Gòn da diết.

Chủ tiệm hủ tiếu dạy công thức nấu hủ tiếu gõ mà còn tặng… muỗng – Facebook Hoàng Diễm My

  1. Số ‘đẹp’

– Từ Facebook Anh Nguyễn

Nhân lúc các đại biểu quốc hội đề xuất không cấp biển số xe hơi 49-53 vì họ cho đó là số xui, số xấu. Mình cũng nhớ một câu chuyện nhỏ khi lần đầu bước chân đến Sài Gòn. Nguyên một tuần đầu tiên, mình chỉ để dành khóc vì nhớ nhà. Cái cảm giác rời xa một nơi gắn bó với mình hơn 26 năm, xa gia đình, bạn bè và bỏ dở công việc ổn định, không phải là thứ cảm xúc dễ chịu cho lắm!

Vì sợ mình buồn, bạn mình – người Sài Gòn đầu tiên mình quen biết – liền dẫn mình đi “du lịch”… quận Bình Thạnh của Sài Gòn. Vì khu đó có đường sá, biển hiệu… đều na ná quê mình ở ngoài Bắc. Cả hai dừng chân tại một tiệm cà phê nhỏ xinh và yên tĩnh. Lúc xuống xe, bác bảo vệ đã có tuổi nhiệt tình ra để dắt xe hộ. Nhưng xe mình to nặng, bác thì còm nhom, nên bạn mình tự dắt cho bác đỡ cực. Lúc dắt xe xong xuôi, thay vì đưa vé, bác cứ đứng lụi hụi với mớ vé xe. Lật lên lật xuống, dòm qua dòm lại một hồi. Mình thấp thỏm hỏi: “Ủa bác làm gì vậy?!”

Cái bác trả lời: “Mấy đứa dắt xe giùm nên bác lựa cái vé xe số đẹp cho may mắn!”

Chuyện nhỏ nhưng thấy vui lắm luôn, còn chuyện biển số xe là chuyện lớn, mình không ý kiến!

Cắt tóc miễn phí ở Sài Gòn

  1. Lần đầu Sài Gòn được “cứu trợ”
Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

 – Từ Facebook Trần Ngọc Liên

Sài Gòn, 10-7-2021 – Ngày giãn cách thứ 2.

Mình 25 năm sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn lần đầu tiên mình thấy những tấm băng-rôn:

“Ðoàn từ thiện hướng về Sài Gòn”

“Chúng mình có rất nhiều rau củ gửi đến Sài Gòn”

Thật sự từ nhỏ đến lớn mình chỉ toàn nghe trường học, xem tivi, báo đài, mạng xã hội kêu gọi người Sài Gòn ủng hộ các vùng bị thiên tai, bão lũ. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường mình đã quen với phong trào nuôi heo đất, thu gom ve chai lấy tiền đổi lấy sách vở cho trẻ em vùng cao. Mình thấy quá quen với hình ảnh người Sài Gòn soạn từng thùng mì, gạo, đường, quần áo cũ gửi tặng những nơi khác. Mình luôn thấy may mắn vì sống ở thành phố tiện nghi, tấp nập với nhiều cơ hội và được dạy phải biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mà không mưu cầu nhận lại gì. Chưa bao giờ mình nghĩ có ngày lại có những chuyến xe từ những vùng khác hướng về Sài Gòn mang theo lương thực, rau củ để cứu trợ người dân Sài Gòn như vầy. Sống giữa tâm dịch, ai cũng thấp thỏm lo sợ, đi lại khó khăn, gian thương lên giá thực phẩm, kinh tế trì trệ, thuê nhà gồng muốn… tuột quần. Gia đình nhỏ của mình với gần 10 con chó cũng không biết cố gắng được tới chừng nào với ngần ấy chi phí nhưng lại ngừng kinh doanh hơn 1 tháng nay. Nhưng vẫn hy vọng lương thực tiếp tế đến kịp với những gia đình khó khăn hơn mình. Cám ơn những tấm lòng, cám ơn từng bó rau mọi người tận tay cắt, cám ơn từng con cá cô bác xếp gửi vào Sài Gòn. Cám ơn luôn những lời hờn trách, ghét bỏ dành cho Sài Gòn, Sài Gòn sẽ mau khỏe…

Sài Gòn lần đầu được người nơi khác “cứu trợ” – hồi dịch “phá” Sài Gòn giữa năm 2021 – Facebook Trần Ngọc Liên

  1. Tô hủ tiếu nghĩa tình – Từ Facebook Hoang Danh

Chút ấm lòng ngày Sài Gòn mưa bão.

“Cho con tô hủ tiếu bò viên nha cô. Mà làm cho con nhiều nhiều hủ tiếu xíu, đi học về đói quá”

“Vậy cô làm cho con 2 vắt nha?”

“Dạ cô”

… Mấy phút sau cô bưng ra bàn mình tô hủ tiếu to đùng, đầy ắp thịt sườn với bò viên.

“Ủa con gọi bò viên thôi mà cô? Sao cô cho con nhiều dữ vậy?”

“Cô thấy bây đi mưa về tội nên cho thêm đó. Cứ ăn đi hổng tính thêm tiền đâu mà lo.”

“Cho nhiều vậy mà vẫn lấy có 20 ngàn thì tiền lời đâu ra cô?”

“Bây ăn no có sức học là cô vui rồi. Lo ăn đi”

Mình từng đi ăn rất nhiều tiệm hủ tiếu, nhưng chưa bao giờ ăn tô hủ tiếu nào có vị ngọt ngào như tô này cả. Chắc là có thêm vị của tình người ở trong đấy. Một lát sau về phòng thì mình nằm liệt giường vì bị say… bột ngọt.

DU