Hồi còn đi học, trong một lần tôi định bỏ học. Thầy Dũng – chủ nhiệm lớp khi đó – nói với tôi: “Vũ khí mạnh nhất mà con người có được không phải là súng đạn, xe tăng, tàu chiến hạm hay bom nguyên tử mà là niềm tin! Em phải tin vào chính mình!”

Một gói tã lót trong một siêu thị mini ở thủ đô Caracas (Venezuela) có giá 8 triệu bolivar – Nguồn hình: vnexpress.net    

Hồi đó, nghe xong đâu hiểu gì, tôi chỉ ráng gật đầu, chứ trong đầu tôi nghĩ: “Vũ khí mạnh nhất mà con người có được không phải là tiền hay sao? Con đang không có tiền đóng tiền học đây thầy!” Nhưng càng lớn, tôi càng hiểu, tại sao thầy nói như vậy, vì niềm tin của số đông chính là thứ tạo ra tiền.

Nếu không ai tin vào kẻ định giá đồng tiền và kẻ in tiền, thì tiền chỉ là những tờ giấy in bậy in bạ, không có giá trị gì cả. Người ta có thể lấy lá cây, nước mưa để đổi lấy vàng, đóng học phí… nếu họ tin những thứ đó có giá trị tương đương nhau. Gần đây, ở mấy tỉnh phía Bắc Việt Nam bỗng rộ lên mấy thương vụ bán/mua “lan đột biến” với giá hàng trăm tỷ VN đồng một giò lan, có nơi hơn ngàn tỷ. Khiến dân tình cả nước bán tính bán nghi. Không ít người lật đật chạy ra vườn đem đống lan đang khát khô nước vô tưới, bón chăm chỉ. Ước gì nó là “lan đột biến” như lời đồn. Có người cho đây chỉ là “cơn sốt ảo” do những nhà buôn tạo ra để nâng giá cho hoa lan. Nhưng cũng có người chắc chắn một lúc nào, điều đó thành sự thật, nếu có nhiều người tin vào sự định giá đó. Vì kim cương giá trên trời cũng do nhiều người tin vào độ quý và hiếm của nó, nếu không thì nó chỉ là những cục đá lấp lánh. Tiền ảo Bitcoin thuở ban đầu cũng cho free, sau đó nhờ niềm tin của hàng triệu người trên thế giới, đồng tiền không hữu hình này được lên sàn chứng khoán. Bây giờ giá 1 đồng tiền ảo Bitcoin bằng mấy chục ngàn USD. Tuy nhiên, “lan đột biến” cũng có thể mang giá hàng trăm tỷ VND, bằng một cách khác, khi thế giới không ai tin vào giá trị đồng tiền nước Việt Nam nữa. Một ví dụ từ quốc gia từng được coi là có thu nhập đầu người cao nhất tại Nam Mỹ – Venezuela. Năm 2018, khi rơi vào cuộc khủng hoảng do lạm phát, người dân nước này phải chi hàng chục xấp tiền để mua cuộn giấy vệ sinh. Một gói tã lót trẻ em trong siêu thị mini ở thủ đô Caracas (Venezuela) có giá 8 triệu đồng bolivar. Lúc đó trong nhà ai có giò “lan đột biến” hay không đột biến chắc đều đổi được cả bao bố tiền!

Tóm lại, niềm tin của số đông chính không chỉ là thứ định giá vật chất mà còn là thứ định ra ranh giới đạo đức, thước đo dân trí, chuẩn mực xã hội… Nhưng, chín người thì mười ý, đâu có ai giống nhau, vì vậy, chúng ta có những cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa các phe cánh có niềm tin khác nhau.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tiền chất đống trên bàn trong các sự kiện chuyển nhượng lan “đột biến” – Nguồn hình: thanhnien.vn

Bởi vậy, xã hội nhân loài không khi nào bình yên. Ở vài nước trên thế giới, luật pháp/hiến pháp chỉ để trang trí cho đỡ trống giấy, con người thích xài “luật rừng” hơn, bởi dân thì mất niềm tin vào những người cầm quyền, còn những người cầm quyền thì tin vào quyền lực hơn là danh dự chính mình. Ðiển hình như cuộc chiến giữa dân – những người tin vào tự do, dân chủ – và quân đội – những kẻ tôn thờ phát xít, độc tài – đang diễn ra ở Miến Ðiện. Hàng trăm người dân tay không tấc sắt bị quân đội bắn vào đầu, có cả đứa bé bảy tuổi, vì không chịu tin quân đội đàng hoàng. Hàng triệu người dân Miến Ðiện đã tức giận, đồng loạt đóng cửa toàn bộ các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí, trao đổi mua bán nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Họ bất chấp hy sinh tất cả, ngay cả kinh tế của từng gia đình, từng người để đổi lấy một nền dân chủ thực sự trên đất nước mình. Tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thức ăn, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho nhau, giúp đỡ nhau đến khi kinh tế do quân đội độc tài điều hành sụp đổ. Một câu nói đang hot trên mạng xã hội Miến Ðiện tuần qua là: «Thà cho 10,000 con chó ăn no chứ không cho một tên lính hèn hạ nào trong quân đội ăn một hạt cơm». Ngay cả khi chế độ độc tài quân đội bắt giữ các quan chức ngân hàng để buộc các ngân hàng tư nhân phải mở cửa trở lại, một số quan chức ngân hàng đã từ chức và những người khác thà trốn chứ không tuân theo. Người dân Miến Ðiện không chỉ tin vào tự do, dân chủ, mà họ còn tin nhau. Bởi vậy mới có sự đoàn kết như thế!

Thường thì có sự gì trên thế giới, dân tình đều sẽ nhìn lại bản thân mình. Nhiều người Việt cũng vậy, không ít người đã hỏi: liệu chúng ta có đủ niềm tin cho nhau khi “loạn lạc” hay không? Và nếu xảy ra những cuộc nội chiến tương tự, thì dân Việt có đủ tin vào tự do, dân chủ để làm nên những điều trên hay không? Facebooker Tien Nhat Le phân tích:

“Những điều xảy ra ở Miến Ðiện chẳng bao giờ “áp dụng” được ở xứ “thiên đàng” này đâu, vì:

  1. Internet + điện thoại + truyền thông đều do nhà nước độc quyền quản hết, không thể truyền tin để rủ nhau tổ chức đồng bộ được như thế.
  2. Người dân có chính kiến đã bị áp chế tâm lý hơn 40 năm, số đông dân chúng thành ngoan hiền hết rồi. Chưa tính đến hơn một nửa ngoài vĩ tuyến là “bên thắng cuộc”, vẫn đang được hưởng lợi từ việc vùi dập “bên thua”, nên khó đoàn kết một quốc gia được.
  3. Lực lượng “còn đảng còn mình” áp dụng chính sách bẻ từng chiếc đũa, không cho tụ lại thành bó đũa, nên khó có “nhúm” nào đấu tổ chức thành công được.”

Bé gái 7 tuổi bị quân phiệt Miến Điện bắn chết – Nguồn hình: google

Chắc có nhiều người cùng suy nghĩ…

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Một người bạn khác của tôi, khi được hỏi câu hỏi tương tự ở trên, bạn lại trả lời một cách vô cùng… thơ mộng: «Mày yên tâm đi, người ta đánh nhau hoài, một lúc nào đó cũng… mệt. Thế giới này sẽ không còn biên giới, không còn xung đột, sẽ có ngôn ngữ chung và sẽ không cần dùng tiền để định giá trị con người nữa…»

Tôi thì không có niềm tin là con người sẽ có thể sống cùng nhau mà không xảy ra bất cứ xung đột nào. Tôi cũng không tin dân Việt có thể đoàn kết như dân Miến được, vì chính bản thân tôi đôi khi cũng rất kỳ thị những tộc người hay hỏi: “biết bố mày là ai không?”. Có lẽ tánh cách tôi quá cực đoan. Ðôi khi, tôi còn thấy mình quá bi quan vào cuộc sống này. Tuy những sai lầm, vấp ngã trong đời của tôi đối với người khác chỉ là muỗi nhưng tôi vẫn cảm thấy chông chênh khi đứng trên đôi chân mình, thậm chí mất hết niềm tin vào nhân loài lẫn bản thân mình khi nào không biết. Có lẽ do những câu chuyện vụn vặt mà tôi từng thấy trong đời:

Hồi tôi 15 tuổi, có chị kia tên Như, đưa hết tiền cho chồng đi mua đất ở Bình Dương, rồi sau đó, chỉ tự tử vì đất chồng mua cho nhỏ khác đứng tên. Niềm tin vào người chồng phụ bạc (hoặc miếng đất) còn nặng hơn mạng sống của chỉ nữa. Con người đôi khi yếu đuối lắm, nhất là người Việt. Họ sống dưới một xã hội không cho phép người ta mạnh mẽ, không cho phép người ta có niềm tin quá lâu rồi. ​May mà lúc đó chỉ được người ta cứu kịp, không chết. Giờ đang khiến một ông chồng khác muốn sống không được, muốn chết không yên, vì lúc trước ổng trót tin chị Như là người hiền lành, nhân hậu cỡ… tôi.

Hay hồi tôi 20 tuổi, trong xóm có ông Bảy, nhà giàu lắm. Chắc giàu nên không làm gì, tối ngày uống rượu, uống vô say xỉn là đánh bà vợ và hỏi “con Mén là con ai?” Vì mấy bà hàng xóm nói con Mén không giống ông Bảy cũng không giống vợ ổng. Ổng tin mấy bà hàng xóm hơn cả vợ mình. Nhờ niềm tin đó, một bữa đẹp trời, con Mén bỏ nhà đi. Mấy năm sau, nó đem về đứa nhỏ. May mà cha của đứa nhỏ không về cùng hai mẹ con Mén. Chứ ở chung cái xóm đó, có ngày thằng chả lại nối gót “cha vợ”, say xỉn rồi về đập con Mén hỏi “con ai?”. Nhớ hồi đó, có lần cả xóm đồn rần rần tôi chửa hoang, hỏi ra mới biết vì tôi phơi quần áo của mấy con chó mình nuôi, mấy bả nhìn tưởng đồ con nít. May mà lúc đó tôi vẫn còn niềm tin với chính mình, chứ không thì lại phải đi khám thai. Tuy còn niềm tin vào chính mình, nhưng từ đó, tôi không tin vào hôn nhân nữa.

Túi giả LV có chip NFC hiển thị thông tin sản phẩm khi kết nối smartphone, trong khi túi thiệt không có – Nguồn hình: kenh14.vn

Hoặc mới đây, tôi đọc báo thấy truyền thông đưa tin ở Trung Quốc có một công ty bán túi giả nhãn hiệu Louis Vuitton có gắn “chip NFC” chống hàng giả, dù túi thật không hề có mà toát mồ hôi hột. Vì không biết trong những thứ mình đã dùng, thứ nào là hàng thật, thứ nào là hàng nhái? Khi hàng nhái còn… thật hơn cả hàng thật. Nhớ hồi đó, lần đầu ra mắt nhà bạn trai đầu tiên, tôi hí hửng mua nguyên lốc nước yến và hộp bánh tặng gia đình. Sau khi ăn gần xong bữa cơm, bỗng thấy trên tủ nhà họ cũng trưng lốc nước yến cùng nhãn hiệu mà tôi mua, nhưng kiểu dáng cái lon đựng yến thì khác hoàn toàn, tôi chợt run run tự hỏi «có phải mình mua lộn hàng giả hay không?». Ở Việt Nam, đồ thiệt chắc còn hiếm hơn niềm tin của tôi đối với nhân loài nữa. Bởi vậy, sau mỗi lần ai đó than thở với tôi là bị lừa, là mất niềm tin vô cuộc sống. Tôi thường khuyên họ hãy cứ mạnh dạn mở lòng mình ra đi, biết đâu bị lừa thêm lần nữa sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Hồi xưa, lúc đọc Nhà giả kim (tiếng anh là The Alchemist) của nhà văn Paulo Coelho, tôi không có cảm giác gì mấy. Tại bản thân tôi cũng không phải là người thông minh. Vậy mà sau này, cuốn sách trên bỗng gây “sốt” ở Việt Nam. Người người, nhà nhà đăng lại câu “đinh” của truyện: “Nếu cậu muốn một điều gì đủ lớn, cả vũ trụ sẽ giúp bạn điều đó, qua những dấu hiệu mà nếu cậu nhìn kỹ mới có thể nhận ra.” – Làm cho tôi chú ý.

Vậy là ngày nào tôi cũng ước rằng mình thật xinh đẹp, thông minh, giàu có và quan trọng là thoát… ế. Tuy đến giờ vẫn chưa được như nguyện, có đôi chút oán trách “vũ trụ” chưa chịu “giúp” mình. Nhưng tôi cũng thắc mắc, nếu “vũ trụ” thật sự hiện thực hóa mọi ước nguyện của nhân loài, thì địa cầu này có còn ổn không? Vì đâu phải ai cũng có những ước muốn giản dị và lương thiện như tôi. Nếu dân Miến Ðiện và quân phiệt Miến cùng ước, thì “vũ trụ” sẽ thực hiện ước muốn của bên nào trước? Có phải là bên có nhiều niềm tin hơn hay không?

Xã hội 4.0, niềm tin và sự thật hiếm như nhau – Nguồn hình: Facebook

DU