“Im Lặng” nếu là một nhân loài, chắc chắn “nó” sẽ là một người đa nhân cách (có khi còn là… phụ nữ). Vì chính “Im Lặng”, lúc thì bị coi là “Tội Ác”, có lúc lại được tôn xưng là “Vàng”…

“Bạo lực gia đình – im lặng là tiếp tay cho bạo lực” – Nguồn: quochoi.vn
1
Im Lặng là Tội Ác
Câu trên còn có nhiều “phiên bản” khác nhau, được nhiều người dùng làm tuyên ngôn cho phong trào mà họ đang theo đuổi. Và nó có từ hồi xưa ơi là xưa, không biết lúc đó tôi (và chúng ta) ở nơi nào:
Napoléon Bonaparte – Một trong những vị hoàng đế được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử nước Pháp và thế giới – nói: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.
Những năm 60 có mục sư Martin Luther King – Người gây nhiều tranh cãi, nhưng đã đánh dấu tên mình vào lịch sử thế giới khi đấu tranh không mệt mỏi, thậm chí đến chết để giành quyền bình đẳng cho người da đen tại Mỹ. Là công dân Mỹ đầu tiên (nghe nói là duy nhất?) không phải là tổng thống nhưng ngày sinh của ông là một ngày lễ được cả nước Mỹ vinh danh – nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”
Mới đây thì có Hoa Hậu thế giới Canada 2015 – Anastasia Lin (sinh ra tại Trung Quốc và đang bị Trung Quốc “cấm cửa” vào quê hương vì những phát ngôn thẳng thắn của cô về việc vi phạm nhân quyền/tự do tôn giáo của chính quyền Bắc Kinh – nói: “Nếu như không có ai lên tiếng, tất cả mọi người đều sẽ chịu khổ đau. Im lặng không giúp được bất kỳ ai. Im lặng nuôi dưỡng lũ người ác. Còn cá nhân tôi, tôi chỉ xin nói vài lời với các vị ‘trí thức’. Các vị không những phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm, mình nói mà còn phải chịu trách nhiệm về cả những gì mình không làm, mình không nói.”
Dù ở dạng nào, thời nào, được ai nói ra thì cái nghĩa của “Im Lặng là Tội Ác” đều hay và chính nghĩa. Mang cho những người viết những triết lý có sức thuyết phục và kêu gọi mạnh mẽ hơn, mỗi khi có sự kiện bất công, trái khoáy nào được đưa ra ánh sáng.
Báo chí “cách mạng” Việt Nam cũng không hiếm lần dùng câu trên để khuyên lơn đồng bào nghĩ cho nhau. Từ những tiêu cực trong giáo dục/gia đình như chuyện bạo lực gia đình/học đường. Ðến kinh tế xã hội như chuyện các doanh nghiệp gây thiệt hại cho đời sống người dân, các tài tử khoe thân gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục… Hoặc bảo vệ môi trường, đừng im lặng trước nạn phá rừng, quăng rác bừa bãi, săn bắn vô tổ chức… Hay như gần đây là chuyện “Xâm hại tình dục trẻ em” ở Việt Nam – khi có quá nhiều vụ án (đến mức bão hòa) về việc trẻ nhỏ bị quấy rối tình dục, hãm hiếp, làm chuyện người lớn bởi chính những người thân cận…

“Xâm hại trẻ em: Im lặng là tội ác!” – Nguồn: plo.vn
“Ngăn ngừa bạo lực học đường: Im lặng là tội ác” – Nguồn: tienphong.vn
2
Im lặng là Vàng
Ủng hộ khái niệm “Im Lặng là Tội Ác” không có nghĩa là sẽ bác bỏ “Im lặng là Vàng”. Vì đa số trường hợp, hai khái niệm này không nằm chung câu chuyện, nó chỉ phụ thuộc vào yếu tố con người và câu chuyện hoàn cảnh. “Im lặng là Vàng” đại loại là: ở một số trường hợp, nếu điều bạn chuẩn bị nói không đẹp hơn sự im lặng, thì đừng nói ra điều đó. “Im lặng là Vàng” không mang trong mình một ý niệm to lớn như “Im Lặng là Tội Ác”, nhưng đôi lúc nó là triết lý sống của một số người, giúp họ nhiều việc trong cuộc sống. Một số ví dụ cho thấy “Im lặng là Vàng”:
“Edison phát minh một dụng cụ điện tử, ông muốn bán phát minh này với giá 3,000 USD, và tự nhủ nếu các thương gia chỉ trả 2,000 USD cũng được. Lúc gặp nhau, họ hỏi ông về giá cả, Edison lúng túng không biết phải nói như thế nào. Một người trong số họ đành phải bắt đầu trước:
– Chúng tôi không trả cao đâu, ông nghĩ sao với cái giá 40,000 USD?”
“- Mẹ em kia à?
– Vâng
– Trông bác đẹp nhỉ. Lại phúc hậu nữa
– Hí hí…
– Em chắc là giống bố phải không?”
“Khi cãi với người nhỏ hơn bạn, hãy suy nghĩ 10 giây rồi nói. Khi cãi nhau với người ngang bằng bạn, hãy suy nghĩ 30 giây rồi nói. Khi cãi với người lớn hơn bạn, hãy suy nghĩ một phút rồi nói.
Khi cãi nhau với vợ, hãy suy nghĩ, đừng nói!”
…
“Im lặng là Vàng” còn thể hiện rõ trong “Quyền im lặng” của pháp nhân phạm tội trong tố tụng hình sự – Khi coi phim Hồng Kông (trước đây) hay các nước tư bản “giãy chết” bạn sẽ hay nghe cảnh sát nói câu: “Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”. Sự im lặng lúc này hoàn toàn có lợi cho người nói (cảnh sát) lẫn người nghe (nghi phạm). Với cảnh sát, họ khuyến khích nghi phạm không nên vì nóng giận mà phát ngôn thiếu suy nghĩ, hãy chờ đến khi có luật sư bảo vệ, hoặc khi tâm trí đã nguội và có thời gian suy nghĩ chín chắn mới nói. Tuy lâu lâu cũng có những tên tội phạm khôn lỏi lợi dụng quyền này mà thoát tội (vì không đủ bằng chứng để cáo buộc), nhưng điều luật này là một minh chứng rõ nét cho sự văn minh của hệ thống công quyền các nước phát triển, vừa giảm oan sai trong khi điều tra. Theo Google, câu nói trên có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại, chính thức được đặt tên là “quyền Miranda” Năm 1963 ở nước Mỹ.

“Đừng im lặng: Con ruồi trong chai nước, khách hàng sau song sắt” – Nguồn: laodong.com.vn
3
Nói lý thuyết suông thì quá dễ. Nhưng quả tình, để thực hành “Im Lặng là Tội Ác” hay “Im lặng là Vàng” ở một số nơi trên quả địa cầu này, nó lại là một việc vô cùng khó khăn. Vì ở những nơi này, không những tiếng nói mà sự im lặng cũng bị kiểm duyệt.
Bởi vậy, khi người ta, báo chí, phim ảnh nước ngoài coi “Quyền im lặng” là một thứ bình thường như cân đường miếng thịt. Thì ở Việt Nam, người ta hỏi nhau: “Ủa sao cảnh sát trong phim Hồng Kông (cũ) lại nói câu quyền Miranda khi bắt tội phạm? Ở Việt Nam có quyền này không?”
Xin thưa, “Quyền im lặng” ở Việt Nam là có (tôi mới Google xong). Nhưng để nói về nó, tôi xin nhắc lại lời kể của người tử tù “hụt” Nguyễn Thanh Chấn (đi tù oan gần 10 năm, đi đòi quyền lợi cũng hàng chục năm) – khi ông nói về sinh hoạt trong tù của mình: “Gần 2 tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới 1 phòng, trong phòng có 1 hình nộm, 1 con dao giả, cử tập 8h bắt đầu, 11h30 nghỉ, chiều 14h tới 16h30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh…” – Sau đó “nhờ” ông Chấn giết người quá thành thục, quá chuẩn xác, đúng là 1 kẻ giết người. Nên tòa xử cũng nhanh, tuyên án tử hình cũng lẹ. Vì có “suất” bố là liệt sĩ, nên hạ xuống là chung thân. 10 năm sau, phát hiện ra kẻ giết người thật sự của vụ án… Thêm vài năm nữa đi đòi minh oan, ông Chấn nhận bồi thường 7 tỷ và một gia đình tan nát.

Không im lặng, ác hơn! – Nguồn: nld.com.vn
“Im Lặng là Tội Ác”, nhưng khi có một cô gái tố cáo mình bị sàm sỡ/quấy rối, thay vì bắt kẻ ác xin lỗi hoặc đền tội thì dư luận “soi” xem cô này có… đẹp không? Ăn mặc có đoan trang, lễ giáo không? Cuộc sống mà, bọn trộm cắp thì chẳng bao giờ thừa nhận đạo đức của chúng suy đồi mà đổ thừa tại chủ nhà khóa cửa không chặt. Bởi vậy, nếu cô nàng vô tình không được đẹp hay ăn mặc không kín đáo, sẽ nhận lại mưa lời “oán trách” như: “Xấu như… mà bày đặt tố cáo, có phải tán người ta không được rồi vu oan?”, “Ai biểu ăn mặc hở hang như đi làm… nó không dê cũng uổng!”…
Lúc có một khách hàng tên Võ Văn Minh, mua nước ngọt của tập đoàn Tân Hiệp Phát, phát hiện trong đó có con ruồi. Kết quả là anh ta nhận 7 năm tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản” – “Tài sản” này là 500 triệu của công ty này giả vờ “trao tặng” để “bịt miệng” anh Minh vụ “con ruồi trong chai nước”, sau đó dùng làm chứng cứ tố cáo. Khi đó, hầu như hơn 80% ý kiến dư luận cho rằng công ty Tân Hiệp Phát đã “gài bẫy” người khách hàng (theo lời luật sư là “chân chất, nhà quê”) kia. 20% còn lại cũng cho là Tân Hiệp Phát gài bẫy anh Minh, nhưng ảnh đi tù là đáng đời, ai biểu tham (tiền “bịt miệng”). Rồi trong khi “bị cáo” Minh (chưa bao giờ nhận tội nhưng vẫn) bị kết án, báo chí trong nước có bài kêu gọi “Ðừng im lặng: Con ruồi trong chai nước, khách hàng sau song sắt”. Bài báo này được kết vầy: “Ðừng im lặng, nếu bạn có yêu cầu và đòi hỏi chính đáng, đúng pháp luật, cộng đồng sẽ luôn ở bên bạn. Còn không lên tiếng rất có thể chúng ta vẫn sẽ lại ngậm ngùi với những đứa trẻ vô tội như con anh Minh và âm ỉ bức xúc mãi vì những doanh nghiệp muốn khách hàng đi tù hơn là tôn trọng họ.” Ủa vậy ai bảo vệ quyền “đừng im lặng” này?
“Im Lặng là Tội Ác”, nhưng khi có ai đó nói về bất công xã hội, nhắc đến tên những kẻ tham nhũng thì lại nhận được “cơn mưa” chửi rủa: “Câm mõm đi đồ phản động!”. “Hóa ra là ba que à?”. “Tưởng gì thứ khát nước?” (Mất nước nên… khát). Tệ hơn là những “giấy mời”, trên đó có hai hàng chữ ngay ngắn: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/Ðộc lập – Tự do – Hạnh phúc” và những dấu mộc đỏ lòm. Hoặc cực hạn là bố ráp, bắt bớ, đánh đập đến thân tàn (như cặp chân gãy thành tật của cô Phạm Ðoan Trang). Thậm chí lấy mạng luôn những kẻ tin “Im Lặng là Tội Ác” – Cụ Lê Ðình Kình là một ví dụ.
Vậy là sao? “Im Lặng là Tội Ác”, không im lặng… ác hơn?

Ông Nguyễn Thanh Chấn: “Tôi bị bắt tập cầm dao, bê xác” – Nguồn: giaoduc.net
DU
Bà Tám ở Sài Gòn