Sau nhiều năm Nhật cho bò Kobe nghe nhạc cổ điển, mát-xa để thịt ngon hơn, bây giờ các bác nông dân ở ngoại ô Moscow, thủ đô nước Nga đang thử nghiệm một công nghệ mới: Cho bò “sống ảo” để cải thiện tâm lý bò, từ đó có thể cho ra nhiều sữa hơn.

(Từ Facebook)

 

Những cô bò sữa sẽ được đeo kính thực tế ảo (Dĩ nhiên, những chiếc kính thực tế ảo cũng được chỉnh sửa cho phù hợp với đầu bò, chứ không dùng kính của người có sẵn trên thị trường). Ðể các cô bò thấy các khung cảnh “thiên nhiên” đẹp đẽ đầy màu sắc, khung cảnh đồng cỏ xanh tươi mây trời lồng lộng thay vì phải đối mặt với những bức tường xám xịt, khô khốc của nông trại buồn thiu, đang nhốt mình. Bò cứ thế ngắm kính nhai cỏ khô mà tưởng tượng với tâm trạng phấn khích, từ đó tiết ra nhiều sữa hơn.

Không biết có “lan quyên” (liên quan) hay không, đọc cái vụ trên xong tôi chợt nhớ mấy câu từ ban tuyên giáo:

“Những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ (người nghèo) quên đi cái nghèo, cái khó” – Ông Phan Ðăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã nói như vậy trước ý kiến cho rằng đất nước ta còn nghèo, bắn pháo hoa thường xuyên là một sự lãng phí.

“Thà là sống nghèo nhưng yên bình còn hơn giàu mà không an toàn” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã khẳng định như thế.

Rồi các lời hứa:2020 nước ta thành nước công nghiệp // Năm 2000 đường sắt ta ngang Nhật // Nước ta dẫn đầu 4.0 // Ta đánh hai đế quốc không ai làm được // Ðội bóng ta đã vươn tầm thế giới // Vị thế ta ngày càng mạnh trên trường quốc tế, lãnh đạo thế giới ghi nhận nể phục dân tộc Việt Nam // Ta đang đẩy mạnh tiêu diệt và nói không với tham nhũng… Hay:  2010, 2011… 2015, 2016… 2018… 2020… sẽ hết ngập!

Các nhà báo đội mũ bảo hiểm gắn kèm khẩu hiệu cáo buộc cảnh sát bạo lực và dối trá tại Wan Chai ngày 4-11 – Ảnh: SCMP

Rất nhiều kính sống ảo được tung ra, để nhiều người nhìn vào đó mà khuyên người ta quên đi cuộc sống bon chen, đầy ngang trái, bất công, tai nạn và ô nhiễm, dối trá. Cứ thế “một không khí phấn khởi ngày càng lan toả” (lời ông Nguyễn Phú Trọng) giữa lúc Hà Nội và TP.HCM được xếp hạng là quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới, có chính quyền độc tài, có những điều luật dở hơi… Ðể người ta quên đi ngày ngày có hàng trăm vụ tai nạn, hàng chục vụ án mạng, hàng ngàn người mất vì ung thư, hàng tá người bị bỏ tù vì nói lên sự thật, hàng loạt hành động Trung Quốc gây ra để phá hoại đất nước này…

Bản thân tôi cũng… bò lắm. Luôn tự sắm cho mình những cái kính thực tế ảo, để một lúc nào đó chui vào, nhìn cuộc đời và nhẹ nhàng thở ra một chút. Xong lại chui ra, đối diện với cuộc đời không như là mơ này. Bởi vậy, tuy ra đường cũng bị bắt nạt, lừa lọc, chán nản nhưng mỗi lần đọc được những câu chuyện hay, tử tế hiếm hoi giữa những người Saigon với nhau tôi thường “tha” về, cất vào một cái hộp nhỏ. Lâu lâu buồn chuyện gì thì tôi lôi hết những câu chuyện đó ra, đem lên Trẻ kể cho quý độc giả nghe, cũng là kể lại cho chính mình…. Chắc cũng vì thói quen đó, mà sau bao nhiêu nước mắt, máu, bất bình, tức giận, thuyết âm mưu xoay quanh hai chữ “Hong Kong” suốt nhiều tháng qua, tôi vẫn kịp cất cho mình nhiều câu chuyện về sự tử tế, sự “người” của người và người giữa thời loạn lạc.

Xem thêm:   Biden & Trump

Rồi khi quỡn, “lấy” ra đếm lại, tôi mới chợt nhận ra, ngoài việc hơn nửa dân số Hong Kong xuống đường biểu tình thì sự kết nối, đồng lòng giữa cơn hoạn nạn của người Hong Kong thời loạn, còn đông hơn những điều tương tự ở Việt Nam giữa “thời bình” này.

Nhân lúc tôi buồn, xin đem kể mấy câu chuyện người Hong Kong tử tế, cho (cả thế giới) vui!

  1. Trong lúc người Việt Nam đang cãi nhau chuyện người Hong Kong có ‘đạp đổ chén cơm của mình” hay không thì ở bên kia… Ngày 17/10/2019, hơn chục nghị sĩ Hong Kong bị lôi ra khỏi phòng họ vì… biểu tình. Họ hô vang khẩu hiệu “ “Năm yêu cầu, không thể thiếu một”, “Carrie Lam phải từ chức, phải điều tra sự tàn bạo của cảnh sát”. Trong cuộc biểu tình, một số nghị sĩ đã đeo mặt nạ Tập Cận Bình, loại mặt nạ 2 ngàn sinh viên Ấn Ðộ đeo để đón ông Tập thăm Ấn Ðộ hồi đầu tháng 10/2019. Những nghị sĩ này đã tử tế với chính nghề nghiệp của mình. Tuy họ bị “bắt nguội” ngay hôm sau, nhưng họ không bị 7 triệu người dân Hong Kong coi là những người phản quốc.
  2. Câu chuyện đánh mạnh vào tâm hồn non nớt của tôi về sự dân chủ của Hong Kong, không được tạo ra từ chàng trai trẻ Joshua Wong. Tuy cậu rất giỏi, rất dũng cảm, có rất nhiều thứ tôi phải học hỏi. Cũng không phải từ cảnh nghệ sĩ Hong Kong//các nhân viên cứu hỏa cùng xuống đường với người biểu tình, trong mắt tôi, họ là những công dân Hong Kong, họ cần làm vậy. Tôi xúc động khi nhìn thấy các cụ già xin được đổ máu thay cho những người trẻ. Những người già dang tay ra trước “hắc cảnh” ngăn họ làm hại bọn trẻ. Nhưng đây cũng chưa phải việc tôi có ấn tượng nhất.

Ðiều khiến tôi có ấn tượng nhất là ngày 4/11/2019, Cảnh sát Hong Kong buộc phải hủy bỏ cuộc họp báo định kỳ sau khi có 6 nhà báo đội nón bảo hiểm, gắn slogan kêu gọi cảnh sát Hong Kong “ngừng bạo lực và thôi dối trá” khi tham dự họp báo. Lý do tôi bị ấn tượng mạnh như thế, đơn giản vì tôi khát khao các nhà báo ở VN cũng được một lần như thế – nói lên cái họ thật sự nghĩ/muốn! Tôi buồn, vì chính bản thân mình cũng viết lách, mà không làm được “Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà”!

  1. Ở Saigon, mỗi lần có biểu tình ôn hòa xảy ra. Ðường bị dẹp, nhiều tiệm buôn bán nằm ở trung tâm sẽ vắng khách do kẹt xe. Và nhiều chủ quán (không phải tất cả) chửi người biểu tình, không cần biết họ làm vậy vì điều gì. Còn đây là 2 trong rất nhiều chủ quán ở Hong Kong:
Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

– Hong Kong ngày 24/10/2019: Dòng người xếp hàng từ trưa đến chiều tối để ủng hộ Lung Mun (Long Môn) Cafe sau sự việc Lung Mun Cafe bị 4 người đàn ông tới đập phá vì quán này ủng hộ học sinh và những người biểu tình, các em học sinh có thể đến đây ăn miễn phí, đặc biệt là quán này từ chối không tiếp khách cảnh sát và những người ủng hộ phe cảnh sát.

Sau khi bị đập phá, quán đã đăng tải hình ảnh và thông báo tạm thời sẽ không tiếp khách trong buổi sáng. Tuy nhiên, chỉ 3 tiếng sau khi đăng tải đã có tới 3500 tin nhắn xin hỗ trợ. Người dân Hồng Kông cũng đã đổ bộ đến quán phụ giúp dọn dẹp , thậm chí họ kêu gọi luôn con cái, gia đình họ hàng đến ủng hộ quán. Vì công lý, vì nghĩa tình của chủ quán, cộng đồng mạng Hong Kong đã giúp sửa sang lại quán và hỗ trợ hết sức để ông chủ không phải mất đồng nào sửa quán ăn của mình. Hiện tại, người dân Hong Kong vẫn đang đổ bộ về quán xếp hàng dài. Dù phải chờ bao lâu họ cũng vẫn xếp hàng chỉ là để tỏ lòng biết ơn sự chính nghĩa của ông chủ chuỗi nhà hàng Lung Mun Café.

Hàng dài người tình nguyện đến phụ giúp dọn dẹp và xếp hàng vào dùng bữa ủng hộ nhà hàng Long Môn (Lung Mun).

– Một tiệm ăn có tên “Tiêu Ký” đã dán bản thông báo với câu slogan “Giữ lại mạng sống – Ăn nghèo tôi đi”. Khiến cho trái tim cộng đồng mạng một lần nữa đập lỗi nhịp (tôi cũng vậy). Dưới slogan là thực đơn “Phần ăn dành cho học sinh bảo vệ thành phố tôi”. Ai mang thẻ sinh viên của tất cả các trường đại học đến quán sẽ có thể hưởng dùng phần ăn trên trọn đời cho đến khi bổn tiệm đóng cửa, đúng với tiêu chí “Giữ lại mạng sống – Ăn nghèo tôi đi”.

Nhưng cũng tiếc, dân Hong Kong không để ông chủ nghèo. Họ share tin này và nhiều người tới ăn ủng hộ, có nhiều người tới check in mà không ăn, chỉ để tiền lại. Một lần nữa, ông chủ quán Tiêu Ký phải treo biển thông báo: “Bổn tiệm phát hiện lượng lớn thực khách có lương tri giả làm hàng xóm, đến bổn tiệm ăn quá trời. Khiến bổn tiệm tăng doanh thu lên $3000. Bởi vậy bổn tiệm thấy sự việc quá nghiêm trọng, phải lấy thêm $2000 nộp cho Tin Tức Lập Trường Báo Quán (Stand News)…

Người Hong Kong cho, nhận sự tử tế rất sòng phẳng và ngọt ngào!

  1. Còn rất nhiều câu chuyện khác về sự tử tế của người Hong Kong, khi nào tôi… buồn sẽ kể tiếp, có lẽ kể mãi cũng không hết. Vì ở đây, từ già/trẻ/lớn/bé… đủ mọi tầng lớn, từ người lao động bình dân, từ các Cha xứ, lính cứu hỏa, bác sĩ, nghị sĩ, nhà lập pháp, đến chú bảo vệ, chủ nhà hàng, chủ siêu thị… Rồi sinh viên, giáo viên, giảng viên, hiệu trưởng, diễn viên, nội trợ, người “thiểu số”… đều cùng nắm tay nhau mà vượt qua thử thách. Mặc dầu hàng ngàn người bị bắt, mất tích, chết, bị đe dọa… “Hàng xóm” của Hong Kong là Ðài Loan, cũng không ngừng giúp đỡ bằng tinh thần, bằng lời nói, bằng hơn 2,000 mặt nạ phòng hơi độc gửi thẳng qua cho người biểu tình Hong Kong, bằng những chào đón, mời gọi sẽ che chở những ai thấy nguy hiểm, muốn rời khỏi Hong Kong.
Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Rất nhiều người từ Ðại Lục cũng vượt tường lửa, tỏ thái độ ủng hộ những người biểu tình bằng những bình luận qua “nick ảo”. Tôi nghĩ không phải những người Ðại Lục này “quay đầu là bờ” hay “tuy là người Ðại Lục nhưng mà tốt” đâu. Mà họ bị ảnh hưởng bởi sức mạnh và niềm tin của người Hong Kong. Cái người Hong Kong thắng là ở sự nở hoa của tinh thần tập thể. Xin trích vài bình luận từ Ðại Lục gửi người Hong Kong:

Erica Huo: Thêm dầu (tiếp lửa), Hương Cảng. Có lẽ nhiều người đại lục thích Hương Cảng vì đây là nơi mua sắm và giải trí, nhưng tôi thích các bạn vì tự do của các bạn. Các bạn có thể kỷ niệm ngày thảm sát Thiên An Môn. Các bạn có nhiều sách mà không thể được xuất bản ở đại lục. Ðiều quan trọng hơn thế nữa là người Hương Cảng đôi khi biểu lộ tình yêu quê hương và lòng can đảm đấu tranh cho tự do và chính nghĩa. Khi lần đầu tiên tôi nghe nhiều bài hát tưởng niệm Thiên An Môn, tôi nhận thức rằng âm nhạc có thể biểu đạt niềm tin và giá trị của chúng ta một cách rất tình cảm xúc động. Và văn hóa Hương Cảng không chỉ là điện ảnh và nhạc pop mà chúng tôi vẫn có thể nghe và xem. Ða tạ các bạn Hương Cảng.

Tâm sự một người mẹ Hong Kong (không VN anh hùng) (Từ Facebook)

Giang Trầm: Thêm dầu, Hương Cảng! Gởi đến các bạn lời ủng hộ từ đại lục. Hãy tha thứ cho chúng tôi vì không thể lên tiếng. Hãy tha thứ cho chúng tôi vì không thể biết sự thật từ các kênh nhà nước. Hãy tha thứ chúng tôi vì cứ mãi im lặng vì chúng tôi chỉ làm được đến thế. Những người đại lục có lương tri đang kề vai sát cánh cùng các bạn!

Hoàng Lập Cơ: Người Quảng Tây ủng hộ Hương Cảng qua VPN! (Tường lửa)

Nói tới đây, nghĩ tới người chung một nước lẫn “hàng xóm tốt” của Việt Nam mà giận tím người. Thú thật, sự đoàn kết này nếu ở Việt Nam, ngay cả khi xảy ra chiến loạn cũng không thể có được. Bởi vậy mới có một câu chuyện châm chọc như này:

Một người Mỹ hỏi một người Việt: “Ông là người Trung Quốc à?”

Người Việt trả lời: “Không tôi là người Việt !”

Người Mỹ hỏi tiếp: Sorry, các bạn khác nhau thế nào?”

Người Việt trả lời: “Người Trung Quốc ghét Mỹ, người Việt chúng tôi thì ghét… lẫn nhau!”

Không phải do chúng ta không bằng người Hong Kong, mà do, chúng ta không yêu thương nhau. Khi tới đường cùng, chúng ta không dặn nhau: “Giữ lại mạng sống – Ăn nghèo tôi đi”. Chúng ta vốn đã quá nghèo…

DU 

Saigon