“Cái nghèo không có khuôn mặt chung, dù giống nhau ở sự khốn khó.” Câu này tôi đọc trên mạng, rất cảm động. Nhưng có ai hỏi về “khuôn mặt của cái giàu”? Có lẽ, nó cũng sẽ đa dạng…

Nhờ món quà mừng tuổi của ông Mao, 7 người anh em họ hàng nhận được số tiền lớn – Nguồn: dantri.com.vn
Có câu chuyện thiệt mới xảy ra không lâu đọc mà bần thần, không biết nên buồn đứt ruột hay không… Chú nông dân Thạch Kha Mao (39 tuổi, tỉnh Trà Vinh) là con út trong gia đình có 8 anh chị em, ông làm thợ “đụng” (đụng gì làm đó, ai thuê gì làm đó), độc thân và đang sống cùng nhà với mẹ, chị gái. Ngày 1-2-2025 (mùng 4 Tết), chú Mao ăn Tân niên cùng anh em ruột, chú Mao mua 10 tờ vé số có dãy số 916303. Tết nhất, không có tiền mừng tuổi anh em, chú Mao phát 8 tờ vé số cho 7 người để thay tiền mừng tuổi. Riêng chú Mao giữ lại 2 tờ dằn túi.
Ai mà nghĩ vé số sẽ trúng đâu? Vậy mà nó trúng thật. Chiều cùng ngày, một trong những người được tặng vé số la lên là vé số đã trúng, trúng giải đặc biệt (gần 2 tỷ VND/tờ) mới ghê chứ! Tưởng rằng kỳ này cả họ đều vui, không ngờ có người buồn, mà người buồn lại chính là chú Mao – người mua 10 tờ vé số. Bởi vì chú Mao có gia cảnh khốn khó nhất trong mấy anh em, nên vẫn đi mò ba khía sau cuộc ăn nhậu, và khi mò ba khía thì trong túi quần của chú bỏ 2 tờ vé số trúng thưởng, chúng đã bị ướt, nhàu nát – khi chú biết tin rằng chúng trị giá 4 tỷ VND.
“Thấy mọi người được lãnh thưởng, mình không được lãnh, cũng buồn. Đều là anh em, có người cho lại tôi 20 triệu VND, có người cho lại 30 triệu VND, người nhiều nhất cho tôi 50 triệu VND. Họ cũng nghèo, thiếu nợ, nên họ chỉ tặng lại một ít tiền động viên cho mình.” – Chú Mao chia sẻ với tờ dantri.com.vn sau những ngày có thể là đau khổ nhất trong cuộc đời khốn khó của mình. Từ số tiền được san sẻ, tháng 2-2025 chú Mao đi Phú Quốc làm phụ hồ để kiếm sống và kiếm chỗ ra ở riêng.

Ông Thạch Kha Mao và 2 tờ vé số nhàu nát – Nguồn: dantri.com.vn
Người ta cho rằng số tiền trúng 8 tờ vé số còn lại nếu chia đều 8 người (bao gồm chú Mao) thì vẫn là số tiền lớn mà những người dân quê lam lũ cả đời không thể dành dụm được, ở trong đó còn có tình cảm đong đầy. Những người anh em của chú Mao có lòng “san sẻ” quá ít? Hoặc do bị số tiền lớn đến bất ngờ làm mờ mắt? Hầu như 99% người biết câu chuyện trên, đều cho rằng chú Mao muốn đi thật xa ở Phú Quốc làm phụ hồ để không phải nhìn thấy những người anh em của mình nữa mà phiền dạ. Có một câu trong bộ phim nổi rần gần đây, người ta hay trích lại “Người không có tiền và có quá nhiều tiền giống nhau ở cùng 1 điểm: Đó là cuộc sống không có niềm vui.” Tôi hay trề môi khi thấy người ta chia sẻ câu này vì không thích và thấy không thực tế, nhưng có lẽ trong câu chuyện gia đình chú Mao giờ đây thì câu này lại đúng (tuy không biết anh em chú Mao có buồn không?).
Dưới “sức ép” dư luận, các anh em của chú Mao có nghĩ lại về khoản tiền “san sẻ” cho chú hay không? Phải chi cả 10 tờ không trúng như thường lệ, chắc không có ai buồn? Ông bà ta có câu “Lúc ngồi trên đống cát thì ai cũng là quân tử, gặp đống vàng mới biết ai thiệt ai hư…” Thở dài cho chú Mao, cũng thở dài cho tôi (vì sao tôi không trúng số?)
Thật ra, chú Mao ơi, người tử tế trong xã hội này còn rất nhiều, tuy không nhiều bằng người nghèo. Và người nghèo cũng có thể tử tế hơn người không nghèo. Bản thân tôi, tuy chưa hết nghèo nhưng chắc chắn đã từng mang qua rất-rất-rất nhiều loại cái mặt nạ của cái nghèo, từ nghèo tiền đến nghèo tình cảm, đôi khi mém nghèo luôn đạo đức. May mắn, trên đường đời đầy gai nhọn, rất nhiều người đã dịu dàng tháo bớt những cái mặt nạ đó cho tôi. Ví dụ như chủ nhà trọ hồi tôi 16 tuổi.

Nguồn: Facebook
Lúc đó, tôi vừa đi học vừa đi làm, tiền học quá nhiều, tiền lương thì quá ít, chuyện ăn một gói mì bẻ đôi làm hai bữa để cầm hơi không xa lạ với tôi lúc đó. Sống trong u tối vì thiếu tiền nhà, bị chủ nhà trọ cắt điện + nước cũng không phải là chuyện lạ gì, chủ nhà cũng du di cắt điện nước chứ không đuổi đi là mừng lắm rồi. Nước uống ở chỗ làm rồi bỏ vô chai đem về uống tiếp, tắm rửa trong nhà vệ sinh ở chỗ làm luôn. Nhiều khi xin tăng ca làm buổi tối để được bao cơm chiều, dầu đi học về rồi làm tới 5 giờ chiều đã không còn trí khôn để tính tiền cho khách. Đôi khi túng thiếu tới nỗi mà lúc ra đường, tôi ngó thật kỹ từng bước chân của mình, không phải vì cẩn thận mà để coi có ai rớt tiền hay cúng kiếng gì ngoài đường không để lượm ăn/xài. Người ta nói tiền lượm là xui nhưng với tôi là hên. Con nít mà, thèm đủ thứ trên đời, thấy món nào bên đường cũng muốn ăn và thầm nhủ rằng sau này mình sẽ ăn luôn người bán nó (có lẽ vì vậy mà giờ tôi tròn ủm). Bữa nào có tiền trả tiền nhà trọ mới dám mở cái đèn sạc lên học bài, không thì về thật khuya để không bị đòi tiền nhà hoặc trốn trong phòng ở thầm để không bị chú ý (dầu biết rằng cái gác ọp ẹp này mình nhúc nhích là ở dưới người ta biết rồi).
Trốn miết tới một bữa không đẹp trời, mưa tầm tã, run cầm cập đi vô cửa cổng thấy chủ nhà trọ ngồi ở ghế đá trước cửa nhà – phòng của tôi là ở gác trên tầng 1. Tôi nhìn cô, cô nhìn tôi, trong đầu tôi là muôn ngàn câu trả lời được chuẩn bị để đối phó nếu bị cô đòi tiền nhà. May quá, cổ hỏi thăm kỹ càng, xong kêu “Thôi ở đi, khi nào ổn thì trả tiền điện nước thôi, tiền nhà cô cho.” Không biết vì mắc mưa hay vì cảm động, tôi xỉu luôn tại chỗ khi nghe cổ nói câu đó. Từ đó tôi được đằng chân lân tới luôn nhà bếp của cô, chỉ dám xin nước sôi nấu mì chứ không có xin ăn (cũng “sĩ” lắm). Sau này ổn định hơn, có thể trả tiền nhà đủ, lâu lâu tôi qua ăn với cổ chén cơm, nghe cổ kể cái chuyện đêm mưa hôm đó, tôi làm cổ hết hồn la làng kêu cứu…

Người phụ nữ mệt lả, dựa đầu ngủ ngắn bên “núi” bắp rang, trên vỉa hè, trong một đêm Hà Nội 9 độ C. Giấc mơ của bà là bán được một bịch bắp rang 10 ngàn VND – Nguồn: Phan Quốc Việt
Quả tình, cô chủ nhà trọ của tôi không giàu, cái nhà cổ coi như là lụp xụp nhất cái hẻm (của hẻm) gần nhà ga xe lửa ở quận 3. Dột hoài mà không có tiền sửa, nhiều khi mưa lớn, nước tràn vào nhà dưới, tôi ở trên gác không sao. Cổ làm giáo viên, góa bụa ở với mẹ chồng cũng là cựu giáo sư, hai bà giáo cho thuê lại căn phòng trên tầng một cho nữ với giá rẻ, vừa trang trải cuộc sống vừa hy vọng giúp được cho sinh viên nghèo. Không ngờ gặp con nhỏ sinh viên nghèo thiệt. Vậy là nhà có 3 người nghèo.
Khuôn mặt của cái nghèo trong trí nhớ của tôi lúc nào cũng rạng rỡ, giọng nói sang sảng. Nay kêu tôi xuống cho chén canh rau ngót nấu tôm khô, mai kêu tôi lại hỏi đi làm gì mà về khuya vậy? Có làm gì bậy bạ không? Mốt lại nói nhà có cái này dư không xài, cho tôi, dầu “cái này” chưa gỡ mác (tag)… Có lẽ, cô không nghèo, cô rất giàu, két sắt của cô là những thỏi vàng tình cảm… Sau này, má chồng của cô mất, cô về hưu, lên núi xin vô chùa nhỏ làm công quả, ở luôn trên đó. Tôi lên thăm cô đôi lần, bắt cô hứa lúc tụng kinh sẽ cầu cho tôi giàu có. Tôi nói rằng nếu tôi giàu, tôi sẽ mua lại cái nhà lụp xụp của cô rồi xây thành một cái nhà trọ 0 đồng, chỉ cho sinh viên nữ và nghèo thuê. Nhưng cô nói nhà đó của bên phía chú, cô để lại cho các cháu của chú (cô chú không có con), cô không giữ gì nữa…
Còn tôi, cô nhìn tôi và nói: “Con sẽ giàu”. Cô nói thì tôi tin. Vậy thôi!
DU
Bà Tám ở Sài Gòn