Sống khó, nhưng chết cũng không dễ dàng. Gần đây, Việt Nam có quá nhiều cái chết hoặc hành trình người ta tìm tới cái chết quá chấn động nhân tâm, nhưng không cái chết nào giống cái chết nào…

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ – Nguồn: tuoitre.vn     

  1. Tử tự (nhiên)

Ðầu tiên là cái chết của bậc chân tu – Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (sanh năm 1943, người từng ở tù sau 1975, từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận). Dầu tin Phật hay không, dường như đa số những người biết tới ông đều cung kính biên một lời tiễn biệt thành tâm hoặc thắp một nén hương lòng…

Tiếp tới là cái chết của Henry Kissinger (sanh năm 1923) – người bị nhiều chỉ trích về quan điểm chính trị và bị cáo buộc là cánh tay nối dài gây ra tang thương cho thể chế Việt Nam Cộng Hòa, “chí cốt” của các đời lãnh đạo Trung Cộng, ở tuổi 100 còn diện kiến Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Tôi có đọc được nhiều lời chia tay khách sáo dành cho ông ở các báo, nhưng tôi thấy nhiều hơn là sự ghi nhớ “công lao” của ông thông qua nhưng bất bình về cái chết… già của ông. Nhiều người lại cho là ông bị trừng phạt bằng cách sống dai và minh mẫn, trừng to mắt để coi Trung Cộng đã làm gì cho thế giới.

Và tuần qua, còn có sự ra đi của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (sanh năm 1936) – ông không phải là một tượng đài cho hàng triệu Phật tử dõi theo như thầy Tuệ Sỹ, cũng không phải là một chính trị gia nhận chỉ trích từ hàng tỷ người như Henry Kissinger, nhưng hào quang của một người cả đời sống vì nghệ thuật như nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn không thể bỏ qua. Có thể nói, ông là một luồng gió xoa dịu tâm hồn hàng triệu thuyền nhân ly hương trong nước mắt, thống khổ… qua các ca khúc cảm động mà ông sáng tác.

Xem thêm:   Chó...

Một người tu hành toàn thời gian, một người mần chánh trị cả đời, một người sống với nghệ thuật cả đời – 3 vị tiền bối chói sáng ở trên vừa có tiếng vừa có… tuổi trong lãnh vực họ đeo đuổi. Có lẽ họ cũng không màng người đời phán xét họ bị trời đày nên phải sống… dai như vậy, nhìn thế giới trải mọi bể dâu, nhìn kẻ thù ra đi, người thân ra đi… hay họ được trời ưu ái, sống thọ để biết đời, hiểu người, truyền đạt triết lý cuộc sống cho thế hệ nối tiếp – Như rất rất nhiều bài viết của nhiều tác giả dành cho họ trước và sau khi họ buông xuôi. Dầu sau, dù công cao hay tội nặng, họ có thể từng là động lực sống của nhiều người, qua Phật Pháp, qua lời văn tiếng nhạc, thậm chí là qua nỗi hận thù… Rứa là họ đã có cuộc đời lâu dài và lấp lánh hơn tỷ người khác trên địa cầu này. Thế giới luôn tồn tại những thân phận mờ nhạt như những ngọn đèn cầy leo lét trước gió, những con người đang ráng lặc lè sống qua từng bữa, mở mắt ra là trách trời sao cho mình thêm một ngày để sống, chẳng có thương yêu chỉ có chán chường…

Tập Cận Bình gặp ông Henry Kissinger tại Bắc Kinh ngày 20-7-2023 – Nguồn: TÂN HOA XÃ

  1. Tự tử

Do thất nghiệp và buồn chuyện gia đình, anh Nguyễn Minh Tiến (32 tuổi, quê Tiền Giang) và vợ là chị Nguyễn Thị K.O. (31 tuổi) nhiều lần muốn tìm cái chết cùng hai đứa con thơ (cháu lớn 9 tuổi, cháu bé 6 tuổi). Quyết tâm tìm chết của họ còn mạnh mẽ hơn quyết tâm bài trừ “tàn dư Mỹ-Ngụy” của những người Bắc Việt mới chiếm được chánh quyền Nam kỳ nữa. Từng 2 lần thuê phòng trọ ở những nơi khác nhau, rồi cả gia đình cùng uống thuốc trừ sâu nhưng không ai chết, họ tiếp tục thuê phòng trọ lần 3 để tự sát, kỳ này họ dùng thuốc ngủ. 10 vỉ thuốc ngủ chia đều vậy mà người vợ và hai đứa con ra đi, người chồng là anh Tiến chỉ thoi thóp và được cứu sống, anh đang bị tạm giam và chờ định tội “giết người”.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Một người phụ nữ (61 tuổi) vì buồn chuyện gia đình nên đi xe ôm đến giữa cầu Sài Gòn, sau đó để lại hai vali, đôi dép rồi nhảy cầu. Trên vali màu đỏ có dán tờ giấy ghi dòng chữ “Tôi không người thân xin hãy giúp tôi! Hãy thiêu và rải tro cốt xuống biển, số tiền này tôi xin hậu tạ. Xin cảm ơn” Rồi bà nhảy xuống cầu Sài Gòn. Không biết may hay rủi, ngay lúc đó có tàu du lịch đi ngang, thuyền trưởng nhảy xuống, cùng du khách cứu người phụ nữ lớn tuổi lên. Không biết tiền trong vali bà còn nguyên không, ý định chết của bà còn không và bây chừ bà ra sao… Nhưng qua cách chết thì tôi thấy bà là một người can đảm và có trách nhiệm.

Bé gái 14 tuổi  H.T.Đ (quê Quảng Trị) sống với ông bà Nội từ nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ba Mẹ phải đi làm ăn xa ở Sài Gòn. Những tưởng những tủi thân, nhưng thiếu thốn em phải chịu là quá nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, vậy mà Đ. mất hết người thân từ ông bà nội tới cha mẹ sau đại dịch COVID-19, Đ. trở thành trẻ mồ côi và sống nhờ nhà người dì. Có lẽ không muốn mần gánh nặng cho dì, Đ. nghe lời bạn bè giới thiệu, tự bắt xe vào Đà Nẵng tìm việc làm để tự lập. Do ít tuổi, không ai nhận làm, cháu Đ. lang thang dọc các tuyến đường bờ biển, ăn thức ăn do người qua đường cho và ngủ trên ghế đá. Đến khuya ngày 28-11, nghĩ quẩn, cháu Đ. lên sông Hàn nhảy cầu tự tử. May mắn, người dân trên các tàu neo đậu trên sông Hàn kịp phát hiện và cứu sống được cháu Đ… Đọc xong tin mà buồn, rồi mai này em sẽ như thế nào giữa dòng đời xuôi ngược?

14 tuổi, 32 tuổi, 61 tuổi… 3 thế hệ khác nhau, nhưng vô tình cùng chọn một con đường cho mình, trong khoảng thời gian gần nhau như vậy, khó mà coi là trùng hợp được. Có phải đã đến lúc những bộ óc từ bi, thiên tài, có tiếng nói và còn sống lên tiếng, hành động để thay đổi xã hội. Chúng ta không thể nào có lại một bậc chân tu như Hòa thượng Tuệ Sỹ, một tinh hoa như nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn hay một chính trị gia lọc lõi như Henry Kissinger (bị chỉ trích bao nhiêu năm vẫn không vô tù, cũng không tự tử vì áp lực)…. nhưng chúng ta không thể để người tóc còn xanh đã muốn nằm dưới ngôi mồ xanh cỏ chứ hả?

Túng thiếu, chuyện gia đình… là những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân loài tìm tới cái chết trẻ (hình trái). – Nguồn: Chụp màn hình báo trong nước  

Cái vali và bức di thư dán trên đó – Nguồn: Facebook

  1. Tử từ từ
Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Thiệt ra, sống ở Việt Nam thời nay, dầu không gấp chết thì cũng sớm chết thôi. Bởi mọi thứ đều bị chứng minh có độc, ngay cả không khí và nguồn nước. Chưa kể, đồng bào ta còn có cái thú hại nhau một cách vô tư, như sáng nay, khi đang đi mần “công chiện” sớm, tôi gặp một đấng lang quân phe phẩy điếu thuốc trên tay, tàn thuốc bay tứ tán giữa ngã tư xe kẹt cứng. Định bụng sẽ chen lên nhắc nhở một tiếng, sẵn sàng đón nhận sự giận dữ của anh ta, nhưng không, đèn xanh vừa điểm, anh ta búng tay điệu nghệ, nửa điếu thuốc bay ra đường, cô gái kế bên tôi hứng trọn và loạng choạng mém té vì né. Cô này hiền nên im luôn, còn thủ phạm vẫn vô tư, tay này quăng xong thuốc thì tay kia móc cellphone ra vừa chạy xe vừa bấm. Tôi thấy vậy liền vượt lên ngang tầm anh ta, rề rề chạy xe theo ảnh suốt vài đoạn đường. Cứ chốc chốc ảnh ngó lên nhìn tôi cười một cái, rồi bấm điện thoại tiếp. Tới ngã tư đèn đỏ đông đúc, ảnh bỏ điện thoại vô túi quay qua hỏi tôi với chất giọng khá bự: “Em đi làm sớm hả? Sao đi theo anh hoài?”

Tôi thật thà trả treo: “Hồi nãy em thấy anh hút thuốc xong quăng qua bên em. Em tưởng anh xài điện thoại xong cũng quăng y vậy, nên chạy theo chờ…”

Cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng viết: “Cố thắp cho nhau một ngọn đèn. Ðể dù trong tăm tối ta còn được cháy trong lòng nhau”… Anh nghe không? Thắp cho nhau ngọn đèn, không phải ngọn… thuốc, ngọn thuốc chỉ để thấy … phổi hoặc thấy … mẹ nhau thôi!

Kinh tế buồn nên Phật tử online cũng đổi “làn”? – Nguồn: Facebook

DU