Anh tài xế gọi cho khách hàng, hỏi “Em đang đứng ở đường nào?”

Khách hàng: Dạ, đường thương đau đày ải nhân gian…

Người ta hay nói “Ðời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời” – chắc trong mỗi con người cũng có lúc nào đó tuyệt vọng và yếu đuối, thậm chí thoáng nghĩ tới cái chết khi không thể chịu nổi sự khổ xảy ra trong đời. Thật may cho những ai đọc được các dòng chữ này, vì tất cả đều còn… sống. Thật buồn cho những nhân vật trong bài viết này, đa số đã… chết, buồn hơn là họ chết không phải do họ tự muốn qua đời.

Một bữa sáng đẹp trời tháng 4-2022, Mai Văn Sáng (35 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) đói bụng. Xóm của Sáng chắc giống xóm tôi, quá trời đồ ăn, đa số người bán là hàng xóm. Sáng thì thích ăn hủ tiếu bà L.

Mua đồ của hàng xóm có cái được cũng có cái mất, được là khi thân tình, khách hàng hay được nâng như trứng, hứng như hoa. Khi thì cho thêm miếng thịt ăn đặng chắc bụng, được hỏi han khi thấy bóng dáng thân quen, được ngồi hóng chuyện miễn phí mà không cần phải ăn tô nào – chứ người lạ te rẹt nhảy dzô ngồi quán người ta mà không ăn, không uống là “tới công chuyện” với chủ quán. Hoặc lâu lâu cuối tháng hết tiền thì có thể ghi sổ (Hoặc nếu chủ quán đẹp trai/đẹp gái, thì mình dẹo qua dẹo lại cũng… tiện, đỡ tốn xăng trong thời buổi lạm phát)… Dân Việt vốn thân thiện (đôi khi hơi quá), vì vậy mà cũng có nhiều cái vui, nhưng cũng lắm chuyện buồn. Trong các cái không được của việc mua đồ của hàng xóm, tôi e ngại nhất là việc cũng do quen quá, đôi khi chủ tiệm hông coi mình là khách nữa, họ sẽ bớt “chăm sóc” cho mình hơn những vị khách vãng lai khác. Có lúc cảm thấy bị “hắt hủi”, trong khi mình đi ăn cũng tốn tiền, người ta đi ăn cũng tốn tiền, mà người ta được chăm lo mọi thứ – chỉ việc ngồi ăn, còn bản thân đôi khi phải tự phục vụ. Có hôm tôi ra tiệm bún bò trong xóm với cái bụng đói meo, do trước đó tôi hay nhường người khách khác ăn trước, nên chị chủ tiệm thường sẽ để tôi chờ dầu tôi tới trước người ta, thế là hôm đó tôi chờ mút chỉ cà tha đâu hơn nửa tiếng vẫn chưa được ăn, tại khách tới sau tôi hơi nhiều. Tánh tôi xấu đói, ức muốn khóc, nhìn chị chủ tiệm đầy trách móc và tổn thương, mà chị không hề nhìn tôi cái nào (tại mắc bán), tôi giận quá bỏ qua quán đối diện. Tôi ngồi ngay cái bàn trước cửa tiệm bún riêu, vừa ăn vừa nhìn qua tiệm bún bò. Sau khi tôi ăn 2 tô bún riêu, uống 3 ly nước mía để dằn cơn đói và “phục thù” chị bún bò, thì coi bộ chỉ mới nhớ ra tôi, nhìn quanh tìm rồi nhìn qua đối diện, hai bên nhìn nhau. Chị cười ha hả xin lỗi rối rít, tôi miệng nói hông sao nhưng ghim trong lòng. Tại bún bò chị nấu ngon và em trai chị đẹp, nên ba bữa sau tôi hết giận (sợ giận lâu quá chỉ nghỉ bán). Ðôi khi, không phải cứ hàng xóm là… thân, cứ khách hàng quen là dễ, con người dễ mấy cũng có khi khó ở.

Xem thêm:   Chấm dứt toàn cầu hóa

Vài vụ án mạng “ngộ nghĩnh” gần đây… – Báo trong nước  

Và bà L. – chủ tiệm hủ tiếu trong xóm Mai Văn Sáng cũng giống như chị chủ tiệm bún bò trong xóm tôi, hông hiểu điều đó. Bởi vì buổi sáng tháng 4 đó, sau khi bán cho Sáng một tô hủ tiếu, thay vì chờ Sáng ăn xong rồi qua lấy tô về. Bà L. lại nghĩ Sáng cũng… thân, nên bà nói mắc bán quá, nhờ Sáng tự đem tô qua tiệm trả giùm đi. Tôi hay nghe người ta ghẹo nhau “Da anh đen nhưng lòng anh trắng, nhà anh nghèo dãi nắng nên anh đen”, còn Sáng thì ngược lại, tên Sáng mà nhưng bên trong đã tắt lửa lòng (hoặc tên của Sáng là Mai-hết-Sáng mới đúng). Sáng không giận thì thôi chứ giận là giận dai. Giận từ tháng 4 cho đến sáng ngày 15-8, Sáng vẫn còn giận, có lẽ cơn giận ngày một lớn. Nên sáng hôm đó, sau 4 tháng nuôi giận, Sáng xách cây búa chạy qua tiệm hủ tiếu ví bà L., đập bà L. chết rồi đi đầu thú.

Sáng vô ngục tối trong sự ngỡ ngàng của cả xóm. Vì xưa giờ họ chưa hóng hớt được mâu thuẫn lớn nào từ hai gia đình của hai vị trên (ở dưới làng quê Việt Nam thì “trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường – khó có gì giấu được hàng xóm), cũng không thấy hai bên cãi cọ nhau, đùng một cái, giết nhau vì một lý do không thể ngờ (Sáng khai như trên, trong lúc đi đầu thú).

Freya nằm tắm nắng trên một chiếc thuyền ở Na Uy, ngày 19-7. – Ảnh: AFP.

Mấy ông nhà nước hay dư luận viên thường vỗ ngực tự hào Việt Nam mình “tuy nghèo mà bình yên”, vì không có xả súng, không có khủng bố giết người hàng loạt thường xuyên. Nhưng chỉ cần siêng đọc báo, thấy Việt Nam chưa bao giờ bình yên, con người ta ngồi không cũng chết bởi thức ăn bẩn, bởi những thứ tiêu cực quanh mình, nhúc nhích thì giết nhau không cần có súng – chỉ cần một phút nóng nảy của người dưng lẫn người thân thuộc, như vài vụ án tôi được đọc gần đây thôi: Không thấy uống bia sau cụng ly, thanh niên quê Quảng Ngãi đoạt mạng bạn nhậu. Cay cú vì chủ nhà chỉ đường đi cho “đối thủ” khi đánh cờ, cụ ông 72 tuổi ở Thanh Hóa chạy về nhà cầm dao sang đâm chết chủ nhà. Hờn nhau trong lúc chơi bi-a, một người đàn ông ở Thanh Hóa đã dùng gậy đâm thủng mắt đối phương dẫn đến chết não, tử vong. Ở tỉnh Hòa Bình, một cậu đến hỏi mượn “điếu cày” không được nên kiếm chuyện, quăng ly thủy tinh về phía “nhóm người ích kỷ”, cuối cùng cậu bị đánh chết. Hay tàn ác nhất là ở tỉnh Hà Nam, một bé trai 3 tuổi bị đánh, siết cổ tới hôn mê rồi bị hàng xóm giấu vào thùng carton, bỏ vào tủ đông lạnh, chèn túi đá lạnh… chỉ vì cậu qua nhà hàng xóm chơi, hỏi nhiều quá (rất kỳ diệu, cậu được cứu sống kịp thời sau khi ông nội và hàng xóm dám phá cửa xông vào cứu)… Những lý do giết người trên, theo riêng tôi thì còn tệ hơn lý do của bọn khủng bố IS “huyền thoại”, hay những kẻ “ngáo đá” phê thuốc ma túy. Tệ hơn nữa là gì? Là nó xảy ra quá nhiều, quá thường xuyên trong hàng chục năm nay, đến nỗi, đó là những bản tin không còn “thu hút” người đọc. Các bình luận và sự bất bình dưới các vụ án trên còn thua hai câu chuyện dưới đây:

Xem thêm:   Phong tỏa Đài Loan

Ở trời Âu, có một con hải mã nổi tiếng, nó đi ngao du khắp nơi từ Anh, Hòa Lan, Ðan Mạch, Thụy Ðiển… Gần đây, nó đã “quá cảnh” thân hình bé nhỏ – nặng gần 600 kg – ở lì tại vịnh hẹp Oslo, Na Uy. Nó được đặt tên là Freya (đặt theo tên nữ thần sắc đẹp và tình yêu Bắc Âu), được nhiều công dân lẫn du khách ở Na Uy chào đón – họ bơi cùng Freya, ném đồ vật vào nó và đến gần nó để chụp ảnh, để mặc nó nằm lên các cano/thuyền của người dân… Mà trong thế giới loài người, nhất là ở Châu Âu – nơi tánh mạng người dân quý hơn… hải mã, thì việc này là một việc không tốt. Nhà chức trách ở Na Uy nhiều lần đưa ra cảnh báo sẽ giết Freya nếu cư dân không tránh xa nó, một là bảo vệ tánh mạng của dân, hai là có thể để cho bạn hải mã ham vui này buồn mà bỏ đi… nước khác. Và người dân ở bển thích chú hải mã hơn chính quyền, nên họ không nghe chính quyền Na Uy, họ tiếp tục lại giỡn với con hải mã, đôi lúc làm nó quạu vì không ngủ đủ giấc (mắc tiếp “khách” miết). Ngày 14-8-2022, nhà chức trách Na Uy đã ra tay “an tử” con hải mã nổi tiếng này. Tới bây giờ, làn sóng phản đối lẫn chửi rủa hành động trên đã lan ra khắp thế giới, ở Việt Nam cũng có rất nhiều cư dân mạng lên tiếng trước việc này. Bản thân tôi thì tin là con người có tấm lòng yêu thương động vật thì sẽ tốt hơn một người chỉ yêu bản thân, tôi luôn ngưỡng mộ những ai thương và bảo vệ động vật – nhất là vật nuôi, vật không thuộc chuỗi thức ăn thông thường. Nên tôi cũng chạnh lòng khi đọc câu chuyện trên, nhưng ở đây tôi sẽ không bình luận sâu về việc này. Tôi chỉ muốn nói một điều là, các bài viết và bình luận (tại Việt Nam) về cái chết đáng thương của Freya cộng lại có thể gấp trăm lần các vụ án mạng trên cộng lại, sự bất bình và mỉa mai dành cho chính quyền Na Uy rất mạnh mẽ, tôi tin, nếu việc này xảy ra ở VN, thì sẽ không có nhiều bình luận và bất bình như vậy. Nên tôi hông biết nên mừng khi dân mình ngày càng biết yêu thương muôn loài, nhất là giới trẻ, hay nên buồn vì dân mình bớt yêu… nhau?

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Anh phóng sinh ở đầu sông em làm thịt cuối sông(?) – Facebook

Gần đây, ở Việt Nam cũng có một chuyện thú vị. Hồi rằm tháng Bảy, các “sư” ở chùa nào đó đã “phóng sinh” một con cá hải tượng long bự chà bá xuống sông, hành trình họ “hăm hở” phóng sinh đã được ghi lại và đăng lên các mạng xã hội. Không biết vì yêu cá hay ghét hành động phóng sinh (vốn nhiều tai tiếng), cư dân mạng/nhà báo/các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng mạnh mẽ về việc này. Nhờ vậy tôi mới biết cá hải tượng long là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới có nguồn gốc từ Amazon. Nếu có loài cá này trong sông hồ, nó sẽ ăn thịt hết các thể loại cá nhỏ hơn, gây mất cân bằng sinh thái. Ðã từng ghi nhận xuất hiện cá hải tượng long dài 4m, nặng 300kg, đặc tính vô cùng hung dữ khi có thể lao lên mặt nước đớp chim hoặc kéo một con bò xuống mặt nước. Và hành động phóng sinh này đã đe dọa đến sự sống của các loài cá khác trong sông hồ, thậm chí đến tính mạng con người, đi ngược lại với mục đích của việc thả cá phóng sinh.

Cũng không biết nên buồn hay vui, sau khi các bài viết phản đối hành động trên “mọc như nấm sau mưa”, thì nhiều hình ảnh con cá hải tượng long bự chà bá trên bị xẻ thịt tràn lan cõi mạng (không biết phải là chính nó hay là đồng loại của nó), ngầm khẳng định con vật “bị” phóng sinh kia không gây hại bằng loài bày ra mấy vụ “phóng sinh”.

Tích Tàu nói “Ai cũng có một lần chết. Cái chết có khi nặng hơn núi Thái Sơn, có khi nhẹ tựa lông chim hồng.” Có lẽ, trong mắt nhiều người, cái chết của Freya nặng hơn núi Thái Sơn, tại nó… nổi tiếng. Cái chết của bà hủ tiếu nhẹ tựa lông chim hồng, tại bả là một con người nhỏ bé (trong 8 tỷ người), ở một xóm nhỏ tại tỉnh (cũng nhỏ) Tiền Giang, chết với lý do cũng… nhỏ như bao nhiêu cái lý do khó đỡ khác tại Việt Nam. Khó đỡ một lần còn hiếm, chứ đỡ khó nhiều lần thành… dễ. Phải chi có ông nào chức to to, nổi tiếng chết tại một trong mấy lý do trên, người ta mới để ý và coi đây là tệ nạn.

DU