“Ăn miếng trả miếng” được xem như là một dạng không ôn hòa của câu “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Vì khi hai người “ăn miếng trả miếng” với nhau, chắc chắn sẽ có một người khó chịu và một người “toại lòng”, có thể là cả hai người đều khó chịu chứ ít khi nào cho ra kết quả “toại lòng nhau”.

Hình minh họa. – Nguồn: Nepali Times    

Phim Tàu hay có câu “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Lấy bản thân làm kinh nghiệm, tôi tin luôn câu nói đó ngay khi được nghe. Nhưng tôi không chắc nó đúng với tất cả mọi người. Bởi nếu loài người đều “bổn thiện”, thì ai đã làm “tiến hóa” cái “bổn” đó thành những con người mưu mẹo, lươn lẹo, dối trá, xấu xa, tham lam và độc tài…? Ðể các thế hệ sau “học tập và làm theo tấm gương vĩ đại”, tạo nên một thế giới đầy nghi kỵ, thù hằn, sợ hãi, chiến tranh và chán nản?

Nếu loài người đều “bổn thiện”, thì từ điển ngôn từ chỉ có câu “có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ sanh thêm “đứa” có tên “ăn miếng trả miếng” chi cho đau lòng?

Ngày xưa, cứ mỗi lần nghĩ ai đó làm việc gì xấu, dù rất nhỏ, tôi ghét luôn. Tôi cho rằng người đó là kẻ “nhân chi sơ, tánh bổn… ác”, mặc dầu bản thân mình lâu lâu cũng làm chuyện không đến nỗi… tốt. Nhưng sau này, khi sống hơi lâu một chút, tôi biết rằng một ai đó xấu, có thể không hoàn toàn do bản tánh của họ. Mà nguyên nhân còn phụ thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, ý thức hệ, bản năng cảm nhận và sàng lọc của mỗi người trước các thông tin (xấu lẫn tốt) đập vào… mặt mỗi ngày. Quan trọng nhất là sự giáo dục của gia đình và xã hội mà người đó được thừa hưởng.

Bởi vậy, khi một người có bản tánh không tốt được sống ở một môi trường tốt, nền giáo dục có có phẩm chất cao thì sự không tốt của họ cũng “vơi đi ít nhiều”. Và ngược lại, một người có bản tánh tốt, sống giữa bất công và môi trường ô nhiễm thì họ vẫn có thể thành con sói, đôi khi hóa điên để tự bảo vệ mình và người thân.

Khi nữ thần công lý đi qua hải quan VN – Nguồn: Từ Facebook Vu Tuan

Ví dụ như hành trình thay đổi của bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tù nhân Hồ Duy Hải. Từ một người mẹ quê, đi “xuất khẩu lao động” ở Ðài Loan (từ 2004-2007), lương mỗi tháng 15 triệu đồng, tằn tiện hết sức để gửi về cho hai con 10 triệu đồng, bà thành người mẹ không “tiết kiệm”, có thể bán hai căn nhà, vay mượn khắp nơi đến kiệt quệ để đi đòi công lý cho đứa con của mình. Từ một người phụ nữ chỉ biết làm lụng, ăn, ngủ và yêu thương hai con… dần dần biến thành “gương mặt quen thuộc” với báo chí, luật sư, những người có đọc báo hoặc biết chữ, bà xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn cả ông chủ tịch nước. Từ một người phụ nữ nhút nhát nhưng dần bỏ hết mọi rào cản ngôn ngữ, hình thể mà quỳ lạy, thét gào khắp nơi từ trong nhà ra ngoài phố, từ trong nước ra nước ngoài. Từ một người không biết (hoặc không quan tâm) đến chính trị chính em, bà có thể nắm bất cứ bàn tay nào chìa ra khi khốn cùng. Bất kể là ngồi trả lời phỏng vấn của các “thế lực thù địch”, “phản động” về bản án tử không minh bạch của đứa con trai của mình. Hay lên báo trong nước kể hàng đêm thao thức cầu xin bác… Hồ để ông ta cầu nguyện cho con trai mình tai qua nạn khỏi, nhận bao nhiêu lời trách cứ từ “phe đối lập”. Từ một người không biết dùng mạng internet, bà có thể quay video quỳ lạy một anh “hiệp sĩ mạng” cầu xin anh này đừng cố hướng dư luận kết tội con trai bà. Từ một người phụ nữ vô danh, chân yếu tay mềm, bà trở thành một trong những chứng nhân lịch sử, một trong những người hiếm hoi chống lại nền tư pháp thối nát ở Việt Nam. Bà luôn tự nhận mình ngày càng trở nên uất nghẹn, hung dữ bởi sự thối nát đó “xô đẩy”.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nhưng dưới con mắt của tôi, dù bà thay đổi thế nào, điều bà làm cũng rất chính đáng và lương thiện. Bà không kết tội ai, thù hằn hay tìm kiếm cá nhân nào để gây sự, chửi bới, trả thù cho tuổi thanh xuân của hai đứa con bà (đứa con trai đi tù, đứa con gái vỡ lở học hành lẫn tình duyên), cho sự khánh kiệt và tuyệt vọng của gia đình, dòng họ bà…

Nếu là một người khác, đặt vào tình cảnh của bà Loan, tôi không tin họ có thể đi đòi công lý một cách bền bỉ và ôn hòa lâu dài như bà, ngay cả khi bản chất của họ “thiện” hơn bà. Những câu chuyện pháp đình ở VN, không thiếu những chiếc dép, cái ghế, lời nhục mạ… quăng thẳng vào mặt thẩm phán sau những phiên tòa bất công. Hay các câu chuyện về những người đi đòi công lý hoài không được, tuyệt vọng và chọn cách “thí luôn cái mạng quèn” mà trực tiếp đi tìm người họ cho là có tội, “xử” luôn tại chỗ…

Quay trở lại chuyện nhìn nhận kẻ xấu, người tốt. Bởi vì ở VN có rất, rất nhiều người như bà Nguyễn Thị Loan. Cho nên, từ một người rất vô tư, tin tưởng cả thế giới. Tôi “đỡ” tin hơn, “đỡ” nhìn hành động mà xác nhận người xấu (nhất là những người được báo chí trong nước coi là người xấu). Và ngược lại, tôi cũng dần không tin vào những người có quyền lên tiếng chính thức, trong bất kỳ câu chuyện nào được đăng tin một chiều từ truyền thông độc đoán (chứ không độc lập) của nước nhà. Ngay cả khi, nhìn họ có vẻ rất đáng thương. Tuy nhiên, tôi thấy mình đỡ vô tư hơn. Ðôi khi, tôi cũng hoài nghi với sự hoài nghi của bản thân mình.

Như cách đây mấy bữa, khi người ta đăng câu chuyện ở Long An: “Một phụ huynh cầm nón bảo hiểm xông vô lớp, đánh cô giáo lớp Một nhập viện. Vì con của phụ huynh này “méc” ở trường bị cô giáo đánh”. Lúc cả dư luận và báo chí đều bênh cô giáo, lên án người đàn ông đánh phụ nữ, người cha dám đánh vào đầu của một người đại diện nền giáo dục nước nhà. Tôi lại hoài nghi…

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Tôi không biết có ai hiểu cảm giác vừa hoài nghi vừa “chột dạ” như tôi không? Vì chính bản thân tôi luôn bài xích bạo lực, luôn ghét bỏ và tránh xa những người đàn ông đánh phụ nữ. Tôi hiểu, không thể dùng sai lầm này để “đè bẹp” sai lầm khác. Nhưng với câu chuyện này, tôi lại hoài nghi về việc, cô giáo kia có đáng bị đánh hay không. Nhất là khi thấy bạn bè tôi, đa số là những người có tri thức, nói gì cũng hay, cũng đúng đều đứng về phe cô giáo kia. Phê phán người phụ huynh đó.

Sự hoài nghi đó có lẽ bắt đầu từ những ấn tượng xấu về nền giáo dục ở VN bởi chính kinh nghiệm sau mười mấy năm đi học của bản thân và các câu chuyện có thật xảy ra dồn dập trên báo chí VN mỗi ngày. Sau cùng, sự hoài nghi của tôi được đắp bồi vững chãi bằng câu nói kinh điển “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí – tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông năm 2018 tại Hòa Bình.

Giáo viên ở VN có rất nhiều hình phạt kinh dị dành cho học trò của mình. Ví dụ như giáo viên ở Quảng Bình bắt học sinh mình tát bạn học 231 cái, giáo viên ở Vĩnh Phúc (ngôi trường có tên là Nhân Ðạo) bắt học sinh súc miệng bằng xà bông, 3 giáo viên ở Bình Phước phạt học sinh ăn… ớt vì nói chuyện riêng trong lớp, cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước vắt từ khăn lau bảng, (rất nhiều) thầy giáo A, B, C dâm ô, cưỡng bức, dụ dỗ học sinh… Hay mới đây, những đứa trẻ học lớp 1 ở trường Tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) phải ra trước cổng trường phơi mình dưới cái nắng hơn 40oC (104oF), rồi bị cô giáo chụp ảnh “phê bình” công khai trên mạng vì đi học… sớm 15 phút.

Bên ngoài một thư viện trước 1975 – Nguồn: Từ Facebook

Ngoài việc “đì” học sinh bằng những hình phạt trên, giáo viên còn có những thủ đoạn khác như trừ điểm, đánh, mắng, cư xử thô bạo bằng những lời nói trực tiếp gây tổn thương tâm lý rất lâu dài (tôi đã nếm qua),  khiến nhiều em không thể có bằng chứng đem về tố cáo cha mẹ, để cha mẹ có bằng chứng để đem lên tố cáo nhà trường. Nếu là cha, mẹ của các học sinh này, bạn sẽ làm gì?

Thật ra, ngay cả khi phụ huynh có bằng chứng, hình ảnh, mắt thấy tai nghe, nhưng khi sự việc được đưa ra “ánh sáng”, nó cũng trở thành một sự thật khác.

Xem thêm:   Chó...

Ðiển hình và gần nhất là bà Mai Thị Mùi, mẹ của một cô bé bị phơi nắng vì đi học sớm ở trên đã phải xin lỗi công khai trước nhà trường và truyền thông vì đăng… sự thật lên mạng mà không “xin phép” trường và cô giáo chủ nhiệm. Làm mất uy tín của trường. Bà cũng phải chấp nhận cách giải thích của trường là con mình tự đi ra cổng trường đứng phơi nắng giữa trưa Hè ấm áp đến cháy da, trúng nắng. Bên cạnh đó, bà Mùi còn khen cô giáo chủ nhiệm trước báo chí và nói vẫn tin tưởng giao con mình cho  cô đã chụp ảnh “phê bình” con mình lên mạng và không cho con mình vào lớp khi đi học sớm. (Tuy nhiên, bà Mùi cũng trần tình trước trường và Sở giáo dục Hải Phòng là tuy có nhiều học sinh cùng bị phạt với những hình phạt tương tự, nhưng chỉ có bà lên tiếng vì sợ con mình phải phơi nắng đến hết năm học).

Cuộc sống mà, có những người chọn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt” để “bình an” (như bà Mùi, như những phụ huynh rút đơn tố cáo thầy giáo cưỡng dâm con mình vì sợ hỏng… thanh danh của con). Có những người chọn cách bền bỉ đi tìm công lý (như bà Loan). Có những người trâng tráo phủ nhận sự thật (Như các phụ huynh giãy đành đạch nói con mình “bị” thầy cô “tự ý” nâng điểm, nhưng chuyển “tiền cảm ơn” cho các giám thị hàng trăm triệu đồng). Thì cũng có những người chọn cách “ăn miếng trả miếng” vì mất lòng tin vào sự công minh của pháp luật và tin vào sự phi giáo dục của những người làm nghề giáo dục nước nhà. Vì thế, chúng ta có những câu chuyện như “phụ huynh xông vào lớp, đánh cô giáo vì nghĩ cô giáo đánh con mình”, “phụ huynh tát tai, bắt 3 cô giáo quỳ trước cửa lớp”, “Cô giáo bắt học sinh quỳ, phụ huynh tới trường bắt cô giáo quỳ lại”… Như cách mà cư dân mạng hùng hổ nói: “Nếu là con tao…” sau khi đọc một câu chuyện bất công nào đó xảy ra với con người ta.

Tôi chỉ hoài nghi, không dám bênh những người đánh giáo viên (vì tin giáo viên đối xử tệ với con mình) vì tôi không biết sự thật ra sao. Nhưng với tâm thế của một người từng được đối xử không tốt từ nền giáo dục VN, tôi từng ước gì mình có phụ huynh “bạo lực” như thế.

Bởi vậy, đôi khi tôi cũng hoài nghi chính mình, không biết có “bổn” gì? Và chắc cũng nhiều người có hoài nghi như tôi, ví dụ:

Luật sư bào chữa nói về một giáo viên (bị kết tội “tự ý” nâng điểm cho con cán bộ), thân chủ của mình:

– Trước mặt quý tòa là một người cao thượng, có giáo dục, trung thực, tỉnh táo…

Sau đó, khi thẩm phán cho bị cáo nói lời biện bạch. Bị cáo nói:

– Thưa tòa, tôi muốn đổi luật sư này. Tôi thuê ông ấy để ông ấy bênh vực tôi, vậy mà từ nãy ông ấy lại toàn nói về ai khác?

DU

Saigon