Hôm rồi ở đầu hẻm nhà tôi có mở một quán cà phê. Quán đề bảng: Mừng khai trương, mua một tặng một trong ba ngày! Tôi đi qua rồi, quành lại định uống thử, mà thấy cái bảng này nên… thôi.

Lý do, nếu đây là cà phê thiệt, tôi uống một ly là đủ rồi. Uống hai ly sẽ bị say. Đang có khuyến mại mua một tặng một, không lấy thì thấy thiệt thòi, lấy mà không uống hết thì vừa phí vừa tiếc. Vì vậy tôi định bụng, khi nào quán hết tặng thì tôi mua, uống thử. Sau ba ngày, y hẹn, tôi chải tóc thiệt đẹp, mặc đồ thiệt đẹp, mang giày thiệt đẹp, lựa cái khẩu trang thiệt… đẹp, đeo vô, đi mua cà phê. Vậy mà quán đóng, không thèm đề bảng bao giờ trở lại luôn! Nhìn cánh cửa lạnh lùng trước mặt, tôi buồn dễ sợ.

Có ai đó nói, khi một cánh cửa đóng lại thì đừng buồn, vì biết đâu sau đó sẽ có hàng loạt cánh cửa khác đóng theo. Lúc đó hãy buồn. Và họ đúng thiệt!

Ngay chiều tối hôm đó, 24-3, vì sự “bùng nổ” của đội quân corona Vũ Hán mà “mấy ổng” ra lệnh đóng cửa hết hàng quán, cửa tiệm từ ăn uống đến thể dục thể thao đến bar bọng, karaoke, massage, vũ trường, tiệm trò chơi điện tử/quán net, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người… có sức chứa từ 30 người. Những quán nhỏ còn “lươn lẹo” được bằng cách cất bớt ghế, bán thêm dịch vụ “take away” chứ mấy quán lớn, có chút diện tích hoặc có nhiều mối quen thì phải đóng cửa. Xung quanh hẻm tôi toàn quán lớn nên đều đóng cửa, chỉ còn vài ba quán cóc và những xe bán nước “take away” bên đường. Đi một vòng, tôi bối rối không biết nên nói là đang vui hay đang buồn trước tình cảnh vắng vẻ này của “quê” mình.

Nói vui thì rất bậy bạ, dịch bệnh hoành hành, ai mà vui cho nổi. Đặc biệt, tôi có rất nhiều người bạn đang bị cách ly, có nghĩa là thuộc diện có-thể-nhiễm-bệnh. Ngoài ra, dịch thì dịch, kinh tế đình trệ thì đình trệ, chứ đồ ăn thức uống, tiền điện, tiền sinh hoạt cũng phải “nộp” mỗi ngày. Nói vui, chả khác gì mong cho mình chết đói, mong cho bạn mình bị dịch bệnh, mong cho xã hội điêu tàn…

Xem thêm:   Hỏi là trả lời?

Từ lúc có dịch đến giờ, tôi luôn phải tự nhốt mình, tự kìm chế nhiều ham muốn ăn chơi nhảy múa của bản thân, “cột” giò ở nhà. Tôi phải tự điều chỉnh lại chi tiêu, gác lại nhiều kế hoạch, hẹn hò về công việc lẫn các mối quan hệ trong tương lai. Vì hai công việc tôi đang làm đều phải gác lại. Tôi cũng từng bị sốc, bị hốt hoảng khi đọc tin về dịch ở các nước lẫn VN mỗi ngày, khi số người bị bệnh được công bố cứ tăng dần, tăng dần như nhịp tim của tôi khi thấy đồ… ăn ngon. Tôi cũng từng hoài nghi bản thân đã quá nhởn nhơ khi đọc các bài viết tả Saigon như một thành phố chết, đang hấp hối trước cơn giông… Nói chung, tôi đã trải qua nhiều cảm xúc xấu, từ khi có dịch. Nhưng nói buồn bã, tuyệt vọng, thì quả tình, tính đến hiện tại thì chưa. Nhất là sau khi tôi bỏ cà ngày đi một vòng quanh Saigon, rồi lại quành về. Coi những người đang vật lộn kiếm ăn mỗi bữa ngày thường, nay họ… buồn cỡ nào.

Nhớ lại, lúc tôi hỏi người bán dưa “giải cứu”: “Giờ dịch bệnh, ở đâu cũng khổ, dân Saigon “giải cứu” dưa, rồi ai “giải cứu” dân Saigon hả chị?”

Chị cười mặn chát, nếp nhăn xếp vào nhau khiến nét mặt khô quắt lại như dòng sông nứt nẻ miền Đồng bằng: “Giờ ai cứu được ai thì hay người nấy thôi em, dân mình phải tự cứu nhau thôi! Mấy ổng (chị chỉ về nơi xa xăm nào đó) không rảnh đâu!”

Nông dân sẽ được giải cứu (nếu còn sống sau mùa hạn này, mùa hạn năm sau, năm tới nữa – Khi TQ không xả đập) nhưng khó khăn đời thường của người lao động Saigon sẽ đi về đâu trong mùa đại dịch và sau khi “cô Vi” rời đi là một câu hỏi tưởng chừng như rơi vào vô vọng. Ở đâu đó trong phòng cách ly hay phòng họp tắm hoa tươi sặc sỡ có ông bà nào (trong một lúc nhàn rỗi) thử đi tìm đáp án.

Xem thêm:   Hệ thống phòng thủ Golden Dome

Xin chia sẻ với mọi người những hình ảnh mà tôi “chộp” được.

 

Saigon buổi sáng. Trong tiệm tạp hóa nhỏ của cặp vợ chồng tóc hoa râm, cô thì thêu thùa, chú thì đọc báo. Hai bức hình này được chụp trước và sau khi tôi đi ăn sáng về.

 


“Nhờ” corona Vũ Hán mà Saigon trở về với những ngày trong Tết. Những ngày tiếng “địt mẹ” vơi dần. Con người sống chậm hơn. Thành phố tựa trái banh bị phồng to bởi mười mấy triệu người được xì hơi từ từ. Trở về với dáng vẻ yên bình cùng sức chứa vừa đủ. Bầu trời trong xanh hơn, không khí bớt ô nhiễm hơn, con đường thường ngày chen chúc mùi mồ hôi, mùi người cũng thong thả và bình tĩnh hơn. Buổi sáng, bạn già thì cà phê cóc chậm rãi với. Bạn trẻ thì ngủ nướng một chút.

Cô chủ vừa dắt chó đi dạo, vừa “tâm tình” với thú cưng của mình. Chú chó bị bỏ rơi sau cánh cửa, bỗng một ngày được quan tâm, cũng vừa mừng vừa lo.

Đối với những người có một chút thu nhập, một chút dành dụm thì thời gian này là thời gian tranh thủ nghỉ ngơi, tranh thủ sống chậm, tranh thủ lập kế hoạch cho tương lai. Nhưng với nhiều người, dẫu thời gian nào, tiền là suy nghĩ đầu tiên mỗi lúc mở mắt chào ngày mới. Mọi gánh nặng, mọi loại phí đè lên cuộc đời họ mỗi ngày. Ai đó nghỉ ngơi thì nghỉ, họ vẫn làm công việc của mình, trong lo lắng. Như cô chặt dừa trả lời tôi: “Dịch bệnh mà ai chả sợ, nhưng “sở hụi” còn nặng nợ hơn. Thôi kệ, còn nước còn tát! Trời kêu ai nấy dạ.”

 

 

Quán cà phê được coi là “đàng hoàng” (có bàn, có ghế, có nhạc, có nhân viên mặc đồng phục) duy nhất trong khu nhà tôi còn mở. Khách cũng lựa cho mình mọi người một góc, với niềm hy vọng “Chắc corona nó chừa mình ra!”

Xe ôm công nghệ đang là nghề “hot” hiện nay, vì người ta sợ virus nên cũng sợ đi taxi, xe bus theo. Khi ra đường, họ sẽ chọn xe ôm để có cảm giác yên tâm hơn. Ngoài ra, trên các app xe ôm công nghệ giờ cũng có giao đồ ăn, giao hàng, đi chợ thuê… nhiều người thất nghiệp đã chọn nghề này làm thêm. Chú tài xế chở tôi đi dạo một vòng Saigon, “xem dung nhan đó, bây giờ ra sao” nói đi làm thêm cho… vui, ở nhà với phu nhân, con cháu miết rất dễ gây ra “sóng gió gia đình”.

Xem thêm:   "Thế hệ cợt nhả"

 


Đây là thời điểm vàng cho các cặp đôi chụp ảnh cưới, vì những địa điểm “hot”, tiêu biểu cho Saigon dạo này rất vắng. Nhưng chụp, giấu hoặc post mạng xã hội “câu like”/đóng dấu chủ quyền thôi nha. Sau mùa dịch hẳn làm lễ cưới, để trọn vẹn niềm vui trên mặt chủ buổi tiệc lẫn khách mời.

 


Chưa bao giờ, ở Saigon có nhiều hàng quán đóng cửa im lìm, những mặt bằng bị đập phá, dán bảng cho thuê nhiều và hàng loạt như bây giờ.

“Đặc sản” Saigon giờ là những thông báo đóng cửa của các quán. Được in, viết tay, tráng nhựa… đủ thể loại!

 


Người bán đồ ăn vặt dạo nhìn vô “địa bàn kiếm ăn” của mình rất lâu – Đường sách Nguyễn Văn Bình, phải tạm đóng vì dịch bệnh.

 

Chú bảo vệ ngồi đọc tin tức về corona Vũ Hán cho bạn nghe.

 


Quán nhậu đóng, ra giữa kênh nhậu cách ly.

 


Nhiều người Saigon có thú vui câu cá… trộm trên kênh Nhiêu Lộc (dầu có bảng cấm rất nhiều). được cái họ cũng tuân thủ khoảng cách an toàn.

 

Muốn khỏe mạnh phải tập thể thao…

 


Đọc sách…

 


Những người tài xế công nghệ (nghề đang “hot”), tranh thủ ăn, nghỉ ngơi khi có thể…

 


Chiều giờ tan tầm, xe vẫn ngược xuôi, nhưng lượng người chỉ bằng 1/10 trước đây….

 


Phố Tây Bùi Viện tối 26-03-2020, một trong những chỗ đông đúc nhất Saigon. Nếu ai đã từng đến nơi này, chắc sẽ không nhận ra… Khu này đã có người bị nhiễm corona Vũ Hán.

 

Dịch thì dịch, vẫn “giải cứu” nha…

 

Du Uyên.