Phan Cảnh Hiến, tốt nghiệp khóa 8/72 tại trường Ðồng Ðế Nha Trang năm 1972, được chọn sang Không Quân theo học khóa 24 SQ Bảo Trì và phục vụ tại Liên Ðoàn 42 Bảo Trì Tiếp Vận tại Cần Thơ. Giờ tan hàng, Thiếu Úy Hiến mới 23 tuổi, độc thân, nôn nóng trở lại Huế, nơi gia đình với cha mẹ già mất tin tức từ tháng 3, 1975 khi miền Trung thất thủ. Về đến nhà vào buổi tối thì sáng hôm sau du kích đã ập vào nhà còng tay ông thiếu úy nhốt vào lao xá và mười ngày sau chuyển đến trại “cải tạo” Ái Tử, vì vào thời gian này, sau khi chiếm Huế, cộng sản đã cầm tù tất cả quân cán chính địa phương.

Chỉ với cấp bậc thiếu úy một ngành chuyên môn, Phan Cảnh Hiến đã phải bị tù tập trung 5 năm từ trại Ái Tử, Thừa Thiên, ra Thanh Hóa làm thủy lợi rồi trở về trại tù sắt máu Bình Ðiền.

Ra tù, năm đầu, Phan Cảnh Hiến phải làm nghề “mây, tre, chủi (chổi), đót,” một nghề tay chân mà toàn dân Huế ai cũng phải làm để có mỗi ngày vài lon gạo. Năm sau, Hiến chuyển sang nghề đi buôn trầm, trên danh nghĩa là đi thu mua trầm cho thương nghiệp nhà nước, nhưng lại buôn lậu trầm ra Bắc hay vào Saigon để có lợi tức riêng. Bây giờ, Thừa Thiên đang ở trong vòng cùm “Bình-Trị-Thiên” theo chế độ kinh tế miền Bắc nên cuộc sống khó khăn và con người bị kìm kẹp rất khó thở. Thời gian này, có một thiếu nữ trên đường Ðông Ba đem lòng yêu anh và hai người kết hôn để chín năm sau, đến lúc lên đường đi Mỹ theo diện H.O. hai người đã có được ba con, một gái hai trai. Năm 1982 lúc lấy vợ, Phan Cảnh Hiến chỉ mong mỏi có một mái ấm gia đình, no đói có nhau. Lúc này, ở cửa biển Thuận An, người ta vượt biển ra đi đã nhiều nhưng đối với một người mới ra khỏi nhà tù, nghèo khổ, con còn nhỏ dại, anh chưa hề mơ ước có một ngày nào mình được đặt chân đến Mỹ.

nhin-lai-chang-duong-cua-mot-gia-dinh-ho1

“Before:” Gia đình H.O. Phan Cảnh Hiến tại phi trường John Wayne, California, năm 1991 với ông Nguyễn Hậu.

Chương trình nhân đạo của chính phủ Mỹ mở ra từ năm 1990 giúp cho những người tù “cải tạo” trên ba năm được định cư tại Mỹ, mà chúng ta thường gọi là chương trình H.O. đã giúp cho hàng nghìn gia đình tù nhân chính trị VNCH thoát ra cảnh nghèo khổ, bị kỳ thị, vô vọng. Ngày 21 tháng 8 năm 1991, Phan Cảnh Hiến còn nhớ đến ngày ấy như mới hôm qua, sau khi làm thủ tục nhập cảnh tại phi trường Sea-Tac, Seattle, gia đình anh, hai vợ chồng và ba con nhỏ, đổi sang một máy bay nhỏ về phi trường Santa Ana, gần nơi cư ngụ của một người quen.

Tại phi trường, gia đình anh Hiến được một “ông già” tươi cười gọi đúng tên anh, đón tiếp ở chỗ nhận hành lý. Ông già tự giới thiệu là Nguyễn Hậu, “Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị” có nhiệm vụ ra đón gia đình anh về nơi tạm trú. Ðồ đạc, hành lý của gia đình được đưa lên một xe van có khắc hàng chữ tên hội do một người tài xế thiện nguyện, cũng là một H.O. đi trước đảm trách. Những lo lắng từ hôm ở Bangkok lên máy bay hầu như tan biến khi gia đình Phan Cảnh Hiến được đưa về một ngôi nhà 4 phòng do hội thuê, trong đó 3 phòng đã có những gia đình H.O. đến trước. Tuy gia đình 5 người được sắp xếp vào một căn phòng nhỏ, nhưng bếp đã có gạo, nước mắm, mì gói, phòng vệ sinh đã có giấy lau, giường đã có nệm gối, cả cái thùng rác hội cũng không quên sắp sẵn. Ðây là những ngày gia đình người mới đến được ở miễn phí.

Tuy còn lạ giờ giấc thay đổi, nhưng những ngày sau là những ngày bận rộn cho gia đình người mới đến cũng như nhân viên thiện nguyện của Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị. Gia đình anh Nguyễn Cảnh Hiến được đưa đi làm thủ tục lãnh trợ cấp, xin phiếu y tế, chích ngừa, xin số an sinh xã hội, đi chợ mua sắm… nói chung là tất cả công việc cần thiết cho một người mới nhập cư, mà nhiều gia đình “bảo trợ” vì phải đi làm cũng nản lòng nên “bán cái” cho cái hội thiện nguyện này. Ðó là lý do gia đình anh Phan Cảnh Hiến từ một cá nhân bảo trợ được chuyển sang cho hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị. Hai tuần sau gia đình được hội thuê apartment và dọn ra, để dành chỗ cho những gia đình khác mới đến. Rồi các cháu nhỏ bắt đầu đi học, anh có việc làm, chị ở nhà săn sóc các cháu, bếp núc. Rồi đâu đó dần dà ổn định như những người đi xe đò, lúc đầu còn bám ngoài thành xe, ít lâu sau, ai cũng có chỗ ngồi trong xe ổn định. Khi cuộc sống đã tạm yên, anh Phan Cảnh Hiến lại lui tới hội, giúp những người đến sau, lo giấy tờ, hướng dẫn lái xe hay đứng ra bảo trợ những người khác ở Việt Nam sắp sang đang cần một cái “đầu cầu.” Anh Hiến chỉ cho tôi một bộ lư đồng trên bàn thờ của một người bạn H.O.15 do anh bảo trợ, tặng gia đình anh để làm kỷ niệm. Ðó là dấu tích của những người bạn tù đồng hoàn cảnh “người đi trước lo cho người đi sau.”

nhin-lai-chang-duong-cua-mot-gia-dinh-ho

“After”: Bức ảnh của gia đình này 20 năm sau. Hình do gia đình cung cấp

Năm 1991, đến Mỹ, ba con của anh chị Phan Cảnh Hiến, nhỏ nhất mới 4 tuổi, lớn nhất 7 tuổi. Hai mươi năm sau – 2011 – tức 8 năm về trước,  tuy chỉ một mình anh vất vả từ việc đi đưa pizza, đóng nút trong shop may, làm kho hàng, lúc đó cháu gái đầu đã có Master dạy ở một trường Middle School, cháu thứ hai là chuyên viên điện toán, cháu thứ ba là kỹ sư làm việc cho Boeing, và cháu út đã học lớp 12.

Nhìn lại quãng đường đi qua, anh Phan Cảnh Hiến thấy như một giấc mộng, không ngờ, không hề mong ước. Nếu không có nước Mỹ, không có chương trình H.O. gia đình anh không có được cuộc sống này, các con anh không được học hành như ngày hôm nay.

Anh còn nhớ rõ ngày gia đình anh đặt chân đến phi trường John Wayne với ba đứa con nhỏ gầy yếu, xơ xác, so với những thanh niên hôm nay thành đạt, tươi tắn đầy tương lai trong hai bức ảnh “before” và “after” anh đã trao cho tôi.

Anh không quên Hội Tương Trợ Cựu Tù Nhân Chính Trị, những ngày đầu đã cưu mang, lo lắng cho gia đình anh và gần 2,000 gia đình cựu tù nhân khác trong một quãng đường dài 8 năm hoạt động. Bây giờ ông Nguyễn Hậu đã qua đời, không còn cựu tù nhân chính trị đến Mỹ, không còn Hội Tương Trợ, những gia đình được bảo trợ đã tản mát trên khắp nước Mỹ, nhưng mối ân tình thuở ấy gia đình anh không bao giờ quên.

HP

Orange County, CA