Hè sắp vãn. Xin có đôi điều về những chú ve của mùa Hè. Kẻo rồi mai kia mốt nọ sẽ không có dịp nhắc tới các chú.

Ấy cũng bởi nghĩ rằng thơ văn của mình không có gì to lớn quan trọng như của người ta, chỉ là để vui trong cuộc nhân sinh thôi, nên một lần nữa Nguyễn trở lại với các chú ve nhỏ thân yêu. Trước hết xin bắt đầu với câu chuyện kể của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một tác giả nổi tiếng ở trong nước.

Vâng. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kể lại câu chuyện sau đây về một chú ve.

“Đó là một buổi sáng mùa Hè năm 1976. Khi tôi đến cổng hội văn nghệ thì cũng vừa lúc anh Trịnh Công Sơn bước ra khỏi quán cà phê bên đường. Hôm ấy là ngày đầu tuần, cơ quan sắp họp. Chúng tôi đang đứng nói chuyện, bỗng một chú ve từ trên cao rơi xuống chân tôi. Tôi tò mò nhặt con ve lên; nó không còn hát. Anh Sơn nhìn con ve một lúc rồi nói:

– Vậy là hết rồi!

– Cái gì hết? Tôi hỏi.

– Đời con ve đã hết, có lẽ chỉ một lát nữa thôi.

Nói rồi, anh Sơn cầm con ve từ tay tôi, giọng buồn buồn:

– Dạ biết không, để thành một giọng ca, con ve đã im lặng rất lâu ở trong đất. Từ một cái trứng ve để thành một ấu trùng… ve đã thay hình đổi dạng nhiều lần, mình không nhớ chính xác là bao nhiêu, nhưng có một tài liệu nói quá trình hình thành một con ve rất dài – đến những 17, 18 năm.

– Trời ơi, 17-18 năm… Tôi ngạc nhiên kêu lên.

– Đúng, phải chừng ấy năm mới thoát khỏi mặt đất, thoát khỏi bóng tối để ca hát dưới mặt trời.

– Vậy con ve ăn gì, anh Sơn?

– Ve uống nắng, ăn sương, khổ hạnh như một tu sĩ. Nó nhả ra giọng hát ve sầu như tằm nhả tơ râm ran trời đất, nhưng chỉ được mươi ngày rồi tắt. Lúc đó, ve sầu kiệt sức, từ trên cây rơi nhẹ nhàng xuống đất.

Sơn ngậm ngùi nhìn chú ve câm lặng trong lòng bàn tay. Tôi chợt nghĩ, chỉ một lát nữa thôi, một đàn kiến sẽ tìm đến… lớp lớp bu kín thân xác ve sầu. Chạnh lòng, tôi xin lại anh Sơn con ve.

Có lẽ đời ve lạ lùng quá, thánh thiện quá -đó là kẻ chỉ biết dâng hiến, rút ruột gan để hát cho đời vui.

Nó may mắn và hạnh phúc hơn con người là chưa kịp biết buồn thì đã chết. Còn con người đã mang lấy nghiệp trầm luân từ khi còn trong bào thai: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…”.

Xem thêm:   Đêm cuối năm, ngồi chờ nghe đôi khúc hát

Những chú ve đang nhẫn nhục hình thành đời mình trong đất, để rồi sẽ trở lại cất lên giọng hát của chính mình. Tôi tin như kiếp ve thánh thiện, người nhạc sĩ của tình yêu và thân phận con người mãi mãi hát ca bên chúng ta như có lần anh đã tự nhận trong một bài hát của mình:

“Nhiều khi thấy ta là lá cỏ

Ngồi hát ca rất tự do”.

Lâm Thị Mỹ Dạ

Tới đây Nguyễn nhớ lại một đoạn đã viết về loài ve: “Là một trong những biểu tượng của mùa Hè cho dù là ở Việt Nam hay ở Mỹ. Tiếng ve kêu vang rền phát ra từ đôi cánh của các chú ve treo mình trên các thân cây kéo dài trong suốt mùa hè. Có trên 2000 loại ve sầu trên thế giới. Các loại ve ở Mỹ có thể xếp thành 2 loại: loại có tuổi thọ 13 năm và loại có tuổi thọ 17 năm. Mặc dù đời sống dài như vậy, từ giai đoạn trứng được đẻ trong đất, qua giai đoạn ấu trùng rồi trưởng thành, chúng chui ra khỏi hang và bay ra không khí, cất tiếng kêu vang, phối giống chỉ có 2 tuần lễ rồi chết. Mỗi một mùa hè như vậy trên thế giới có hàng tỉ con ve chết đi để rồi năm sau một số khác lại ra đời.

Đấy, ve sầu là vì thế. Nó sầu vì thời gian ca hát quá ngắn. Ôi kiếp ve sầu!”

Và mới hôm qua đây thôi trong lúc lang thang mơ mộng trong khu nhà ở của mình, Nguyễn chợt nghe tiếng ve ran lên trong chòm cây phong du.

Tiếng ve mùa hạ. A, đây rồi, hồn ta. Một hôm có nắng / bỗng nhớ tiếng hát em… Hỡi chú ve nhỏ / nắng bâng khuâng hoài…* Ôi, tiếng ve đã nghe từ buổi ấu thơ cho đến những năm tháng trưởng thành, làm sao quên được. Cho nên, buổi trưa nghe tiếng ve, dù không bừng cháy da diết như tiếng ve trong những vườn nhãn thời nhỏ ở Huế, trên những hàng cây bên trường Lê Ngọc Hân Mỹ Tho ngày nọ hay trong công viên Tao Đàn Sài Gòn, nhưng thứ tiếng đầy âm vang đó đủ khiến tôi bồi hồi suốt một buổi. Nhảm, đại nhảm. Và tôi đã báo tin cho người biết rằng tôi vừa nghe tiếng ve kêu trong bóng mát của cây phong du cạnh nhà.

Xem thêm:   Trăng Thiền

o O o

Tiếng ve. Có lần tôi đã viết về tiếng ve ở những khu vườn rợp nắng buổi đầu đời. Nó vang dậy, như một dàn đại hợp xướng -chỗ này vừa lặng tiếng, chỗ khác đã rộ lên, cứ thế tiếp trưa tiếp chiều và cả lúc đêm xuống. Chợt nhớ tới tiếng ve trong thơ Trần Dạ Từ. Vâng, Trần Dạ Từ đã viết như thế này khi ông cùng bà Trần Thy Nhã Ca ngồi trong một khu vườn chùa tĩnh lặng nào đó ở Huế lúc còn thanh xuân, nghĩa là khoảng năm sáu chục năm về trước: Lần đầu ta ghé môi hôn / Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang… Hừ, chàng hôn nàng thì đâu có gì ghê gớm mà những con ve trong vườn chùa phải thất kinh hồn vía. Ấy, ấy… hay còn gì khác nữa? Nhưng sao cái ông Trần Dạ Từ này tỉnh thế! Hôn người yêu say đắm mà còn nghe được tiếng ve kêu ran thì thật là hết ý. Chứ thường người ta hôn người yêu là chết luôn, chết trên đôi môi em. Lúc đó, dù hổ có gầm bên tai, chắc gì đã nghe thấy. Nói đến tiếng ve, lại nhớ câu thơ đã viết lúc bỏ nước ra đi cách đây vừa đúng 3 chục năm cũng vào mùa Hè như thế này: Tiếng ve khơi biển rộng / vỡ quá khứ. mù. tôi đi / qua những chiếc cầu treo. thiên niên kỷ tàng tàng. nghiêng. thành phố quạ…

o O o

Tới đây, Nguyễn muốn chuyện trò riêng với các chú ve

Này, hỡi các chú ve nhỏ… Tôi yêu các chú biết bao. Vậy mà thuở ấu niên bé xíu, tôi đã có lần phạm lỗi với chú. Chuyện như thế này: Hồi đó, cũng đang mùa hè nắng cháy vàng hoe tóc, khét da, tôi theo mấy đứa bạn rắn mắt, rong chơi khắp làng khắp xóm. Nghe tiếng ve kêu ran đầu cành, một thằng lên tiếng hỏi: tụi bây có muốn bắt ve không? Rồi cả lũ kéo nhau đi chặt mấy ống tre và cành trúc. Tôi được phân công trèo lên cây bông sứ, chặt đọt cho mủ trắng chảy ra rồi hứng vào ống tre nhỏ. Một thằng khác có phận sự đem ống tre ấy nung vào lửa cho cháy khét lên. Mủ bông sứ biến thành một thứ nhựa thơm, rất dính, đem bôi vào đầu ngọn trúc để bắt ve thì hết sẩy. Chú ve nhỏ đang hồn nhiên ca hát trên cành nhãn thì bỗng dính nhựa từ đầu ngọn trúc, hết đập được cánh để bay đi. Chú không còn hát nữa mà vùng vẫy, cố thoát khỏi lòng bàn tay tôi. Tất nhiên rồi tôi cũng thả chú ra, sau khi đã chùi chất nhựa dính trên đôi cánh mỏng manh. Chú ve bay lên loạng quạng trong nắng, rồi lẫn vào cây lá. Không biết chú sẽ bay xa đến đâu, qua được mùa Hè không. Chú ve bé nhỏ của tôi ơi, tôi viết những dòng này cũng là để tạ tội với chú cũng như ấu thơ tôi. Tôi biết tôi có nhiều lỗi lầm với chú cũng như với chú cu cườm đã bị tôi dùng ná cao su bắn rớt trong vườn cây Vương Phủ ngày nọ. Tuổi nhỏ nghịch ngợm, và đôi khi ác độc, khiến tôi nghĩ lại mà chẳng an tâm chút nào…

Xem thêm:   Những tín hiệu vui trong mùa đông

Thật lòng, tôi yêu các chú ve nhỏ lắm lắm. Các chú là những nghệ sĩ giữa cõi đời phiền trược này. Kẻ nào ghét, hay không yêu những con ve mùa hè, thật sự là kẻ đáng thương. Cho nên tôi chẳng ưa bài ngụ ngôn Con Ve Và Con Kiến của cái ông La Fontaine chút nào, dù vẫn biết lo xa, tích cốc phòng cơ như lũ kiến là đúng. Nhưng ông quá thực dụng, thực dụng một cách thô thiển ở chỗ coi thường và chê các chú ve. Tôi thì chẳng thể nào yêu được những con người thực dụng kiểu như thế. Nghĩ cho cùng, mấy ông thi sĩ nghệ sĩ chúng tôi là đồng hội đồng thuyền với các chú ve mà thôi. Các chú ca hát suốt mùa Hè. Cho hoa lá, cho đất trời mãi tươi xanh, cho tuổi nhỏ rong chơi, và cho những đôi lứa hôn nhau dưới bóng cây mùa hè. Các chú không mang đến cho tuổi nhỏ của tôi một nét ưu phiền nào cả, cũng như các chú không mang đến cho tình yêu của tuổi thanh xuân con người một giọt lệ buồn nào. Lệ chỉ nhỏ sau đó khi cuộc đời chia cách lứa đôi… et la vie sépare ceux qui s’aiment…**

Xin các chú ve hãy cứ ca hát suốt những mùa Hè trên đất nước tôi. Dù xa dưới ngàn mây trắng, khi nhìn về ấu thơ, tôi vẫn thấy vô cùng thân thiết với các chú, và hết lòng tạ lỗi cũng như biết ơn. Bởi không có các chú, tuổi thơ tôi mất đi vẻ đẹp, vẻ sáng. Cũng như không có các thi sĩ, nghệ sĩ thì trái đất này sẽ trần trụi và khô khan biết mấy. Nó sẽ không còn là quả cam màu xanh, nơi cư ngụ bình an của con người.

TN