Từ thập niên 1930 đến 1970, là thời kỳ tranh sơn mài chiếm lĩnh thị hiếu của nhiều người yêu mến tranh nghệ thuật trang trí trong nhà. Từ tranh bảng gỗ cho đến sơn mài trang trí đồ nội thất cao cấp. Và rồi, tự dưng loại hình nghệ thuật này bắt đầu lung lay nhường chỗ cho loại hình sơn mài mang tính mỹ nghệ thị trường hơn.

Bên dòng Cửu Long – Khoảng 1950. Sơn mài. 61x126cm. Sưu tập Ngô Kim Khôi – nguồn manhhaiflickr  

Có vẻ khái niệm này mang tính phân hạng tranh sơn mài nghệ thuật và sơn mài mỹ nghệ. Nghệ thuật đòi hỏi sản phẩm tranh làm ra trau chuốt từng chi tiết theo lớp lang, phối màu và nguyên liệu sơn (xưa dùng sơn ta trích từ nhựa cây sơn có nhiều ở miền Bắc, ngày nay gần như không còn) cũng như kỹ thuật mài, đánh bóng làm cho bức tranh có giá trị về mặt nghệ thuật cùng công sức lao động của người hoạ sĩ đặt hết tâm hồn của mình vào bức tranh đó. Do vậy, giá trị của sơn mài nghệ thuật lúc nào cũng cao và tất nhiên giá trị đó không thể đáp ứng hoàn toàn được thị hiếu và túi tiền của người bỏ ra mua tranh.

Sơn mài mỹ nghệ thích hợp với một phần đại chúng, dĩ nhiên giá trị nó thấp hơn. Tuy vậy, đó không phải là một sản phẩm kém phẩm chất mà nguyên liệu chế tác sơn mài sau này được công nghệ hoá, nhất là nguyên liệu sơn (sau này nhiều nghệ nhân dùng sơn lacquer của Nhật) để tiết kiệm được nhiều công đoạn hoàn thành một tác phẩm. Ðương nhiên giá trị nó phù hợp với đa số người yêu mến loại hình sơn mài mong muốn có được một bức tranh trang trí trong nhà hoặc làm món quà tặng lưu niệm (sau này, sơn mài mỹ nghệ lại phân ra từng hạng: cao cấp, trung bình và bình dân để đáp ứng nhu cầu tài chánh của mọi người, nói chung là tiền nào của đó).

Tôi nhớ năm mười hai tuổi, tôi đã biết tới hai chữ sơn mài. Biết đây là biết tên của loại hình tranh mà ba tôi đặt hàng chú Năm Thành ở xóm trên thực hiện bộ tranh Bắc Trung Nam để tặng cho vị cố vấn Mỹ làm kỷ niệm nhân chuyện ông về nước. Bộ tranh ba tấm mang ba biểu tượng của ba miền: phong cảnh Hồ Gươm, Chùa Thiên Mụ và Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau này đi làm báo, tôi biết rõ hơn về tranh nghệ thuật truyền thống này nhờ nhiều lần đi Tương Bình Hiệp thực hiện những bài phóng sự về làng nghề sơn mài nổi tiếng tại Bình Dương.

Ông Nguyễn Thành Lễ (Ảnh: Internet)

Ðến đây, tôi xin lan man đôi chút nguyên do tôi bắt đầu biết đến tranh sơn mài. Năm đó, vài tháng trước khi Hội nghị Paris đình chiến tạm thời hai miền. Trong bữa cơm chiều, nghe ba nói với má tôi rằng, viên sĩ quan cố vấn phòng An ninh quân đội đề nghị ba tôi và những thành viên gia đình di tản cùng với đoàn sĩ quan về Mỹ, ông đặc biệt muốn gia đình ba tôi theo ông về Hawaii quê nhà của ông, ở đó thanh bình, dễ sống, khí hậu ôn hoà. Ông cho ba tôi một tháng để suy tính có quyết định đi hay không để ông thu xếp.

Xem thêm:   Mụ Gấu về với rừng

Cuối cùng, ba tôi quyết định ở lại vì ông nội còn đó, nhà cửa còn đó, không biết cuộc sống xứ người ra sao và có thể là ba tôi yêu mến quê nhà không chừng nên không dễ dứt bỏ ra đi. Ðiều này tôi chỉ đoán mò khi tôi ở tuổi trưởng thành nhớ đến bộ tranh sơn mài Bắc Trung Nam đề tài đặt hàng của ba tôi với chú Năm Thành. Chuyện ba tôi quen biết chú Năm cũng là chuyện tình cờ. Nhà tôi ở xóm dưới, chú Năm ở xóm trên nhưng số nhà lại trùng nhau khiến thư từ thường xuyên bị lẫn lộn. Không có cách thay đổi được số nhà, ba tôi tìm đến nhà chú Năm đề nghị hễ có thư của nhà tôi thì đem vào giùm, còn nhà tôi nhận được thư nhà chú Năm thì mang ra giùm. Thế là ba tôi và chú Năm quen nhau. Tôi nhớ có lần ba tôi gọi chú là hoạ sĩ nhưng chú xua tay nói: “Tôi có học hành hoạ sĩ gì đâu, làm gia công sơn mài cho hãng sơn mài Thành Lễ ở Bình Dương, sẵn nhận làm tranh ngoài giờ kiếm thêm tiền chợ”.

Chú Năm khiêm tốn nói vậy, chứ hồi ba và tôi ra nhà chú nhận bộ tranh sơn mài, ba tôi thì xem ngắm bộ tranh đem tặng trước khi đóng gói, còn tôi thì nhìn ngắm hai bức tranh phong cảnh làng quê bến nước trang trí trong nhà chú. Hai bức tranh treo đối xứng trên vách tường phòng khách nhỏ, màu nâu đất làm chủ đạo lót nền cho màu vàng nhũ của ruộng lúa chìm trong ánh hoàng hôn, xa xa những cách chim chấp chới. Hai bức tranh trông hài hoà, còn đẹp như thế nào thì một đứa trẻ con như tôi làm sao hiểu được. Có lẽ, màu sắc phối hợp của hai bức tranh treo trong nhà chú, ảnh hưởng đến sở thích màu sắc của tôi khi sau này tôi chọn mua bộ tranh sơn mài ba tấm khổ lớn tại một cửa hàng đồ cũ. Bộ tranh có ký tên hẳn hoi và ghi năm sáng tác 1964.

Thái tử Sihanouk, vương quốc Cambodia thăm Công ty Thành Lễ vào đầu thập niên 1960 và xem họa sĩ Ba Tuyền vẽ tranh sơn mài. Góc trái là họa sĩ Lưu Đình Khải, hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Định.

Tính ra, khi tôi mua bộ tranh sơn mài này đã có ba mươi năm tuổi. Nền sơn còn y nguyên, các lớp sơn nhũ không bạc màu. Tôi không rõ hoạ sĩ Nguyễn Văn Hải xuất thân từ đâu. Nhưng sau đó vài năm, một lần ghé lại cửa hàng đồ cũ tôi mua bộ tranh này thì chính người chủ cửa hàng hỏi tôi có muốn bán lại bộ tranh hồi trước tôi mua không với giá cao gấp năm sáu lần. Tranh sơn mài trước 1975, vào thập niên 1990 bắt đầu được săn lùng, kể cả bàn ghế tủ khảm tranh sơn mài đều được rao bán với giá cao ngất ngưởng, nhất là những sản phẩm sơn mài của công ty Thành Lễ.

Xem thêm:   Những mẩu chuyện mùa Valentine

Thành Lễ hồi trước 1975 đã nổi tiếng tại Sài Gòn và Bình Dương, nói đến sơn mài là hầu hết người ta nhắc đến Thành Lễ. Họa sĩ Nguyễn Thành Lễ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 chuyên về ngành sơn mài và chạm trổ. Ngay sau khi ra trường, ông cùng họa sĩ Trương Văn Thanh hợp tác lập nên xưởng sơn mài “Thanh & Lễ”. Ðến năm 1960, Nguyễn Thành Lễ tách riêng ra lập xưởng sơn mài Thành Lễ tại Thủ Dầu Một gồm 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Sau đó hai năm, ông Nguyễn Thành Lễ mở rộng quy mô sản xuất và thành lập công ty chuyên sản xuất và kinh doanh tranh sơn mài, thảm len, đồ nội thất khảm tranh sơn mài, đồ mỹ nghệ cao cấp, kể cả đồ gia dụng gốm sứ hoặc gỗ khảm sơn mài.

Trong bài “Sơn mài Thành Lễ, quá khứ vàng son” của tác giả Phạm Công Luận viết: “Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang lịch trong bộ lịch in màu năm 1962. Bộ lịch có tên là Công nghệ Việt Nam do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lẽ sản xuất. Lòng tô và dĩa màu vàng nhũ. Họa tiết đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hoà. Những sản phẩm mỹ nghệ cách nay gần 50 năm thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hiện nay”.

ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất trong bộ lịch “Công nghệ Việt Nam” năm 1962.

Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn, đến thời điểm đó, hãng Thành Lễ đã có những thành tích như sau: Huy chương và Hội chợ Munich 1964, huy chương bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968, bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969 và 1970, huy chương vàng Hội chợ Kỹ Nông Công Thương Sài Gòn 1970. Ngoài ra sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959). Nhiều sản phẩm sơn mài và hàng mỹ nghệ cao cấp của công ty Thành Lễ được sử dụng trang trí trong những công trình sang trọng nhất Sài Gòn như phòng ăn Dinh Gia Long, Dinh Ðộc Lập, khách sạn Caravelle, khách sạn Majestic. Trên trang mạng Hồn Quê, tác giả Bích Xuân cho biết: “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những dinh thự như tư dinh TT. Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài T.T Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La  Boissière), OMS (Organisation Mondiale de la Santé) tại Thuỵ Sĩ.

Xem thêm:   ‘Gone with the wind’ 85 năm gió vẫn thổi ...

Sau năm 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang Pháp định cư. Từ đó, tranh sơn mài nghệ thuật và hàng mỹ nghệ cao cấp vắng bóng trên thị trường. Và rồi vài xưởng sơn mài hoạt động trở lại nhưng tiếc thay sản phẩm không thu hút như những hãng Thành Lễ hay Trần Hà ngày trước nữa.

TN