Tôi là ai. là ai. mà yêu quá đời này

(TCS)

Tự nhiên, trong một sáng trời nhiều mây, ngồi buồn nhìn ra ngoài sân lá rụng, nghĩ ngợi vẩn vơ… Ngồi buồn và rồi nhớ lại những con đường đã đi qua. Ờ, nhớ nhau trong màu nắng. Nhớ những quán cà phê và quán rượu lãng du, nhớ một sân bay bến cảng nào đó chìm trong mưa phùn, nhớ những cây cầu bắc qua thiên niên kỷ, nhớ những con đường chạy giữa rừng phong trụi lá đã trở thành thân quen, nhớ một chiều ở Santa Monica và tiếng hát khản đục của Rogers Ridley stand by me. stand by me. o darling / cây đàn. và mái tóc. mắt của mặt trời chiều /hắt bóng…/ ôi. chiều santa monica

Trở  lại ca từ trong một bài hát của Sơn trích dẫn ở đầu bài. Tôi là ai, là ai… Ôi, sẽ có người quở trách: A, cái ông Nguyễn này khùng rồi hay sao mà hỏi vớ vẩn – có thể gọi là lãng xẹt được. Tôi là tôi chớ bộ là Lý Quỳ hay cha hàng xóm râu xồm à? Dạ thưa không. Nguyễn không khùng chút nào, trái lại còn tỉnh lắm, vì thấy nắng biết là nắng cũng như biết rằng ai đã bay như cánh bướm trong một chiều mùa Thu ở Thung Lũng Gió. Và cũng biết rằng ông nhà thơ Diễm Châu ngày nào ở Sài Gòn thường dừng chiếc xe đạp cũ kỹ, nhặt những bông khuynh diệp màu vàng quắt queo trên đường Trương Ðịnh bỏ đầy túi áo, rồi

đốt bằng chiếc quẹt gas cũ

mùi thơm rất nhanh

mơ hồ như tiếng chuông nhà thờ phía Tân Định

thành phố màu xám chì

đường vắng và buồn lắm

(thơ Đỗ Trung Quân)

Nói đúng ra, Nguyễn nêu lên câu hỏi Tôi là ai, là ai…chỉ bởi tại tự nhiên thấy có hứng muốn tìm rõ căn phần (hay căn cước tị nạn – chữ Cao Ðông Khánh) của mình, muốn nhận diện mình mà thôi. Mới đây –nói là mới đây nhưng cũng đã nhiều năm rồi, mở trang web Người Việt Online xem ảnh chụp trại tạm cư Camp Pendleton của năm 1975, thấy những khuôn mặt vừa ngây thơ vừa rạng rỡ của các em mới lên 5 lên 10 đang chăm chú xem truyền hình mà cảm thương vô hạn rồi đâm ra lẩn thẩn, tự đặt câu hỏi cho mình: Các em giờ tản lạc những nơi nao trên nước Mỹ mênh mông này? Và rồi các em sướng khổ ra sao? Các em có trở lại Camp Pendleton hay trở về lại Việt Nam lần nào không. Tới hôm nay, các em nhiều người đã có gia đình riêng, đã thành đạt. Tôi thấy hình ảnh các em trên khắp nước Mỹ. Các em là những giáo sư, bác sĩ, chuyên viên điện toán, chủ tiệm ăn hay MC trên sân khấu… Nguyễn tìm thấy hình bóng các em ở những hình ảnh này, và ở Dương Nguyệt Ánh, Leana Nguyễn, Linda Le… Nhớ năm nào Thúy Nga Paris đã thực hiện chủ đề “Tôi là người Việt Nam”, chính là nhắc nhở các em, giúp các em tìm ra căn cước đích thực của mình.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Tôi còn tìm thấy các em qua hình ảnh nhà văn Lại Thanh Hà và những trang viết của cô. Lại Thanh Hà sinh năm 1965. Cô cùng gia đình sang Mỹ năm 1975, định cư ở vùng Montgomery, tiểu bang Alabama. Lại Thanh Hà tốt nghiệp Ðại Học Texas ở Austin và thạc sĩ Mỹ Thuật ở Ðại Học New York. Cô hoạt động trong ngành văn học chính thống như một cách thể hiện mình tìm hiểu tôi là ai, là ai trên xứ sở bao la này. Từ sau khi đoạt 2 giải thưởng lớn: Newbery Honor Book 2012 và National Book Award 2011 của văn học Mỹ cho hạng mục Young People Literature, tiểu thuyết thơ đầu tay Inside Out & Back Again (Trong Ra Ngoài & Về Lại) nhà văn Mỹ gốc Việt Lại Thanh Hà đã khiến độc giả lưu luyến. Ðây là câu chuyện của một bé gái 10 tuổi cùng gia đình đến sống tại Mỹ trong những năm chiến tranh kết thúc. Bước chân vào thế giới mới, làm quen với văn hóa và những con người mới trong khi một chữ tiếng Anh cũng không biết, cô bé ấy vẫn luôn mang trong mình nội tâm của một người Á Ðông và bí mật quay trở về thế giới của mình bằng những ký ức mơ hồ. Mới đây Lại Thanh Hà đã được nhà HarperCollins xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Butterfly Yellow/ Bướm Vàng và đã được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc. Theo Trịnh Y Thư giới thiệu, Phụ trang Văn Học của tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ, New York Times, có bài phê bình và đã gọi đây là một tác phẩm “đẹp nhức nhối.” (Searingly beautiful.)

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Cuốn tiểu thuyết thuật chuyện một cô gái tên Hằng thất lạc đứa em trai nhỏ tuổi lúc chiến tranh Việt Nam đang đến hồi kết thúc, ai nấy giày xéo lên nhau để tìm đường thoát thân. Lại Thanh Hà không miêu tả tỉ mỉ cuộc chạy thoát khỏi Sài Gòn khi miền Nam thất thủ vào tay cộng sản năm 1975, nhưng chúng ta hiểu ngầm đó là những giây phút cực kỳ hoang mang, hỗn loạn khi Hằng bị bỏ rơi và cậu em thì được bốc lên phi cơ bay ra khỏi thành phố. Sáu năm sau cô một mình vượt biên sang Mỹ, bằng mọi giá và mọi cách tìm cho bằng được cậu em trai.

Với mảnh giấy duy nhất có trong tay lúc thất lạc, Hằng có địa chỉ cậu em và việc làm đầu tiên khi đặt chân đến nước Mỹ là thực hiện một cuộc phiêu lưu đi tìm chỗ ở em mình tại vùng “cán chảo” tiểu bang Texas nóng đổ lửa. Một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa vì Hằng mới chân ướt chân ráo đến nơi, tiếng Anh còn ú ớ, nhưng hình như được ông bà phù hộ, Hằng gặp LeeRoy, một anh chàng đang ước mơ trở thành một anh cao-bồi Texas, và Hằng được anh chàng này tận tình giúp đỡ đi tìm em. Hằng và LeeRoy là một cặp trái ngoe vì chẳng có tí gì tương đồng, chưa kể hàng rào ngôn ngữ, nhưng sự thú vị khi đọc cuốn sách này là ở đó. Hai người, hai thế giới trái ngược, hai cá tính đối chọi đến buồn cười, nhưng do lòng tử tế và hiểu hoàn cảnh nhau, hai người đã giúp nhau tìm kiếm được điều mong ước.

Sự thật là khi mới gặp lại Linh (tên Mỹ là David), Hằng đã bị cậu em tránh mặt. Cậu lớn rồi, chẳng còn nhớ một câu tiếng Việt nào nữa, và đang sống êm ấm bên trong ngôi nhà người mẹ nuôi người Mỹ. Cậu chẳng hề muốn nhận Hằng làm chị mình. Cậu cũng chẳng nhớ gì về tuổi thơ ấu mình ở mảnh đất nhiễu nhương kia. Hằng chưng hửng khi nhìn ra thế, nhưng với lòng thương em vô tận, cô đã khắc phục tất cả những khó khăn, chướng ngại để đánh thức tiềm thức của cậu trai.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Suốt mùa Hè, Hằng và LeeRoy vào làm công trong trang trại của ông Morgan để được gần David. Dưới cái nóng cháy da của miền đồng cỏ Texas, Hằng quên mình lao động quần quật suốt ngày nhưng đêm đêm vẫn thức khuya cố tìm ra cách gì đó để chinh phục lại cậu em. Nói tiếng Việt với cậu chưa đủ, cô còn dùng lời ca, thủ thỉ tâm tình, hình ảnh do chính tay cô vẽ vời… để trí óc cậu trai có lúc hồi nhớ lại quá khứ xa xăm.

Và cuối cùng Hằng thành công.

Trong một buổi đi chơi hội chợ đồng quê, Hằng, LeeRoy và David đều vui tươi, phấn chấn. Ðang vui chơi, bỗng có một con bướm vàng từ đâu bay đến đậu trên bàn tay David. Thấy vậy Hằng cất tiếng hát bài Kìa con bướm vàng bằng tiếng Việt. Hằng hát đi hát lại và David cuối cùng hát theo cô, cũng bằng tiếng Việt. Cuối cùng ký ức cậu trai như bung mở, cậu thấy Hằng chính là chị mình, chứ chẳng ai khác. Cậu sung sướng hát vang. Với LeeRoy thì đó là bài “Frère Jacques” quen thuộc từ thuở ấu thơ. Thế là cả ba người vừa đi vừa hát. Các em bé khác tuy chẳng biết lý do tại sao ba người này hát cái bài ấy, nhưng chẳng ai bảo ai, đồng thanh hát vang theo, đứa hát tiếng Anh, đứa tiếng Tây Ban Nha, và thậm chí cả tiếng Pháp. (trích theo Trịnh Y Thư)

A, bài Kìa Con Bướm Vàng. Nó đã làm sống dậy thời thơ ấu của bọn trẻ. Với cậu em của Hằng, câu hỏi “Tôi là ai, là ai… ” đã được trả lời. Riêng Nguyễn cũng có một con bướm vàng thời nhỏ. Nó ở trong bài thơ Nắng Vàng làm năm học lớp Ðệ Ngũ ở Huế đăng trên báo Ðời Mới của Trần Văn Ân:

có con bướm nhỏ. vàng đôi cánh

chập chờn. trên giậu. nắng rời thưa

tiếng hò. ru trẻ. bên hàng xóm

nghe dậy hồn tôi. điệu nhớ vừa…

TN

Dallas