Nguyễn có hai bạn văn ra đi trong năm vừa qua: nhà văn Nguyễn Trung Dũng và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh. Hai bạn ơi, bây giờ nhớ nhau chỉ còn biết tìm trên những trang sách.

Nguyễn Mạnh Trinh

 

Với Nguyễn Mạnh Trinh, tình bạn cũng đã nhiều năm nhưng không nhớ là bắt đầu quen nhau ở đâu, tại tòa soạn báo Văn Học nhà Nguyễn Mộng Giác hay ở quán cà phê Factory nơi anh em thường gặp. Qua chuyện trò và thơ văn hai người hiểu nhau. Mình biết thời chiến tranh Nguyễn Mạnh Trinh ở trong không quân trú đóng tại thành phố Pleiku. Ðiều này càng khiến mình thêm thân thiết với bạn. Tiếc rằng thời đó mình và Nguyễn Mạnh Trinh không được hội ngộ cùng nhau bên tách cà phê để có thêm kỷ niệm. Sau này khi đã ở Mỹ đọc bài thơ Pleiku, Tháng Ba 1974 của mình, Nguyễn Mạnh Trinh đã viết những dòng tinh tế và cảm động:

“Chiến tranh lại rõ nét hơn với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Bài “Pleiku, tháng ba 1974”. Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, là ngày thành phố cao nguyên quặn mình rồi gục ngã.

“Người thi sĩ kể chuyện một mình. Ðâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng.

“cầm bút viết, tháng ba rực cháy / hàng dầu cao trong bình minh / cơn sốt của trái chín cánh đồng / trận gió hung trưa ngày ấy / cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng / tháng ba xuống khu rừng. bóng quạ / rung những nhánh cây màu tàn lửa / tiếng thét hư không. Chiều rượt qua ngàn…”

Tháng 3 năm 1974, báo hiệu thời điểm cao nguyên di tản và là một nỗi kinh hoàng còn ám ảnh mãi đến bây giờ. Nguyễn Mạnh Trinh viết tiếp:

Xem thêm:   Cái chuông gió

“Nhà thơ hình như đã mang cả tâm tình của một người yêu Peiku vào thơ qua những hình ảnh thật là đặc biệt.

Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Ðồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu:

“tháng ba, chân trời chớp tía / những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến / rào qua mái nhà, bàng hoàng. mưa ngưng bặt / đêm. những căn nhà gỗ sáng đèn / Tháng ba. trên đồi vông nở / tôi trở về thị trấn tháng ba / những sợi dây trời cắt đau trí nhớ / Cườm tay em. rỏ máu. hè xưa…”

Thơ như của lời chia biệt, như người đánh mất tất cả. Pleiku cũng như cả nước phải khoác khăn tang. Nhà Thơ Nguyễn Xuân Thiệp như đã viết lời trăn trối của một thành phố miền cao đầy lãng mạn dễ thương. Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mát. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

“… vò nát chiếc khăn và đừng khóc / chiều nay. chớp bể mưa nguồn / chia tay nhau. sương phụ / người đi. râu bám bụi đường / tháng ba. em. những căn nhà gỗ / ánh đèn khuya. vệt máu xưa / đừng tiếc. chiếc khăn tay ngày ấy / sẽ bay trong lửa hoàng hôn / tháng ba. cơn giông rền mặt đất.”

Ðọc xong bài thơ, tôi như người hụt hơi. Ðời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không. Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quỳ vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức…”

Như ta vừa thấy. Bài viết đẫm chất thơ. Ðiều này dễ hiểu, Nguyễn Mạnh Trinh vốn là nhà thơ. Nhà báo Mặc Lâm cũng ghi nhận: Trong bốn thập niên, Nguyễn Mạnh Trinh ban đầu xuất hiện trong giới văn chương là một nhà thơ, dần dần ông chuyển sang biên khảo và trở thành một trong những nhà bình luận văn thơ viết khỏe nhất tại hải ngoại…

Như vậy, Nguyễn Mạnh Trinh khởi đầu là người làm thơ. Từ yêu mến thơ văn, Trinh bước vào con đường viết về văn học. Nguyễn rất yêu thích những bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh. Và nghĩ rằng sau này sẽ còn nhiều người tìm đọc.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Trở lại tình bạn của Nguyễn và Nguyễn Mạnh Trinh. Tình bạn đó được đánh dấu bằng những lần gặp gỡ trò chuyện ở đâu đó trong những tháng ngày qua. Và nó được ghi bằng mấy bài Nguyễn Mạnh Trinh viết về thơ và tùy bút của mình. Nó vẫn còn trong video clip ghi cuộc nói chuyện giữa mình với Nguyễn Mạnh Trinh và cô Nhã Lan trên Radio Little Sài Gòn năm nào. Bây giờ nhớ lại không khỏi lấy làm tiếc là mối giao tình sao không có thêm những lần hội ngộ. Còn nhớ cách đây vài năm khi qua chơi Cali mình có gọi cho Nguyễn Mạnh Trinh hẹn gặp ở cà phê Factory nhưng rồi không thực hiện được.

Một buổi chiều chớm Thu, ngồi tưởng nhớ bạn lòng vẫn thấy xót xa. Cái tin Nguyễn Mạnh Trinh qua đời khiến mình bị shocked. Cũng như Kiều Chinh, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Bá Trạc, Ðỗ Kh… Không ngờ bạn sớm bỏ cõi thơ văn đi về nơi mây trắng. Thôi hãy yên nghỉ nghe Trinh.

TN – Tháng 9. 2021