Ơ, tại sao hôm nay mình lại viết về những chiếc xe buýt ấy nhỉ? Nguyễn đã tự hỏi như thế khi gõ những chữ đầu tiên cho bài viết. Có phải gần đây mình đã đọc nhiều bài viết về Sài Gòn trên những trang net. Sài Gòn: Chuyện đời của phố. Sài Gòn xưa. Sài Gòn trong tôi… Nhiều lắm. Và chính mình cũng hơn một lần viết về quán cơm Anh Vũ, phòng trà Sài Gòn, tiếng hát Thanh Thúy. Vậy thì Những chiếc buýt của Sài Gòn xưa cũng là thêm một nét vào bức bích họa hoành tráng của Sài Gòn. Chỉ là chuyện vui đầu năm thôi ấy mà. Tới luôn đi bác tài.

Nói về những chiếc buýt Sài Gòn, một người ký tên là NHA đã viết: “Những chuyến xe buýt ngày ấy mãi là ký ức đẹp. Những chuyến xe ấy đã đi về đâu -không rõ, chỉ biết -nó chở theo một thời sinh viên nhiều kỷ niệm.” Mình cũng có nhiều kỷ niệm về những chiếc buýt Sài Gòn thân thương. Này nhé…

Những năm còn là sinh viên trường Luật ở Sài Gòn, lòng chưa yêu ai, chỉ mơ màng theo một cô gặp trên chuyến xe buýt từ nhà thờ Tân Ðịnh về tới ngã tư Phú Nhuận. Hồi đó Nguyễn tôi nghèo lắm, ở nhờ nhà chú thím trong xóm Nguyễn Ngọc Sương, đâu có xe cộ gì, đi học bằng xe buýt. Do đó mà gặp được người đẹp. Nàng lớn hơn tui cỡ một hai tuổi. Ðẹp ơi là đẹp. Tóc dài, mắt nâu lóng lánh, miệng như hoa hồng. Còn Nguyễn tui, trời ơi, chỉ là một thư sinh gầy gò, mặt mày xanh lướt. Mỗi chiều, khoảng 5 giờ ở trường ra đón xe buýt về Phú Nhuận là gặp nàng trên xe. Hôm nào không gặp được là ngẩn ngơ buồn. Rồi đi lang thang qua những con phố không đèn để tìm một vầng trăng (?). Hạnh phúc đó rồi buồn khổ đó. Những hôm xe buýt chật, hai người được đứng sát nhau. Ôi, phê ơi là phê. Mùi tóc, mùi hương phấn da người đủ ngây ngất cho đêm về làm thơ. Ui, những chuyến xe buýt của thời xa xưa ấy sao mà êm đềm thơ mộng thế. Qua nhiều lần gặp nhau trên xe, nàng bắt đầu chú ý tới mình, mắt chớp chớp mỗi khi nhìn nhau. Thiệt đó, đúng như nàng Lâm Phi Anh (Lê Uyên) và ông Lộc trong bài hát: Vì trót yêu anh áo vai gầy không nỡ để quên mùa xuân, mùa xuân ái ân!…Và rồi cũng biết tên nàng là Hiền, làm ở bưu điện Sài Gòn. Có hôm len lén xuống xe theo Hiền vào trong ngõ xóm. Nàng đi tui theo sau/ tui không dám đi mau (thơ Nguyễn Nhược Pháp?) Thiệt là thơ mộng, phải đi qua cây cầu bắc ngang ao rau muống mới tới nhà nàng. Nhà thường thôi nhưng bởi có Hiền trong đó nên mình xem là thiên đường để đêm đêm học bài chưa xong cũng đi ngang qua tìm vầng trăng. Kết quả của những cơn mơ mộng và biếng nhác tụng cours là mình rớt ở năm thứ hai Luật, phải theo bạn về Mỹ Tho dạy học kiếm cơm. Một cuối tuần từ Mỹ Tho theo xe đò Minh Trung về vội vã tới nhà Hiền thì thấy nhà giăng đèn kết hoa đề hai chữ Vu Quy và Hiền thì mặc áo cô dâu đầu đội vương miện rực rỡ như Dương Quý Phi (nhưng không béo mập bằng). Thôi, thế là thôi, đêm đêm mình lại đi lang thang qua phố mùa đông và hát một mình: Thuở đó có em anh chưa từng buồn / chưa đi lang thang ngoài đường phố đêm khuya… (Thuở Ðó Có Em. Huỳnh Anh). Chuyện tình mùa đông thật lãng xẹt vậy mà khi bị động viên vào quân trường mình viết thành truyện ngắn, dặm thêm mắm muối và phịa thêm là sau khi thất tình Nguyễn đã tình nguyện vào lính để tìm quên trong khói lửa. Truyện được đăng trên Nguyệt San Thủ Ðức chớ bộ! Một bạn còn rất trẻ dáng bặm trợn cùng khóa tên Ðức đọc xong khen nức nở sao giống chuyện tình và chuyện đời em thế!

Xe buýt vàng xưa – nguồn Flickr.com

 

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ui chao. Những chuyến buýt của thời trẻ, làm sao mà quên được! Ngoài ra còn những chuyến xe đêm với Ðinh Cường. Ơi, Ðinh Cường ơi, toa ở nơi mô để nghe moa kể lại. Dạo ấy mới chân ướt chân ráo từ Huế vào Sài Gòn đâu có quen biết ai ngoài Ðinh Cường. Ấy là bạn văn bạn thơ hồi viết trên Ðời Mới khoảng trước sau 1954. Vào Sài Gòn là mình đi tìm Cường. Và hai đứa đánh đu nhau miết. Hồi ấy, Ðinh Cường làm thơ, chưa vẽ nhiều, chưa vào trường Họa. Biết bao nhiêu chuyện để kể lại. Ở đây chỉ gói gọn trong chuyến xe buýt đêm cùng rong ruổi với Cường ngày nào. Thời tóc còn xanh ấy hai đứa thuộc nằm lòng mấy câu thơ của Xuân Diệu “Tôi nhớ Rimbaud và Verlaine / Hai chàng thi sĩ choáng hơi men / Say thơ xa lạ mê tình bạn / Khinh rẻ khuôn mòn bỏ lối quen…” Chỉ là yêu thơ và rong chơi với nhau thôi đấy nhé chứ không gay ghiếc gì ráo trọi. Mặc dầu Cường có nói với tui: Nếu là con gái, tui yêu anh ngay. Vào thời gian rảnh rỗi sau kỳ thi ở trường Luật mình tới Ðinh Cường chơi. Cường đề nghị đêm nay hai đứa lên xe buýt đi vòng vòng quanh Sài Gòn-Chợ Lớn chơi. Nghe cũng hợp với tính ưa giang hồ vặt, mình bèn đồng ý. Thế là sau khi ăn tối xong và làm thêm chầu cà phê cho tỉnh táo, Ðinh Cường và mình bước lên một chiếc buýt ở bùng binh Sài Gòn chờ xe lăn bánh. Buổi tối mà xe cũng đông khách gồm những người lao động đi làm đêm hay đang trên đường trở về nhà sau khi tan ca. Thế rồi xe nổ máy chạy vào khu Chợ Lớn sáng trưng đèn. Hai đứa nhìn thiên hạ lên xuống xe cũng vui mắt. Tới trạm đổi xe, trong lúc ngồi chờ thì nói chuyện tình ái và thơ văn. Ðủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Sau nhiều vòng, qua những khúc đường bắt đầu vắng người, nhìn thiên hạ vạ vật ngáp lên ngáp xuống, cả hai không còn thấy hứng thú như lúc đầu. Ðêm vào khuya, bèn bàn nhau tìm chỗ ngủ chờ sáng. Tới trạm chỗ gần ga xe lửa Sài Gòn, hai đứa xuống xe đi tìm khách sạn. Lúc này phố hầu như không còn ai, mọi cửa hàng đều đã đóng cửa. May thay, cũng trên con đường Lê Lai, có một cái hotel còn sáng đèn. Hai đứa bèn bước vào, người quản lý đang ngủ gà ngủ gật, tỉnh dậy tiếp. Khách sạn thuộc loại rẻ tiền, phòng rất nhỏ nhưng có còn hơn không.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Hai đứa bước vào phòng. Nhìn đồng hồ đã hơn 2 giờ rưỡi sáng. Buồn ngủ lắm rồi, hai đứa bước lên giường chờ qua đêm. Chợp mắt được chừng hơn nửa tiếng thì bật dậy, gãi cùng mình. Rệp. Trời ơi, rệp. Rệp bò như rắc đậu. Hãi quá. Thôi, trả phòng đi tiếp thôi. Lại ra đường, lang thang đón xe buýt đi cho tới mờ sáng thì ai về nhà nấy. Thật chẳng thơ mộng chút nào nhưng cả hai nhớ mãi cuộc lãng du xe buýt của kiếp bohemien. Nó vẫn có vẻ đẹp riêng của kiếp người.

Những chiếc xe buýt vàng ngày ấy… Xin được kết thúc bài bằng một đoạn viết của NHA nhắc ở trên:  “Những chuyến buýt ngày xưa… Xe đầy anh đứng nhường em / Thoảng bay hương tóc nghe thèm ước mơ. Sinh-viên Sài-Gòn trong thập-niên 1960-1970 đã sống qua một thời vô cùng sôi-động nhưng cũng không kém phần lãng-mạn. Có thật nhiều kỷ-niệm sâu-sắc để chúng tôi, nhóm bạn cùng thời ấy nay liên-lạc nhau bằng điện thư, phải nói “Một thời để yêu và một thời để nhớ” mỗi khi nhắc nhở Sài-Gòn.”

Xe buýt vàng hội ngộ xe buýt xanh tại bùng binh chợ Bến Thànhxưa – nguồn Flickr.com

TN