Còn lối bâng khuâng. ngõ trúc đào…

Câu thơ của Ðinh Hùng gợi Nguyễn nhớ tới những bông trúc đào trong vườn ngoại ở Nguyệt Biều ngày nào. Ôi, lối cũ… Nhớ mùa Hè xưa cùng người chị họ trên hai chiếc xe đạp rong ruổi – chuyến về thăm đã được ghi lại trong bài Thảo Nguyên viết ở trại tù Thanh Chương ngày nọ. Cho tới bây giờ như còn thấy hàng trúc đào rực rỡ trên ngõ vào nhà.

Và cách đây mấy năm, cũng vào mùa Hè đi chơi vùng biển Destin, Nguyễn gặp lại những bông trúc đào màu đỏ. Ðọc tới đây, có vị sẽ hỏi, ôi bông trúc đào thì có gì đâu mà cũng đem ra kể lể dài dòng. Cái ông Nguyễn này quá là lẩn thẩn. Vâng có gì đâu. Cái bánh madeleine của Proust hay những bông hoa vàng bên cửa sổ của Nguyễn Du cũng có gì đâu mà làm cho văn học và các thức giả phải mất nhiều trang nói tới. Vậy, Nguyễn đã gặp lại những bông trúc đào màu đỏ trên bãi biển Destin. A, chúng đã làm Nguyễn nhớ tới quê ngoại và cả những con đường ở Orange County đã lâu không có dịp đi lại. Những con đường ở Orange County… với những buổi sáng mai trong quán sách và băng nhạc. Những đêm cà phê màu hồng. Và màu môi đỏ rực của Lou trong thơ Apollinaire một đêm ở Vieux Carré. Ôi, Lou đã chết từ những ngày nào.

Và ở Destin, Nguyễn cũng đã gặp những chiều mưa trên biển với màu đỏ của những bông trúc đào. Có gì đâu, vâng, có gì đâu mà cũng khiến lòng gã làm thơ này bồi hồi. Nghĩ tới những hải cảng mưa buồn trong thơ Trần Dần. Nhớ khúc nhạc Trung Hoa và màu đỏ của mưa trên bãi Thượng Hải. Và nhớ Nha Trang những ngày cuối tháng Ba năm 1975. Cũng những chiều mưa rơi trên biển và những bông sứ máu và bông trúc đào trong vườn ai rụng tả tơi. Phải không, em đã khóc khi giã từ… Và mưa rơi trên biển. Biển xa. sâu. như mây tần / thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn…

Và mưa trong vườn nhà Phạm Chi Lan, nơi có một khóm trúc đào đỏ rực cạnh bức tường vôi xám. Lúc còn sống, Lan và Nguyên Nhi cùng bạn bè thường ngồi uống trà và cà phê cạnh khóm trúc đào này. Không biết bây giờ trúc đào trong vườn còn nở hoa đỏ không? Và những người bạn ngày xưa trong Nhóm Quạ đó có còn nhớ Lan của cái thời làm Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng và họp mặt từ Dallas tới Galveston qua Foley, Alabama. Ðôi khi bâng khuâng tự hỏi màu đỏ của trúc đào trong khu vườn ở Hốc Rừng (Forrest Cove) có ẩn chứa một định mệnh bão tố nào không mà người tốt, người giỏi và giàu tâm hồn lại không ở lâu cùng bạn bè và cõi đời này.

ảnh nguồn: vnphoto.net

Còn lối bâng khuâng. ngõ trúc đào…

Xem thêm:   Cái chuông gió

Mới đây, Nguyễn được đọc những lời tự tình cảm động của một anh bạn ở Úc Châu. Anh Ng. Sơn ký là NNS. Nguyễn và anh không hề quen nhau nhưng anh vẫn thường gởi cho Nguyễn trang Thơ Nhạc Ðiện Tử do anh thực hiện. Nội dung câu chuyện có liên quan tới những bông trúc đào. Anh NNS viết:

“NNS thật có duyên nợ với cây trúc đào. Ngày từ Âu châu qua Úc, trồng ngay một hàng trúc đào bên nhà, và một hàng mai tứ quý phía bên kia để đỡ nhớ quê hương. Buổi bình minh năm đầu đang trổ bông có đôi chim họa mi (nightingale) bay về hót thánh thót, nghe thật gợi nhớ những tháng ngày sống ở Âu châu vô cùng.

Ngày mới đến định cư (ở Âu châu) vào mùa Thu, từ trên chiếc SAS nhìn xuống, thành phố  Copenhagen trải một màu đỏ thẫm xa xa, đẹp như trong thần thoại. Bước xuống máy bay để đổi chuyến đi Stockhom, hãng hàng không Bắc Âu biếu cho mỗi người một chiếc mền vì lần đầu tiên chưa từng nếm cơn gió lạnh 8 độ C. Sau này mãi thành quen. Có những mùa Ðông hàn thử biểu chỉ xuống 15 độ âm, tuyết rơi trên mái nhà đã đóng thành băng, sáng thức dậy còn thấy dấu chân thú sau nhà, nhưng NNS ngày nào cũng thấy trời đẹp làm sao. Ðúng là tuổi trẻ, những ngày tháng rong chơi, không ngơi nghỉ… Chuyến giang hồ sau cùng, NNS có mang theo về một chậu trúc đào chiết cành dưới Nam Âu châu, biếu Mẹ, về làm cảnh trong nhà. Mỗi sáng trước khi đi làm, Mẹ tưới chút nước và luôn bảo: “Loại này mọc xứ nóng, nhưng chịu lạnh tương đối tốt. Mẹ phải giữ cho đâm chồi, kết hoa, đỡ nhớ Quê hương”… Thời tuổi trẻ của NNS tươi đẹp, đầm ấm  và hồn nhiên biết bao.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Rồi cuộc sống 2 mẹ con ở xứ lạ quê người đã hội nhập bình thường.  Mẹ đi làm trên thư viện ngày 2 buổi, NNS cũng đã xong bậc trung học và sau 5 năm học Kỹ sư Hóa Công Nghệ, sẵn dòng máu giang hồ, NNS xin Mẹ xuống Ðức học tiếp Master in Engineering.. Tưởng cuộc đời rồi mãi bình lặng vui vẻ trôi qua, không ngờ Mẹ bị chứng nan y và vì ỷ lại nền Y khoa tân tiến của Châu Âu, khi khám phá ra đã quá trễ, NNS đành vĩnh viễn tiễn mẹ ra đi. NNS buồn, bán nhà theo di huấn của Bà, mang theo hũ tro, tìm xuống đất nước phương Nam định cư. Chuyến bay của Singapore Airline bay qua trung bộ nước Úc. NNS lúc đầu từ giã Âu châu cũng không biết về đâu, miễn là đừng nhìn lại cảnh cũ đau lòng. Khi xuống Úc (trạm đầu) vào tháng 7, đang vào Hạ, NNS thấy cây chuối, cây xoài, cây bưởi…Ôi niềm nhớ Quê hương dạt dào sống dậy, NNS đã chọn xứ này mà dung thân. Thế mà đã gần 15 năm qua. Nhớ Mẹ, NNS lại trồng hàng trúc đào bên nhà, nay trổ hoa rực rỡ mỗi mùa, nhưng Mẹ đã không còn.”

Ôi, trúc đào. Một ngày nào đó Nguyễn sẽ ghé thăm lại ngôi nhà Phạm Chi Lan và cùng Nguyên Nhi ngồi uống chung trà, trò chuyện với những bông trúc đào màu đỏ. Ðể nhớ những ngày xưa thân ái và mưa rơi trên những khóm trúc đào ven biển Destin.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

TN

Dallas, TX.