Sống ở Mỹ ai cũng biết ngày July 4th.

Ðó là ngày Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ, một thời điểm để nhân dân Mỹ tưởng nhớ đến giờ phút ký kết bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập năm 1776, một văn kiện ra đời đã chính thức cắt đứt mọi liên hệ chính trị với nước Anh, mà vào thời đó là mẫu quốc của phần đất này. Vượt lên trên tầm quan trọng về lịch sử, sức mạnh của những ngôn từ trong bản văn vẫn còn tiếp tục vang vọng.

Ðúng vậy. Các bạn cũng như Nguyễn này, qua những năm tháng sống và làm việc, hít thở bầu không khí nơi đây, tự bản thân chúng ta từng chứng nghiệm sự thực, rằng tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, rằng thượng đế đã ban cho họ những quyền bất khả nhượng, trong số những quyền này là quyền sống, quyền tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc.

Ðược biết những lời trên do nhà tranh đấu 33 tuổi tên là Thomas Jefferson thảo ra và được Quốc Hội Lục Ðịa ban hành ngày 4 tháng 7 năm 1776, và đây chỉ một vài câu có ý nghĩa tiêu biểu trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Hoa Kỳ. Giáo sư sử học Herbert Sloan thuộc đại học Barnard nhắc nhở chúng ta rằng văn kiện này không phải là lời tuyên chiến, mà nó cũng không phải là một khởi đầu cho nền độc lập của Hoa Kỳ khi chính thức ly khai khỏi quyền cai trị của triều đình Anh Quốc. Người Mỹ đã hành xử quyền độc lập từ trước khi có bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Không phải là tổ tiên chúng ta đợi đến đúng ngày 4 tháng 7 năm 1776 mới hành xử như là một quốc gia độc lập. Từ cả năm hay hơn một năm trước đó đã có những cuộc giao tranh gay go chống các quan lại của Anh Quốc cai trị phần đất này. Riêng cái ngày 4 tháng 7 năm 1776 là giờ phút một bản tuyên cáo chính thức được ra đời để nói rằng: Không còn thể quay trở lại nữa, nhân dân vùng đất này sẽ không còn chút hy vọng hòa giải. Theo sử gia Eric Foner, dạy tại đại học Columbia, tác giả cuốn “The Story of American Freedom”, thì kể từ đó, nhân dân Hoa Kỳ hết sức nghiêm túc đối với các quyền tự do.

Pháo bông tại Dallas – photo Hungvo 

Nhà báo Giao Chỉ từng viết: Chúng ta phải cảm ơn những người đi trước đã mở đường. Kể cả người xấu lẫn người tốt đã sống và đã qua đi trong công cuộc chinh phục đất nước vĩ đại này. Có điều hết sức trùng hợp là dù bất cứ sắc dân nào, dù cố quốc lầm than hay tươi sáng. Dù quê hương cũ còn độc tài cộng sản hay đã tự do dân chủ, di dân đến đây là ở lại đây. Những nhà văn Nga và Ðông Âu lưu vong chống Cộng đã từng sống chết với quê hương rồi cũng phải nói rằng “Quê hương bây giờ là nơi chúng ta sống có hạnh phúc”. Ðó là lý do người Anh ngày xưa chiến đấu chống cố hương để trở thành người Mỹ. Người Nhật trong Ðệ nhị Thế chiến, bị cầm tù trong trại tập trung nhưng vẫn tình nguyện cầm súng chiến đấu chống Thiên Hoàng để trở thành người Mỹ. Bởi vì trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ mới thực sự là đất của cơ hội. Quốc gia mà con một người da đen ngoại quốc, xuất thân cán sự cộng đồng đã trở thành tổng thống. Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ hơn 200 năm trước đã ghi điều khoản bất hủ là con người được quyền mưu cầu hạnh phúc.

Xem thêm:   Trầm Tử Thiêng người đồng hành với thời đại mình

Nhớ một lần Nguyễn có thơ:

này anh em. bạn bè

chúng ta đã đi hết biển

qua các đại dương. và châu lục

không về lại mái đình xưa

bá ngọ

thời của quỷ

ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết

để gặp nhau đây. điểm hẹn boston

con tàu may flower. bắc qua thế kỷ. ký ức

                     của tiếng sóng bờ xa

về phố biển. trời plymouth

 

vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ

hái bông vô ưu. ngày nắng phai

chào boston. thế giới dường như rất nhỏ

xướng ca. ồn. quên lệ rơi

nguồn mainlinetoday.com

Các bạn thân mến đang đọc Nguyễn tôi hôm nay, chúng ta cũng là người đã vượt qua cái chết đi tìm tự do và hiện đang có mặt trên đất này. Tất nhiên ít nhiều chúng ta cũng chia sẻ với người dân bản địa về niềm vui lớn lao của Ngày Ðộc Lập Hoa Kỳ. Riêng Nguyễn tôi khi ngày 4 tháng 7 đến cũng được một đôi lần dự những bữa liên hoan ngoài trời với món nướng Barbecue cũng như được xem diễn hành và bắn pháo bông trong đêm lễ hội. Nhớ hồi còn ở trong khu chung cư trên đường Preston Rd., Nguyễn cùng hiền nội chạy xe tới khu tụ họp của dân chúng, mang theo gà quay, khoai tây rán và chai bia, nước ngọt. Khi pháo bông rực sáng bầu trời, mọi người cùng nhau vui cười, ăn uống. Tiếp theo, vào dịp 4 tháng 7. 2008, Nguyễn cùng gia đình tổ chức đi nghỉ lễ trên bờ biển Destin. Ðêm ngồi trên balcon uống rượu với món bún chả có sự tham dự của Nhật Hoàng, Ðinh Yên Thảo, Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan…, được nhìn pháo bông bay trên mặt biển thật đẹp mắt. Hình ảnh rực rỡ ấy còn mãi trong tâm trí Nguyễn cho tới bây giờ.

Xem thêm:   Lửa và ánh nến trong kiếp phù sinh

July Fourth năm nay đi đâu đây hở các bạn thân yêu của Nguyễn. Ðể hưởng niềm vui của mọi người dân Mỹ. Và để nhớ lại đêm đốt pháo bông trên sông Sài Gòn của chúng ta ngày xưa vào dịp Giao Thừa Tết Tây. Ðể hỏi lại Hoàng Chu, Ánh Nguyệt xem sao. Hay hỏi ngay Nhật Hoàng chủ báo Trẻ người hay host những cuộc vui chung. Vậy nha các bạn.

TN