Sài Gòn, những năm cuối thập niên 50 và 60 … Thời đó, tóc của Tim còn xanh chứ không bạc trắng như bây giờ, và lòng còn náo nức, mơ mộng viển vông. Thứ Bảy và Chủ Nhật, cũng như bao người trẻ khác, Tim thích dạo phố, thường đi một mình, đôi khi với một người bạn trai, chứ hồi đó đã có bồ đâu mà bảo cùng nhau dung dăng dung dẻ (chứ không như em khi thì đi với bạn trai khi thì với người yêu). Đi dạo phố một mình có những cái thú, như ngồi ở Lạc Sơn uống ly cà phê và thả tâm trí tới những khung trời mơ ước hoặc ngắm nhìn những người đẹp đi qua. Hồi ấy, một trong những cái thú nữa của Tim khi đi bát phố là ghé vào các nhà sách lớn như Xuân Thu hoặc Khai Trí, và các quán sách nhỏ như quán sách của bà Lưu trên đường Lê Lợi, chỗ gần nước mía Viễn Đông. Ghé vào những nơi ấy và ở lại rất lâu, lật qua những cuốn sách mà mình từng yêu quý, có khi mua một hai cuốn về đọc. Một cuộc đi bát phố như thế có thể nói là đầy đủ và hạnh phúc. Và qua nhiều năm, tủ sách của Tim đã chất đầy những tác phẩm giá trị của các văn gia, thi sĩ, triết gia … ở nhiều nơi trên thế giới.

Thế nhưng, sách vở cũng như con người đã phải chịu bao đắng cay, khổ nhục của cuộc đổi dời. Tháng Tư 1975 đổ ập xuống số phận mỗi người. Những cuộc bát phố như trên không còn nữa. Và sách cùng người bị vùi dập hoặc đi lang thang bụi đời. Đây, chúng ta nghe tác giả Nguyễn Văn Lục kể lại nỗi niềm của sách và người ở một thời đại đầy bạo lực, bóng tối và sự ngu dốt ấy: “Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn. Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế. Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó, 6,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi. Kể cũng mừng và cũng buồn cười. Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói xôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. Các cháu ngoan bác Hồ. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở. Sách vở gì cũng sợ nên sách gì cũng phải tẩu tán. Sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mặc dầu chúng là người ngoại quốc, mặc dầu chả dính dáng gì đến chuyện chính trị hay chiến tranh Việt Nam, chúng cũng chịu chung số phận. Tôi cũng có khá nhiều sách vở bằng tiếng Pháp, nhưng tôi biết rằng, trước sau gì tôi sẽ không bao giờ dùng đến chúng nó nên lôi ra bán ve chai mà không thương tiếc. Sách nhỏ bán trước, sách lớn bán sau, cuối cùng là bộ Bách Khoa tự điển bằng tiếng Anh tuần tự rơi vào tay các ông bà bán ve chai. Ở nơi ấy, chẳng mấy khi mà Aristotle gặp được Kant. Cũng chẳng ai ngờ được Bùi Giáng gặp mặt được Heidegger.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Sau 1975, kể như không còn gì. “Phong trần đến cả sơn khê / Tang thương đến cả thơ kia văn này…” Ai cũng sợ. Người người âu lo. Đã có thời gian đêm không dám ngủ nhà, ngày lang thang nơi công viên, góc phố. Còn sách? Có những cuốn sách bị đốt. Có những cuốn bị quẳng vào đống rác. Đa số vào tay những người buôn ve chai để rồi chúng sẽ chạy ra các vỉa hè, trốn chui trốn nhủi. Riêng Tim đã phải đem thả trôi sông mấy cuốn như Chúa Đã Khước Từ, Giờ Thứ 25, Người Lữ Hành Cô Đơn, Quần Đảo Goulac, Quân Vương v.v. Cùng số phận lạc loài nhưng đỡ bi thảm hơn, đó là những bộ sách như Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anh Em Nhà Karamazov, Lịch Sử Văn Minh Thế Giới, Zarathoustra, Đã Nói Như Thế, Tuyển Tập Văn Chương Nhi Đồng (An Anthology of Children Literature), Sử Ký Tư Mã Thiên… chúng được bán cho những gánh ve chai đi ngang nhà

Trong cuộc đổi dời của sách vở, những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất và lấy làm hân hoan thích thú, đó là đám nhà văn miền Bắc theo chân bộ đội vào “giải phóng” thành phố Sài Gòn. Những Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Tế Hanh, Trần Mạnh Hảo … lần đầu tiên được nhìn thấy những vùng chân trời khác với biết bao kỳ hoa, dị thảo. Do nhiều năm sống dưới chế độ ngu dân, bưng bít những ông bà nhà văn này choáng ngợp khi thấy rừng sách vở của Miền Nam. Mà ở những ngày đầu “phỏng dái” ấy, sách bày bán trên vỉa hè lại quá rẻ. Thế là mỗi người dăm ba cuốn, các vị mua về tha hồ trao nhau đọc. Và từ đó trí óc được mở ra, khao khát những điều mới lạ, những cuộc viễn du khai phá. Hình như nhà phê bình trẻ tuổi Thanh Sơn có lần phát biểu: Nếu không có sách vở và hơi thở sáng tạo của miền Nam thì không có Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài … sau này. Ngẫm ra, điều nhận xét đó có phần sự thật của nó.

Một góc chợ sách cũ Đặng Thị Nhu sau năm 1975

Tới đây, người ta thấy rõ: 20 năm xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa của miền Bắc rõ ràng là con số không to tướng. Đám cán bộ văn công của Hà Nội chỉ là những con vẹt. Sách vở của miền Bắc có gì ngoài mấy cuốn Thép Đã Tôi Thế Ấy, Con Đường Đau Khổ, Ruồi Trâu, Tuổi Thơ Mãi Mãi Cùng Ta, Đất Vỡ Hoang … Trong khi đó, sách của Miền Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Sách mà theo báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là thứ cần phải đấu tranh quét sạch, vì đó là những tàn dư Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. “Đó là thứ Văn Hoá nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động …” Thế nhưng, thời gian trôi qua, những lời kết án vu cáo bôi nhọ hết sức bỉ ổi nói trên đã nhanh chóng tan như lớp bọt trên đầu sóng. Cát bay vàng lại ra vàng. Giá trị của sách miền Nam ngày càng được khẳng định. Trong khi nền văn học của Miền Bắc là thứ văn học đồng phục, bị động, nghèo nàn với những sách vở lưa thưa và chưa định hình, thì sách báo miền Nam cũ vẫn có mặt trong đời sống mà chưa có kế thừa và thay thế. Nó thật sự sinh động và làm cho đời sống có thêm ý nghĩa và an ủi.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Sách cũ của Miền Nam quả là cái gì đó quý giá. Do đó, tác giả Nguyễn Văn Lục đã mạnh dạn kết luận: “Sách cũ (Miền Nam) đối với tôi là một ám ảnh mời gọi tìm về. Trong đó đặc biệt có truyện sưu tập tài liệu triết cũ. Cũng từ những sách cũ đó mà trước đây tôi lớn lên, được nuôi dưỡng và phát triển về trí năng mỗi ngày. Nếu cơm gạo miền Nam cho tôi lớn lên thì sách miền Nam nuôi dưỡng tôi thành người thông tuệ. Đi truy lùng lại sách cũ là tìm lại một phần bản thân tôi vậy.”

Quả đúng như thế. Sau ngày đi tù về, Tim với chiếc xe đạp cà tàng và cái túi dết cho đúng kiểu cách của thời đại, đi lang thang qua những nẻo phố ngày xưa, cuối cùng không biết đi đâu bèn ghé vào các quán sách cũ dưới bóng những cây sao trên đường Hồng Thập Tự, chỗ gần công trường Ngã Bảy. Không riêng gì Tim này mà cả Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Trung Dũng… cũng trên những cuộc hành trình tương tự. Bây giờ không còn những cuộc bát phố như ngày xưa nữa, mà là những cuộc đi bụi, rất va-ga-bông, rách rưới. Ở những cuốn sách cũ ấy, Tim gặp lại cả một thời với bầu khí nồng say đặc biệt. Chủ những quán sách cũ ấy phần lớn là những người hiểu biết, có một số nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà giáo chế độ cũ tham gia và họ nắm được cái chìa khóa của nhu cầu và cái gu của người đọc. Họ tìm ra giữa những kẽ hở để thấy được trong hàng tấn sách báo thải loại, cái nào là thứ hàng có giá trị, những cuốn sách nào xứng đáng tồn tại. Một cách nào đó, chính những nhà giáo, nhà văn, những kẻ bán sách lề đường đã góp công “gìn vàng giữ ngọc”, bảo tồn văn hóa Miền Nam.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Với Tim tôi, sách vở đã là một phần của đời mình. Cho nên khi bỏ Sài Gòn ra đi, cái mà Sao Khuê mang theo là màu hoa phượng dưới mái trường xưa và một ít sách của Miền Nam cũ tìm mua lại được ở chợ sách. Còn đó, trước mặt Tim, trên kệ sách, những tác phẩm từng ăn ngủ với mình, làm nên tâm cảm mình và thời đại.

TN