Những năm cuối thập niên 50 đầu 60 ở Sài Gòn để lại trong lòng gã làm thơ bụi bặm này nhiều dấu ấn kỷ niệm. Ôi, nhiều lắm. Xin kể vắn tắt: Những con đường lá me bay. Tiệm sách Khai Trí, Xuân Thu. Ly nước mía Viễn Ðông. Cà phê La Pagode, Thái Chi. Phòng Trà Anh Vũ, Ðức Quỳnh. Cinema Lê Lợi, Vĩnh Lợi. Tiếng hát Thanh Thúy, Cao Thái. Và tiệm cơm Bà Cả Ðọi.

Ôi làm sao quên được. Hôm nay chỉ xin nói tới tiệm cơm Bà Cả Ðọi. Ấy, ấy cũng chỉ vì mới đọc một bài tùy bút rất hay của Nguyễn Bá Trạc trên Người Việt Online. Mình thích bài viết này, một phần vì gợi nhớ tiệm cơm Bà Cả Ðọi, phần nữa là vì tên tác giả bài viết. Xin nói một chút về Nguyễn Bá Trạc. Tim không quen Nguyễn Bá Trạc nhưng chú ý tới ổng vì trong bài viết về thơ của Tim, nhà phê bình Ðặng Tiến có nhắc tới NBTrạc với thơ Ngọn Cỏ Bồng. Từ đó, mình theo dõi những dòng viết của Trạc. Trong bài viết, NBTrạc cho biết trước 1975 ông và bạn bè thường đến ăn cơm Bà Cả Ðọi. Ðôi khi không có tiền trả ông ghi vào sổ nợ. Và cả vay tiền bà chủ đi tiêu xài với bạn.

Tim cũng có đến ăn cơm Bà Cả Ðọi một vài lần. Ði với một ông viết nhạc từ Miền Trung vào và một gã Bắc Kỳ di cư cùng học Luật với Tim và cùng lang thang hè phố. Tiệm quá nổi tiếng trong giới nhà zăng nhà báo nghệ sĩ sinh viên làm sao không đến được. Cho tới bây giờ còn nhớ như in cái cầu thang bằng xi măng ở con hẻm 53 Nguyễn Huệ đưa lên tiệm. Tiệm không bảng hiệu. Bên trong tiệm bày biện không giống bất kỳ một tiệm ăn nào. Vài bộ bàn ghế gỗ tạp. Chính giữa là một cái quầy lớn đầy thức ăn. Ðặc biệt bên góc phải là một bộ phản. Khách vào ăn vài ba người thì ngồi bàn. Còn nếu đông thì ngồi lên bộ ngựa.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Vậy cái tên Bà Cả Ðọi do đâu mà có. Nguyễn Bá Trạc nói là do tên bà chủ là Cả Ðại. Nhưng e không phải. Tên thật của bà chủ là Hoàng Thị Túc, người làng Ðồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà và gia đình vào Nam từ năm 1948, khi đi bà có mang theo bộ phản gõ. Cái tên Bà Cả Ðọi là do giang hồ đặt. Nhạc sĩ và nhà báo Trường Kỳ tự nhận mình là người đầu tiên gọi cái tên đó. Có người bảo là Huy Cường, tài tử chính trong phim Xin Nhận Nơi Này Là Quê Hương, đặt cái tên ấy. Có người lại bảo do nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả tập truyện đặc sắc Vác Ngà Voi, “sáng tác” cái tên để đời này. Chữ “đọi” tiếng lóng Bắc Kỳ có nghĩa là đói. Bà Cả Ðọi không phải là Bà Cả Ðói nhưng chính chữ «đọi» ở đây đã nói lên được tình cảm của những người khách đến quán bà. Mỗi khi hết tiền (đói) thì ghé qua đây ăn bữa cơm vừa rẻ vừa no lại ngon nữa. Có lẽ từ đó, quán cơm Bà Cả Ðọi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trở nên quen thuộc …

Cầu thang vào quán cơm Bà Cả Đọi. nguồn vietnamnet.vn 

Khách đến ăn gồm những ai? Ðông lắm. Ðủ mọi thành phần. Như ta đã đọc thấy khách gồm nhà văn, nhà báo, sinh viên nghèo. Giới ca nhạc trẻ đến, kéo theo các ký giả báo Ðiện Ảnh, Kịch Trường như Ngọc Hoài Phương, Trần Quân… Rồi tiếp đến là giới điện ảnh, kịch nghệ, tài tử điển trai Trần Quang – vai chính phim Vết thù trên lưng ngựa hoang; diễn viên trẻ Tú Trinh, sau là nghệ sĩ lồng tiếng xuất sắc cũng tìm đến thưởng thức tài nghệ nấu nướng của bà Cả. Quán dần đông khách hẳn ra, được nhiều người biết đến và trở thành trung tâm tin tức của giới văn nghệ Sài Gòn.

Bạn bè viết lách của Tim như Hoàng Trúc Ly, Kim Tuấn, Triều Hoa Ðại, Thầy Khóa Tư chắc đều có đến quán này. Riêng Nguyễn Ðạt đã nhiều lần đến và đã viết bài kể lại trên Người Việt: “Quán cơm bà Cả là địa chỉ thân thuộc của chúng tôi từ những năm 1960. Từ lúc đó chúng tôi đã gọi quán cơm bà Cả là “Cơm Bà Cả Ðọi,” ngầm hiểu “đọi” là đói; khi đói (mà túi không nhiều tiền) thì vào ăn ở quán cơm bà Cả “đọi.” Cái tên độc đáo này không biết đích xác do vị thực khách nào ăn cơm ở quán bà Cả đặt tên cho quán như vậy. Ngoài những công chức Bắc di cư, chúng tôi nhận ra nhiều thực khách quán cơm Bà Cả thuộc giới nhà văn nhà báo, và nhóm bạn của tài tử điện ảnh Huy Cường, anh chàng “Chính Bắc Kỳ” đẹp trai kiểu “bụi” và thích đùa. Hồi nghe tin Huy Cường mất vì tai nạn giao thông ở cầu Ba Cẳng, chúng tôi báo tin cho bà Cả biết, bà kêu ồ lên, tỏ lời thương tiếc. Bà Cả hỏi thăm ông cha đẻ ‘Loan Mắt Nhung’ có khỏe không, cũng may lúc đó nhà văn Nguyễn Thụy Long đã sống thoải mái do những tác phẩm của anh được nhật báo Người Việt đăng tải trên báo và in thành sách.”

Bà Cả Đọi khi còn sống và con cháu. Ảnh: Người lao động

Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: Quán Bà Cả Ðọi bán những món gì? Xin thưa: Thức ăn truyền thống của đất Bắc, gồm các món như thịt đông, thịt heo nấu giả cầy, tàu hủ chiên, dồi trường, rau muống xào, trứng non, trứng đúc thịt, canh cua rau đay, cá bống kho tiêu mỡ, ốc nấu chuối… được bà bày trong quầy. Ai muốn ăn gì thì cứ chỉ. Ðặc biệt một món không thể thiếu ở bất kỳ một quán người Bắc nào là dưa chua, cà pháo chấm mắm tôm. Tim tôi rất khoái những món ăn ở đây. Thích nhất là cá bống kho tiêu, canh cua rau đay ăn với cơm nóng. Ðôi khi dùng món giả cầy đậm đà hương vị vùng Kinh Bắc. Thịt đông dưa chua cũng là món ưa thích, sau này lên Ðà Lạt lại được ăn ở quán Mỹ Hương của Bác Minh.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Tiệm cơm Bà Cả Ðọi đã in đậm dấu tích trong lòng biết bao khách lãng du thời ấy. Có người đi xa tận bên trời Tây vẫn không quên hương vị Bắc Kỳ của những món ăn của quán. Tin tức cho biết: Sau 1975, quán cơm Bà Cả Ðọi tiếp tục duy trì tại hẻm 53 Nguyễn Huệ thêm vài năm nữa rồi đóng cửa. Bà Cả lúc bấy giờ tuổi đã cao, sức đã yếu. Con bà tiếp tục bán cơm nhưng chuyển về 2 địa điểm trên đường Tôn Thất Thiệp và Trương Ðịnh. Ở 2 quán này vẫn bán đúng như cung cách xưa và ở mỗi quán đều có tấm biển nhỏ Cơm Bà Cả. Những người khách năm xưa vẫn thường ghé lại, nhằm tìm lại chút dư vị của một thời đã qua.

Vẫn ông nhà thơ Nguyễn Bá Trạc ghi lại trong bài viết đăng trên Người Việt: “Năm 2013, sau 39 năm rời VN tôi về thăm Sài Gòn. Hỏi, mới biết cô con gái bà Cả là cô Hường, nay đã mở tiệm riêng. Là tiệm cơm Ðồng Nhân, địa chỉ số 42 đường Trương Ðịnh gần chợ Bến Thành. Tìm đến, thấy trên bàn cũng đủ những món ăn của bà Cả ngày xưa. Những đĩa lòng heo, dồi trường trắng trẻo. Ðĩa cà pháo, canh cua rau đay… hệt như xưa. Nhận ra tôi, chỉ là một người khách cũ đời xưa, mà cô Hường cũng nhớ tên ngay. “Ông Trạc!”, cô Hường mừng lắm, nhất định không lấy tiền cơm. Nói thế nào cũng không nhận. Lại gọi con trai ra chào. Rồi lấy cái xe honda bảo tôi ngồi lên, cô Hường chở tôi về cái hẻm ở đường Nguyễn Huệ cho tôi thăm bà Cả. Năm ấy đã già yếu lắm rồi.”

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Với Tim và các bạn đồng hội đồng thuyền ngày xưa ấy, ra đi là đi mãi. Ðâu còn tìm thấy ngày về. Cái tên tiệm Bà Cả Ðọi chỉ còn trong ký ức. Ôi, ngày xưa ấy đẹp như một trang tùy bút.

TN – Tổng hợp