Ông Nguyễn ơi, tại sao hôm nay ông lại tản mạn về lệ đá. Dạ xin thưa là gần đây lang thang trên Youtube gặp lại bài Lệ Ðá bèn mở ra nghe. Ô, Tuấn Ngọc và Ngọc Anh hát hay quá. Lại nữa, cũng gần đây được Lê Uyên gởi cho Video Những Tình Khúc Ấn Tượng thời 1970 của Lê Uyên Phương, trong đó Uyên hát bài Ðá Xanh tuyệt vời.  Từ đó, mình nghĩ tới Lệ Ðá và những nỗi đau trong cõi nhân sinh.

Ðất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan…

Câu thơ Quang Dũng đã nói lên một điều: Ðá cũng biết đau, biết khóc trước những đoạn trường của con người. Thành ra lời Bà Huyện Thanh Quan viết khi đứng trước nỗi hoang phế tịch liêu của Thăng Long Thành, theo Nguyễn tôi nghĩ, chưa được mãn ý lắm: “Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt / Nước còn cau mặt với tang thương”. Không, nói như thế là chưa hiểu lòng gỗ đá. Nguyễn tôi, một chiều nào kéo gỗ, vớt sỏi và cát bên bờ sông Giăng ở Nghệ Tĩnh, nghĩ tới hiện kiếp bị vùi dập trong cơn giông lịch sử, có thốt lên những lời sau đây: “dưới trời xưa có phai vàng nát đá / giọt lệ nào rơi trong chiều nay / ta xót ta thân dã tràng xe cát / biển đông sóng dội xô bờ / nỗi oan khiên một thời không bóng vang / mắt gỗ vàng và mắt ta qua thế kỷ / đã thấy vết chàm in những mặt người..”. Và còn biết bao lời thơ chất chứa nỗi niềm của “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ…” Và rồi “Ðôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin… / Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình / Ðau đớn lệ là những viên đá xanh / Tim rũ rượi… ” (thơ TTT) cũng là những trải nghiệm qua cõi đá vàng. Vâng, trước những nỗi tang thương, thiên bi kịch nhiều chương nhiều đoạn bây giờ, đá cũng đau lòng, nhỏ lệ. Lệ đá, hay lệ đá xanh, là thế, nó là một sự thực -hiểu và nhìn theo cách nào đó.

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi rồi / hỏi nắng phiêu du qua bao đỉnh trời / hỏi ái ân xưa đèn vàng héo hắt / ái ân bây giờ là nước mắt / cuối hồn một thoáng nhớ mong manh… Ai, người đài trang dưới bầu trời đêm mưa và sấm, như đêm nào chiến tranh đã xa, đã đọc cho Nguyễn tôi nghe. Những câu hỏi dồn dập không cần lời giải đáp. Và đó là ca từ của bài Lệ Ðá do Hà Huyền Chi viết cho một bài nhạc của Trần Trịnh năm nào. Cũng là lệ đá

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Vâng. Hay như Ðá Xanh, hóa thân của một mối tình tan vỡ trong nhạc Lê Uyên Phương:

rồi

ngày xanh ngày xanh qua nhanh

rồi ngày xanh qua nhanh

ngày hè đã nứt khô trên môi còn lại tiếc thôi

như viên đá lưng mềm vuốt ve tình nhân

nuôi mộng ước lâu bền

nhưng viên đá nay thành đá xanh thủy chung

đã rơi dọc sườn cao lưng đồi

ngày ngày đợi chết trong lùm cây u uất

ngày ngày nằm nhớ ân tình sâu muôn đời

đá không đổi dời

tình,

tình ơi …

dòng lệ nóng đã trôi trong tim

còn lại xót xa

như viên đá lưng tròng mắt quan tài tươi

ôi mộng đã tan rồi như viên đá nay thành đá trên mộ bia…

Như thế đó… Tình yêu của một mùa hè rực rỡ nay đã biến thành cái chết. Như viên đá trong lòng suối thành đá trên mộ bia. Cũng là lệ đá, nhưng đây là lệ của một tình yêu xưa. Nó không phải là điều Nguyễn tôi muốn nói ở thời khắc này. Ðã gần hai giờ sáng rồi. Trăng soi trên thềm đá ẩm. Ngồi cầm bút (à, quên, gõ phiếm còm-pu-tờ) viết những dòng này, trong lúc trí óc nghĩ tới những điều, cũng nằm trong thế giới người, nhưng lại liên quan tới những vật vô tri ở chung quanh -vô tri, nhưng nhờ mắt nhìn của thi sĩ chạm tới mà bỗng nhiên có một linh hồn, biết xót thương và rơi lệ.

Những con mắt gỗ nhìn qua thiên trường kịch của đời người,

những ngọn đèn ủ ê thở than cho thân phận những o nghèo,

và những phiến đá rơi lệ trong buổi chiều tiễn đưa một người

về nơi cõi gió…

Và, kể từ khi đá biết đau… Hừm, đây có phải là thơ mình không, hay một lời mê sảng nào đó? Nhưng, đúng là vậy. Chuyện kể: ít lâu sau khi bức tường Berlin bị phá sập, có một cô bé leo lên những bậc thang của tòa nhà Quốc Hội nước Cộng Hòa Dân Chủ Ðức cũ, lần theo mấy cây cột, lấy tay sờ lên những vết đạn của cuộc Thế Chiến Thứ Hai còn sót lại trên những phiến đá. Ðược hỏi, cô bé trả lời “Em đang hỏi chuyện những phiến đá này!” Và cô bé nói tiếp: “Em hỏi đá là bị nhiều vết đạn như thế này, đá có đau không? Ðá không trả lời. Nhưng đá đã kể cho em nghe những gì đá đã chứng kiến trong chiến tranh, lúc em chưa sinh ra, với bao nhiêu người chết, bao nhiêu đá gạch đã đổ vỡ, và đá đã khóc…”.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Lúc đó, ai cũng nghĩ cô bé giàu óc tưởng tượng. Nhưng về sau, người ta mới thấm thía. Trong một xã hội vô nhân tính, như xã hội Ðức Quốc Xã hay xã hội Cộng Sản, con người đối xử với con người chẳng khác loài lang sói cắn, xé nhau. Khiến gỗ đá cũng phải đau lòng, như lời cô bé đã nói.

Kể từ khi đá biết đau. Chúng ta lại nghĩ đến những tấm bia trên hai hòn đảo Bidong và Galang. Một tấm ghi hàng chữ nói đến thảm cảnh thuyền nhân đã vùi thây nơi “thủy mộ quan” (từ của Viên Linh) trong những chuyến hành trình tả tơi đi tìm chân trời mới. Người ta đọc thấy: “Tưởng niệm hàng trăm ngàn người VN đã bỏ mình trên đường tìm tự do (từ 1975 đến 1996). Cho dù họ chết vì đói vì khát hay bị hãm hiếp, hoặc vì kiệt sức hay vì bất cứ lý do nào khác, chúng ta cầu nguyện linh hồn họ giờ đây được hưởng phúc nơi an bình vĩnh cửu”. Trong khi tấm bia ở đảo Bidong thì bày tỏ lòng biết ơn chính phủ Mã Lai và Hội Trăng Lưỡi Liềm Ðỏ đã cứu vớt, cưu mang những người vượt biển cách đây mấy chục năm. Cả hai tấm bia mới được dựng lên hồi tháng 3 năm 2005 khi các cựu thuyền nhân, nay đã định cư yên ổn ở Hoa Kỳ và Canada, trở về đảo xưa ghi lại dấu tích tưởng nhớ tới những bạn đồng hành xấu số. Như thế đó, hai tấm bia ở Bidong và Galang hoàn toàn mang ý nghĩa tưởng niệm và đầy tinh thần nhân bản. Vậy mà những anh em ta trong đảng đang cai trị đất nước bây giờ đã không để yên. Ðược biết tấm bia tưởng niệm thuyền nhân được đặt tại Pulau Bidong vào tháng 3.2005, đã bị chính quyền sở tại phá bỏ vào ngày 20 tháng 10. 2005, do đại sứ Việt Nam vận động triệt hạ. Ðây là lần thứ hai họ đã dùng tới hạ sách để áp lực các quốc gia sở tại đục bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân. Trước đó, vào cuối tháng 5. 2005, tấm bia ở Pulau Galang, Indonesia, cũng đã bị phá bỏ. Và cũng mới đây thôi, thời gian Tết Nguyên Ðán Quý Mão, nhà cầm quyền Cộng Sản cũng đã cho người đập phá miếu thờ các chiến sĩ Dù đồi Charlie.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Nhẫn tâm đến như thế hỏi làm sao đá không đau lòng, nhỏ lệ. Rõ ràng chỉ có kẻ ác mới nuôi lòng thù hận đối với những người đã chết cách đây năm ba chục năm. Hay bàn tay ai đó muốn xóa vết tích tội lỗi của họ đã gây ra, muốn thế giới quên đi thảm kịch thuyền nhân, muốn thế hệ mai sau quên đi một thời của quỷ. Nhưng họ đã lầm, thảm kịch thuyền nhân Việt Nam đã đi vào lịch sử, mà những gì đã thuộc vào lịch sử thì không thể nào xóa bỏ. Ôi, một hôm nào Nguyễn lên Internet nhìn thấy tấm bia đá thuyền nhân bị đập vỡ ở giữa mà tưởng chừng đá kia cũng như tim người vỡ vậy.

Và, kể từ khi đá biết đau… Vâng. Không cứ gì những tảng đá ong ở Sơn Tây Bất Bạt ngày nào, và cũng không nhất thiết phải là đá trên bức tường Bá Linh hay toà nhà Quốc Hội Cộng Hòa Dân Chủ Ðức, hoặc giả những tượng đài bia đá ở Galang, Bidong. Ở đây, Nguyễn muốn nói tới những phiến đá lát trên hè phố Sài Gòn. Bạn ơi, thanh xuân ngày ấy, Nguyễn và bạn đã chẳng hơn một lần gõ bước trên những phiến đá của đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn sao… Những bước chân vui như tiếng huýt sáo của một thời trước cả khi Nguyên Sa viết Sài Gòn phóng solex rất nhanh. Ðúng như thế đó, Sài Gòn của tôi ngày ấy. Cho tới khi xe tăng và dép râu, nón cối của bộ đội Cộng Sản vào Sài Gòn thì cuộc đời bỗng dưng lật sang một chương đoạn khác. Người với người chia tay, mưa dầm nắng quái, trẻ con xa lớp xa trường, những đôi mắt đêm đêm hướng về cửa biển… Và năm nào khi gót chân hãnh tiến của bọn thanh niên Trung Quốc trong cuộc rước đuốc ma quỷ giẫm xuống vỉa hè đường phố Sài Gòn thì mọi suy nghĩ bỗng trở thành thứ dụ ngôn của cơn mê sảng. Ôi, nhà thơ tiên tri khải thị, nói gì đi chứ khi đá cũng biết đau biết buồn trước cảnh ngang trái của một thời. Lời nguyện thuở nào còn không hay đã bay theo gió lãng quên:

Khi ta đi và mùa xuân đang lại

Máu ta ghi trên đá đợi ta về?…

TN