July 4th lại về. Người Việt chúng ta hiện ở trên nước Mỹ tất nhiên có biết ngày này và có đôi kỷ niệm về quãng thời gian ấy.

Ngày July 4th còn gọi là 4 tháng 7 (the 4th of July), là một ngày lễ liên bang Hoa Kỳ để kỷ niệm Tuyên ngôn Độc lập được ký năm 1776.

Theo dòng lịch sử được biết thuở ấy người dân Mỹ phải sống dưới sự cai trị hà khắc của nước Anh. Cuộc nổi dậy ở Boston ngày 16 tháng 12. 1773 -còn gọi là Tiệc Trà Boston- đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong lòng nhân dân Mỹ. Ngọn lửa ấy tiếp tục truyền lan. Ngày 4 Tháng 7.1776, đại biểu của 13 tiểu bang thuộc địa nhóm họp tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Các đại biểu đã ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố rằng các tiểu bang này là các tiểu bang tự do và độc lập với tất cả các nước trên thế giới. Tiếng chuông Tự Do được đánh vang tại đây. Âm thanh của Quả Chuông Tự Do (Liberty Bell) có thể không vang dội, nhưng “âm thanh Tự Do” đã lan truyền trên toàn thế giới, đánh dấu sự kiện bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ra đời vào ngày 8 Tháng Bảy, 1776.

Quả Chuông Tự Do ngày nay trở thành một trong những biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ, được gìn giữ, và trưng bày tại Independence National Historical Hall ở Philadelphia, Pennsylvania. Quốc gia Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ được chào đời từ đó!

Tuy nhiên, mặc dù bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời năm 1776, nhưng các trận chiến giữa quân Anh và quân lục địa vẫn tiếp tục kéo dài mãi đến năm 1778 với trận chiến cuối cùng tại Yorktown, quân Anh hoàn toàn bại trận, mới chịu đầu hàng trước quân đội lục địa.

Năm 1787, một lần nữa các đại biểu của 13 tiểu bang thuộc địa nhóm họp tại Philadelphia. Lần này bản Hiến Pháp của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ ra đời để gìn giữ kỷ cương cho một đất nước còn quá mới. Con người Hoa Kỳ cần có sự Tự Do, đất nước Hoa Kỳ cần sự Độc Lập. Tất cả những Quyền Tự Do của người dân đó đều được ghi trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, và các tu chính án sau này.

Xem thêm:   Quán Phố Hoài. và những người của một thời

Một đất nước tươi trẻ vươn lên  sau những năm tháng dài đau khổ. Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ ra đời đánh dấu một cột mốc trong lịch sử nhân loại. Với 248 năm đã trôi qua, Hoa Kỳ, một đất nước sinh động, đời sống người dân được chính quyền tôn trọng, khế ước xã hội luôn luôn tự thay đổi, lột xác để thích ứng vươn lên những tiến bộ trong tất cả mọi khía cạnh nhằm bảo đảm đời sống tự do hạnh phúc của con người đúng nghĩa!

Một trăm năm sau, người dân Pháp đã có ý tưởng tặng một món quà tinh thần cho đất nước Hoa Kỳ nhân ngày Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chúng Quốc. Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) biểu tượng cho “Ánh Sáng Tự Do” (Liberty Enlightening the World) tại New York ra đời từ ý tưởng đó. Nhưng khác hẳn những pho tượng nữ thần tự do khác (do các nhà điêu khắc khác đã làm trên toàn thế giới), tượng Nữ Thần Tự Do tại New York được thiết kế hoàn toàn dựa theo tinh thần Hoa Kỳ. Tay tượng không bẻ gãy xiềng xích, và cầm gươm như những pho tượng các nơi khác, mà chân tượng Nữ Thần tại New York được thiết kế đứng đạp đứt những gông cùm xiềng xích dưới chân, biểu tượng cho sự tự do dân chủ, và bãi bỏ chế độ nô lệ. Tay phải của tượng cầm một bó đuốc như một ngọn hải đăng báo hiệu cho các tàu thuyền Châu Âu đã vượt đến được bến bờ Tự Do tại cửa sông Hudson, New York. Tay trái của tượng cầm một cuốn sách, đó chính là ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 ra đời.

nguồn viceroy hotel group

Nhìn tượng Nữ Thần, nhà thơ Emma Lazarus đã làm bài thơ “The New Colossus” bất hủ về Tượng Nữ Thần Tự Do:

Xem thêm:   Đêm nghe quạ kêu

“Give me your tired, your poor

Your huddled masses

Yearning to breathe free,

The wretched refuse of your teeming shore.

Send these, the homeless,

Tempest-tossed to me,

I lift my lamp beside the golden door!”

Tạm dịch:

“Hãy trao cho ta

Những người nghèo khổ kiệt sức

Những ai khốn cùng khao khát hơi thở tự do

Những kẻ khốn cùng trôi dạt từ các bến bờ

không nhà cửa – bị dông bão vùi dập. lênh đênh trôi giạt

Hãy gửi họ đến cho Ta

Ta đưa cao ngọn đuốc Tự Do nơi đây, bên cánh cửa vàng!”

Tượng Nữ Thần Tự Do New York được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1984, biểu tượng cho lý tưởng tự do, nhân quyền, dân chủ, bãi bỏ chế độ nô lệ, bình đẳng và cơ hội cho nhân loại.

Nguyễn và bao nhiêu bạn bè khác cũng từng bị vùi dập khốn khổ trong tù đày đói rách ngay chính trên quê hương mình, đã tìm đến nước Mỹ và được phục sinh.

Nhớ một lần Nguyễn có thơ:

tôi cười. với mọi người. hoen lệ

chào buổi sáng. chào hoàng hôn. chào mái

                             trăng thượng huyền

cuối một chặng đường. ta gặp lại

một niềm vui. một hy vọng

(dẫu thế nào cũng phải sống đời ta

như nước sông. lấp tràn bờ cỏ)

cùng với mọi người. tôi nối vòng tay

và cảm ơn. thế giới đã cho tôi chỗ ở

khi nước mất. nhà tan. bạn bè xiêu tán

thập loại chúng sinh. mờ đồng rừng

hãy diệt. hãy quên. và bắt đầu lại

này anh em. bạn bè

chúng ta đã đi hết biển

qua các đại dương. và châu lục

không về lại mái đình xưa

bá ngọ

thời của quỷ

ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết

để gặp nhau đây. điểm hẹn boston

con tàu may flower. bắc qua thế kỷ. ký ức

                          của tiếng sóng bờ xa

về phố biển. trời plymouth

vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ

hái bông vô ưu. ngày nắng phai

chào boston. thế giới dường như rất nhỏ

xướng ca. ồn. quên lệ rơi

Được biết Người Mỹ ăn mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ ngày 4 tháng 7 với các cuộc diễn hành, nấu ăn ngoài trời, uống bia lạnh, và tất nhiên là phải có pháo bông.

Xem thêm:   Trở lại với các chú ve nhỏ

Hỡi các bạn thân mến đang đọc Nguyễn tôi hôm nay, xin nhắc lại: chúng ta cũng là người đã vượt qua cái chết đi tìm tự do và hiện đang có mặt trên đất này. Tất nhiên ít nhiều chúng ta cũng chia sẻ với người dân bản địa về niềm vui lớn lao của Ngày Độc Lập Hoa Kỳ. Riêng Nguyễn tôi khi ngày 4 tháng 7 đến cũng được một đôi lần dự những bữa liên hoan ngoài trời với món nướng Barbecue cũng như được xem diễn hành và bắn pháo bông trong đêm lễ hội. Nhớ hồi còn ở trong khu chung cư trên đường Preston Rd., Nguyễn cùng hiền nội chạy xe tới khu tụ họp của dân chúng, mang theo gà quay, khoai tây rán và chai bia, nước ngọt. Khi pháo bông rực sáng bầu trời, mọi người cùng nhau vui cười, ăn uống. Tiếp theo, vào dịp 4 tháng 7. 2008, Nguyễn cùng gia đình tổ chức đi nghỉ lễ trên bờ biển Destin. Đêm ngồi trên balcon uống rượu với món bún chả có sự tham dự của Nhật Hoàng, Đinh Yên Thảo, Nguyên Nhi, Phạm Chi Lan…, được nhìn pháo bông bay trên mặt biển thật đẹp mắt. Hình ảnh rực rỡ ấy còn mãi trong tâm trí Nguyễn cho tới bây giờ.

Ước mong những ngọn pháo bông ấy mãi mãi soi sáng cõi đời này.

TN