Mùa hè. Mùa của cánh diều bay lượn trên những cánh đồng hay trên bãi biển. Có thể nói không một cậu bé con nào là không mê thả diều. Cu tôi hồi còn học trường tiểu học Thế Dạ, buổi chiều khi tiếng trống tan trường vừa dứt là vội vã chạy ngay về nhà xách con diều giấy ra thả trên cánh đồng làng Lại Thế. Diều lượn bay như tuổi thơ nơi sằn dã. Qua chòm tre, hàng cau, qua tòa miếu cổ lên tới ngọn cây bàng. Cu tôi mê thả diều quên cả giờ giấc, mẹ phải cho chị Thoa đạp xe ra kêu về ăn cơm.

Phải nói ấu thơ của Cu với con diều giấy là thời gian vui sướng. Chứ không như Trần Vàng Sao trong bài thơ Ðứa Bé Thả Diều Và Vắt Cơm Cúng Mả Mới. Cần nói thêm ở đây là Cu và Sao cùng ở xóm Vỹ Dạ, Cu lớn hơn Sao chừng dăm bảy tuổi. Hồi đó ở xóm Vỹ Dạ có ba người làm thơ: Võ Ngọc Trác, Cu tôi và Trần Vàng Sao. Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Ðính sinh năm 1941, sống từ thuở ấu thời đến bây giờ tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1961 Sao thi đỗ tú tài rồi vào Ðại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha… Từ 1965 đến 1970, Trần Vàng Sao lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, Trần Vàng Sao viết nhật ký ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’. Sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi Sao có cảm giác mình không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó’, theo như Hồi ký ‘Tôi bị bắt’ viết sau này. Trần Vàng Sao qua đời ngày 9 tháng 5. 2018 tại Huế.

Xem thêm:   Cái chuông gió

Bây giờ xin đi vào bài thơ Thả Diều của Trần Vàng Sao. Bài thơ nói về con diều của tuổi thơ bay lượn trên cánh đồng mà sao câu chuyện quá buồn. Buồn và oan khốc như cuộc đời của chính tác giả.

Buồn và oan khốc. Ðúng vậy. Buồn từ lúc tuổi còn thơ. Vì gia đình nghèo, cha chết sớm, mẹ tần tảo đầu sông cuối chợ. Mơ mộng của tuổi thơ chết theo cánh diều trên cánh đồng đầy những mồ mả…

Với Trần Vàng Sao, hình ảnh con diều bay trên cánh đồng, thương thay, không còn là hạnh phúc của tuổi thơ nữa. Bởi bên nó lởn vởn sự nghèo đói và những nấm mộ trên cồn đất cao. Cậu bé thả diều trong bài thơ nằm trên cỏ mà nhớ tới những miếng sắn khô luộc chấm với muối sống. Cậu đang đói. Muốn chợp mắt ngủ cho quên cơn giày vò của cái dạ dày nhưng không được. Cậu vẫn mở mắt nhìn con diều bay trên bầu trời. Nằm một lát thấy chán cậu đứng dậy đi lên cồn cao ngồi nhìn người ta đi cúng viếng mộ. Có cả trẻ con nữa. Chúng cũng nhìn theo cánh diều của Trần Vàng Sao. Bao nhiêu hình ảnh chập chờn trên cánh đồng tha ma. Và, vắt cơm cúng mả mới… Xin mời đọc lại trích đọan bài thơ để cảm thương cho một tâm hồn.

Bảo Huân

“không có ai đi ngang qua đây để thấy con diều

của tôi

buổi trưa đứng bóng trên trời rất nhiều gió

tôi nằm ngửa nhai mấy cọng cỏ gà

nước cỏ non mát trong cổ

tôi đói bụng và muốn nhắm thật lâu hai con mắt lại rồi ngủ quên

gió rớt lào rào trong lá tre trên đầu

tôi không thấy mặt trời đâu hết

chỉ có mấy con châu chấu nhảy trong tóc

và mùi trú ngún trong bếp ở xa

tôi nhớ những miếng sắn khô luộc chấm với muối sống

bây giờ thì không còn gì nữa

tôi nằm nghiêng co người lại nhìn con diều

buồn quá nằm lâu không được

tôi đi lên cồn mả ngồi cho cao

nhiều người đứng đông đang cúng lạy

những đứa con nít bằng tuổi tôi bịt khăn đỏ khăn vàng

đi giày dép

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

đưa tay che mắt nhìn con diều giấy của tôi trên trời”…

 

tôi đợi lâu cho mọi người đi hết

cho mấy cái khăn vàng khăn đỏ hết ngoái lại nhìn tôi

con ai dại trời nắng không có mũ nón trên đầu

mấy cây hương còn cháy cắm lên vắt cơm để trên miếng lá chuối hơ vừa héo

 

“tôi ngồi xuống đất

những hột cơm trắng và khô

tôi ăn cả tàn hương phẩm đỏ vào bụng

liệu ai ở nhà tôi chết có được một vắt cơm to

trắng thế này để trên mả không

 

tôi phủi hai bàn tay vào nhau

đến chiều gió rất to

hai cái đuôi con diều muốn đứt

nhưng tôi không còn dây nữa”

Bài thơ cho ta thấy tuổi thơ u khốc của Trần Vàng Sao. Rời khỏi cái không gian của tuổi thơ nghèo đói cô đơn, Trần Vàng Sao đi vào thời trung niên bão tố và bầu khí quyển ngột ngạt một thời sau khi đất nước chuyển mình đỏ rực. Ôi, thương cho Trần Vàng Sao và thương cho đất nước.

TN