Trong bài viết trên trang Tài Liệu Văn Học, Nguyễn tôi có nói mình biết Lý Ðông A và mê Chính Khí Việt từ thuở tóc còn xanh. Và tình cảm đó không phai nhạt, nhất là khi được nghe Thanh Hùng hồi còn sống và Tôn Nữ Lệ Ba trong một CD ngâm những vần thơ như nước reo lửa cháy của Lý Ðông A. Tiếp theo lại được nghe Nguyễn Xuân Phước khẳng định vai trò và tác động của tư tưởng Lý Ðông A trong lịch sử hiện đại và Nguyễn Thị Khánh Minh dẫn lại những vần thơ chính khí “Từng phím chữ như lời nghẹn, … nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc / sông Bạch Ðằng sóng vỗ thuyền cắc cắc / non Chi Lăng gió cuốn rừng cung đao / đồng Ðống Ða xương người phơi man mác /… Chính khí Việt suốt đất trời bàng bạc / Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc / gió thê thê quất dậy hồn phục hưng / gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc /… Vượt đau nhục lên sống còn hùng tráng…” (Chính Khí Việt, tập thơ Ðạo Trường Ngâm)

Và Nguyễn cũng đã viết những lời sau:

Thời gian lớp lớp trôi qua. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Hình bóng của nhân vật Lý Ðông A vẫn sáng rỡ, và được nhiều người ngưỡng mộ. Ngày nay trước sự lấn chiếm của giặc thù phương Bắc và âm mưu dùng binh lực thôn tính Việt Nam, chúng ta buộc phải đứng lên chống lại. Trong cao trào lịch sử ấy, màu áo trắng khói sương của Lý Ðông A và những vần thơ chính khí của ông sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta tiến bước.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Giờ đây khi trời chớm đông ngọn bắc phong thổi lay động rừng cây xin các bạn cùng Nguyễn này nhìn về đất nước. Thấy gì, nào ta đã thấy gì, thưa các bạn.

Có phải ta đã thấy trên bản đồ của cha ông để lại không còn ải Nam Quan nữa, thác Bản Giốc chỉ còn một nửa, nhiều chục cây số đường biên giới bị Trung Cộng lấn chiếm. Câu thơ của Trường  Anh ngày nào bỗng hiển hiện: Cổng biên thùy lòng tham luôn dời cọc / Mồ những ai nằm trăng lạnh gió lay… Nhìn ra biển Ðông, Hoàng Sa và Trường Sa không còn là của ta. Ðường lưỡi bò của giặc đã vây kín. Ngư dân ta bị cướp giết gần như từng ngày. Trong khi đó Cộng Sản Hà Nội đã bán các đặc khu Vân Ðồn, Vân Phong, Phú  Quốc cho bọn Tàu khựa. Bọn chúng dưới dạng thường dân đã có mặt khắp các vùng đất màu mỡ và thành phố của ta.

Thử hỏi còn gì đâu. Chuyện đất nước nằm dưới ách thống trị của Hán tộc chỉ còn là chuyện sớm tối. Vừa qua báo chí trên mạng và cả những nhật báo, tuần báo và đặc san của ta trên các vùng đất có người Việt ở hải ngoại đã không ngớt ca ngợi sinh viên Hồng Kông trong cuộc dấy động chống cường quyền Bắc Kinh. Những thanh niên thiếu nữ giã biệt gia đình lao vào khói lửa đã chấp nhận hy sinh cho giấc mộng lớn của Cảng Thơm: độc lập, dân chủ, tự do. Một nhà báo của ta viết: Họ chỉ là những thanh niên mới lớn, cùng bằng lứa tuổi của những thanh niên đang hò hét khản cổ, những đứa con gái cởi truồng chạy xe máy ào ào ở đường phố Thủ đô Việt Nam khi thắng được một trận bóng hay đón một ngôi sao Hàn Quốc. Nhưng chúng lặn mất tăm khi những cuộc biểu tình chống độc tài, chống xâm lăng bùng nổ.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Như vậy đó. Làm sao để đánh thức lòng yêu nước và ý chí tự do của đa số thanh niên Việt ngày nay. Xin nhìn vào tấm gương sinh viên Hồng Kông, cảm nhận tình yêu đất nước và ý chí tự do của họ, đọc những bài thơ câu văn hừng hực lửa nóng và lệ mặn của các nhà văn nhà thơ của ta bây giờ. Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Viện, Phạm Hiền Mây…, và còn nhiều nữa. Trên tất cả xin đọc lại và lắng sâu vào, hít thở cái hồn của thơ chính khí Lý Ðông A. Hãy gọi tên những Mê Linh, Bạch Ðằng, Chi Lăng, Ðống Ða. Ôi,

Ðông thê thê như gió thổi u hồn,

Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.

Và còn nữa

Tiếng vang vang như thần kêu quỷ hét.

Trời ngập ngập như quân khiêu tướng thét,

Gọi quá khứ vị lai những u hồn

Muôn nghìn đời linh thiêng không sống chết.

Và mãi mãi hồn dân tộc vẫn sáng rỡ trong tim chúng ta, nha thưa các bạn.

TN