Cung Tiến vừa ra đi. Một ngôi sao vừa lặn tắt. Rất nhiều người nghĩ tới anh, với lòng thương tiếc. Với Nguyễn, Cung Tiến cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt mặc dù mối giao tình ít ỏi. Hôm nay, viết về anh là để nói lên một vài xúc cảm đến từ anh và những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của anh. Nhưng tại sao lại có phiến đá, vầng trăng và thơ trong tựa đề khi viết về Cung Tiến.

Trước hết, phiến đá và vầng trăng là từ câu thơ Cung Tiến dịch thơ Federico Garcia Lorca:

Phiến Ðá là một vầng trăng nơi những giấc mơ hiền than thở. Còn thơ và nhạc là hai yếu tố gắn kết với nhau trong sáng tác của Cung Tiến. Ðây ta nghe Nguyễn Mạnh Trinh giải thích: “Một người đã  học âm nhạc từ nhỏ, đã  làm thơ, đã dịch thơ và yêu thơ, đã có những lời nhạc đầy chất thơ lại có lúc liên tục phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng và đã tạo thành những sáng tác độc đáo đầy chất sáng tạo. Ông lấy cảm hứng từ các thi sĩ khác dù những ca từ của những bản nhạc đầu tay đẫm chất thơ. Người ấy là nhạc sĩ Cung Tiến tác giả của những Hương Xưa, Thu Vàng, Hoài Cảm, những bản nhạc sáng tác từ thuở còn học trò nhưng lại có đời sống âm nhạc trường cửu.”

Những ca khúc được Nguyễn Mạnh Trinh nhắc ở trên cũng là những ca khúc Nguyễn này yêu thích từ những ngày còn học Trung học ở Huế rồi vào Sài Gòn. “Thu vàng” ở những năm thời niên thiếu ấy vẫn đi theo bước chân của gã học trò này qua tiếng hát của ai đó -Mai Hương hay Quỳnh Giao: Chiều hôm qua lang thang trên đường / Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương… Vậy đó, bài Thu Vàng đã theo Nguyễn vào năm đầu tiên ngồi ở trường Luật cùng với Hồ Ðăng Tín và Cung Tiến. Còn Hoài Cảm thì đến sau. Ôi như còn nghe đâu đây Một mùa thu xa vắng / Như mơ hồ về trong đêm tối / Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa? Tuấn Khanh đã viết về ca từ của Hoài Cảm như sau: “Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ ngữ mô tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên: “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ nhung của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có nhiều người không quen và cảm thấy khó chịu. Nhưng rồi dần người ta nhận thấy rằng đó là cách diễn đạt chân thành và không kém phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” – khiến khung cảnh bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là cách sắp xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học (rhetoric).”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Hương Xưa là một ca khúc được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác năm 1957. Nói về hoàn cảnh sáng tác Hương Xưa, nhạc sĩ cho biết: “Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chiến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.

Nhạc sĩ Cung Tiến và phu nhân (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nguyễn tôi được nghe Lệ Thu hát Hương Xưa trong cuộc trưng bày tranh của Ðinh Cường, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ… ở Houston cách đây dăm bảy năm, phải nói là tuyệt vời.

Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?

Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò

Còn đó tiếng tre êm ru

Còn đó bóng đa hẹn hò

Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu…

Ôi, có cả âm vang của Ðường thi, Nhị hồ, Nguyệt cầm…

Nữ ca sĩ Lệ Thu có kể lại kỷ niệm lần đầu tiên trình diễn bài này ở nhà hàng Queen Bee Sài Gòn. Khi Lệ Thu ngân dài và kết thúc câu hát cuối: “…đời êm như tiếng hát của lứa…đôi…”, tiếng hát dừng, rồi tiếng đàn dừng. Khán giả đông nghẹt trong phòng trà lặng đi trong khoảnh khắc trước khi bùng nổ với tiếng vỗ tay tán thưởng. Ca khúc của một chàng nhạc sĩ 18 tuổi đã chinh phục giới yêu nhạc khó tính nhất của Sài Gòn như vậy đó!

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Ngoài Hương Xưa, Nguyễn còn ưa thích một ca khúc nữa của Cung Tiến. Ðó là Lệ Ðá Xanh phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, một thi sĩ đi đầu trong phong cách thơ tự do đầy sáng tạo. Nguyễn chợt mê đi khi nghe Thu Vàng hát Lệ Ðá Xanh.

Ðôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin

Ôi những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình.

Ðau đớn lệ, đau đớn lệ là những viên đá xanh.

Tim rũ rượi…

Theo ghi nhận của Tuấn Khanh, khi sống đời lưu vong tại hải ngoại sau 1975, Cung Tiến bắt đầu sáng tác những ca khúc mang âm hưởng ngũ cung, khởi đầu là bài Hoàng Hạc Lâu, phổ bản dịch bài thơ Ðường bất hủ cùng tên của Vũ Hoàng Chương, là người thầy dạy Việt Văn của ông. Dù là ngũ cung, nhưng Hoàng Hạc Lâu vẫn mang âm hưởng trường phái ấn tượng Tây Phương của một “Claude Debussy trong bài Clair De Lune” như nữ ca sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận xét. Và Nguyễn thấy chỉ có Quỳnh Giao là hát “Hoàng Hạc Lâu” hay nhất.  Sau đó, ông sáng tác Hợp Tấu Khúc Chinh Phụ Ngâm, lần đầu tiên được trình bày vào năm 1988 bởi dàn nhạc giao hưởng San Jose, được cộng đồng người Việt hải ngoại hết sức trân trọng. Ông còn tiếp tục phổ tập thơ tù Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền. Những ca khúc vẫn với cách diễn đạt mới mẻ, lắng đọng, đầy nội tâm, phong cách mà cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đã chọn trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình.Tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn vào năm 1985. Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng…

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Ôi, những “hương xưa”, của “nguyệt cầm”, “hoài cảm”… phút giây đã lạc bến về đâu?”

Giờ đây Cung Tiến đã đi xa. Ði xa nhưng vẫn còn đâu đây trong tiếng ca, khúc hát và trí nhớ bạn bè.

Khi nghe tin nhạc sĩ Cung Tiến từ giã chúng ta, nghệ sĩ Kiều Chinh đã ngậm ngùi thốt lên: “Bạn ơi, chúc bạn đi yên lành, và hẹn ngày tất cả chúng ta sẽ gặp lại.” Riêng Nguyễn tôi có bài thơ tưởng niệm.

Tiễn đưa Cung Tiến

Chiều nay

một bông tường vi. nở muộn

trong khu vườn. tôi

ngồi nhớ tới anh

năm nào. ở trường luật

với hồ đăng tín. và anh. ngồi chung bàn

rồi anh đi

nhưng thu vàng. cùng một đóa quỳnh. còn mãi

còn mãi với những năm. tuổi trẻ. của tôi

trên đường phố. nắng bay. lá bay

bàn tay ai. rớt lại

tôi vẫn đi

cùng với hương xưa

lầu hoàng hạc

và lệ đá xanh. chiều. khóc lẻ loi. tim rũ rượi

anh có nghe.

camille huyền

ở đôi bờ. tịch lặng

vẫn còn. tiếng hát

và hoài cảm. khôn nguôi…

TN

(Tổng Hợp từ trang nhà Huyvespa)