Đang giữa mùa trăng, thiết tưởng cũng nên tản mạn đôi dòng về chú Cuội và những mẩu chuyện từng sống trong lòng trẻ thơ.

Người ta nói rằng kể từ khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng vào năm 1969 là những huyền thoại về trăng không còn nữa. Ở đó nơi người ta tưởng là Hằng Nga và chú Cuội từng có mặt hằng bao ngàn năm nay, thật ra chỉ toàn là đá lạnh băng, không hề có sự sống. Nghĩa là huyền thoại về trăng đã chết. Không còn huyền thoại, trẻ con sẽ đi qua tuổi thơ bằng những con đường khác, trần trụi và khô khan.

Thật ra có đúng như vậy không? Có đúng là trước những khám phá của khoa học, và trong thế giới thực dụng ngày nay, huyền thoại sẽ không còn đất sống nữa và những câu chuyện của tuổi thơ không còn hàm chứa sự mơ mộng và lòng tin ngây thơ trong sáng? E không phải như vậy. Sự mơ mộng của con người, nhất là của tuổi thơ là vô hạn. Chẳng hạn giờ đây nơi quê nhà, cho dù chế độ hà khắc và thực dụng, trẻ con dưới ánh trăng rằm ở một nơi nào đó dưới sự chỉ dạy của người lớn vẫn say sưa múa hát:  Bóng trăng trắng ngà / Có cây đa to / Có thằng cuội già ôm một mối mơ / Lại đây ta nói cuội nghe / Ở cung trăng mãi làm chi… Và những câu đồng dao vẫn còn sống mãi trên mảnh đất sương muối gió mùa ấy và ngay tại hải ngoại này ở những trung tâm người Việt:

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Thả trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên

Ông thời cầm bút cầm nghiên

Bà thời cầm tiền đi chuộc lá đa.

nguồn phelieu247.com

Một nhà văn Việt Nam, ông Vũ Khắc Khoan từng viết một vở kịch ngắn rất thơ mộng, có tên là Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Ða. Vở kịch ngắn này được Vũ Khắc Khoan viết ra giữa thập niên 40 (khoảng 1946-1947) và đã được công diễn tại nhà hát lớn Hà Nội. Ở hải ngoại, vở kịch cũng đôi lần được trình diễn vào dịp tháng 9 nhân tưởng niệm Vũ Khắc Khoan. Kẻ này thuở còn ở trung học, được xem trình diễn một lần trên sân khấu trường Khải Ðịnh (Quốc Học – Huế). Người đóng vai thằng Cuội là anh Nguyễn Khoa Dánh (nay không còn nữa) còn người đóng vai Gái (người yêu của Cuội) là ai thì bây giờ không còn nhớ. Nội dung vở kịch nhằm cắt nghĩa tại sao Cuội mang tiếng là nói dối (nói dối như Cuội – kẻ này cũng được hân hạnh mang tên Cuội nữa đấy): chỉ vì Cuội thấy được những điều mà người khác không thấy. Vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc trong trí óc người viết cho dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Và hình ảnh thằng Cuội vẫn còn hiện diện đâu đó trong tiếng dế, dưới ánh trăng…

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Vậy cho dù gì đi nữa, khoa học có tiến tới đâu, kẻ này vẫn tin rằng huyền thoại không chết và những câu chuyện của tuổi thơ như Chú Cuội, Thạch Sanh, Cô Bé Lọ Lem, Peter Pan, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Nàng Tiên Cá, Tin Tin, Thằng Người Gỗ Pinocchio… Nghĩa là sự mơ mộng, lòng tin ở điều thiện vẫn sống mãi trong lòng nhân loại. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi biết rằng Ông Già Noel, ở đây gọi là Santa Claus, vẫn sống mãi trong lòng trẻ thơ. Và hàng năm có hàng triệu trẻ trên khắp thế giới mơ ước và viết thư cho ông già Noel. Cháu Quỳnh của kẻ này, vào mỗi dịp Giáng Sinh lúc bà còn sống, vẫn viết thư cho Santa Claus và nhờ bà gởi đi giùm. Cũng vậy, cách đây vài ba năm, cùng hiền nội về thăm gia đình ông chú ở Wichita – Kansas, được cô bé Kathleen, 6 tuổi, cho xem thư của bé viết cho Santa Claus. Bé kể chuyện trong gia đình, rồi kể chuyện các bạn của bé ở trường và xin ông gởi cho bé chiếc đàn piano nhỏ xíu đểđàn bản Jingle Bells.

Và sau đây là lời của Francis P. Church, ký giả của tờ New York Sun năm nào nói với cô bé Virginia khi bé hỏi Santa Claus có thật hay không: Ông già Noel có thật, cũng như tình yêu, như lòng bao dung và sự chung thủy. Chỉ có thế cuộc đời mới đẹp đẽ và vui tươi được. Thế giới ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel, không có Virginia, không có niềm tin, không có thi ca – chẳng có gì để làm cuộc sống dễ chịu lên cả… Ông già Noel có thật, nếu không thì không thể tin vào chuyện cổ tích. Ông còn sống hàng nghìn, hàng vạn năm nữa để đem lại niềm vui cho những đứa bé như cháu và những tâm hồn hướng về điều thiện.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Vâng, chú Cuội, ông già Noel, cũng như mọi huyền thoại khác… sẽ còn sống mãi trong trí óc trẻ thơ. Cho dù con người có đặt chân lên mặt trăng, sao hỏa, hay bất cứ hành tinh nào. Vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những cuốn phim gần đây như Finding Nemo, Kungfu Panda, Toy Story, Up, Rise of the Guardians… được các khán giả tí hon hoan nghênh nhiệt liệt. Và đêm đêm, các bé ở đây vẫn thích được cha mẹ đọc cho nghe chuyện Cô Bé Lọ Lem, Pinocchio, Con Mèo và Chú Hải Âu Con… Rồi mai đây khi lớn lên, đứng trước cuộc đời vạn nẻo, có thể các bé sẽ không còn tin vào huyền thoại như xưa nữa. Nhưng không sao, tâm hồn các bé đã được nuôi bằng dưỡng chất của cái đẹpđiều thiện, bằng mật hoa và ánh nắng của một thời tươi xanh và vô nhiễm. Ð rồi các bé sẽ vững bước trên đường đời, trở thành những con người công chính.

TN