Chiều tím. một bông trăng… Tôi viết câu này đã lâu lắm. Không nhớ trong bài thơ nào. Nay nghe lại Chiều Tím, nhạc Đan Thọ, thơ Đinh Hùng, bỗng một không gian lãng đãng hiện về cùng tiếng vĩ cầm. Ôi, nay Đan Thọ đã ra đi, tiếng vĩ cầm đã lặng.

Xin nghe Kalynh Ngô thuật lại cuộc hội ngộ của nhạc sĩ Đan Thọ và nhà thơ Đinh Hùng từ đó hình thành ca khúc Chiều Tím.

Vào một ngày của thập niên 1960, khi đang ngồi uống cà phê ở quán La Pagode góc đường Tự Do (cũ), nhạc sĩ Đan Thọ đưa một bản nhạc ông vừa sáng tác, nhưng chưa đặt lời cho hai nhà thơ Đinh Hùng và Thanh Nam. Sau khi xem, thi sĩ Đinh Hùng nói: “Moi (tôi) biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho.” Khi Đinh Hùng hoàn thành lời nhạc, ba người gặp lại nhau. Nhà thơ Thanh Nam đề nghị đặt tên ca khúc là Chiều Tím.

Câu chuyện này được nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn kể lại trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn.

Chiều Tím là một trong 10 nhạc phẩm nhạc sĩ Đan Thọ để lại cho cuộc đời, cũng là ca khúc đầu tiên ông sáng tác từ khi vào Sài Gòn năm 1956. Kể từ ấy, bản nhạc du dương, kết hợp cùng ca từ sang trọng, nhẹ nhàng đậm chất thơ, đã đi cùng năm tháng, qua tiếng hát của ca sĩ thuộc nhiều thế hệ, từ trong nước đến hải ngoại.

Đan Thọ 

Đây mời anh chị đọc lại ca từ mà như thơ của Đinh Hùng viết cho Chiều Tím:

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài

Sầu trên phím đàn, tình vương không gian,

Mây bay quan san, có hay?

 

Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài

Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi

Lúc chia tay còn nhớ chăng?

 

Ai nhớ mắt xanh năm nào

Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu

Kề hai mái đầu nhìn mây tím nhớ nhau

 

Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài

Đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao

Nếp chinh bào biếc ánh sao

Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm

Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!

Thương ai hoa rơi lá rơi

 

Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào

Tình trong phiến đàn mùi hương chưa phai

Ý giao hoan người nhớ chăng?…

Xin tiếp tục đọc lời Kalynh Ngô

Đinh Hùng

Có một câu chuyện khá xúc động về ca khúc Chiều Tím của nhạc sĩ Đan Thọ. Đó là cuối năm 2020, chương trình Thuý Nga Music Box Số 26 do Trung tâm Thuý Nga Paris By Night thực hiện có tên là Chiều Tím. Nhưng sau đó, chương trình này còn có một tên gọi khác: Danh Ca Lệ Thu – Lần Trình Diễn Cuối Cùng. Lý do đây là chương trình cuối của nữ danh ca cộng tác với trung tâm Thuý Nga. Sau đó bà qua đời vì Covid ngày 15 Tháng Giêng năm 2021. Chiều Tím chính là ca khúc bà đã hát trong Music Box 26.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Khi chương trình công chiếu, thì lúc ấy…

“Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!

Thương ai hoa rơi lá rơi…”

Chiều Tím đi đôi với cây vĩ cầm của Đan Thọ.

Trong cuộc đời nghệ sĩ của nhạc sĩ Đan Thọ, có lẽ ngoài người vợ tào khang gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, thì cây vĩ cầm là bóng dáng thứ hai (duy nhất) gắn với đời ông. Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, “Đan Thọ là người đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam với tư cách một nhạc sĩ chơi vĩ cầm trước khi sáng tác.”

Dù ngoài vĩ cầm, ông chơi được rất nhiều nhạc cụ khác, đặc biệt là saxo tenor, nhưng vĩ cầm gắn liền với nhiều sự kiện trong đời ông, có thể nói từ những ngày đầu tiên ông bước vào âm nhạc cho đến ngày ông rời cung đàn xưa. Hình ảnh của ông và cây vĩ cầm hoặc cây kèn saxo đã rất quen thuộc, trở thành “biểu tượng” của phòng trà, vũ trường ở Sài Gòn trước 30 Tháng Tư năm 1975.

Nhạc sĩ Đan Thọ vừa qua đời ở tuổi 99 vào ngày 5/9/2023 tại Houston, Texas. Ông tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21/6/1924 tại Nam Định. Trong những năm từ 1936 đến 1942, Đan Thọ theo học chữ và học nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin. Qua năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Đan Thọ di cư vào Nam năm 1954, sang Mỹ năm 1985.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông để lại không quá 10 tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là hai ca khúc Tình Quê Hương và Chiều Tím. Nhạc phẩm cuối cùng ông sáng tác là bài Dương Cầm, 10 năm sau khi ông định cư ở Mỹ. Cảm hứng để ông cho ra đời tác phẩm này là khi ông nhìn thấy cô cháu ngoại thân yêu đang lướt 10 ngón tay xinh trên phím đàn. Nhiều năm sau, khi cô bé ấy đã trở thành ký giả YLan Mùi kết hôn, cũng là lần cuối cùng ông đệm và hát ca khúc Chiều Tím trong tiệc cưới của cô.

Chiều tím. một bông trăng… Thiết tưởng hình ảnh gợi cảm này xứng đáng để tưởng niệm nhạc sĩ Đan Thọ và cả nhà thơ Đinh Hùng.

TN – Tổng Hợp