Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa
Cả mùa đông và mùa hè, trong xà lim nhiệt độ đều cao hơn bên ngoài ước khoảng 1 độ bách phân. Nguyên nhân là không gian trong xà lim nhỏ hẹp lại bị nhốt nhiều người, trong khi cửa sổ xà lim nào cũng bé với những song sắt phi 20, 22 nhằm ngăn tù vượt ngục. Tôi đã qua 4 nhà tù ( kể cả 10 ngày đêm ở nhà tù Trần Phú trước khi ra tòa ở Hải Phòng), nhà tù nào bình quân mỗi tù nhân cũng chỉ được một diện tích 2,5-3,0 m2 cho ngủ, ăn vào thải ra và tất cả các sinh hoạt cơ bản khác.
Vì đặc điểm khí hậu ở miền Bắc Việt Nam, mùa đông người tù gặp ít khó khăn về thời tiết hơn mùa hè. Mùa đông chúng tôi dùng một tấm chăn (mềm) rải xuống bệ xi măng làm đệm, tấm chăn thứ 2 đắp lên người, cửa sổ xà lim kín mít nên ít không khí lạnh bên ngoài đối lưu với bên trong. Tấm chăn (mềm) trải làm đệm, dù không phải là đệm vẫn vừa giữ ấm cho cơ thể vừa tránh cho hai xương hông của người già, người gầy (ốm) không bị dằn trực tiếp xuống sàn xi măng mỗi khi phải trở mình, ngủ nghiêng…
Mùa hè, xà lim là một địa ngục.
Nóng khủng khiếp! Chúng tôi không thể dùng chăn làm đệm như mùa đông. Mặc dù vì nằm nghiêng ( có người nằm ngửa không ngủ được ) hai bên hông bị miết xuống sàn xi măng lâu ngày tụ thành một mảng tím, chúng tôi vẫn phải bỏ “đệm”. Dùng chăn làm đệm khác gì dùng bông vải ủ cục than hồng! Buồng chật, hơi nóng từ bạn tù phả vào mình, mình phả vào bạn tù, không khí ít đối lưu với bên ngoài do cửa sổ hẹp v.v. khiến xà lim biến thành lò bát quái dưới địa ngục như trong truyền thuyết.
Những ngày, đêm như thế mưa bão là ân sủng của trời. Chúng tôi cầu mưa bão dù biết bên ngoài mưa bão làm nhiều người chết và cả làng chạy lụt.
Vì không khí chưa đủ độ dịu, Ít người tù ngủ được trước 12 giờ đêm. Trước khi ngủ khoảng 1h chúng tôi thu dọn chiếu, màn và các vật dụng sinh hoạt, dồn vào một góc rồi múc nước hất đẫm vào 4 bức tường. Hất một lần không đủ. Sàn xi măng đọng nước mà 4 tường đã khô rang phải hất nước lần thứ 2, thứ 3 mới lau đủ khô sàn xi măng, trải chiếu, đặt mình xuống sàn…
Ở trại Nam Hà có nhiều đêm bọn cảnh sát nghĩa vụ (tôi đoán thế vì tiếng chúng trẻ măng) đi tuần, ghé mồm vào cửa sổ, nói: “Mát mẻ quá các “bác” nhỉ!” tiếp theo nhiều câu khiêu khích, thô tục khác (Không tiện kể ra) rồi cười phá lên với nhau. Trong một không gian ngột ngạt dễ phát khùng lên mà đành nhịn.
Không đề cập đến nhà tù là môi trường mất tự do, từ môi trường mùa đông có đệm, có lò sưởi, mùa hè có máy lạnh đột ngột bước vào môi trường như kể trên đối với các TNLT già cả như anh Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Trần Anh Kim, Trần Đức Thạch, Trương Minh Đức… những người phụ nữ tuổi tác như chị Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thúy Hạnh… là một khổ nạn. Khổ nạn vì lý tưởng cao cả, chịu chung cho cộng đồng.
Kể ra không phải để “khủng bố” những người biết trước sau sẽ vào tù mà để họ chuẩn bị tinh thần và nghị lực. Kể ra để thấy những Tù nhân lương tâm đang ở tù đã hy sinh như thế nào…
Dẫn giải tù nhân ra thăm gặp, nhận quà tại trại giam An Điềm, Quảng Nam. (ảnh Trương Văn Dũng).