Thảm sát Đồng Tâm: Nhiều người gọi đây là một vụ thảm sát, do quy mô và mức độ tàn bạo của nó.

“Một vụ thảm sát là sự kiện một nhóm người/sinh vật bị giết trong tình trạng không có sức chống đỡ hoặc vô tội trong khi kẻ giết chóc nắm quyền kiểm soát hoàn toàn”.

Định nghĩa này thích hợp trong việc miêu tả vụ thảm sát Đồng Tâm 9.1.2020.

Đêm nay đã là đêm thứ ba rồi, nhiều người ở VN và  trên thế giới bồn chồn thức trắng bởi quá bàng hoàng, đau xót và công phẫn về vụ thảm sát Đồng Tâm đêm 9.1.2020 của nhà cầm quyền VN.

Không thể đếm được có bao nhiêu Facebooker đã thay ảnh đại diện của mình bằng ảnh của cụ Lê Đình Kình với băng tang đen để tỏ lòng thương tiếc, khâm phục, ủng hộ người dân Đồng Tâm. Họ đã là nạn nhân của một trận đánh úp sau nửa đêm..

Theo mô tả của nhiều nhân chứng thì lực lượng đánh úp vào nhà dân Đồng Tâm trong đêm ấy, lại từ vài  ngàn quân chính quy được huấn luyện để giết kẻ thù,  tay lăm lăm súng và áo khiên chống đạn, với loạt  xe phá sóng, vũ khí  hơi cay, vũ khí âm thanh gây điếc và choáng óc, xe thiết giáp trang bị súng hạng nặng, chó bec giê…

Rùng rợn nhất là cảnh quân đội nhân dân cùng công an nhân dân được dân nuôi bằng mồ hôi nước mắt lại đằng đằng sát khí chĩa súng vào dân sau nửa đêm, khi người già, phụ nữ, trẻ em đang say giấc ngủ để giết chóc, đánh đập, bắt cóc những người dân,  đánh sập nhà họ, biến thôn Hoành Đồng Tâm trở nên tang tóc, tan hoang như sau một trận bom B 52.

Trận đánh úp vào vài trăm dân Đồng Tâm với đa phần người già, phụ nữ, trẻ em này, ai mà ngờ nổi, lại được chỉ huy, bài binh bố trận chu đáo kể cả từ khâu điều quân, chuẩn bị vũ khí, chuẩn bị lực lượng truyền thông và vu khống viên khổng lồ để vu cáo người dân. Có quyền lực lớn lắm thì mới có thể cắt điện,  cắt sóng điện thoại, Internet của dân, bưng bít thông tin tiện cho việc vụ cáo hãm hại người lành và che giấu hành động thảm sát.

Sự phi lý gần như mất lý trí của trận đánh úp này khiến cho nhiều  người hy vọng rằng đó chỉ  là manh động của Hà Nội bảo kê cho những kẻ cướp đất. Nhưng ngạc nhiên thay,  với sự kiện quá mau mắn của ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước trao Huân chương Chiến công và bằng Tổ quốc ghi công cho ba người đã chết từ phía đánh úp dân ấy, cùng sự “động viên kịp thời ‘ của ông Thủ tướng, sự im lặng của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…,cùng việc ngay lập tức khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ với 3 tội danh: giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ” tại Đồng Tâm khiến cho người ta không thể không nhận định rằng đó là chủ trương đã thống nhất từ “tứ trụ” và Bộ Chính trị.

Đánh úp, thảm sátngười dân vô tội vào lúc nửa đêm mà gọi là “Chiến công” và Tổ quốc ghi công” thì chính quyền này còn lý trí nữa không?!

Ngạc nhiên thay,  họ  không đếm xỉa gì đến thể diện quốc gia và thể diện chính khách. Họ đã vi phạm pháp luật, làm trái Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi. Nghị định này quy định “”không  thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 6 h sáng hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật”.

Hãy hình dung khi người ta  đang say ngủ trong ngôi nhà của mình sau lúc nửa đêm lại có hàng ngàn kẻ vũ trang xông vào nhà, điện  bị cắt bất chợt, xung quanh là bóng tối đen đặc không thể phân biệt mọi vật, làm sao người ta không hoảng loạn và , chỉ có thể coi đó là hành vi của bọn cướp của giết người, buộc phải tự vệ một cách tuyệt vọng nếu còn kịp và còn khả năng, bằng bất cứ vũ khí thô sơ nào mình có trong tay để sống sót? Nếu không tự vệ, đâu phải con người!
Đó phản xạ đương nhiên và quyền bất khả xâm phạm của công dân không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới. “Ba nghi phạm đột nhập vào nhà một người đàn ông ở bang Texas (Mỹ) đã bị bắn chết, nhưng theo cảnh sát địa phương, người chủ nhà nổ súng sẽ không bị truy tố vì có quyền tự vệ hợp pháp tại nhà mình”.( https://tuoitre.vn/chu-nha-o-my-ban-chet-3-ten-trom-nhap-nha-van-khong-bi-truy-to-20191224112607273.htm). Kẻ đang đêm xông vào nhà người ta mới là kẻ cướp. Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã viết: đang đêm anh cầm vũ khí xông vào nhà người ta thì kể cả trong tay người ta có cầm cả một quả bom nguyên tử chống lại kẻ đột nhập thì cũng đúng.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Hẳn rằng cho đến  chết, cụ Kình – người cựu chiến binh ấy cũng  không thể biết được kẻ truy sát cụ lại là đội quân chính quy rầm rộ từ lực lượng vũ trang đằng đằng sát khi do đảng và chính phủ phái đến để sát hại gia đình mình!

Cụ và dân Đồng Tâm  đầy đủ chứng cứ, chỉ đòi đối thoại, thanh tra khách quan, đòi công lý. Họ hoàn toàn vô tôi, sao lại có thể là đối tượng tàn sát của quân đội và công an được?

Oan khuất thấu trời! Trong khi tàu giặc đang xâm lấn chủ quyền VN tại biển Đông thì nhà cầm quyền không dám lên tiếng, khẳng định không dùng vũ lực để chúng tha hồ tung tác. Người TQ sang buôn, sản xuất hàng tấn ma túy, sang gây ô nhiễm, trộm cướp lừa đảo, nhà cầm quyền cho quân nhẹ nhàng đưa về TQ, lễ độ như phục dịch đoàn khách du lịch. Mở toang cửa khẩu đón kẻ xâm lược triệt hạ tứ bề. Vậy mà với dân lành VN, với các cựu chiến binh đã đổ xương máu ra để xây dựng bảo vệ quyền lợi của nhà cầm quyền này như cụ Kình, cụ Hiếu và dân Đồng Tâm một lòng tin đảng, ngóng đợi công lý từ đảng, chỉ theo lời hô hào của đảng để chống tham nhũng và lợi ích nhóm, chống  bẻ cong sự thật, cướp đất của dân, thì lại dồn quân quan vũ khí vật lực, dàn hẳn một trận đánh thảm sát với quy mô khổng lồ!

Khủng khiếp không thể hình dung nổi là đội quân hùng hậu chính quy ấy lại chọn cách đánh úp vào ban đêm! Xông vào làng, rú rít vũ khí âm thanh, cắt khóa nhà, xịt hơi cay cho trẻ em và người già ngắc ngoải, nổ mìn bắn súng, đương nhiên các nạn nhân phải hiểu rằng đó là những tên cướp và phải tự vệ bằng mọi vũ khí có được. Nhưng họ làm sao kịp trở tay, kịp tự vệ trong tình thế ấy.

*Tượng đài đòi Công lý cho VN

VN đã có quá nhiều cái chết.

Có những cái chết được làm lễ tang rầm rộ, cướp tiền dân xây lăng mộ thênh thang chiếm cả đất sống của dân, mả lớn mà bị dân xỉ nhục, thậm chí dân ăn mùng vì những kẻ tham nhũng và kẻ ác đã chết đi.

Máu nào cũng là máu người VN, người chết đi để lại đau khổ thiệt thòi cho thân nhân, nhưng phải nói rõ rằng có những người là công cụ mù quáng của nhà cầm quyền hoặc một nhóm lợi ích, đã chết chỉ bởi nhận diện sai lạc kẻ thù và quay súng bắn vào dân vô tội. Họ chết vì phải tuân lệnh, vì sai phạm của người chỉ huy cuộc đánh úp đó. Trận đánh úp dân vào sau nửa đêm ấy đã sai hoàn toàn về cách thức và phương pháp thi hành công vụ theo quy định của pháp luật. Họ đã buộc các công an và bộ đội xông vào nhà dân trong khung giờ trái pháp luật, lại còn đặt quân của họ vào vị trí của những kẻ đánh lén trong đêm tối, khiến cho dân hoảng loạn bật dậy trong cơn ngái ngủ, chỉ còn kịp kinh hãi khua kẻng báo có cướp để tự vệ.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Cũng cần phải nói rõ, trong tình thế công an cắt điện thoại, Internet, cắt điện, không cho các nhân chứng, báo chí khách quan quan sát, quay phim chụp ảnh…điều tra chứng cứ, một sự dàn dựng thiếu minh bạch ngay từ đầu, thì những tuyên bố và thông tin của công an đưa ra chỉ là một chiều từ kẻ mạnh, kẻ đàn áp, chưa thấy đưa ra chứng cứ chứng minh được rằng những công an bị chết chỉ là do dân Đồng Tâm gây ra.

Nhưng cái chết của cụ Lê Đình Kình, và có thể là cả con cháu cụ hoăc những người dân Đồng Tâm khác nếu có, thì lại khác,

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người dân dùng từ “vô cùng thương tiếc” để tôn vinh cụ, mặc dù cụ bị phỉ báng, xỉ nhục đủ kiểu trên các phương tiện truyềnthông “lề đảng”. Cụ bị vu cáo là “chủ mưu, cầm đầu các hoạt động gây rối, chống đối lực lượng chức năng” và “khi chết, trên tay còn cầm một trái lựu đạn”.

Vì sao trên mạng Facebook VN trong và ngoài nước có vô số người thay ảnh đại diện của mình bằng ảnh của “người anh hùng áo vải” Lê Đình Kình. Vô số hình ảnh Đồng Tâm và chiếc nơ đen để bày tỏ sự công phẫn những kẻ đã gây ra tội ác cũng như xác tín lòng thương yêu của họ đối với cụ Kình cùng những người dân Đồng Tâm??

Sau vụ thảm sát, cụ Kình và Đồng Tâm đã trở thành biểu tượng đại diện cho nỗi đau thương công phẫn, cho lương tâm, lòng yêu và bảo vệ đất nước, tinh thần chống tham nhũng bạo quyền của người VN.

Cụ Kình cũng như nhiều người đấu tranh cho công lý ở Đồng Tâm không phải là những vị thánh, Họ cũng từng bị nô lệ hóa, mỵ dân và cũng từng lầm lạc vì đã tin yêu và làm theo đảng. Họ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ để ra chiến trận bảo vệ cho địa vị của nhà cầm quyền VN – cái nhà cầm quyền đã thảm sát họ – những người thuộc thế hệ “khai quốc công thần” 50 năm tuổi đảng. Có thể trách họ. Nhưng phận là dân, phận bèo dạt mây trôi bởi những kẻ thống trị, bị “nắm yết hầu” nguồn sống, bị bưng bít thông tin thì rất khó để lựa chọn. Điều khiến cho họ trở thành biểu tượng để nhiều người tin yêu, thương cảm và đồng hành là họ đã nhận ra lẽ phải trong khi rất nhiều người đang u mê và độc ác vì vờ u mê. Họ đã kiên định, dám hy sinh cho công lý.

Theo tố cáo của thân nhân còn sống sót của gia đình cụ Kình và người làm chứng, cụ Kình đang ngủ trên giường ở trên tầng 2 trong nhà thì bị lực lượng đánh lén dùng chất nổ giật sập tường nhà và dùng súng bắn vào ngực, bắn nát cái chân lành còn lại, trước mặt người vợ già yếu của cụ. Máu của cụ chảy ra ướt giường. và những lỗ đạn vẫn còn đó. Chúng đã xông vào bắt cóc cụ mang đi. Con trai của cụ cũng bị bắn, cháu trai chạy trốn thì bị chúng cho chó bec giê cắn xé và đến bây giờ vẫn mất tích, được cho là đã chết nhưng chưa thấy trả thi thể về cho gia đình. Đồng Tâm bây giờ vẫn trong vòng vây dày đặc, nhiều người bị bắt mang đi mất tích và chưa biết dân đã bị giết mất bao nhiêu người.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Do cuộc thảm sát Đồng Tâm mà từ 9.1.2020, hình tượng Tượng đài đòi Công lý cho VN đã hiện rõ.

Vâng, đó là hình tượng cụ Lê Đình Kình. Hình tượng này khắc sâu trong tim óc nhiều người VN và thế giới, khi chứng kiến video quay cận cảnh khi gia đình nhận thi thể cụ từ công an từ báo “lề dân”. Một hình ảnh tố cáo sự thật tàn ác tới mức ai có trái tim con người không không thể không căm phẫn và đau xót.

Vâng, Hãy nhìn thi thể cụ Lê Đình Kình để trong thương đau mà ngưỡng vọng và hành động cho công lý.

Sẽ mãi lơ lửng treo cao trên mây, trong sương trong gió và mưa và sóng và đất núi, biển sâu, trên đầu dân VN , hình ảnh một cụ già 84 tuổi, râu dài bạc phơ, đôi mắt vốn trung hậu hiền hòa đượm vẻ đau khổ dù đã vuốt, đã khâm liệm cũng không thể nhắm lại.

Ký ức sẽ điêu khắc vào lịch sử VN hình tượng cụ già 84 tuổi ấy, đã bị hành hình còn đau đớn hơn cả Chúa Giê su bị hành hình trên cây thập giá. Chúa bị đóng đinh câu rút bởi những kẻ ác, cụ Kình thì bị đạn bắn thủng tim, bụng, chân, ngực bị rach toang ra rồi khâu lại, sau đầu đầy máu… Chúng bắn giết cụ tại nhà mà khi trao trả thi thể cụ cho gia đình còn cố ép buộc họ ký vào biên bản là chết tại cánh Đồng Sênh để nhằm xóa dấu vết của việc làm trái pháp luật và tội ác tày trời. Chúng còn “đặt vào trong tay cụ trái lựu đạn…”. Dĩ nhiên, con cháu cụ đã không ký biên bản vì không đúng sự thật

Cần phải làm rõ những  kẻ giết người man rợ ấy rạch bụng cụ Kinh khi còn đang sống hay khi cụ đã chết? Liệu chúng có giằng xé nội tạng của cụ để thỏa lòng khát máu?

Cụ già 84 tuổi, cựu chiến binh, có công với nhà cầm quyền VN ấy, nhiều ngày trước khi chết phải di chuyển trên chiếc xe lăn bởi chân cụ đã bị những kẻ côn đồ bảo kê cướp đất đập gẫy, và lần này thì chúng lại hằn học bắn gẫy nát chiếc chân lành còn lại của cụ. Đòn tra tấn này diễn ra khi cụ đang sống hay khi đã chết vậy, có ai hình dung nổi mức độ đau đớn tột cùng bởi cực hình mà những kẻ khát máu đã trút lên thân hình già yếu ấy?

“Vô cùng thương tiếc”, “Người anh hùng áo vải”, “Cần phải để quốc tang cho cụ Lê Đình Kình”…”Chúng tôi để tang cụ”…Hàng triệu tin nhắn, bài viết bày tỏ sự thương xót, lòng kinh trọng, sự quan tâmđối với cụ Lê Đình Kình và những người dân Đồng Tâm đang bị phá nhà cửa, bị đánh đập, bắt giam… bởi bạo quyền.

Bạo lực và tà quyền có thể giết người nhưng không thể giết được tinh thần bất khuất của một dân tộc, một đất nước. Tinh thần đó có thể bảy nổi ba chìm trong nước sôi lửa bỏng nhưng luôn bền bỉ, luôn tái sinh.

Tượng đài đòi Công lý cho VN, ai mà ngờ được, lại được treo trên cao kia, sau một vụ thảm sát từ phía nhà cầm quyền, sẽ luôn làm cho người VN biết khóc, biết đau và biết hành động.

Vợ chồng ông Lê Đình Kình. Ảnh: RFA