“Ngày trước ông Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông Du, là phong trào đưa người Việt Nam qua Nhật Bản học tập để về giành độc lập cho đất nước. Ngày nay có Nguyễn Thị Kim Ngân là người “khởi xướng” phong trào “Đu Dông”, tức là “phong trào” đưa người Việt Nam “đu nhờ” máy bay qua Hàn Quốc rồi dông mất”. – facebooker Tiến Sĩ Phổ Cập

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói chuyện nghe có vẻ hơi… vô phúc
Chuyện xảy ra vào mùa đông 2018, bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân (người hay hỏi câu: “Bạn đã làm gì cho tổ quốc chưa?) đã dẫn đoàn VN sang thăm Hàn Quốc từ ngày 4-7/12/2018. Đoàn có 162 người, trong đó có hơn 20 Bộ trưởng, thứ trưởng cao cấp. Tất cả được “đèo riêng” trên một chuyên cơ riêng của hãng Vietnam Airlines. Nhưng đến khi quay về VN tại sân bay Incheon thì 9 người đã trốn ở lại Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã không biết về sự “biến mất” của 9 người này cho tới khi một trong số đó xuất hiện ở sân bay (Hàn Quốc) hồi đầu năm nay và tự nguyện xin trở về Việt Nam. Một người khác trong số 9 người ở lại trái phép đã được tìm ra và bị buộc phải trở lại Việt Nam sau đó, bảy người còn lại hiện không rõ tung tích. Chuyện này, mãi tối ngày 23/9/2019, báo chí và đài truyền hình Hàn Quốc mới đồng loạt đăng tin. (Sau hơn 9 tháng xảy ra cớ sự).
Bên phía Việt Nam, tổng thư ký, người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời về vấn đề này như sau: “9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc chỉ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội”. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nơi lập danh sách các doanh nghiệp đi cùng dàn lãnh đạo, thì bảo rất… buồn: “Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm”
Quá giang là một từ khá quen thuôc trong cuộc sống người miền Nam. Theo nghĩa gốc dịch từ nghĩa Hán Việt, quá giang là qua sông. Nhưng rồi dần dà nó biến hóa ra nhiều nghĩa khác chẳng liên quan gì đến sông nước cả, không biết từ bao giờ mà người ta nghe từ “quá giang” là hiểu luôn theo kiểu “đi nhờ, ké theo”. Và ngược lại, người ta thấy chữ “đi nhờ” liền nghĩ ngay đến từ “quá giang”.

Đây có lẽ là cách 9 người kia “đi nhờ” chuyên cơ Quốc Hội? (Từ facebook)
Nhưng khi nghe đến hai chữ quá giang, đi nhờ thì người ta chỉ thường nghĩ đến ghe, đò, xe máy, xe đò, xe ngựa, xe đạp, hoặc cùng lắm là quá giang tàu như ông “phụ bếp” Nguyễn Tất Thành hồi xưa thôi (ông này cũng quá giang rồi ở lại nè)! Hầu như chưa ai nghĩ đến việc quá giang… máy bay (nhất là chuyên cơ công vụ) cả! Chính vì sự phi lý này nên câu chuyện này gây ra rất nhiều bất bình trong dư luận.
Rất nhiều người tức giận vì từ trước đến giờ họ không được phổ biến về hình thức quá giang này, để được “đi nhờ” mà không lo tốn kém. Cũng có nhiều người không tin lời ông tổng thư ký bộ ngoại giao và bất bình thay cho những người “đi nhờ” kia, ví dụ như Facebooker Trần hữu Tài:
“Chắc 7 cây cột đèn còn lại đang trốn đâu đó sẽ hậm hực, bứt tóc, bứt tai, bứt…dây điện rủa xả: Mom nó, tụi mình đóng phí mắc bỏ xừ mới được cho đi, mà giờ nó nói là mình đi ké!” Hận…!”

Đã tìm ra được 9 người rồi nha, không hề bỏ trốn nhá, HỌ BỊ BỎ QUÊN TRÊN MÁY BAY, thiệt á, hổng tin thì cứ hỏi Bác Ba Phi hen! (Từ Facebook Nguyen My Khanh)
Có những con người mang tấm lòng bao dung vô bờ bến, luôn tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng và nhà nước:
“Chuyện cho người khác quá giang đó là nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam chúng ta, chúng ta phải cổ vũ khích lệ chứ, ai lại đi xỉa xói móc mỉa vậy chứ! Đang bay thấy 9 người kia ngoắc ngoắc, máy bay lại còn trống chẳng lẽ không dừng lại, tấp vô đám mây cho họ quá giang được? Chuyện cho đi nhờ không có gì to tát cả đâu, to tát ở chỗ tới sân bay Hàn Quốc mấy đứa đi nhờ này kiểu gì cũng bị an ninh sân bay Hàn Quốc tống ngược về nước vì không có Visa, còn tại sao mà họ có Visa, được nhập cảnh thì hỏng biết à?”
Nhưng cũng có những người không có nhu cầu đi quá giang, không thương xót cho “7 cây cột điện”, cũng chẳng ưa mấy người làm nhà nước, họ thể hiện cảm xúc rất nhanh/gọn/lẹ, thẳng thắng:
“Chuyên cơ chở đương kim chủ tịch cuốc hội mà nó làm như cái xe than chở heo thời 80 vậy, lọt 9 con mà hổng hay?”
Cũng có người trách chính phủ Hàn Quốc: “Mấy người bỏ trốn được là do lỗi của phía Hàn Quốc, chứ Quốc hội VN hoàn toàn không liên quan, vì chỉ cho đi nhờ máy bay. Vụ này rõ ràng là Hàn Quốc sai lè lè… Biết sai gì không? Sai ở chỗ cứ giao lưu với đám đó!”
Cũng có nhiều người ngậm ngùi tiếc rẻ: “Phải chi mợ (Ngân) ở lại, 9 đứa kia về hay không cũng được!”
Đó là suy nghĩ của những người ngoài cuộc, còn đối với người “trong nghề”, việc này xảy ra như cơm bữa. Facebooker Nguyen Thanh Son kể một câu chuyện xảy ra hơn hai thập kỷ:
“Một ngày đẹp trời năm 1995, sếp đập bàn “Sơn, mày dẫn đoàn đi Mỹ cho anh”. Nhận danh sách đoàn, gần ba chục ông, toàn tổng giám đốc các doanh nghiệp lớn, bỗng thấy ở đâu chui vào ba ông giám đốc của một công ty thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, mà công ty này ở Phòng. Mình vốn cẩn thận lo xa lễ phép nên trình sếp “em chưa nghe tên cái công ty này bao giờ”. Sếp bảo đây là đoàn của Bộ Thương mại, mày chỉ dẫn đoàn đi thôi. Mình bảo anh ạ thôi để cho chắc anh làm cái công văn sang bên đó là Bộ TM chịu hoàn toàn trách nhiệm về nhân thân của đoàn. Sếp bảo mày lắm chuyện, nhưng cũng làm cái công văn.
Đi sang đến Mỹ là thấy ba ông chợn rợn lắm rồi, nên mình giữ hết hộ chiếu. Nhưng chỉ ngày thứ ba là ô hô tai hai, không thấy ba ông con giời đâu. Trốn rồi trốn rồi, vượt biên rẻ tiền mịa nó rồi. Trưởng đoàn là chú gì mình không nhớ tên nhưng vợ là Chủ tịch Ủy ban gì đó cũng to to của Quốc hội tên là cô Thu, mếu máo với mình Sơn ơi làm sao bây giờ, chuyến này về thì ông Tạ Cả ông ấy cạo trọc đầu tao. Mình an ủi thôi chú ạ, cái bọn đã muốn bỏ đi thì cho nó đi cho đỡ chật đất
Về hôm trước thì hôm sau A18 gọi lên hỏi chuyện. Mình tỉnh bơ giơ công văn lưu ra bảo anh ơi em chỉ là thằng dẫn đoàn, nhân thân là Bộ Thương mại chịu trách nhiệm, các anh cứ làm việc với chú Tạ Cả thứ trưởng. Anh giai A18 đọc công văn xong thở dài “mày đi lần đầu mà kinh nghiệm gớm nhẩy”
Vâng, chả kinh nghiệm thì lại bị các anh lột mấy bữa nhậu… Chiều đi nhậu, sếp thở dài, “nếu biết mấy thằng ấy ở lại thì lẽ ra mình phải thu thêm tiền”
Những vụ trốn chạy khỏi đất nước này không hề hiếm. Ví dụ cũng trong tháng 12/2018, có một vụ gây “rung rinh” cộng đồng mạng là vụ trong 153 người cùng đi du lịch Đài Loan theo tour thì có 152 người bỏ trốn, chỉ còn mỗi anh hướng dẫn viên ở lại ‘đứng mũi chịu sào”. Việc làm này xảy ra từ mọi tầng lớp xã hội, từ những người dân không thể kiếm được việc làm và chỗ đứng cho mình trong xã hội dối trá này đến những người từng nắm quyền hành cao trong Đảng và Nhà Nước. Nhưng khác biệt ở chỗ, người dân họ phải vay mượn tiền, đánh cược tương lai, thậm chí là tính mạng để ra đi còn mấy ông “quan trên” thì lấy tiền của dân, lấy danh dự của quốc gia “nộp” cho… nhau để được ra đi!
Tuy đến nay, chưa nhiều người trả lời được câu hỏi “bạn đã làm gì cho tổ quốc chưa?” của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhưng nhờ vụ này, có rất nhiều người trả lời được câu hỏi: Bà Ngân (và các ông/bà khác) đã làm gì cho tổ quốc chưa?
Câu trả lời là: Làm nhục !