Có bao giờ chúng ta tự hỏi “tại sao trong số hàng nghìn người chết vì tai nạn giao thông, vì ung thư, vì đâm chém mỗi ngày lại không phải là chúng ta” không? Hay là “khi nào tới lượt chúng ta”?

Trước khi bàn vào stt của người vợ trẻ (có chồng là chiến sĩ công an vừa mất vì thừa lệnh cấp trên trấn áp người dân Đồng Tâm đêm qua), thì xin kể lại vụ án Nọc Nạng. Vụ án xảy ra năm 1928 tại Bạc Liêu giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và giới địa chủ cường hào người Việt cùng quan chức thực dân Pháp.

Đây là vụ tranh chấp đất đai lớn, gây thiệt mạng 5 người, hậu quả của chính sách quản lý ruộng đất bất công thời thuộc Pháp. Vụ án này được nhà nước ta tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp, được đưa vào phim Đất Phương Nam.

Những tưởng câu chuyện cướp đất chỉ xảy ra vào thời thuộc địa, nhưng sau khi giúp đảng cướp được chính quyền, đồng bào mình vẫn tiếp tục bị cướp như xưa. Ở Đông Yên (Hà Tĩnh), người ta dùng thuốc diệt cỏ phá nát ruộng lúa của dân, không cho họ canh tác để buộc phải giao đất cho nhà nước.

Ở Thủ Thiêm, Lộc Hưng, họ ngang nhiên đập phá dưới chiêu bài “thu hồi” bất chấp luật pháp, khiến người dân cửa nát nhà tan. Ở Khánh Hoà họ thiêu rụi 80 căn nhà trên cồn Nhất Trí để tiện giải toả. Ở khắp nơi đều có dân oan bị cướp đất hoặc bị đền bù với giá rẻ mạt. Nay thì tại thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đọc stt của chị quá phụ, thấy con số 3000 quân được huy động trong một phi vụ làm ăn của cường quyền mà thấy nghẹn lòng không nói thành lời. Trong khi người vợ trẻ đau buồn vì mất chồng, thì một nhóm tham quan vừa chiếm được một mảnh đất giữa thủ đô. Ông cha ta hi sinh vì chống giặc cứu nước bảo vệ đồng bào, nhưng bây giờ hàng ngàn thanh niên ta trở thành chốt thí cho sự nghiệp chống dân làm giàu cho đám quan chức lộng quyền.

Nếu chúng ta lên án vụ thảm sát Mỹ Sơn của lính Mỹ thời chiến tranh thì việc điều động 3000 lính tinh nhuệ để tấn công 1 ngôi làng nhỏ bé với lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được. Vụ Phan Rí Cửa hồi 2018 cũng vậy. Không tự nhiên mà cả làng cả xã cùng nhau chống lại giới cầm quyền.

Giải pháp tốt nhất là đối thoại chứ không phải đối đầu. Lính chết hay dân chết thì cũng là người Việt Nam chết. Chế độ chỉ tồn tại lâu dài khi có những chính sách bảo vệ công dân hiệu quả. Chế độ đã dùng vũ trang thì người dân tất yếu phải phản kháng bằng bạo lực. Tức nước thì vỡ bờ, nếu không có cải cách sâu rộng, thì sớm thôi, chế độ sẽ “hạ cánh trên thiên đường” để đất nước bình yên lại cho dân tộc.

 

Ảnh: Facebook Trần Anh Quân