“Việt Nam Cộng Hòa trở lại” nằm trong phong trào mang tên “Việt Nam Cộng Hòa foundation” do nhiều người Việt ở hải ngoại chủ xướng, trong đó có cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhạc sĩ Hồ Văn Sinh. Phong trào vận động khôi phục chế độ Việt Nam Cộng Hòa chính thức được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 11 năm 2015, được sự ủng hộ của nhiều người Việt.

Thành viên Việt Nam từ các nơi tập trung về Washington D.C. trong phái đoàn hội thảo.     

Vào sáng Thứ Sáu, ngày 25 tháng Mười năm 2019, The Republic of Vietnam Leadership Committee – Buổi Tường Trình “Việt Nam Cộng Hòa trở lại” đã được tổ chức tại Dirksen Senate Office Building 50 Constitution, Washington D.C.

Trong không gian rộng lớn tòa nhà Quốc hội của Hoa Thịnh Ðốn, nhiều gương mặt quen thuộc từng xuất hiện trong các hoạt động xã hội từ một số tiểu bang như Texas, California, Boston, Massachusetts, Maryland, Washington D.C… đã về đây tham dự.

Ðặc biệt, thành phần khách mời và diễn giả bao gồm những chính khách tên tuổi, các cựu chiến binh Mỹ. Ðó là:  Richard Black, US Army Colonel (Retired) and Virginia 13th District Senator; George J.Veith, US Army Captain (Retired) and Vietnam War author; George F. Close, US Army Major General; Thomas J. Verbeck, US Air Force Brigadier General (Retired); Robert Smith, Chairman of the Greater Falls Church Veteran Council…

Major General F. Close phát biểu tại buổi tường trình “The Republic of Vietnam Leadership Committee”

Những ý kiến, tâm tư từ nhiều thế hệ Mỹ-Việt sẽ được tường trình trong một lá thư thỉnh nguyện gởi trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump bởi Thượng Nghị Sĩ John Cornyn của tiểu bang Texas.

Ðã có nhiều cuộc hội thảo về VNCH trở lại tại California trong nhiều năm qua, nhưng đây là buổi Tường Trình về Việt Nam Cộng Hòa lần đầu tiên trước Quốc Hội Hoa Kỳ và các cơ quan truyền thông tại Thủ Ðô Hoa Kỳ sau 44 năm im lặng. Nội dung Tường Trình trước tiên là tri ân cựu chiến binh và nhân dân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Sau đó, mỗi diễn giả đã lên phát biểu, nói lên suy nghĩ của mình về sự thật của chiến tranh Việt Nam, kể cả tội ác xâm lăng của Việt Cộng và Trung Cộng.

Nhiều quan khách từ xa xôi đã không ngại bỏ thời gian, công sức đến tham dự sự kiện cũng vì muốn góp một bàn tay, một tiếng nói vận động Hoa Kỳ và các Quốc Gia đồng minh tái lập Hiệp Ðịnh Paris 1973. Khả thi hay bất khả thi, thực sự khó trả lời vấn đề mang tầm quốc gia trong thời điểm này. Nhưng, đã là người Việt có lẽ ai cũng đều mong ước được trả lại một sự công bằng và danh dự cho Quân Dân Cán Chính VNCH.

Quan khách tham dự buổi hội thảo.

Trở lại với Hiệp Ðịnh Paris (ký ngày 21 tháng 1 năm 1973)  và dưới sự chứng kiến của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thời bấy giờ, thì Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ký Ðịnh Ước Quốc Tế về Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 1973 nhằm giám sát và bảo đảm việc thi hành Hiệp Ðịnh Paris, có đại diện 12 chính phủ  các nước ký kết gồm có: Hoa Kỳ; Pháp; Hungary; Indonesia; Ba Lan; Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan; Liên bang Xô-viết; Canada; Trung Quốc; Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Việt Nam Cộng Hòa. Ðiều 7B của Ðịnh Ước Quốc Tế về Việt Nam nói rõ trong thời gian lập lại hòa bình, quân đội của hai bên là Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tổ chức của họ là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam không được đưa quân xâm chiếm lãnh thổ của bên kia.

Nhưng Hiệp định đó đã bị vi phạm và nước VNCH đã bị xâm lăng. Hơn 44 năm qua, không chấp nhận sự cai trị của cộng sản trên toàn cỏi miền Nam, và VN luôn bị đe dọa mất nước từ Trung cộng. Theo Hiệp định Geneva năm 1954, thì các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa. Tàu cộng chiếm đóng là sự vi phạm, phi pháp đối với Công pháp quốc tế. Do đó việc thu hồi những quần đảo ấy sẽ được giải quyết dễ dàng hơn bởi chính chủ nhân của chúng, nghĩa là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Giải pháp pháp lý “Việt Nam Cộng Hòa trở lại” sẽ giúp người Việt Nam giành lại tự do, dân chủ và nhân quyền mà không cần phải phát động chiến tranh. Mọi hình thức không cần hy sinh xương máu, không cần phải tổ chức lật đổ bạo quyền cộng sản tại Việt Nam. Ðó là nội dung chủ yếu của phong trào VNCH trở lại.

Tác giả cùng các thành viên trong Ban Tổ chức 

Trao đổi với anh Trần Hoàng Sa tại sự kiện, phóng viên Trẻ nhận được chia sẻ:

“Ðiều quan trọng là việc phục hồi Việt Nam Cộng Hòa phải bằng Công pháp Quốc tế. Ðó là một việc làm khả thi. Ðiều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả của một Hội nghị Quốc tế về Việt Nam được triệu tập dựa theo điều 7b của Ðịnh Ước Quốc Tế về Việt Nam ngày 2 tháng 3 năm 1973 (yêu cầu của ít nhất 6 trong số 12 nước đã ký kết dưới sự chứng kiến của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đương thời.)

Từ đó, việc phục hồi thể chế Việt Nam Cộng Hòa cần được thực hiện bằng cách song song, lập lại chính danh VNCH và vận động quốc tế tái thi hành Hiệp Ðịnh Quốc Tế về Việt Nam. Một cách cụ thể, sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 24 tháng 7 vừa qua, một phái đoàn đã đến Quốc Hội Hoa Kỳ để vận động cho cuộc tường trình và điều trần với 2 mục đích trên”.

Riêng Matt Truong, thuộc thế hệ trẻ khi được phỏng vấn: “Với vai trò người điều khiển chương trình, em có nghĩ rằng “VNCH sẽ trở lại” mang tính khả thi không?”

Hai diễn giả Lan Hung Nguyen và Truc Nuong Huynh Brown đang thuyết trình.

Matt trả lời:

“Là thế hệ di dân từ một đất nước theo chế độ cộng sản nên em hiểu được nhiều sự thật nằm sau sự thật, mà khi còn trong nước mình bị bưng bít thông tin. Qua Mỹ từ nhỏ, trưởng thành trên đất Mỹ, em cảm thấy cần phải giải thích cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại đây hiểu ra thực chất của CNCS và CNXH thế nào. Ngày nay, hai chủ nghĩa quái thai này đang tìm cách khuynh đảo trong hệ thống giáo dục, nhà trường Mỹ. Em tìm cách gần gũi nối kết bằng sinh hoạt thiện nguyện, kêu gọi các thế hệ ấy hiểu ra vấn đề để ủng hộ VNCH một thời. Vì cộng sản mà ông bà, cha mẹ mình bỏ nước ra đi, cho nên chúng ta phải yêu quý, gắng tìm cách cho VNCH trở lại. Sẽ khả thi nếu kiên trì vận động Quốc Hội Hoa Kỳ.”

Bên cạnh đó, một số khuôn mặt trẻ – Hậu Duệ VNCH cũng xuất hiện trong buổi tường trình với niềm hy vọng hướng về quê hương.

Với sự ủng hộ, hỗ trợ của một số trong chính giới Hoa Kỳ, cuộc tường trình đã diễn ra khá thành công. Có thể xem đây là một thành quả đáng kể, là bước khởi đầu của con đường còn dài và không ít khó khăn.

Sự thành công tùy thuộc vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của toàn thể đồng hương và đồng bào trong cũng như ngoài nước; cũng như của các nước bạn đã từng là đồng minh.

TT

Houston,TX