Thông minh, học giỏi là đặc điểm nổi trội dễ thấy ở các em học sinh người Mỹ gốc Việt tại các trường học nói chung, ở cấp trung học nói riêng tại tiểu bang Georgia. Nhìn vào bảng thành tích trong kỳ tốt nghiệp trung học 2019 ở Quận Gwinnett chẳng hạn, có đến 5 em gốc Việt trong tổng số 62 em Thủ khoa và Á khoa của năm học này.

Số học sinh Thủ khoa và Á khoa gốc Việt qua các năm luôn chiếm tỷ lệ lớn so với số học sinh gốc châu Á khác trong quận Gwinnett. Trẻ có cơ hội gặp gỡ một số em trong sốnhững em học sinh giỏi Quận Gwinnett

Shayla Nguyễn giới thiệu thông báo nhận vào trường MIT và những giấy tờ giới thiệu về MIT.- Ảnh: Nguyên Lê/Trẻ

Học là niềm đam mê

Còn một học kỳ nữa mới kết thúc năm học cuối cùng ở cấp trung học nhưng Shayla Nguyễn, học sinh trường Mountain View High School đã nhận được giấy báo nhận vào học ở trường MIT (Massachusetts Institute of Technology)- trường công nghệ nổi tiếng thế giới mà không phải học sinh giỏi nào cũng có thể kiếm được một chỗ ngồi trong giảng đường của trường này. Shayla Nguyễn hào hứng kể rằng không chỉ có thư thông báo nhận vào trường, MIT còn tài trợ chi phí mời em đi thăm trường trong 4 ngày, từ 16 – 19 tháng Tư. Tuy nhiên, Shayla vẫn chưa quyết định có nên vào MIT học hay không, bởi em còn chờ kết quả từ một trường danh tiếng khác: Stanford.

Anh Andy Nguyễn, ba của Shayla Nguyễn kể: “Cháu tự học từ nhỏ, ba mẹ chẳng phải nhắc nhở gì. Cháu ham học hơn bất cứ thứ gì. Nhiều khi cháu bệnh vẫn nằng nặc đòi đi, không chịu bỏ học buổi nào”.

Shayla nói: “Cháu luôn thích học. Nó trở thành niềm đam mê lúc nào thì cháu không biết”. Theo Shayla, ba mẹ chính là động lực cho nỗ lực học của em. “Ba mẹ từ Việt Nam sang Mỹ, cuộc sống không hề dễ dàng nên em cần học giỏi để ba mẹ hài lòng”.

Shayla Nguyễn cùng ba mẹ và hai anh trai.-Ảnh: nhân vật cung cấp.

Cũng như Shayla, Hà Lê Quỳnh Như, Á khoa Trường trung học Meadowcreek năm học 2019 có niềm đam mê học tập và học giỏi từ nhỏ. “Đầu tiên, con nghĩ là học cho ba mẹ vui nhưng rồi con thấy ham thích học chứ không gò bó. Đôi khi cũng mệt mỏi nhưng con quen từ nhỏ rồi. Con không thích cạnh tranh, ganh đua với bạn bè nhưng khi các bạn chung quanh hỏi han chuyện học, thì tạo động lực cho mình cố gắng học nhiều hơn…”. Quỳnh Như chủ động trong việc sắp xếp thời gian cho mình. Em cố gắng làm bài tập ngay trên lớp để khi về nhà có thời gian chăm sóc em trai cho ba mẹ đi làm. Quỳnh Như cho biết sẽ phải nỗ lực rất hiều khi chọn môn học Neuroscience ở Trường Georgia Institute of Technology.

Quỳnh Như trong một lần tham gia công việc xã hội.-Ảnh: nhân vật cung cấp.

Anh Hà Thanh Hoàng, ba của Quỳnh Như cho biết: “Gia đình rất hài lòng về cháu, cả chuyện học lẫn việc nhà. Thấy ba mẹ vất vả, ngoài giờ học, cháu không nề hà việc chăm sóc em. Có thể nói người ảnh hưởng đến con trai tôi là cháu chứ không phải ba mẹ. Cháu rất nghe lời chị”.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Không khác với hai bạn nữ, kinh nghiệm của Mark Minh Trần, Thủ khoa trường Trung học Dacula là sự chăm chỉ, nếu chỉ dựa vào trí thông minh thôi thì chưa đủ. “80% là ở sự nỗ lực của chính mình”, Minh giải thích.

Quỳnh Như và gia đình tại lễ tốt nghiệp.- Ảnh: Tú Hồ/Trẻ

Ba mẹ ở bên, con dễ thành công

Thông minh và chăm học là hai điều kiện giúp các em dễ dàng gặt hái kết quả tốt nhưng để đi đến thành công không thể thiếu sự quan tâm và đồng hành của ba mẹ. Cả Mark Minh Trần, Thủ khoa trường Trung học Dacula, lẫn Victoria Huỳnh, Á khoa Trường trung học Greater Atlanta Christian, đều thừa nhận nếu thiếu sự dẫn dắt, nhắc nhở của ba, sự chăm sóc của mẹ, các em sẽ khó mà thành công.

Mark cùng ba mẹ chia sẻ về kinh nghiệm học hành với Báo Trẻ.- Ảnh: Nguyên Lê/Trẻ

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con, anh Trần Lạc Long Tiên, ba của Mark Minh Trần nói: “ Trẻ con nào cũng muốn mình là trẻ con. Hãy để như vậy. Nhưng mình phải xây dựng nền tảng cho con ngay từ nhỏ để hướng con đến sự tự lập. Tìm cách giúp con bận rộn với những hoạt động hữu ích thì chúng sẽ không sa đà vào những chuyện sai trái. Trên hết, tôi luôn ưu tiên thời gian của mình cho con, đồng hành với con trong mọi chuyện có thể được để giúp con và để hiểu con”.

Ngày đầu đến kí túc xá Stanford của Mark.- Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Luật” của gia đình anh Tiên là sau khi xong bài tập, các con phải đọc thêm những chủ đề khác để mở rộng kiến thức thay vì dán mắt vào tivi… Cuối tuần, anh để các con thoải mái giải trí với tivi hoặc chơi game nhưng anh vẫn khuyến khích cho con tham gia các hoạt động ngoài trời hơn. Minh rút ra cho mình một kinh nghiệm: “Chúng ta không thể tạo ra thời gian, vì thế phải biết mình muốn gì và dành ưu tiên thời gian cho nó…”. Có lẽ, nhờ vậy mà cả hai con trai của anh Trần Lạc Long Tiên và chị Trần Mai Thảo đều vào được trường đại học nổi tiếng: Quân vào Duke, còn Minh vào Stanford.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Bố mẹ Victoria Huynh, nha sĩ Vinh Huỳnh và tiến sĩ dược Diễm Phương Huỳnh, dạy con bằng một triết lý: “Học hành là điều quan trọng nhất bởi không ai có thể lấy đi kiến thức của bạn”. “Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở con rằng người ta có thể lấy hết tiền tài, của cải của con nhưng không thể lấy đi sự hiểu biết của con. Chúng tôi luôn dạy con ngay từ nhỏ rằng đã làm điều gì phải làm cho đến nơi đến chốn. Học phải hết khả năng của mình. Chúng tôi không bao giờ bắt buộc các con phải học giỏi nhưng luôn theo dõi và biết các cháu thích cuộc sống như thế nào, néu muốn như thế thì phải học thật giỏi…”

Gia đình Victoria lì xì đón Tết.- Ảnh: gia đình cung cấp.

Một trong những điều giúp các em học sinh thành công trong việc học chính là môi trường gia đình. Vợ chồng bác sĩ Vinh luôn ý thức ba mẹ phải làm gương, cũng như cho các con thấy gương tốt của mọi người chung quanh. “Khi các cháu nhìn thấy những người bạn và gia đình chung quanh đều xem trọng về sự học hành thì các cháu sẽ tự cố gắng… Vợ chồng tôi luôn dành thời gian với các con và luôn nhắc nhở rằng con phải biết tự vươn lên, nếu không, sau này có thể sẽ không có một cuộc sống như mình mơ ước.”

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Đồng hành cùng con là điều cốt lõi mà nhiều gia đình chưa nhận ra. Chị Hiền Kamau, Vietnamese Parent Outreach Specialist của International Newcomer Center thuộc quận Gwinnett, Georgia, người có kinh nghiệm hàng chục năm làm công việc tư vấn cho các gia đình Việt có con cái gặp khó khăn trong chuyện học chia sẻ: “Thật đáng tiếc khi chứng kiến nhiều em học rất giỏi nhưng lại rơi vào trầm cảm, bị khủng hoảng tinh thần, thậm chí tìm đến cái chết… Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do ba mẹ thiếu sự quan tâm, thiếu sự hiểu biết về sức khỏe tinh thần của con cái… Nhiều người nói rằng qua đây vì tương lai của các con nhưng lại lao vào kiếm tiền. Đừng quên mục đích chính của mình. Tôi nhận ra một điều chung từ nhiều gia đình là ba mẹ nào quan tâm thì con cái thành công.”