Đầu những năm 90, khách du lịch đến Đà Lạt hầu hết đều bằng máy bay, xe khách. Đến nơi, phương tiện nhanh, gọn đưa đi thăm viếng đó đây chỉ có xe ôm là phổ biến. Những người chạy xe ôm thuở ấy nay hầu hết đã lùi dần vào dĩ vãng.

Một mình, một bóng chờ ai kêu một tiếng!     

Xe ôm thời hoàng kim

Năm 1995, tôi từ Ðà Nẵng lên Ðà Lạt. Phương tiện đi lại phổ biến và giá bình dân chỉ có xe ôm. Lúc bấy giờ, người chạy xe ôm  phần lớn dùng xe Simson, xe Honda 67,  vì 2 loại này phù hợp với lên đồi xuống dốc của Ðà Lạt hơn… Xe ôm không chỉ chở người mà bao luôn chở hàng. Hàng là rau, củ, quả từ các nhà vườn đưa ra chợ. Do ở Ðà Lạt không có xích lô nên xe ôm “bao trọn gói”, độc quyền chở hàng…cồng kềnh. Tôi có lần đi xe ôm kèm với hai giỏ sắt rau, củ treo hai bên yên xe. Hôm ấy tôi rời khách sạn Công đoàn ở số 1, đường Yersin, ra đứng đợi xe. Ðang ngó tới, quay lui bỗng lù lù xuất hiện trước mặt là một anh đội mũ vải, chạy xe ôm. “Anh đi đâu tôi chở luôn. Giá hữu nghị thôi”, anh ta nheo mắt. “Xe chở rau quả mà chở người chi?”, tôi vặn. “Tranh thủ cuốc buổi sáng mở hàng mà!”, anh ta cười khoe hàm răng ám khói thuốc. “Tôi về 27 Lê Hồng Phong, chỗ quán Tuấn Mập đó, bao nhiêu?”. “Anh cho bao nhiêu cũng được!”. Thường là 20 nghìn, tôi trả đủ, anh ta thối lại 10 nghìn gọi là hữu nghị! Lúc ấy đâu có điện thoại di động mà xin số để còn làm quen, để còn đi xe ôm “hai trong một”, kèm với rau, củ, quả, giá hữu nghị!

Một bác xe ôm truyền thống… “cải trang” xe ôm Grab đợi đón khách vãng lai

Ông N.T (sáu mươi sáu tuổi) ở phường 4, thành phố Ðà Lạt, kể: “Tôi từ Ðại Lộc, Quảng Nam lên đây năm 1990. Có chiếc xe Honda dame mang theo. Nhờ nó làm… cái cần câu cơm mà kiếm sống, nuôi con ăn học thành tài. Sáng sớm tôi chở hoa với rau củ ra chợ Ðà Lạt cho nhà vườn ở phường 2. Khoảng 9 giờ là dành thời gian cho việc chở khách. Khách từ Sài Gòn với miền Tây lên nghỉ mát khá đông. Nhất là mùa hè, có khi “kẹp ba” (chở một lần hai khách-NV), tôi lao vun vút đến hồ Than Thở, khi thì Thung lũng Tình yêu… Thu nhập cũng khá…”. Ông có hai đứa con, con trai đầu là kỹ sư xây dựng, con gái kế là bác sĩ Nha khoa. Vợ ông làm vườn. Hiện nay ông thỉnh thoảng mới chạy chở khách gọi là cho đỡ nhớ chứ thu nhập dạo này rất hẻo. Nếu chỉ trông chờ có mỗi việc chạy xe ôm như hiện nay là không ổn.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Nhiều người miền Trung lên Ðà Lạt lập nghiệp, bắt đầu hành trình có cuộc sống no đủ cũng khởi đầu từ chạy xe ôm. Chạy xe ôm nuôi con ăn học thành tài như ông T. ở Ðà Lạt không hiếm. Sáng nọ, trước Vườn hoa thành phố, tôi gặp một ông (tuổi khoảng sáu mươi) đang ngồi trên xe Honda… lướt điện thoại. Tôi gạ chuyện hỏi thăm về dịch vụ xe ôm. Như gãi đúng chỗ ngứa, ông ta bộc bạch nỗi niềm bằng giọng đặc sệt Huế: “Sau dịch COVID-19, xe ôm như kiệt quệ, nhất là xe ôm truyền thống. Tôi từng chạy xe ôm gần 30 năm. Vừa mới chở cháu tới trường là ghé đây…chờ đón khách. Chạy xe dạo này như đi câu. Bữa có bữa không…”. Chưa nói hết ông đã nổ máy xe. Bên kia đường có người ngoắc.

Bến xe ôm truyền thống trước Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

Tôi làm quen, bắt chuyện với một người chạy xe ôm đang đợi khách ven hồ Xuân Hương. Người đàn ông tóc đã hai màu. Ông đang ngồi dõi mắt nhìn xa như chờ đợi “Ai kêu tôi đó, có tôi đây!”. Ông tên là P.V K. (bảy mươi tuổi) chạy xe ôm hơn 40 năm. Từ xe đạp ôm lên đời… xe mô tô Dream. “Hồi còn ở Quy Nhơn, Bình Ðịnh, tôi đi xe đạp thồ. Năm 1985, cả gia đình lên Ðà Lạt. Vợ làm thợ may. Tôi vẫn đi xe thồ. Lúc ấy, ông anh con bà dì ruột nhượng lại chiếc xe Simson. Loại xe này của Ðông Ðức, chạy rất bốc. Chạy một thời gian tôi thay xe Honda 79. Thay mấy lần xe. Nhờ chạy xe ôm mà cuộc đời tôi thay đổi… Thằng con đầu làm ở công ty du lịch, đứa con gái dạy học ở Ðức Trọng. Ðứa nào cũng có gia đình riêng. Bọn chúng nói tôi ở nhà nghỉ cho khỏe nhưng tôi không chịu. Ngày kiếm vài chục ngàn, một trăm ngàn để cà phê, thuốc lá cũng được. Ngồi không chịu gì nổi”, ông K. thổ lộ.

Một “bác tài” xe ôm công nghệ với một “bác tài” xe ôm truyền thống

Xe ôm thời công nghệ

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tôi hỏi thu nhập hiện nay so với trước thế nào, được dịp ông L.Q.M  (năm mươi tám tuổi) đậu xe chờ khách trước chợ Ðà Lạt…như trút hết tâm sự não nề: “Thu nhập so với trước chỉ bằng một phần ba. Bây giờ nhiều phương tiện chuyên chở, khách người ta cũng kén chọn lắm. Năm, sáu năm trở lại đây xe ôm công nghệ xuất hiện, cánh xe ôm truyền thống chúng tôi rơi vào cảnh xất bất xang bang”. Ngừng một chặp, ông xuống giọng: “Thu nhập sa sút mà bỏ thì tiếc nên cứ ôm nghề. Xe ôm truyền thống chống chi lại xe ôm công nghệ!”. Lời cảm thán của ông L.Q.M.. nặng trĩu nỗi niềm…thua cuộc!

Không chỉ ông M. cay đắng trải lòng mình. Khi có xe ôm công nghệ xuất hiện thì không ít người chạy xe ôm truyền thống đã ngậm ngùi giã biệt nghề đã nuôi sống mình và gia đình, con cái suốt mấy chục năm! Có chăng đôi người còn cầm cự cho vơi nỗi nhớ đường, nhớ cảnh đã từng chở khách đi qua… Dắt xe ra khỏi nhà không còn hăm hở như xưa. Cứ đến một một góc đường nào đó, dựng xe lên xem báo mạng hoặc “đón lõng” hoặc ngơ ngác ngóng chờ có ai gọi mình không. Thậm chí có người cao tuổi còn “cải trang” mặc áo, đội mũ thương hiệu xe công nghệ! Ở góc ngã ba một cái chợ xếp trên đường Bùi Thị Xuân-Thông Thiên Học, tôi bắt chuyện với ông chạy xe ôm tuổi ngoài sáu mươi. Ông ta quê Bắc Ninh vào đây từ năm 1998. Ông đã “thành thật khai báo” khi tôi hỏi có rành công nghệ thông tin…nhận khách trên điện thoại di động không. Ông nói mình xin cái áo khoác đã bạc thếch với cái mũ của thằng cháu đã từ giã xe ôm công nghệ trở lại trường đại học ở Sài Gòn. Mặc vào để dễ đón khách thôi!? Khách của ông ta chắc chỉ mấy người lớn tuổi, dễ tính, không màng xe ôm loại nào, miễn chở giá rẻ thì đi. Sau khi trò chuyện xem ra tin tưởng được, ông ta bắt đầu đọc thơ do mình sáng tác…lúc trẻ ở quê nhà với vài bài viết về quê hương thứ hai-  Ðà Lạt…

Một bác xe ôm công nghệ và một bác xe ôm truyền thống cùng chờ khách.

Những người chạy xe ôm truyền thống không chỉ bị xe ôm công nghệ “hạ gục”… trên sân nhà mà còn bị “chèn ép” bởi các dịch vụ vận chuyển bằng taxi giá rẻ, dịch vụ cho thuê xe máy ở các khách sạn, nhà nghỉ! Cứ giá thuê xe máy số từ 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/ngày; xe tay ga 130 nghìn đến 150 nghìn đồng/ngày, khách tha hồ chọn! Hầu hết là xe mới. Những thắng cảnh nằm ở vùng ven Ðà Lạt dần dần xa với những người chạy xe ôm truyền thống. Họ chỉ quanh quẩn trong thành phố với các chợ, còn gần gũi với các mối chở hàng, chở người sáng ra chợ, chiều đón về; chở ông hay bà hàng xóm mỗi tháng đến bệnh viện nhận thuốc một lần hoặc nhận đưa đón học sinh hằng ngày, nhận tiền hằng tháng…Ða số khách của họ là người lớn tuổi không rành sử dụng các ứng dụng đặt xe…

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Sinh viên nghỉ hè, tốt nghiệp cao đẳng, đại học chưa có việc làm; thanh niên làm công nhân bị giãn việc do công ty thiếu đơn hàng, nhất là từ sau tháng 12/2022…Số này bổ sung lực lượng vào các dịch vụ vận chuyển bằng xe công nghệ giá rẻ. Không chỉ có “bác  tài” nam mà còn có cả “bác tài” nữ nữa. Họ trẻ tuổi, nhanh nhẹn, sử dụng thành thục điện thoại di động, sử dụng bản đồ trực tiếp vệ tinh… Giá tiền cuốc xe hiển thị ngay trên ứng dụng. Khách cứ việc lên xe, đội mũ bảo hiểm còn đến nơi có lái xe lo!

Lẽ ra trẻ tuổi, có trình độ thì kiếm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn hơn là chạy xe ôm chứ? Nhưng biết làm sao, việc làm không phải dễ kiếm. Thôi thì đành phải tự cứu mình! Mấy chú, mấy bác chạy xe ôm truyền thống thôi lui về nghỉ khỏe. Còn muốn ra đường…chạy kiếm tiền cà phê thì cứ tự nhiên. Thị trường vận chuyển khách du lịch để hết đó chúng cháu lo!

“Bác tài” nam và nữ xe ôm công nghệ

Bài và hình: LKD