“Ngôn ngữ là một trong những phương tiện chính để lưu truyền văn hóa. Chúng ta học những bài học đầu tiên về các biểu tượng, niềm tin và giá trị, vốn là những cốt lõi của văn hóa truyền thống, ở đâu? Trước hết là từ gia đình và sau đó ở trường học… “ (*)

Nhưng nếu chỉ nói mà không đọc, viết và hiểu được tiếng Việt thì khó tiếp nhận văn hóa Việt một cách trọn vẹn.

Với hoài bão duy trì văn hóa Việt Nam qua chữ Viết, có những người đã không quản ngại hy sinh công sức để dạy Tiếng Việt cho giới trẻ Việt Nam. Trường Việt Ngữ Văn Lang là một trong số đó. Xin mời quý độc giả theo dõi sinh hoạt của trường qua buổi mạn đàm cùng ông Hiệu trưởng Nguyễn Dziễm.

Khai giảng niên học 2022      

SINH ĐẶNG (SĐ): Chào anh Dziễm, xin anh cho biết trường thành lập năm nào?

NGUYỄN DZIỄM (NDz): Dạ, trường thành lập năm 2000. Do một số anh chị em thiện nguyện tha thiết muốn giữ gìn ngôn ngữ Việt cho giới trẻ. Ban đầu có ít học sinh. Nhưng sau đó số học sinh ngày một gia tăng và mọi người nhận thấy cần phải có nơi làm trường để dạy học. Lúc ấy, anh Ðạt Ðào liên lạc với trường Ðại học Cộng Ðồng Richland College, bây giờ họ đổi tên là Dallas College Richland Campus.

SĐ: Trư?ng V?n Lang c? ph?i tr? chi ph? thu? m??n ph?ng ?c cho tr??ng Richland kh?ng?

ờng Văn Lang có phải trả chi phí thuê mướn phòng ốc cho trường Richland không?

NDz: Có trả, nhưng chỉ tượng trưng thôi, không có bao nhiêu.

Từ trái sang phải Cô Phương, Cô Huyền Lý, Cô Hồng Vy, Cô Kiều Tạ, Cô Cơ Trần,Thầy Dziễm Nguyễn,Thầy Cung Nguyễn,Thầy Trí Vũ,Thầy Long Nguyễn

SĐ: Hiện nay, có bao nhiều cấp lớp trong chương trình của Trường Việt Ngữ Văn Lang?

NDz: Niên khóa 2022-2023, trường có 3 trình độ học sinh từ 6 tuổi trở lên:

– Sơ cấp: Ðọc và viết các câu đơn giản.

– Trung cấp: Ðọc đánh vần và viết các đoạn văn.

– Cao cấp: Ðọc, hiểu và viết được các bài văn.

Cấp lớp chia theo trình độ từ lớp vỡ lòng đến lớp 7. Ðặc biệt có những lớp dạy cho:

– Sinh viên đại học, học sinh từ 14 tuổi trở lên.

– Lớp cấp tốc cho những ai chưa biết tiếng Việt Nam.

Chúng tôi vừa khai giảng niên học 2022-2023 ngày 11 tháng 9 năm 2022 và sẽ bế giảng niên học ngày 11 tháng 6 năm 2023.

Cô Diễm Trần, Cô Quỳnh Giao ,lì xì học sinh Tết VN

SĐ: Thưa anh, trường có dùng sách giáo khoa của Trung tâm Văn Lang ở California không?

Xem thêm:   Về Cà Mau

NDz: Dạ có, chúng tôi dùng các sách giáo khoa căn bản và “up date” khoảng 2009. Về phần dạy căn bản tiếng Việt cũng không thay đổi nhiều.

SĐ: Khi mở trường học, nhất là một hoạt động giáo dục không có lợi nhuận và thù lao, thì việc mời gọi giáo viên có khó khăn không?

NDz: Một số anh chị em cùng chí hướng muốn gìn giữ tiếng Việt cho lớp trẻ, họ sẵn lòng dấn thân trong tinh thần thiện nguyện, vô vị lợi. Có nhiều vị đã là giáo viên trước và sau nầy. Các anh chị đem hết khả năng và nhiệt huyết trong suốt 22 năm kể  từ ngày thành lập. Có người vì hoàn cảnh đã rời bục giảng nhưng lại có người khác đến thay thế. Có cả những học sinh đã từng học ở trường, sau nầy có điều kiện cũng trở lại giúp trong vai trò trợ giáo.

SĐ: Chúng tôi được biết những trung tâm dạy Việt Ngữ lớn ở California, có những khóa huấn nghiệp giáo viên tiếng Việt. Trường có gửi người đến đó trau dồi nghiệp vụ không?

NDz: Những năm đầu thì có, nhưng sau nầy qua những thể nghiệm thực tế thì những anh chị em có kinh nghiệm chia sẻ với nhau, vì phương pháp giảng dạy cũng không có thay đổi nhiều, ngoại trừ mình thống nhất với họ là dùng phương pháp nào về đánh vần A, B,C hay a, bờ, cờ….cho học sinh dễ tiếp nhận thôi.

Cô Dung Angel, Anh Đức Phương PTA, cô Huyền Lý

SĐ: Điều kiện thế nào để được vào dạy ở trường Việt Ngữ Văn Lang? Trường có đặt tiêu chuẩn, tuổi tác hay bằng cấp gì không? Có tổng số bao nhiêu giáo viên thưa anh?

NDz: Cũng có, nhưng không phải là vấn đề khó lắm. Hầu hết, các giáo viên có tuổi trên 30 đến 60 hơn, có kinh nghiệm và có bằng cấp. Trường có khoảng 10 đến 14 lớp, tùy vào năm học, có năm 2, 3 trăm học sinh, có năm trên 100 như tình trạng “covid”  bây giờ. Số giáo viên thường trực có khoảng trên dưới 20.

SĐ: Thành phần học sinh gồm những ai? Có học sinh không phải người Việt Nam theo học không?

NDz: Ða số là các em học sinh Việt Nam, cũng có một số khuôn mặt người nước khác như người da trắng, Mễ, Ấn Ðộ hay da màu… nhưng hình như các em đó đều ở trong gia đình có cha hay mẹ  Việt Nam. Còn người Mỹ, hay nước khác thì hầu như là người trưởng thành, là sinh viên hay đã đi làm có nhu cầu làm việc hay giao tiếp tiếng Việt hoặc sắp lập gia đình với đối tượng người Việt,  họ đến xin học lớp dành cho người lớn.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

SĐ: Theo tôi, tiếng Việt là một lợi thế, nó là ngôn ngữ để giữ mối liên hệ với gia đình, bà con, và nhất là khi về Việt Nam thăm viếng. Ngoài ra, tiếng Việt cũng là một “second language”, rất giá trị khi xin việc làm, nhất là vùng có tiếng Việt. Tôi có biết một cậu Việt Nam rất giỏi, làm việc cho một đại công ty ở Mỹ. Khi họ mở chi nhánh ở Việt Nam, cần một Giám đốc đại diện, với mức lương rất cao. Dĩ nhiên, cậu bé người Việt Nam được chọn đầu tiên. Nhưng khi kiểm tra thì cậu ta hoàn toàn không biết nói tiếng Việt, cậu bị loại ngay sau đó. Là một người nhiều năm làm việc tại Hoa Kỳ,  anh nghĩ sao vấn đề nầy?

NDz: Dù sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, các thế hệ trẻ là người Mỹ nhưng không thể chối bỏ gốc Việt của mình. Ngoài những liên hệ gia đình, các em cần biết tiếng Việt. Cộng đồng người Việt ở Mỹ và Việt Nam vẫn là một đối tác không kém quan trọng trong thương trường quốc nội và quốc tế. Các em có thêm “second language” là tiếng Việt, bao giờ cũng có nhiều cơ hội thành công ở một vài môi trường nào đó. Trường cũng dạy nhiều trình độ đặc biệt, như có các vị Bác sĩ, Luật sư, Tiến sĩ là người Việt Nam sinh ở đây, có nhu cầu biết thêm tiếng Việt, họ cũng đến học. Tôi rất khâm phục tinh thần đó, họ học và  tiến bộ rất nhanh.

Lễ hội Halloween

SĐ: Ngoài tấm lòng của các thầy cô, cha mẹ cũng vất vả khi đưa đón, sắp xếp giờ giấc cho con học tiếng Việt. Anh có tiếp xúc với các bậc cha mẹ này không? Anh nhận thấy quan niệm của họ thế nào để kiên nhẫn cùng con cái trong hành trình này?

NDz: Chúng tôi rất trân trọng tinh thần và sự tận tụy của cha mẹ khi đưa con đến học. Họ mong ước con cái hiểu được những giá trị cao quý trong văn hóa Việt Nam, nhất là tình gia đình. Ðiều mà trường muốn dạy trước hết là đọc, viết, hiểu tiếng Việt, thứ đến là Văn hóa. Vì ngôn ngữ là  chiếc cầu để bước vào tìm hiểu về văn hóa. Có hiểu thì mới sống tốt trong văn hóa gia đình Việt Nam và giá trị về nền giáo dục đạo lý. Như chúng ta đã biết, hầu hết con em trong gia đình người Mỹ gốc Việt đều có tỷ lệ con cái học giỏi hơn người bản xứ và gia đình của chúng cũng thành công hơn.

SĐ: Ngoài chương trình học tiếng Việt, trường có những sinh hoạt nào khác cho các em không?

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

NDz: Dạ có, chúng tôi có tổ chức cho các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi trong các ngày lễ Trung Thu, ngày Tết cổ truyền, thăm viếng người già yếu trong nhà dưỡng lão, cùng các sinh hoạt tập thể gây tinh thần đoàn kết, thân ái của trẻ em gốc Việt với nhau trong những dịp lễ của Hoa Kỳ.

SĐ: Báo Trẻ thường đăng những bài viết của các em học tiếng Việt từ một trường Việt Ngữ ở Georgia. Đây cũng là cách để khuyến khích các em. Sắp tới, nếu Trường Việt Ngữ Văn Lang có ý định đăng bài viết của các em, Trẻ Dallas luôn sẵn lòng (nội dung theo “mùa” Lễ: Lễ Cha, Lễ Mẹ, Lễ Ông Bà, thậm chí Lễ Độc Lập, Memorial day v.v.)

NDz: Xin cảm ơn Báo Trẻ cho cơ hội nầy. Chúng tôi sẽ  khuyến khích các em và mong được hợp tác trong tương lai.

Sinh hoạt Picnic ngoài trời

SĐ: Thật đáng ngưỡng mộ  khi các anh chị đã thành lập và điều hành một trường Việt Ngữ vô vị lợi và hoạt động suốt 22 năm. Động lực nào khiến anh và các anh chị  em giáo viên, thiện nguyện viên đã làm được công việc nầy một cách bền bỉ như thế?

NDz: Cá nhân tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ nhoi. Chính các giáo viên  mới là người hy sinh nhiều thời giờ quý báu. Với tinh thần gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho giới trẻ, các anh chị muốn có một môi trường phục vụ điều họ mong ước.

SĐ: Hoạt động nào cũng cần tài chánh. Trường có nguồn ngân sách từ đâu để trang trải các chi phí cho sách vở, tài liệu, thuê mướn cơ sở? Và có khi nào bị thiếu hụt không?

NDz: Dạ không. Các học sinh có đóng góp học phí tượng trưng là một trăm Mỹ kim cho một năm học. Số tiền nầy thật sự cũng là một động lực giúp các em phải đi học, vì đã đóng tiền. Vào dịp trường tổ chức những buổi liên hoan mừng Tết hay lễ lạt khác, có nhiều em từng là học sinh của trường Văn Lang nay đã ra đời, thành đạt trở về thăm và ủng hộ cho trường.

SĐ: Thay mặt độc giả và đồng hương, chúng tôi xin cảm ơn anh Dziễm, Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Văn Lang đã chia sẻ những hoạt động của trường trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ  với mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc, cũng giúp cho tương lai của giới trẻ người Mỹ gốc Việt có nhiều cơ hội trong tương lai.

NDz: Chúng tôi cám ơn Báo Trẻ đã quan tâm và phổ biến sinh hoạt của trường. Quý đồng hương có nhu cầu xin liên lạc với Trường Văn Lang Dallas .

Cô Cơ Trần và lớp học

(*) Trích bài viết của T.S  Nguyễn Hưng Quốc.

Van Lang Vietnamese School of Dallas

Dallas College

Richland Campus

Wichita Hall,

12800 Abrams Rd Dallas, TX 75243

Liên lạc:

Hiệu trưởng:

Ông Dziễm Nguyễn

469-855-1300

Ông Long Nguyễn:

617-281-4355 

Email: VanLangDallas@gmail.com

www.vanlangdallas.org