Khi tôi còn ở Việt Nam, đọc tin tức thấy nói ở các nước văn minh như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… học sinh học online trên internet, ngồi ở đâu cũng học được, xa mấy cũng học được, không cần chạy tới trường, nghe ham quá chừng.

nguồn: giaoducthoidai.vn  

Quả thật, sau khi học xong đại học luật ở Sài Gòn rồi trở về quê (cách Sài Gòn khoảng 300 cây số), tôi không có cách gì vừa có thể đi làm kiếm tiền vừa học thêm những lớp khác theo sở thích của tôi được. Ở quê làm gì có nhiều lớp học cho tôi lựa chọn, ngay cả học tiếng Anh cũng không có tiền đóng học phí. Tôi tự đóng tiền học tiếng Hoa được hơn một năm phải nghỉ.

Các lớp gọi là “đại học tại chức” do nhà nước Việt cộng mở ra ở các tỉnh chủ yếu để phục vụ nhu cầu lấy bằng đại học cho quan chức hợp pháp hóa cái ghế chức vụ họ đang ngồi mà thôi. Thành ra tỉnh nào cũng có lớp đại học Luật tại chức, từ xa. Chỉ trong vòng 10 năm (sau khi tôi vào làm việc trong cơ quan nhà nước) tôi nhìn thấy cán bộ “tốt nghiệp đại học luật tại chức” nó đông như quân Nguyên, dù cơ quan họ đang làm việc và ngành học của họ chẳng có liên quan gì với nhau. Tòa án, Viện Kiểm sát ở Bạc Liêu không nhận đơn xin việc của sinh viên trường Luật mới tốt nghiệp, nhưng mở rộng cửa nhận hết đám con ông cháu cha chỉ có bằng tốt nghiệp trung học (mà không biết trung học này là học phổ thông hệ 12/12 hay là bổ túc văn hóa, giáo dục thường xuyên nữa). Vô làm vài tháng thì đám con ông cháu cha này nộp hồ sơ xin học đại học Luật tại chức, rồi tàng tàng bốn năm ăn lương nhà nước mà không làm công việc gì lợi ích cho cơ quan hết. Cuối mỗi kỳ thi lại mua đề, bán điểm rộ lên. Cho nên, những giáo viên đại học được trường chánh phân về tỉnh dạy tại chức là mừng quýnh quáng, coi như mỗi chuyến đi vài tháng trở về hốt khẳm tiền luôn.

Nguồn: nguoiduatin.com

Nhân đây, tôi giải thích thêm cho quý độc giả ở hải ngoại hiểu cái gọi là “giáo dục thường xuyên” của nhà nước Việt cộng. Ngay cả tôi ban đầu cũng không hiểu thì quý vị độc giả xa quê mấy chục năm làm sao hiểu nổi chữ nghĩa trời ơi đất hỡi do nhà nước Việt cộng sáng (cmn) tạo ra. Lâu nay, chúng ta quan niệm học là việc phải làm cả đời, trường thì cũng phải dạy học trò liên tục ngày này qua ngày khác, không lẽ dạy vài ba bữa rồi nghỉ, nên giáo dục đương nhiên là phải thường xuyên rồi, cần gì phải có hai chữ “thường xuyên” vô, đâm ra thừa thãi. Tên đầy đủ của nó là “Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên”. Tôi tìm hiểu thì biết bất cứ ai không có khả năng học ở trường trung học phổ thông hệ 12/12, không học được ở trường bổ túc văn hóa luôn, không có cách gì tốt nghiệp trung học ở hai nơi này được (học quá tệ)  thì nộp hồ sơ xin vô “Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên”. Nói “giáo dục thường xuyên” nhưng tôi thấy lão cán bộ (đồng nghiệp của tôi) chẳng mấy khi đi học, mà tới ngày thi tốt nghiệp lão mới “chạy đề thi” và chớp nhoáng có bằng tốt nghiệp trung học hệ “Giáo Dục Thường Xuyên” (giá trị tương đương hệ 12/12). Sau đó lão nộp hồ sơ xin học đại học Luật tại chức, rồi lấy bằng cử nhân Luật khỏe re (cũng mua đề), nhưng thật sự lão mà có kiến thức về luật thì tôi chết liền.

Xem thêm:   VBI Global cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Thật tình, nếu không có đại dịch Covid-19 thì tôi không được “thưởng thức” mùi vị học online qua internet như thế nào. Ban đầu tôi cũng hí hửng lắm, vì rõ ràng ngồi nhà học online có quá nhiều điều lợi. Nếu đi học ở trường, tôi phải ra khỏi nhà trước giờ học một giờ đồng hồ để không bị kẹt xe trên đường và để … giành chỗ đậu xe gần hơn, có bóng cây mát hơn. Học online không phải mất thời gian di chuyển, đỡ tốn tiền đổ xăng, được ngủ nướng thêm một chút. Bạn có quyền ăn mặc lôi thôi lếch thếch, bưng tô cơm, bưng ly cà phê khi lên lớp vừa ăn, uống vừa nghe, vì chẳng ai nhìn thấy bạn nếu bạn chỉ “join audio” và “muted”. Nhưng bạn lại nhìn thấy tất cả người khác trong phòng Zoom. Bạn chỉ cần mặc một cái áo không sexy là đủ tiêu chuẩn để vào “lớp học”, còn bạn mặc quần gì cũng được. Bạn có thể ngồi học bất cứ chỗ nào trong nhà, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, restroom, ngoài sân vườn, trên xe… bằng đủ loại phương tiện như: computer để bàn, laptop, iPad, smartphone… Có bạn nữ lúc nào cũng để cho trong phòng học nhìn thấy cô ấy từ lỗ mũi trở lên mà thôi. Có lần tôi nhìn thấy một bạn nam online trong khi vẫn còn nằm trên giường, nhưng anh ta đã nhanh chóng thoát khỏi phần video. Một bạn nam khác lại còn luôn đeo mặt nạ (kiểu người dơi) mỗi khi “xuất hiện trước công chúng”. Ông thầy khi dạy chủ yếu cho học sinh coi grammar video của ổng làm sẵn từ đời tám hoánh nào trên YouTube.

Xem thêm:   Cá heo

Ôi thôi, học được một mùa thì tôi bắt đầu ngộ ra những điều bất tiện của online Zoom và thấy rằng không có gì tốt hơn tới trường học trực tiếp với giáo viên. Từ chỗ hí hửng tôi chuyển qua tâm trạng hờ hững và chán, chỉ mong cho tới ngày trường được mở cửa nhận học sinh trở lại.

nguồn: studiesinaustralia.com

Nếu tôi tới trường ngồi trên lớp ba tiếng mỗi ngày (chưa tính thời gian đi sớm có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn cùng lớp, cùng trường) thì học online thời gian nhiều nhất là một tiếng rưỡi mỗi ngày, muốn hỏi thêm, nói thêm gì cũng không được. Học trực tiếp, học sinh có thể đặt câu hỏi với giáo viên, họ tận tình giải thích cho tới khi nào bạn “thông não” mới thôi, không giới hạn thời gian, không giới hạn người hỏi. Khi học online, âm thanh và hình ảnh phụ thuộc vào thiết bị và đường truyền internet tại gia của người dùng. Nên mùa trước “phòng học” của lớp tôi thường xuyên âm thanh bị khò khè, khẹt khẹt vì wifi và máy móc nhà ông thầy không tốt. Học sinh thì có người chường nguyên “bản mặt” lên sóng, có người chỉ đưa ra cái hình đứng im, có nhiều người chỉ cho thấy tên của họ chớ không hình ảnh gì luôn. Thậm chí có người còn không tạo account có tên, Zoom hiện lên tên thiết bị (iPhone, iPad, Samsung, số điện thoại…) nên không biết gọi họ như thế nào. Giáo viên gọi đùa là “Lady iPad”, “Mr. Samsung”…

Xem thêm:   Cắt tóc vỉa hè

Những bạn không có một thiết bị tốt để online thì hình ảnh nhìn thấy mờ nhạt, méo mó, mặt nào mặt nấy nhìn như mặt ma. Tôi thấy các bạn khác như vậy, không hiểu khi họ nhìn hình ảnh của tôi hiện ra trên Zoom, họ có nghĩ tôi cũng giống “mặt ma” hay không thì tôi không biết, bởi vì laptop tôi đang dùng đã bắt đầu bước vào thời kỳ “cổ đại” so với các laptop hiện nay rồi. Tôi không thích học online Zoom ở chỗ có quá nhiều người chọn “without video”, tên họ gắn với một ô chữ nhật màu đen, tôi có cảm giác đang nói chuyện với bốn bức tường trong phòng giam tối đen.

Anh bạn trên Facebook của tôi (tiểu bang khác) cũng khuyên tôi cố gắng vượt qua thời gian này, học được bao nhiêu thì học, không được cũng không sao, chờ đợi đến khi tới trường học lại. Ổng nói thằng con trai ổng đang học lấy bằng kỹ sư cơ khí, mà thằng bé cũng than trời như bộng, nó nói học online rất khó tiếp nhận kiến thức, muốn hỏi thêm cái gì cũng không được. Nó là đứa được sanh ra ở Mỹ, nói tiếng Mỹ từ khi học mẫu giáo mà còn cảm thấy khó học online, trình độ tiếng Anh amateur của tôi thì làm sao nghe “thủng lỗ tai” được. Than ôi! Lại phải tiếp tục “núp lùm” chờ qua cơn đại nạn này!

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)

Chú thích:

Cmn: Con mẹ nó, tiếng lóng trên Facebook