Toà Thượng Thẩm Đài Loan phán quyết 13 công ty là cổ đông của công ty formosa gang thép Hà Tĩnh phải đền bù cho nạn nhân và làm sạch môi trường nhưng luật sư của gần 8,000 nạn nhân nộp đơn kháng án lên Tối Cao Pháp Viện khiếu nại phán quyết chưa thoả đáng.

Người dân Hà Nội biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam hôm 1/5/2016

Hôm 9/4 vừa qua, Tòa Thượng Thẩm (High Court) ở Ðài Loan đã ra phán quyết rằng hành vi xả thải trái phép của Formosa Hà Tĩnh là xâm phạm đến sức khỏe và quyền sống của người dân địa phương.

Phán quyết nêu tên của 13 công ty bị đơn sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân. Các bị đơn sẽ phải ngay lập tức ngừng các hoạt động gây ô nhiễm, áp dụng các biện pháp cần thiết để loại bỏ ô nhiễm và áp dụng các biện pháp sửa chữa và cải thiện môi trường. Bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch của Hội Công Lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV), cho biết đây là tin vui, nhưng con đường vẫn còn dài, tuy nhiên bà xác định rằng Hội JFFV cam kết sẽ đồng hành cho đến khi nào đòi được công lý.

Theo bà Nancy Bùi, dù phán quyết mới nhất của Toà Thượng Thẩm có lợi cho các nạn nhân, do bản án này chưa giải quyết thoả đáng yêu cầu Formosa phải giải quyết nạn ô nhiễm môi trường. Nên, Hội JFFV tiếp tục kháng án vào ngày 19/4 vừa qua:

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

“Nhìn chung, đây là một thắng lợi cho 7,875 nguyên đơn vì tòa án Ðài Loan đã công nhận quyền tố tụng của các nạn nhân của thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tại Ðài Loan. Tuy nhiên, chưa thỏa đáng vì tổng số 18 công ty và 4 Tổng Giám đốc tức là 24 bị đơn, tòa mới chỉ phán quyết, còn 11 bị đơn khác thì không.

Một vấn đề khác nữa là những phán quyết của tòa về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân và cải tạo môi trường chưa rõ ràng và thỏa đáng. Do đó, các Luật sư sẽ kháng án.”

Xin được tóm lược diễn biến:

Tháng 4 năm 2016, công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một công ty con của tập đoàn Nhựa Formosa ở Ðài Loan đã gây ra thảm họa môi trường cho 4 tỉnh miền Trung Việt Nam là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Hàng trăm người ở tỉnh Nghệ An, đã nhiều lần đến Tòa án Vũng Áng, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty này do không được nhận đền bù thỏa đáng nhưng bị chính quyền ngăn chặn và bị công an, côn đồ đánh đập.

Người Việt ở Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam ở Đài Bắc hôm 16/6/2017. AFP


Khó khăn nhất của vụ kiện vẫn là thiếu sự cộng tác của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tại các quốc gia khác, khi Formosa vi phạm luật môi trường thì nhà nước giúp đỡ, tạo mọi điều kiện giúp người dân trong vấn đề điều tra, tìm hiểu nguyên nhân và trừng phạt người gây ra tai họa bằng luật hình sự hoặc phạt hành chánh.  – Bà Nancy Bùi

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Vào tháng 6/2019, Hội JFFV thay mặt cho 7,875 nạn nhân tại Việt Nam nộp đơn kiện Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh lên Tòa án Ðài Bắc, Ðài Loan.

Vào tháng 3/2020, Tòa Thượng Thẩm Ðài Loan ra phán quyết bác bỏ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam, và đề nghị chuyển vụ kiện về Việt Nam. Hội JFFV kháng án.

Ngày 18/11/2020, Tối Cao Pháp Viện Ðài Loan ra một bản án dài 3 trang, huỷ bỏ bản án liên quan đến vụ kiện công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam của Tòa Thượng Thẩm và yêu cầu cấp tòa này phải đưa ra phán quyết mới.

Ngày 6/4/2021 đúng 5 năm kể từ khi xảy ra thảm họa này. Bà Nancy cho biết hội JFFV đã hoạt động trên 4 năm. Hơn 2 năm đầu hội hoạt động âm thầm để điều tra tới ngọn nguồn rồi lập hồ sơ. Vụ án được chính thức đưa ra tòa gần 2 năm nay.

Trong khi Nhà nước Việt Nam thì đứng về phía công ty là thủ phạm, gây lao đao khốn khổ cho người dân, bắt bớ, bỏ tù cho bất cứ ai dám đứng lên đòi công lý. Họ ngăn cản, săn đuổi, dùng độc kế để ngăn chặn bằng mọi cách.

Một em bé bên xác một con cá chết dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016. AFP

May mắn Hội đã tập hợp người Việt tự do của hơn 10 quốc gia trên thế giới, chung tay giúp đỡ. Hội Công Lý cho Nạn Nhân Formosa được lập nên để giúp các nạn nhân cho đến khi tìm được công lý.”

Xem thêm:   Dubai

Tháng 12/2020, báo chí Nhà nước đưa tin Tổng cục Môi trường Việt Nam ra quyết định ngừng giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh, sau khi kết quả kiểm định tính đến trung tuần tháng 12/2020 cho thấy tất cả 53/53 lỗi vi phạm của công ty này đã được sửa chữa. Tuy nhiên, các kết quả kiểm định như thế nào, vẫn không công bố minh bạch với công chúng.

Một người dân sống ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi đầu tiên phát hiện ra hiện tượng cá chết hàng loạt hồi năm 2016 trả lời phỏng vấn RFA cho biết, hằng ngày, Formosa vẫn xả khói bụi, xỉ than ra bên ngoài.

“Bây giờ, chúng tôi vẫn không biết những loại hải sản mà chúng tôi đánh bắt được có bị nhiễm độc hay không. Không ai có thể khẳng định nước biển đã an toàn hay chưa. Nhưng mà theo tôi thấy số người bị bệnh ung thư đáng báo động trên toàn thị xã.”

Theo Bà Nancy Bùi, hậu quả mà thảm hoạ Formosa để lại không chỉ là biển nhiễm độc, cá chết, người dân mất việc, mà nó còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác. Chính vì vậy mà người đại diện của JFFV, bà Nancy Bùi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền để nói lên tiếng nói cho các nạn nhân, và họ, các nạn nhân, phải sang tận Ðài Loan để tìm công lý. Vì dưới chế độ CSVN, họ không thể tìm được công lý ngay trên quê hương mình.

NB