Trước đây chỉ nghe tên Hòa Lan qua “Cơn lốc màu da cam” nổi lên tại WORLD CUP 1974, các giải bóng đá WORLD CUP, EURO và các danh thủ Johan Cruyff, Ruud Gullit, riêng Marco van Basten, ba lần giành danh hiệu Quả bóng Vàng (năm 1988, 1989,1992), một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của túc cầu thế giới… Tháng 7/2022 tôi được đặt chân đến Hoà Lan, xứ sở của “vùng đất thấp”

Làng Giethoorn

Từ Berlin, nhóm chúng tôi vượt hơn 600 cây số đến làng đẹp như tranh vẽ Giethoorn thuộc tỉnh Overifssel, Hoà Lan. Làng có khoảng 2,600 cư dân sinh sống. Có những căn nhà trên 200 năm tuổi. Ðặc biệt, mái lợp bằng rơm được cắt tỉa cẩn thận, phẳng lì. Người ta dùng nhiều mỹ từ để ngợi ca vẻ đẹp của ngôi làng, nào là “Ngôi làng cổ tích”, “Ngôi làng đẹp như tranh vẽ”, “Venice của Bắc Âu”…Nơi đây mỗi năm đón hơn 80 vạn du khách!

Ngôi làng được bao quanh bởi những con kênh đào chia thành nhiều ngả (dài 7 cây số), gần 180 cây cầu gỗ bắc ngang qua. Ở đây yên tĩnh bởi không có âm thanh của động cơ xe máy, xe hơi mà chỉ có đi bộ, đi bằng thuyền chèo, thuyền điện, thuyền máy. Chúng tôi dành một ngày dạo bộ dọc các con đường trong làng và một ngày du ngoạn bằng thuyền. Ðể sở hữu những bức ảnh đẹp, không gian chỉ có mỗi mình không phải “dính” ai trong khung hình thì nên đi dạo sớm! Trung tuần tháng 7/2022, thời điểm này khá đông khách du lịch. Khách sạn bốn gia đình chúng tôi nghỉ lại ở đầu đường ngôi làng rất đông khách Châu Âu và Nam Á.

Ngôi nhà soi bóng xuống dòng kênh buổi sáng

Sau khi ăn sáng xong, không uống  cà phê, là tỏa nhau đi dạo. Và điểm hẹn là một quán giải khát gần cuối làng. Nước kênh không trong. Vùng này vốn là một đầm lầy than bùn. Nhưng được cái mặt kênh phẳng lặng, êm ả vào sáng sớm. Những ngôi nhà màu sắc sặc sỡ, độc lạ, in bóng xuống dòng kênh như soi gương. Trước mỗi ngôi nhà đều trồng rất nhiều loại hoa, trang trí nhiều tiểu cảnh bắt mắt. Hễ đã nhìn là dường như phải đi chậm lại, thu hết cảnh sắc vào tầm mắt. Không nhà nào giống nhà nào là đặc điểm ở làng. Chỉ có giống nhau là rất xanh, đẹp và sạch. Rất ít khi thấy chủ ngôi nhà xuất hiện. Khung cảnh quá thanh bình. Sau chín giờ sáng thấy lác đác thuyền điện, thuyền máy của du khách rẽ sóng lướt êm ru. Lâu lâu mới thấy vài chú vịt bơi hoặc lên bờ, dạo quanh các thảm cỏ tìm thức ăn. Cứ đi một chặp là dừng một chặp để chụp ảnh, kể cả đi bộ hoặc đi thuyền. Không thể bỏ qua cơ hội một lần đến và khó có lần trở lại. Thế nên một ngày đi bộ, một ngày đi thuyền với chúng tôi là quá ít! Ai cũng có cho riêng mình một sưu tập ảnh về làng Giethoorn.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Chúng tôi rời Giethoorn. Chỉ còn hơn 140 cây số là đến thủ đô Amsterdam.

Du khách đi thuyền trên dòng kênh làng Giethoorn

Nhiều điểm đến du lịch

Sau khi nhận phòng ở Khách sạn Eden Hotel Amsterdam, chúng tôi đến các địa điểm du lịch như Làng Zaanse Schans, ngoại ô Amsterdam, có nhiều cối xay gió; Nông trại chế biến phô – mát, Xưởng làm guốc gỗ…là những biểu tượng nổi tiếng của Hòa Lan. Khách du lịch từ nhiều nơi kéo đến nườm nượp. Khách đi riêng, theo nhóm, theo đoàn đủ cả. Mấy bãi gửi xe sớm được lấp đầy. Tìm chỗ đỗ xe cũng khó. Trên đường dẫn vào Làng Zaanse Schans qua xưởng guốc gỗ. Thôi thì guốc gỗ đủ màu sắc, hoa văn, họa tiết, kích cỡ…cả một bảo tàng! Từ guốc mang cho một người đến guốc cả hai người, cả nhóm “mang” vào mà chụp ảnh! Nghe kể, trước kia để tạo từ một thanh gỗ đến khi thành hình guốc gỗ qua bàn tay những người thợ thủ công phải mất khoảng một tháng mới xong một chiếc! Sang thế kỷ XX, nhờ máy móc hiện đại nên một chiếc guốc ra đời chỉ sau 2 phút!

Chạy xe trên đường lấn biển

Cối xay gió trước kia làm bằng đá, sau này bằng gỗ. Mỗi cái cối xay gió có bốn cánh quạt dài hàng chục mét truyền lực của gió lên bánh guồng lớn để đổ nước ra sông, đẩy lùi ngập lụt. Ngoài việc dẫn nước tưới, cối xay gió còn được tận dụng vào việc xay bột, phát điện…Chúng tôi đến sát chân cối xay gió để cảm nhận được công dụng của nó bằng sự thông minh, sáng tạo của con người…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Vào khu vực chế biến phô-mát, từ lúc ban đầu là sữa bò nguyên chất qua nhiều giai đoạn để trở thành miếng phô-mát đưa ra thị trường. Du khách sẽ bị cuốn hút với những khoanh phô-mát bé xíu đến những tảng phô- mát khổng lồ nhưng rất an toàn thực phẩm…. Và ra khỏi nơi này không mấy du khách đi tay không! Mới thấy người ta tiêu thụ những sản phẩm du lịch hiệu quả thế nào!

Cối xay gió ở Hoà Lan

Nhiều sự độc, lạ không giống ai!

Hòa Lan hợp pháp hóa sử dụng cần sa, mại dâm và hôn nhân đồng tính; đó là những đặc điểm gây tò mò cho du khách khi đến Amsterdam. Khi vào khu vực “phố đèn đỏ” chúng tôi đi ngang qua các quán giải khát, cà phê. Những hàng quán này có bán thuốc cỏ, cần sa công khai và rất đông khách…mơ màng trong làn khói mỏng. Người ta cười nói ồn ã và rất tự nhiên thưởng thức… cần sa. “Phố đèn đỏ” De Wallen, nơi có các cô gái đứng phía trong…khoe hàng, mời mọc khách. Phía ngoài luôn có đèn tròn treo trên cao hoặc đèn tuýp gắn cạnh cửa sổ bật sáng báo hiệu… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách làng chơi. Trong một đêm giữa tháng 7/2022, tôi đi tới đi lui khu vực này định chụp vài tấm ảnh các cô đang sexy tạo dáng nhưng chụp lén, vội vội vàng vàng nên hình không rõ, đành chào thua! Nghe đâu các cô gái đứng mời chào như thế phải trả tiền cho nhà thổ hơn 150 euro/12 tiếng; Có khoảng gần 1,000 người hành nghề mại dâm tại đây và đến 70% các cô gái ở đây đã có chồng hoặc người yêu. Một năm có khoảng 200 nghìn khách làng chơi đến đây… Ðặc biệt còn có tượng đồng tôn vinh nghề mại dâm! Thỉnh thoảng chúng tôi thấy vài ông khách du lịch người Châu Âu hoặc Châu Á hừng hực khí thế, tươi cười đẩy cửa bước vào trong…

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ðược biết địa hình Hòa Lan 50% nằm thấp dưới mực nước biển, 50% diện tích nằm cao hơn 1 mét so với mực nước biển. Ðể chống chọi nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, Hòa Lan đã xây dựng hàng loạt công trình trị thủy…

Từ đây đi đến Hội An (Việt Nam), Bangkoh (Thái Lan), Havana (Cu Ba)…bao nhiêu cây số? Xem đây.

Trở về Berlin, chúng tôi đi trên xa lộ để tận mắt thấy con đê biển hiện đại Afsluitdijk, có 4 làn đường, tổng chiều dài hơn 30 cây số, rộng 90m, độ cao hơn 7m. Và thật sự kinh ngạc trước sự thông minh, quyết đoán của người Hòa Lan trong việc chế ngự thiên nhiên! Hiện có nhiều đoạn đê đang được gia cố để chống lại nguy cơ tiềm ẩn từ biển cả. Công trình trị thủy của Hòa Lan góp phần tích cực phòng, chống tai họa nước biển tràn lấn được Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại!

Vài ba ngày ở thủ đô Hòa Lan chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa…tu líp”. Nhưng đọng lại trong chúng tôi là sự thán phục về sự thông minh, sáng tạo chế ngự thiên nhiên và đi trước thời đại của người Hòa Lan khi cho ra đời những sản phẩm du lịch độc, lạ.

Một đoạn đường trong “Phố đèn đỏ”

LKD